“Tam quốc diễn nghĩa” cho thấy đạo làm tướng không chỉ cần dũng cảm buông bỏ sinh tử, mà còn có 3 điều khác cần buông bỏ, buông bỏ không được sẽ rất bi thương.

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không.”

Những vần thơ mở đầu phim “Tam quốc diễn nghĩa” (1994) dường như đã khái quát toàn bộ thiên anh hùng ca thời Hán mạt, với giai điệu bi tráng ngậm ngùi. Dẫu từng lập bao chiến công hiển hách, thống lĩnh nghìn vạn hùng binh, thì cơ đồ sừng sững đó cũng chỉ như ngọn sóng bạc đầu của Trường Giang, cuồn cuộn trào dâng rồi cũng phải rơi vào mênh mông vô tận. Tiểu thuyết dã sử “Tam quốc diễn nghĩa” thông qua phẩm chất và số mệnh của hàng trăm vị tướng đã truyền tải đạo lý: đạo làm tướng không chỉ cần dũng cảm buông bỏ sinh tử, mà còn có 3 điều khác cần buông bỏ, buông bỏ không được sẽ rất bi thương.

1. Buông bỏ sĩ diện

Để chống lại trăm vạn hùng binh của Tào Tháo, hai nhà Tôn-Lưu thiết lập liên minh, quân sư Gia Cát Lượng của Lưu Bị sang Đông Ngô trợ giúp đại đô đốc Chu Du kháng Tào. Chu Du thấy Khổng Minh tài trí siêu việt thì rắp tâm hãm hại, vờ sai ông đi đốt lương quân Tào, thực chất là mượn tay Tào Tháo giết đi. Khi Lỗ Túc đến gặp, Khổng Minh cười, nói khích rằng mình đánh thuỷ, đánh bộ, đánh mã, đánh xe, môn nào cũng giỏi, chẳng như Chu Du chỉ biết đánh thuỷ còn đánh bộ thì kém. Túc về nói lại với Chu Du, Du tức giận nói:

“Sao dám bảo ta không đánh được mặt bộ? Có phải thế thì không khiến Khổng Minh đi nữa, để ta tự mang quân đến cướp lương Tào ở núi Tụ Thiết cho mà xem”.

Chu Du vì không nhịn nổi chút khẩu khí mà suýt nữa tự đâm đầu vào chỗ chết. Như lời Gia Cát Lượng, “Tào Tháo lắm mưu, xưa nay hắn chỉ quen cướp lương của người ta, lẽ đâu hắn chẳng phòng giữ cẩn thận. Công Cẩn mà đi, tất nó bắt được”. 

Chu Du vì không nhịn nổi chút khẩu khí mà suýt nữa tự đâm đầu vào chỗ chết.

Trái ngược với Chu Du, Tư Mã Ý là người có tâm đại nhẫn. Khi Khổng Minh đem quân Bắc phạt, Tư Mã Ý hiểu rằng điểm yếu của quân Thục là lương thảo, chỉ cần cố thủ thì quân Thục cạn lương sẽ tự nhiên thất bại. Gia Cát Lượng lệnh cho quân sĩ tới trước thành mắng nhiếc sỉ nhục thậm tệ, còn gửi tặng Tư Mã Ý một cái khăn, một cái yếm và đồ trắng của đàn bà, thư rằng “nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy”. Tư Mã Ý trong bụng căm giận, nhưng vẫn vui vẻ tiếp nhận, còn mặc trước ba quân, cố thủ không đánh, nhờ thế mà bảo toàn được nước Nguỵ trước cuộc tấn công từ Thục Hán.

Trong thực tế, rất nhiều người giống Chu Du, chỉ vì một câu nói khích, vì bảo vệ sĩ diện, vì không chịu mất mặt mà lửa giận bừng bừng, hành động không còn lý trí. Làm tướng không buông bỏ sĩ diện sẽ có thể mất mạng. Làm người không buông bỏ sĩ diện cũng có thể bị lợi dụng, bị lừa, mệt nhọc cả đời rốt cuộc cũng vì cái danh hão mà thôi. Nếu có thể nhẫn nhịn như Tư Mã Ý thì mới có thể bảo toàn phúc khí, mới có thể thành đại sự. 

Có thơ rằng:

“Nhịn điều sỉ nhục tấm thân yên,
Nhịn được hơn thua tránh luỵ phiền
Nhịn kẻ thiểu căn lòng đại độ
Nhịn mầm dục vọng đắc thần tiên”.

2. Buông bỏ tư tình

Lã Bố uy dũng vô song, ngay cả Quan Vũ, Trương Phi cũng không phải đối thủ. Người bấy giờ có câu: “Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố” (Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố). Nhưng Lã Bố lại có một điểm yếu chí mạng, đó là dễ luỵ tình.

