Tác giả: Lan Âm
Ông từ quan trường bước ra, phủi đi công danh phù hoa, tạm biệt những ràng buộc và huyên náo của trần thế.
Ông hướng về núi sâu, nghênh đón gió mát trăng thanh từ thập phương, tĩnh lặng ngắm nhìn sự thanh tân và sinh khí của đào nguyên tiên cảnh.
Đây là một ngôi nhà nơi ông an thân xử thế, cũng là một mảnh tĩnh địa để ông tu hành cầu đạo. Ông, Vương Duy, người một lòng tu thiền, đã mua biệt thự ở núi Chung Nam, nơi bối sinh của nhiều ẩn sĩ, từ đó đi lại giữa chốn đô thị ồn ào và núi rừng hoang sơ.
Hôm ấy, thời điểm ông đến biệt thự rất đặc biệt: buổi chiều thu, sau cơn mưa núi vừa tạnh, trời đất hiện lên một bầu không khí thanh khiết, trong trẻo. Dù ẩn cư trong núi, Vương Duy lại không cảm thấy tịch mịch, bởi nơi đây có trăng sáng thông xanh, suối trong đá dã, tạo nên cảnh trí tươi đẹp, yên bình; còn có tiếng cười nói của thôn nữ giặt áo, tiếng chèo thuyền đánh cá về muộn, mang đến âm thanh hồn nhiên của trúc reo, sen động.
Phong vật núi non tươi đẹp thuần khiết, khiến Vương Duy nảy sinh cảm hứng thơ ca và chí hướng ẩn dật, thế là ông dùng thơ để bày tỏ chí hướng, để lại bài thơ “Sơn Cư Thu Minh”:
空山新雨後,天氣晚來秋。
明月松間照,清泉石上流。
竹喧歸浣女,蓮動下漁舟。
隨意春芳歇,王孫自可留。
Không sơn tân vũ hậu,
Thiên khí vãn lai thu.
Minh nguyệt tùng gian chiếu,
Thanh tuyền thạch thượng lưu.
Trúc huyên quy hoán nữ,
Liên động hạ ngư chu.
Tùy ý xuân phương hiết,
Vương tôn tự khả lưu.
Dịch thơ
Núi vắng mưa vừa tạnh,
Trời chiều dần về thu.
Trăng sáng chiếu rừng thưa,
Suối trong reo trên đá.
Trúc huyên trêu thôn nữ,
Sen động hiện dân chài.
Mặc hoa tàn cỏ phai,
Vương tôn vẫn ở lại.
Thưởng thức thi cảnh
Thơ ca sơn thủy điền viên thời Đường phát triển rực rỡ, bài thơ sơn thủy “Sơn Cư Thu Minh” của “Thi Phật” Vương Duy, lại dùng ngôn ngữ như ca như họa để miêu tả sự trong trẻo và nhịp điệu của núi thu sau cơn mưa, trở thành một áng văn chương truyền thế. Điều tuyệt diệu của nó nằm ở chỗ, mỗi ngâm mỗi vịnh đều biến cảnh vật bình thường thành tiên cảnh siêu phàm; mỗi câu mỗi cú đều dung nhập thiền lý huyền ảo vào sơn thủy thanh u.
“Không sơn tân vũ hậu”, mở đầu bài thơ bằng bút pháp linh hoạt, cao xa, không chỉ điểm xuyết chủ đề, mà còn dùng ý tứ cô đọng, phóng khoáng để tạo ra một môi trường núi non thanh cao xa thẳm. Câu thứ hai “Thiên khí vãn lai thu”, làm nổi bật phong thái mát mẻ, sảng khoái của núi Chung Nam sau cơn mưa. Một trận mưa thu mang đến cảm giác lạnh lẽo, buồn bã trong nhiều tác phẩm thơ ca; nhưng nhà thơ đặt mình vào núi vắng mưa thu, lại cảm thụ được sự thong dong thoải mái, khoáng đạt tự tại, quả là khác lạ.
Nhà thơ thích tĩnh tâm tham thiền, cái “không” của “Không sơn”, vừa là sự vắng vẻ của núi rừng che khuất mọi loài chim thú, dấu chân người, cũng vừa là tâm vô ngoại vật của thi nhân, cao khiết không vướng bụi trần. Tuy nhiên, tiếp tục đọc những câu thơ bên dưới, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, núi vắng không “không”, mà ngược lại, ẩn chứa vô tận vẻ đẹp và sức sống.
