Dù “Tam quốc diễn nghĩa” có tô vẽ Tào Tháo thành gian hùng, thì cũng không che giấu nổi cảnh giới nội tâm phi phàm của ông, thể hiện qua một vài tình tiết mà bài viết này mong muốn làm sáng tỏ.
“Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung là một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc, mô tả sống động diễn biến lịch sử gần một thế kỷ hỗn loạn từ thời Hán mạt tới khi Tấn triều thống nhất Trung Hoa. Bút pháp “bảy thực, ba hư” giúp làm nổi bật tính cách nhân vật và tạo sức hút nghệ thuật cho tác phẩm, tuy nhiên đôi khi lại khiến diện mạo chân thực của nhân vật lịch sử bị thay đổi. Điển hình là vì để làm nổi bật nhân nghĩa của Lưu Bị, “Tam quốc diễn nghĩa” đã khắc hoạ Tào Tháo thành một gian hùng, ích kỷ, nhẫn tâm và xảo quyệt. Tuy nhiên, dẫu La Quán Trung có gia công nghệ thuật thế nào đi nữa, cũng không thể hoàn toàn che lấp cảnh giới cao thượng của Tào Tháo, vốn là một trang anh hùng chính khí lẫm liệt trong chính sử. Chúng ta có thể nhận ra điều đó qua một vài chi tiết sau đây.
Phần 1: Hành thích Đổng Trác
Đổng Trác lộng quyền tàn bạo, bức ép thiên tử, lạm sát đại thần, các quan tụ họp ở phủ tư đồ Vương Doãn đều khóc thương cho nước nhà mà không biết làm sao. Tam quốc diễn nghĩa hồi thứ 5 – “Phế Hán Đế, Trần Lưu lên ngôi/ Lừa Đổng tặc, Mạnh Đức dâng kiếm” có viết:
“Trong đám ngồi có một người, vỗ tay cười ầm lên mà nói rằng:
– Các quan thử khóc từ tối đến sáng, lại khóc từ sáng đến tối, xem khóc có chết được thằng Ðổng Trác không?
Doãn ngoảnh lại xem ai, thì là kiêu kị hiệu uý Tào Tháo. Doãn giận nói rằng:
– Tổ tông nhà ngươi cũng ăn lộc nhà Hán, sao nhà ngươi không biết nghĩ cách báo quốc, lại còn cười à?
Tháo nói:
– Tôi cười, có phải cười gì đâu! Cười là cười các quan không biết nghĩ kế gì trừ được thằng Ðổng Trác. Tháo nay tuy không có tài cán gì, nhưng xin lập tức chặt được đầu thằng Ðổng Trác, treo ở cửa phủ để tạ thiên hạ.
Doãn liền đứng dậy hỏi rằng:
– Mạnh Ðức có kế gì tài thế?
Tháo nói:
– Tôi lâu nay sở dĩ nép mình thờ Ðổng Trác cũng là vì muốn thừa cơ giết nó. Nay nó rất tin tôi, tôi được gần nó luôn. Nghe quan tư đồ có con dao thất bảo, xin cho tôi mượn. Tôi nguyện phen này vào tận tướng phủ đâm chết thằng giặc Ðổng Trác, dẫu chết cũng không oán hận gì.
Vương Doãn mừng lắm nói rằng:
– Nếu Mạnh Ðức có bụng như thế, thực là may cho thiên hạ lắm!
Doãn thân hành rót chén rượu mời Tào Tháo. Tháo đổ rượu, cất lời thề. Doãn bèn đem dao thất bảo đưa cho. Tháo uống rượu xong, giắt dao đứng dậy đi ra. Các quan ngồi một lát rồi cũng về cả.”
Chuyện nghe đơn giản nhưng không hề đơn giản. Đổng Trác người to khoẻ. Trước đó việt kỵ hiệu uý Ngũ Phu toan hành thích Trác, bị Trác tóm được, sai đem Phu ra mổ. Bây giờ Tào Tháo lại muốn hành thích Đổng Trác, việc nhỡ không thành thì chỉ còn đường chết mà thôi. Tự nguyện đi hành thích quốc tặc, nếu không phải là người dám buông bỏ sinh tử, đại nhân đại dũng thì sao làm nổi?
Xưa kia, Kinh Kha lên đường làm thích khách ám sát Tần Thuỷ Hoàng, Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, Kinh Kha khảng khái hát hai câu:
“Gió hiu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về”
Kinh Kha là tráng sĩ quả cảm vô song, mà lời thốt ra còn khiến người nghe rùng mình lạnh buốt. Trước nhiệm vụ nặng nề, một đi không trở lại, ai mà không mủi lòng? Ấy thế mà Tào Mạnh Đức lại có thể cười to một tiếng, lãnh lấy bảo đao, lên đường hành thích giặc Đổng.
Cần nhớ thêm rằng, Đổng Trác đang nắm quyền to nhất trong triều, ai được hắn yêu quý trọng dụng thì danh lợi đều có cả. Lã Bố giết nghĩa phụ Đinh Nguyên, quay sang hầu Đổng Trác cũng vì thế. Trác hiện rất tin dùng Tào Tháo, nếu Tào Tháo vào hùa với hắn ta thì tha hồ hưởng công danh lợi lộc, nhưng ông không làm vậy. Vì trọng đại nghĩa, Tào Tháo mới có thể buông bỏ tư lợi, còn dấn thân vào một sứ mệnh nguy hiểm có thể cắt đứt tiền đồ bản thân. Đây là cảnh giới siêu việt người thường, chỉ có người phi thường mới đạt tới.
Khi Đổng Trác phát hiện ra Tào Tháo rút dao sau lưng mình, Lã Bố thì vừa giắt ngựa đến ngoài gác, Tào Tháo nhanh trí quỳ xuống thưa: “Tháo tôi có con dao quý xin dâng thừa tướng”. Trác thấy đúng là dao quý, Tào Tháo mới nhân cơ hội cưỡi thử ngựa mà thoát chết. Nếu như Tào Tháo giật mình, biểu hiện ra dù chỉ một mảy may lo sợ, thì nhất định đã bị Đổng Trác phát hiện rồi. Người bình thường nếu ở trong hoàn cảnh này có lẽ đã tim đập chân run; còn người hữu dũng vô mưu thì chỉ còn nước mắng thằng giặc già rồi chết. Trong nạn lớn không kinh không sợ, điềm tĩnh đối phó, khôn ngoan linh hoạt, cảnh giới của Tào Tháo quả không tầm thường.
Về sau, Đổng Trác cũng phát hiện ra, cho truy nã Tào Tháo khắp nơi, “ai bắt được sẽ thưởng nghìn vàng, lại phong cho làm vạn hộ hầu; ai chứa chấp sẽ bị trị tội”. Tào Tháo bị Trần Cung bắt được, vẫn khảng khái nói: “Ngươi như chim sẻ biết đâu được chí chim hồng! Đã bắt được ta thì cứ đem nộp mà lấy công, hà tất phải hỏi nhiều!”
Chỉ qua một màn diễn “hành thích Đổng Trác” này thôi, cũng đủ triển hiện ra một Tào Mạnh Đức đủ cả Nhân, Trí, Dũng. Có Nhân nên sẵn lòng xả thân báo quốc an dân; Có Trí nên nhún mình thờ giặc, thừa dịp ra tay; Có Dũng nên lâm nguy không sợ, thoát khỏi miệng hùm. Vì sao Tào Tháo có thể đạt được cảnh giới này?
Muốn hiểu được gốc rễ của đạo đức cổ nhân, có lẽ chúng ta cần hiểu được điều họ tin tưởng là gì, điều họ coi trọng là gì. Sau này, khi Gia Cát Lượng một mình sang Đông Ngô liên minh chống Tào, ông cũng bị Chu Du lập mưu hãm hại hết lần này tới lần khác. Gia Cát Lượng “tuy ở kề miệng hổ, nhưng vững như Thái Sơn”, là vì sao vậy? Ông nói:
“Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có Trời, hại làm sao nổi!”
Khi bị tra hỏi, Tào Tháo cũng nói: “Ông cha ta, đời đời ăn lộc nhà Hán. Nếu ta không biết nghĩ cách báo quốc, có khác gì giống muông thú! Ta phải hạ mình thờ thằng Ðổng Trác là muốn tìm cơ hội thuận tiện giết nó. Nay việc không xong, cũng là lòng trời!”
“Mệnh ta đã có Trời”, “lòng Trời”, đây chính là niềm tin vào thiên mệnh, thiên ý của cổ nhân. Vì tin vào mệnh Trời, nên trước hiểm nguy sống chết mới có thể điềm nhiên không sợ; vì tin vào mệnh Trời, nên trước vinh hoa phú quý mới có thể bất động tâm. Vì tin vào mệnh Trời, nên con người chỉ cần tận sức mình, chiểu theo đạo nghĩa mà làm, còn thành bại ra sao đều chiểu theo thiên ý. Và thiên thượng cũng không hề tuỳ tiện an bài sự việc chốn nhân gian, tất cả là chiểu theo đức-nghiệp của người ta mà an bài, để liễu kết ân oán, để sáng tạo nên văn hoá Thần truyền mà an bài.
Có người từng hỏi: Tin vào thiên mệnh và tin vào Thần thì có quan hệ gì với đạo đức? Tôi không tin Trời, không tin Thần, tôi vẫn làm người tốt đó thôi. Có thể, trong hoàn cảnh không có xung đột gì lớn, người ta vẫn có thể bảo trì thiện niệm, dù không tin vào sự hiện hữu của Thần Phật và thiên ý. Nhưng theo thiển ngộ của người viết, trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, khi lợi ích thế tục bị đe doạ trực tiếp, khi tính mạng ở bờ vực nguy hiểm, thì cần có một đức tin cao hơn, siêu xuất khỏi người thường thì mới có thể giữ vững chính niệm, hành động đúng đắn. Bao đời nay, cha ông ta vẫn kính Thiên, dẫu là hoàng đế uy quyền tột bậc cũng nằm dưới sự trông coi của Thượng Thiên; vậy nên những bậc hiền nhân thánh giả mới có thể không bị lợi ích thế tục dẫn dắt, bước trên con đường tu luyện hồi thiên.
(Còn tiếp)
- Xem trọn bộ Cảm ngộ Tam Quốc
Thanh Ngọc
Bài viết sử dụng các hình ảnh chụp từ phim “Tam quốc diễn nghĩa” (1994)