Khi Lã Bố bị Tào Tháo vây ở Hợp Phì, mưu sĩ Trần Cung khuyên Lã Bố nên đem quân đóng đồn ở ngoài, còn Trần Cung giữ vững ở trong tạo thành thế ỷ giốc, chỉ đợi khoảng 10 ngày Tào Tháo hết lương là phá được. Bố khen là phải, về phủ thu xếp khí giới, áo giáp. Vợ Lã Bố sợ chồng đi xa ngộ nhỡ có biến thì sao gặp nhau được nữa, Lã Bố nghe vợ nói thì trong bụng ngần ngừ, ba hôm không ra đến ngoài. 

Tình thế ngày một nguy cấp, Trần Cung vào báo Tào Tháo hết lương, có sai quân về Hứa Đô tải lương đến, khuyên Lã Bố chẹn đường mang lương của quân Tào. Lã Bố cũng chịu là kế hay, nhưng đem hỏi vợ thì vợ khóc lóc thảm thiết, hỏi Điêu Thuyền thì Thuyền xin đừng khinh suất ra ngoài, thế là Lã Bố từ đó cả ngày trong phủ, chỉ cùng vợ và hầu thiếp uống rượu giải buồn. Trần Cung phải than rằng: “Chúng ta phen này chết không có đất chôn!”

Lã Bố có một điểm yếu chí mạng, đó là dễ luỵ tình.

Tào Tháo lại khơi nước sông làm ngập thành trì, Lã Bố nguy đến nơi nhưng chỉ vì một lỗi nhỏ mà tức giận đòi chém Hầu Thành, tướng sĩ can ngăn mới tha chết nhưng đánh năm mươi roi đến lằn cả lưng. Hầu Thành vừa đau vừa giận, Tống Hiến đến thăm, bảo “Bố chỉ quý vợ con, coi chúng ta như củi rác cả”. Hầu Thành cùng Tống Hiến, Nguỵ Tục bày mưu lấy trộm ngựa Xích Thố, ăn trộm cây hoạ kích, lừa lúc Lã Bố đang ngủ đem thừng chão trói thật chặt, đem nộp Tào Tháo. 

Quý vợ con vốn không phải là tội, nhưng Lã Bố thân làm đại tướng mà chỉ quý vợ con, không thương sĩ tốt, dễ bị tình cảm lay động mất cả sáng suốt, nên mới tuyệt mệnh ở lầu Bạch Môn. Kỳ thực, yêu và ghét ấy đều là tư tình, người mang nặng tư tình thì khó có thể thành đại nghĩa.

3. Buông bỏ công trạng

Tào Tháo vốn là đại công thần giúp Hán Hiến Đế tiêu diệt phản loạn, củng cố triều cương, nhưng dần dà Tháo cậy mình công to mà lộng quyền lấn chúa, biến thành “Hán tặc”. Anh em bác cháu Tư Mã Sư cũng là đại công thần giúp cho nhà Nguỵ, nhưng cũng dần oai to lấn chủ, thậm chí giết vua, cướp ngôi vua, lưu lại tiếng xấu muôn đời.

Hứa Du bày kế cho Tào Tháo phá được Viên Thiệu, dương dương tự đắc trước mặt các tướng, bị Hứa Chử giết chết. Bàng Thống tham lập công, bỏ ngoài tai lời Khổng Minh, cuối cùng bị trúng tên chết ở gò Lạc Phượng. Đặng Ngải cậy mình có công diệt Thục, kiêu ngạo không phục tùng, bị Tư Mã Chiêu nghi làm phản sai Chung Hội bắt, cuối cùng bị giết. Bản thân Chung Hội cũng tham vọng bá vương, cuối cùng chết trong đám loạn tiễn.

Khương Duy từng khuyên Chung Hội rằng:

“Ngày xưa Hàn Tín không nghe lời Khoái Thông, đến nỗi bị tai vạ cung Vị Ương; đại phu Văn Chủng không theo Phạm Lãi dạo chơi năm hồ, đến nỗi phải đâm cổ mà chết. Hai người ấy há chẳng hiển hách ư? Chỉ vì không rõ đường lợi hại, liệu cơ cho sớm đấy thôi. Nay công lớn của ông đã thành rồi, oai lấn cả chủ, sao không chơi thuyền chu du đây đó cho rảnh thân, hoặc là lên núi Nga Mi theo ông Xích tùng tử mà tiêu dao ngày tháng có hơn không?”

Nói ra thì dễ, nhưng buông bỏ công trạng đối với người làm tướng có khác gì buông bỏ tất cả nỗ lực một đời, khác gì buông bỏ sinh tử đâu? Tuy nhiên, nếu có thể mở rộng cõi lòng, trông lên vũ trụ thăm thẳm, thì buông bỏ hết thảy những sĩ diện, những tư tình, những công danh ấy thiết tưởng cũng không còn quá gian nan. Giống như lời thơ viết:

“Núi xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh triều hồng, 
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi, 
Vốn đã quen gió mát trăng trong, 
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ, 
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng
”.

(Lâm giang tiên – Dương Thận)

Thanh Ngọc

(Bài viết sử dụng các hình ảnh minh hoạ chụp từ phim Tam quốc diễn nghĩa 1994)