Tam Quốc là thời đại mà đàn ông “độc chiếm” vũ đài chính trị cũng như văn hóa. Trong suốt gần 1 thế kỷ đó, vô số anh hùng trở nên nổi tiếng đã đi vào chính sử cũng như dã sử. Thế nhưng, không phải vì thế mà chiến trường khốc liệt của Tam Quốc lại thiếu đi những bóng hồng. Tứ đại mỹ nhân sau đây đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cục diện thời Tam Quốc. 

1. Điêu Thuyền

Điêu Thuyền là một mỹ nhân xinh đẹp xuất hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Nàng được xem là một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví là ‘bế nguyệt’ (tức là khiến ánh trăng cũng phải thẹn thùng).

g
Vẻ đẹp của nàng khiến trăng cũng phải ẩn mình vì xấu hổ. (Ảnh: Internet)

Một bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của Điêu Thuyền:

“Phải người cung cũ Chiêu Dương?

Xiêm y mây cuốn vương vương cánh hồng

Nhẹ nhàng mình liễu như bông,

Gót hài uyển chuyển trên lòng bàn taỵ

Động đình lạc lối hoa bay,

Lương châu thoăn thoắt sen cài bước chân

Nhà vàng gió cợt cành xuân,

Trăm hoa nhường vẻ thanh tân một người!

Cái tên Điêu Thuyền trở nên lừng lẫy đến vậy là nhờ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Ít ai ngờ rằng, vẻ đẹp khiến “hoa hờn nguyệt thẹn” ấy lại ẩn chứa một nguồn sức mạnh phi thường đủ để làm cho bánh xe lịch sử phải đổi hướng khi khiến liên minh Đổng Trác – Lữ Bố tan rã.

vv
Cặp cha con Đổng Trác – Lữ Bố, từng là nỗi khiếp sợ cho 18 lộ chư hầu và thời Hán mạt. (Ảnh: Internet)

Sinh sống dưới đời Hán Hiến Đế (190 – 220 sau Công Nguyên), Điêu Thuyền cũng như Tây Thi là những người đẹp đại diện cho những hồng nhan bạc mệnh.

v
Vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ấy đã làm chao đảo biết bao trái tim anh hùng…

Trong sử sách có viết Điêu Thuyền là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn và được ông hết sức yêu chiều. Trong thời gian này, Đổng Trác với sự giúp đỡ của Lã Bố đã thâu tóm hết quyền bính, ám hại công thần và ăn chơi sa đọa. Đứng trước tình cảnh này, Vương Doãn và Điêu Thuyền đã bày kế ly gián liên hoàn nhằm lật đổ Đổng Trác.

g
Từ xưa tới nay, anh hùng nào cũng đều khó mà có thể qua ‘ải’ mỹ nữ, dù là chiến Thần như Lã Bố cũng không phải là ngoại lệ!

Ông hứa gả nàng cho con nuôi Đổng Trác là Lã Bố, nhưng sau đó lại hiến nàng cho Đổng Trác. Điêu Thuyền một mặt khóc lóc với Lã Bố là mình bị Đổng Trác cướp đi và cưỡng bức, mặt khác lại nỉ non với Đổng Trác là mình bị Lã Bố sàm sỡ. Hai bố con nghi kỵ nhau, cuối cùng Lã Bố giết Đổng Trác.

Người con gái bé nhỏ đã làm được điều mà cả vạn đấng mày râu vũ dũng bó tay đó là dùng trí thông minh ưu việt, cùng nghệ thuật “đóng kịch bậc thầy” của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến cho Lã Bố phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Đổng Trác để giết, làm náo loạn Phụng Nghi Đình, từ đó mở ra thời đại Tam Quốc phân tranh.

Công lao và sự lợi hại của Điêu Thuyền khiến cho người đời sau không khỏi thán phục. Như Mao Tôn Cương trong Thánh Thán Ngoại Thư có viết: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm giáp khôi, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!

2. Hai nàng Kiều của Đông Ngô

Nếu như vẻ đẹp của Điêu Thuyền đã khiến Đổng Trác phải nuốt hận, thì Đại Kiều và Tiểu Kiều cũng đã trở thành cái cớ khiến Tào Tháo, kiêu hùng bậc nhất của thời Tam Quốc phải nhận lấy thất bại cay đắng tại trận Xích Bích.

b
Nàng Tiểu Kiều, một báu vật của Đông Ngô. (Ảnh: Internet)

Danh tính thật của hai chị em hiện nay vẫn chưa được xác định chính xác, vì vậy người đời sau vẫn phân biệt họ là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì họ là con gái Kiều Công, chủ nhân Kiều gia trang, gần vùng núi quận Cối Kê xứ Giang Đông, khu vực bờ nam sông Dương Tử. Hai người con gái này đều thuộc hàng tuyệt thế giai nhân thời Tam Quốc.