Nhị liên tứ cú ở giữa đều là những giai cú tuyệt xướng được nhiều người ngâm nga. “Minh nguyệt tùng gian chiếu, thanh tuyền thạch thượng lưu”, từ tốn mô tả cảnh núi vắng. Vầng trăng sáng rọi ánh bạc xuống rừng thông, dòng suối trong vắt róc rách chảy qua những phiến đá, đây là một bức tranh sơn cước tĩnh mịch, thuần khiết đến nhường nào!
Thực ra, nhà thơ chọn những hình ảnh hết sức bình dị trong núi non – trăng sáng, thông xanh, suối trong, đá tảng, vận dụng thủ pháp phác họa đơn giản không tô vẽ. Nhưng khi chúng tổ hợp với nhau, lại tạo thành một bức tranh mỹ hảo có âm thanh, có màu sắc, có động tĩnh kết hợp:
Trăng trắng, thông xanh, tông màu thanh lệ, tươi sáng; trăng sáng tĩnh lặng chiếu rọi rừng thông, thỉnh thoảng nghe tiếng thông reo khe khẽ, một khung cảnh yên bình, êm ả. Suối động, đá tĩnh, vừa linh động vừa trầm ổn; suối nước va vào đá núi, phát ra âm thanh trong trẻo, ngân vang, lại càng là âm thanh du dương của núi rừng.
Tựa như ám liễu hoa minh, không khí của cảnh liên (câu thứ 5 và thứ 6) đột nhiên trở nên náo nhiệt. “Trúc huyên quy hoán nữ”, từ sâu trong rừng trúc vọng ra tiếng hoan ca tiếu ngữ, đó là những thiếu nữ thiên chân vừa kết thúc công việc giặt giũ và kết bạn trở về nhà; “Liên động hạ ngư chu”, những chiếc lá sen vươn thẳng, ngọc ngà xô dạt sang hai bên, hiện ra là chiếc thuyền đánh cá chậm rãi lướt qua, để lại từng lớp sóng gợn lăn tăn. Điều này cũng khẳng định thêm rằng, núi vắng không phải là sự trống trải, tiêu điều, mà dưới vẻ trống trải đó là sinh cơ tự nhiên không hề chứa đựng bất kỳ sự toan tính và phiền nhiễu nào, là sự hợp nhất giữa con người và vạn vật, đất trời.
Hai câu này dù muốn chỉ thôn nữ giặt áo, thuyền đánh cá, nhưng lại viết về tiếng cười của thiếu nữ, dấu vết của thuyền bè, đó là thủ pháp “chưa thấy người, đã nghe tiếng”. Cái hay của thủ pháp này là, thứ nhất, tiếng động đến trước, khiến người đọc không khỏi mường tượng “núi vắng không thấy người”, chỉ có thể từ âm thanh để nhận biết hoạt động của người dân miền núi; thứ hai, lấy động để làm nổi bật cái tĩnh, núi vắng càng tĩnh lặng, bất kỳ động tĩnh nào trong núi mới càng rõ ràng lọt tai.
“Tùy ý xuân phương hiết”, hoa cỏ sinh trưởng vào mùa xuân dần tàn úa, tiêu tan. Thời điểm nhà thơ ở núi, vừa đúng vào lúc cuối hạ đầu thu, lá sen xanh tốt. Lúc này, cái nóng bức tan đi, ánh xuân không còn, nhà thơ lại từ đó phát hiện ra bản sắc núi sông sau khi sắc đỏ tàn phai, sắc xanh suy giảm, phát hiện ra cảnh đẹp nên thơ trong sắc thu. Ông không hề thương xuân bi thu, mà ngược lại, mượn sắc thu để nói ra sự biến hoán thời tiết và quy luật sinh tử của sinh mệnh, bộc lộ một loại thú thiền.
Nhà thơ lánh đời trong núi, vào bất kỳ thời tiết nào cũng có thể gặp được những sự vật mỹ hảo, tự nhiên nảy sinh ý định quy ẩn lâu dài. Ông bày tỏ chí hướng ẩn cư của mình trong câu thơ cuối bài: “Vương tôn tự khả lưu.” (Vương tôn cứ ở lại nơi này). Trong bài “Chiêu Ẩn Sĩ” ông viết có câu: “Vương tôn hề quy lai, sơn trung hề bất khả cửu lưu.” (Vương tôn ơi hãy về đi, chốn núi rừng không thể ở lâu), biểu đạt ý muốn tích cực nhập thế, kiến công lập nghiệp. Nhà thơ trong bài này trái lại dùng ý thơ: núi vắng thuần tịnh thảnh thơi, thích hợp nhất cho những người thuần chân thanh khiết cư ngụ, tu thiền cầu đạo.