Đại Kiều được mô tả là cô gái nhu mì, đẹp trầm lặng, đôi mắt diễm lệ nhưng đa sầu, tính cách hiền hậu, nhút nhát, sống nội tâm và tình cảm. Nàng thích việc nữ công gia chánh, thêu thùa nấu ăn, chăm sóc hoa lá. Tiểu Kiều thì dung mạo xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ. Hai nàng được xem như báu vật lớn nhất của Kiều gia trang và cả vùng Đông Ngô.

Sau khi chiếm được Uyển Thành, Lư Giang, Tiểu bá vương Tôn Sách cùng bạn là Chu Du đến thăm Kiều gia trang rồi tình cờ chạm mặt hai nàng Kiều. Họ bèn cầu hôn hai tiểu thư họ Kiều. Đại Kiều kết hôn với Tôn Sách và Tiểu Kiều kết hôn với Chu Du.

6ce000895e51989b25c
2 chị em nhà kiều lần lượt kết duyên với 2 đại anh hùng Đông Ngô thời bấy giờ là: Tôn Quyền (Đại Kiều) và Chu Du (Tiểu Kiều). (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai chị em họ Kiều được xem là sự hôn phối giữa “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “mỹ nhân và danh tướng” nhưng đều không kéo dài. Lấy nhau được 3 năm thì Tôn Sách mất, Đại Kiều một mình nuôi con cho tới cuối đời. Phần cô em là Tiểu Kiều thì may mắn hơn chị, được cùng chồng là Chu Du yên hưởng tình yêu tới 12 năm nhưng Chu Du cũng đoản mệnh. Sau khi chồng mất, họ đều trở lại Kiều gia trang để sinh sống. Cả hai chị em họ Kiều đều phải chịu cảnh goá phụ khi còn quá trẻ.

b
2 nàng kiều của Đông Ngô, trở thành goá phụ khi còn quá trẻ, thật đúng là ‘hồng nhan bạc phận’. (Ảnh trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010)

Ngày ấy, Tào Tháo đang chiếm được ưu thế rất lớn trong cuộc chiến với Ngô và Thục. Quân sư nước Thục là Khổng Minh, để thuyết phục được quân thần nước Ngô hợp tác với nước mình,  đã “chế” bài thơ của Tào Thực (con trai Tào Tháo) thành như sau:

…Tìm hai Kiều nam phương về sống,

Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân…

Mặc dù thừa biết Tiểu Kiều là vợ Chu Du, Khổng Minh vẫn vờ nói khích, chọc tức Chu Du, qua đó buộc ông phải liên minh cùng Tây Thục. Nhờ Khổng Minh cầu gió đông, nên Chu Du dùng hỏa công đốt phá mấy chục vạn quân Tào tại trận Xích Bích. Tháo thua to, mộng chiếm đất Giang Nam để đoạt lấy hai nàng Kiều đẹp hoàn toàn tan vỡ. Nhờ “gió Đông của Khổng Minh” mà quân Ngô đại thắng quân Ngụy, Chu Du không bị nỗi nhục mất nước, mất vợ nên về sau thi thánh Đỗ Phủ có 2 câu thơ:

Gió Đông nếu chẳng vì Công Cẩn

Đồng Tước đêm xuân khoá Nhị Kiều

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, câu thứ 156: “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” cũng chính là mượn điển tích này.

3. Chân Mật, mỹ nữ khuynh đảo nhà họ Tào

Người xưa có thơ rằng:

Nam phương hữu Nhị Kiều,

Hồ Bắc Chân Mật tiếu

Ý để so sánh vẻ đẹp của Chân Mật với hai nàng Kiều của nước Đông Ngô.

m
Đây là mỹ nhân của phương Bắc, vẻ đẹp của nàng được ví với 2 nàng Kiều của Đông Ngô. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chân Mật, tên khác là Chân Lạc, nàng còn được gọi là Chân phu nhân, Văn Chiêu hoàng hậu, là vợ đầu của Ngụy Văn đế Tào Phi, hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Ngụy. Sắc đẹp của nàng đã khiến biết bao nam nhân mê mẩn, trong đó có cả ba cha con nhà họ Tào là Tào Tháo – Tào Phi – Tào Thực đều điên đảo vì nàng.

Chuyện kể rằng, quan trấn thủ Trung Sơn là Chân Dật có người vợ Trương Thị nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng. Họ có 5 cô con gái và ba cậu con trai. Trong đó, cô con gái út tên Chân Mật, tỏ ra là người thông minh, nhanh nhẹn nhất, lại ham đọc sách, rất được cha yêu mến.