Cả bài thơ kết hợp thể nghiệm cuộc sống và cảm ngộ tu hành của nhà thơ, phác họa ra một thế giới sơn thủy thanh nhã điềm đạm, trong thơ có họa. “Hà Nhạc Anh Linh Tập” ca ngợi thơ của Vương Duy lời hay ý đẹp, ý mới lý đủ, ở suối thành châu, vẽ lên vách thành tranh, cũng có thể coi là lời bình tinh tế cho bài thơ này.

Câu Chuyện Đằng Sau Bài Thơ
Trong thi đàn thời Đường, thành tựu của Vương Duy có lẽ không phải là cao nhất, nhưng ông chắc chắn là đại thi nhân có thể đại biểu cho khí tượng và tinh thần của thơ Đường. Các tác phẩm của ông liên quan đến nhiều chủ đề thịnh hành của thơ Đường, như những khúc tráng ca biên ải “Đại mạc cô yên trực, trường hà lạc nhật viên” (Trên sa mạc khói cô bốc thẳng, mặt trời tròn lặn trên sông dài), những lời ngâm nga nhớ nhà “Độc tại dị hương vi dị khách, mỗi phùng giai tiết bội tư thân” (Một mình nơi đất khách là lữ khách, mỗi độ gặp giai tiết lại càng nhớ nhà), những khúc hát biệt ly “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, tây xuất Dương Quan vô cố nhân” (Khuyên anh cạn thêm chén rượu này, ra khỏi Dương Quan về phía tây, không còn người quen).
Thời Thịnh Đường mà Vương Duy sống là một thời đại Phật giáo hưng thịnh, ẩn dật được coi trọng. Và những bài thơ nổi tiếng nhất của ông cũng chính là những bài thơ sơn thủy điền viên, mô tả cuộc sống tu thiền và ẩn dật. Vương Duy càng được mệnh danh là “Thi Phật” vì thiền cảnh độc đáo trong thơ ca.
Vậy, Vương Duy đã đi từ “thi nhân” đến “Thi Phật” như thế nào? Xét từ sự tích cuộc đời của ông, Vương Duy có thể nói là người may mắn trong trần thế: xuất thân danh môn, thiên tư phi phàm, đại nạn bất tử, quan cư cao vị. Hơn nữa, Vương Duy không chỉ có làn da trắng trẻo tuấn tú, phong độ hơn người, mà còn giỏi thi thư, tinh thông hội họa, âm nhạc, là một người toàn tài về nghệ thuật. Dựa vào hình tượng mỹ thiếu niên và tài hoa đa dạng, Vương Duy nhanh chóng được các vương công quý tộc thưởng thức, trẻ tuổi đã đỗ trạng nguyên, xuân phong đắc ý.
Một thanh niên sớm gặt hái được công danh, lại không bị mê hoặc bởi sự phồn hoa của hồng trần và sự giàu sang phú quý của chốn quan trường, mà ngược lại giữ được tâm cảnh bình tĩnh đạm bạc, từng bước hướng về sơn thủy điền viên, trở về với bản chất chân thực của sinh mệnh. Thực ra, Vương Duy lớn lên trong một gia đình có bầu không khí sùng Phật nồng đậm, tên của ông “Duy”, tự “Ma Cật”, chính là xuất phát từ danh hiệu của cư sĩ Duy Ma Cật.
Mẹ của Vương Duy, bà Thôi Thị, là một Phật tử kiền thành, theo học cao tăng Phổ Tịch hơn ba mươi năm, sống cuộc sống thanh tu “mặc áo vải thô, ăn chay đạm bạc, giữ giới an thiền” (trích “Thỉnh Thi Trang Vi Tự Biểu”). Chịu ảnh hưởng của mẹ, Vương Duy cũng tâm hướng cửa Phật, qua lại với nhiều thiền sư nổi tiếng đương thời. Vì vậy, Vương Duy tuổi trẻ đắc chí, tu dưỡng bản thân dưới sự huân đào của Phật pháp, từ lâu đã gieo mầm hạt giống quy ẩn, tu hành.
Không lâu sau khi bước chân vào quan trường, Vương Duy vì thuộc hạ là nghệ nhân biểu diễn múa lân vàng trái phép, mà bị tội biếm quan. Sau đó, ông được danh tướng Trương Cửu Linh tiến cử mà một lần nữa được triều đình trọng dụng, tuy nhiên chỉ sau hai năm đã gặp phải cục diện Trương Cửu Linh bị bãi tướng, gian tướng Lý Lâm Phủ thao túng cục diện triều chính. Ông còn trải qua Loạn An Sử, bị kẹt trong doanh trại giặc, gần như vì thế mà mất mạng. Hóa ra, sự nghiệp quan lộ của Vương Duy không phải là thuận buồm xuôi gió, thậm chí còn gặp phải khảo nghiệm sinh tử. Ông đã tôi luyện, triệt ngộ trong đại nạn, cuối cùng đã lựa chọn con đường ẩn dật.
“Phương tương dữ nông phố, nghệ thực lão khâu viên.” (Sắp cùng nhà nông, trồng trọt nơi gò đồi) trong “Gửi Kinh Châu Trương Thừa Tướng”. Có lẽ khi Trương Cửu Linh bị bãi tướng, Vương Duy mới lần đầu bộc lộ ý định rút lui khỏi quan trường, nhưng ông vẫn còn duyên trần chưa dứt, còn có những nỗi khổ tâm không thể quy ẩn. “Tiểu muội nhật trưởng thành, huynh đệ vị hữu thú. Gia bần lộc kí bạc, trữ súc phi hữu tố.” (Em gái ngày một lớn, anh em chưa có cưới xin. Nhà nghèo bổng lộc ít ỏi, tích lũy chẳng có gì) trong “Ngẫu nhiên tác”. Ông là con trai trưởng trong nhà, gánh vác trách nhiệm cung dưỡng các em còn nhỏ, không thể triệt để cách ly thế tục.
Ông giống như một cư sĩ tu hành tại gia, đi trên con đường nửa quan nửa ẩn. Có người thì ‘thân tại rừng suối, tâm hướng triều đình’, còn Vương Duy thì lại ‘thân buộc hồng trần, tâm hướng đào nguyên’. Vào khoảng tuổi 40, ông cuối cùng cũng có khả năng mua biệt thự Vọng Xuyên ở huyện Lam Điền dưới chân núi Chung Nam, xây dựng cho mình một cõi tịnh thổ ngoại thế. Vương Duy hiếu thảo hết mực với mẹ, đón bà Thôi Thị đến Vọng Xuyên cư trú, thực hiện lý tưởng “lạc trụ sơn lâm, chí cầu tịch tĩnh” trong “Thỉnh Thi Trang Vi Tự Biểu”.
Núi Chung Nam ở phía nam thành Trường An)phong cảnh tú lệ, vắng vẻ, đi xe mất nửa ngày là có thể đến Trường An), là nơi tốt nhất để các quan triều mua biệt thự trang viên. Vương Duy ở Vọng Xuyên, tiến có thể làm quan), thoái có thể ẩn dật, hoặc cùng gia đình du ngoạn giữa đồng ruộng thơm ngát, hoặc cùng bạn bè ngâm vịnh giữa mây khói trăng núi, ông ở Vọng Xuyên cảm nhận được sự tiêu dao và tĩnh lặng thực sự, vì vậy mà “Vương tôn tự khả lưu” (Vương tôn cứ ở lại nơi này).
Sơn thủy điền viên cũng là một thế giới để Vương Duy tu thiền ngộ đạo, tìm kiếm sự giải thoát tinh thần. Quả là “Hoàng hôn bên đầm vắng, an thiền chế phục rồng độc” – Trong “Quá Hương Tích Tự”. Phong cảnh tự nhiên không vướng bụi trần, khiến người ta quên đi phiền não, thể ngộ đại đạo, thích hợp nhất để tĩnh tâm tu hành).
Cuộc sống thực của Vương Duy cũng cực kỳ giản dị, đơn sơ, theo “Cựu Đường Thư” chép. Ngoài việc lên triều làm việc, Vương Duy liền ở nhà “đốt hương ngồi một mình, lấy việc tụng kinh niệm Phật làm công việc. Trong nhà không có một món đồ trang trí hoa lệ nào, chỉ có ấm đun nước trà, cối giã thuốc, án kinh, giường tre mà thôi).
Phong cách thơ của ông cũng càng thêm thanh khoáng, trầm tĩnh, đâu đâu cũng toát lên thiền ý: “Vãn niên duy hiếu tĩnh, vạn sự bất quan tâm” (Về già chỉ thích tĩnh lặng, vạn sự không quan tâm) – Theo “Đáp Trương Thiếu Phủ”). “Hành đáo thủy cùng xứ, tọa khán vân khởi thì” (Đi đến nơi nước cạn, ngồi ngắm mây bay lên) – Theo “Chung Nam Biệt Nghiệp”.
Đến những năm cuối đời, Vương Duy tự xin hiến trang viên làm chùa, đổi Vọng Xuyên thành chùa Thanh Nguyên Tự. Có lẽ, ông hy vọng góp một phần sức lực nhỏ bé để truyền bá Phật pháp rộng rãi, khiến nhiều người hơn nữa ngoài trần ai có được một thắng cảnh sơn thủy để an định thân tâm, tìm kiếm ý nghĩa nơi quy túc chân chính của sinh mệnh.
Theo Epoch Time,
Hương Thảo biên dịch