Có một lần bà Trương đưa Chân Mật đi xem bói, người thầy bói đã chỉ vào Chân Mật mà nói rằng: “Cô bé sau này là người  làm rạng rỡ gia đình, có tướng phú quý, nhưng chính cái họa lại ẩn trong cái phúc này!

v
Trong “Lạc Thần Phú” vẻ đẹp của nàng được Tào Thực (con trai thứ 2 của Tào Tháo) ca ngợi hết lời. (Ảnh: Internet)

Cô bé Chân Mật càng lớn càng xinh đẹp hơn người. Nhắc đến vẻ đẹp của Chân Mật, người ta thường dùng những lời thơ miêu tả dung nhan nàng trong “Lạc thần phú” do Tào Thực viết để ca ngợi: “Hình dáng nhẹ nhàng như con chim hồng giật mình tung cánh bay lên, rạng rỡ như hoa cúc mùa thu, đầy đặn như cây tùng mùa xuân tươi tốt. Nhìn từ xa sáng chói như vầng đông vừa nhô khỏi mây, nhìn gần tươi tắn như hoa sen vừa vươn lên khỏi mặt nước. Béo gầy vừa phải, cao thấp vừa tầm…”.

Đến tuổi trăng rằm, Chân Mật nổi tiếng khắp vùng là cô gái xinh đẹp tài giỏi. Viên Thiệu, chúa tể Ký Châu, từ lâu đã nghe danh bèn đến hỏi Chân Mật về làm vợ cho con trai của ông là Viên Hy.

Khi chiến sự nổ ra, họ Viên dần bị Tào Tháo triệt hạ. Năm 204, quân Tào chiếm được thủ phủ Ký Châu, bắt sống gia quyến họ Viên. Theo “Tam quốc diễn nghĩa”, khi thắng trận, Tào Phi (tức con trai lớn của Tào Tháo, khi ấy mới 19 tuổi) dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên, thấy hai người phụ nữ đang ôm nhau  khóc. Thấy đầu bù, mặt nhọ, Tào Phi đã kéo nàng Chân lại gần, dùng ống tay áo nhẹ nhàng lau mặt cho nàng và tự nhiên xúc động thốt lên: “Thật là một tiên nữ!”. Sau đó, Tào Phi hứa sẽ bảo toàn cho cả gia đình.

Được biết, thực ra từ lâu Tào Tháo đã nghe danh nhà họ Viên có cô con dâu Chân Mật vô cùng xinh đẹp, khi trinh phạt thủ phủ Ký Châu cũng đã có ý định sẽ cướp Chân Mật cho riêng mình, nhưng không ngờ Tào Phi lại nhanh chân hơn tới trước. Tào Tháo đành ngậm ngùi nhường cho con trai.

Điều bất hạnh nhất đã đến với Chân Mật khi Tào Phi si mê người đẹp họ Quách. Ghen ghét Chân Mật bởi nàng là vợ cả lại có nhan sắc nổi trội nên Quách Thị luôn tìm cách hãm hại, vu khống cho nàng. Đỉnh điểm nhất trong mối quan hệ này là Quách Thị cố tình đặt bùa trong phòng của Chân Mật rồi vu cho nàng đã yểm bùa hãm hại chồng.

k
Người đẹp họ Quách do tâm ghen ghét, đã bày mưu ám hại Chân Mật, khiến nàng bị hàm oan mà buộc phải chết. (Ảnh: Internet)

Vốn tính đa nghi giống cha, Tào Phi cho người điều tra và quả nhiên tìm thấy tượng gỗ có khắc tên mình trong phòng của Chân Mật. Chứng cớ rành rành, nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự tử. Thảm thương hơn, khi chết, nàng còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Mỹ nữ lừng danh thời Tam Quốc mãi ra đi ở tuổi 39.

Oan trái hơn nữa khi là vợ của Tào Phi, Chân Mật cùng với Tào Thực (con trai thứ ba của Tào Tháo) lại này sinh tình cảm, dù chỉ là đong đưa qua ánh mắt. Chân Mật vốn bị Tào Phi bắt về làm vợ nên không hề có tình cảm. Đến khi nàng và Tào Thực gặp nhau, một người thì cảm mến vì sắc đẹp và sự dịu dàng, một người thì cảm mến bởi tâm hồn thi nhân bay bổng. Tuy Tào Thực kém Chân Mật tận 9 tuổi, nhưng giữa họ đã có những rung động sâu kín. Chuyện tình này được chứng thực hơn nữa bởi những bài thơ dạt dào tình cảm Tào Thực viết khi Chân Mật đã chết.

* * *

Ngoài Điêu Thuyền, Nhị Kiều, Chân Mật, thời đại Tam Quốc vẫn còn vô số những mỹ nhân nổi danh khác, ví dụ như công chúa Đông Ngô, Tôn Thượng Hương, người vợ hiền, giỏi giang của Lưu Bị… Tất cả những người phụ nữ ấy đều đã ghi được dấu ấn của mình trong lịch sử của một “thời đại của anh hùng”.

Ánh Trăng tổng hợp

Xem thêm: