Vị minh chúa ba lần cầu kiến bậc đại hiền, câu chuyện đẹp không chỉ thay đổi cục diện của cả một thời đại, mà còn để lại khải thị cho người tu Đạo mai sau.
Sau khi được Từ Thứ và Tư Mã Huy tiến cử Gia Cát Lượng, Lưu Bị hết sức vui mừng, cùng Quan Vũ và Trương Phi sắm sửa lễ vật, đến Long Trung cầu kiến Ngọa Long tiên sinh. Thế nhưng lần thứ nhất đến Khổng Minh không có nhà, lần thứ hai trở lại vẫn uổng công. Bấy giờ mùa đông rét mướt, tuyết bay trắng trời, khi vừa lên ngựa sắp rời khỏi thì Huyền Đức nhìn thấy bên phía tây một chiếc cầu nhỏ, có một tiên sinh đội mũ ấm trùm đầu, cưỡi lừa rẽ tuyết đi lại, đang ngâm một bài thơ:
“Một đêm gió lạnh lùng,
Muôn dặm mây đỏ ối.
Bời bời hoa tuyết bay,
Nước non hình sắc đổi,
Ngẩng mặt trông trên trời,
Tưởng là rồng ngọc chọi,
Vây mai tua tủa bay,
Một lát khắp bốn cõi,
Cưỡi lừa qua cầu con,
Than vì mai gầy cỗi.
Huyền Đức nghe ngâm xong, nói rằng:
– Đây hẳn là Ngọa Long rồi!”.
Vì sao chỉ nghe một bài ngâm mà Lưu Bị đã đoán đây là Khổng Minh?
Sau khi chào hỏi, Lưu Bị mới biết tiên sinh ngâm bài thơ là Hoàng Thừa Ngạn, nhạc phụ của Khổng Minh, còn bài thơ là khúc “Lương Phủ Ngâm” do chính Khổng Minh sáng tác. Lưu Bị quả là có mắt nhìn người, có tài cảm ngộ. Chỉ nghe một lần, ông đã hiểu ra hàm ý sâu sắc ẩn sau lời thơ tưởng như đang miêu tả mùa đông kia.
Ba câu “Nước non hình sắc đổi, Ngẩng mặt trông lên trời, Tưởng là rồng ngọc chọi” có ý tứ hiển lộ rõ ràng hơn cả, miêu tả cảnh đất nước loạn lạc, quần hùng tranh cướp ngọc tỷ, cơ đồ nhà Hán nghiêng xô. Từ đó, có thể nhìn ra “Một đêm gió lạnh lùng, Muôn dặm mây đỏ ối, Bời bời hoa tuyết bay” kia là chỉ kiếp nạn thời Hán mạt, như một đêm gió lạnh buốt xương, chỉ thương người dân như đoá “mai gầy cỗi” điêu linh trong cơn gió bụi. Hoa mai cũng là biểu tượng của người quân tử, nên phải chăng lời thơ còn nhắn nhủ nỗi niềm kẻ sĩ chưa thể tế thế an bang?
Bài thơ gửi gắm nỗi lòng của Ngọa Long, hay là của chính La Quán Trung, cũng hé lộ rằng những nét chấm phá trong câu chuyện Lưu Bị ba lượt đến lều tranh đều có nhiều thâm ý. Người xưa cho rằng “Văn dĩ tải Đạo”, văn chương là để truyền tải đạo lý, nên một điển cố tuyệt đẹp bất hủ như Tam cố thảo lư lại càng đáng để hậu thế chiêm nghiệm. Người viết khi đọc Tam quốc diễn nghĩa, chỉ như một kẻ khát cầm gàu múc nước dưới sông, chỉ một ngụm đã hết khát mà chưa biết sông sâu ngần nào. Ở đây chỉ xin giãi bày chút cảm ngộ hạn hẹp, ngõ hầu phủi lớp bụi thời gian, làm sáng lên viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Thần truyền.
Lưu Bị ba lượt đến lều tranh
Trước hết, vì sao phải là ba lượt đến lều tranh mới gặp được bậc đại hiền? Con số ba trong văn hoá truyền thống phương Đông có nội hàm sâu sắc. Ví như Phật gia giảng “tam giới” gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới; “tam bảo” là Phật, Pháp, Tăng. Nho gia giảng “tam tài” là Thiên, Địa, Nhân; “tam cương” là ba mối quan hệ luân thường quan trọng giữa vua tôi, cha con, vợ chồng. Còn trong Đạo gia, số ba là số sinh, những số khác đều từ đó mà sinh ra: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”.
Như vậy, ba lần Lưu Bị đến lều cỏ để yết kiến Khổng Minh phải chăng là biểu tượng của hành trình đằng đẵng gian nan, tựa như hành trình người tu luyện Phật gia vượt ra ngoài tam giới, người quân tử Nho gia đạt đến chữ “Nhân”, làm trọn đạo tam cương ngũ thường? Thực tế là trong Tam quốc diễn nghĩa, số ba nhiều lần xuất hiện, ví như hồi thứ 12: “Đào Cung Tổ ba lần nhượng Từ Châu”, hồi thứ 39: “Thành Kinh Châu, công tử ba lần cầu kế”, hồi thứ 56: “Khổng Minh ba lần trêu tức Chu Du”… Những việc khó khăn, dường như đều phải ba lần gắng công thì mới thành được. Ba lượt “nằn nì thăm coi” ấy của Lưu Bị cũng là để bày tỏ tấm lòng thành của ông, để thành tựu cái tâm Đại Nhẫn của Huyền Đức.
Tư Mã Huy từng ví tài của Khổng Minh sánh với Khương Tử Nha dựng nghiệp 800 năm nhà Chu và Trương Tử Phòng làm nên cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán. Mà Trương Lương nhờ ba lần nhặt giày giúp Hoàng Thạch Công ở cầu Dĩ mới được truyền dạy kỳ thư, nhờ đó có thể phò tá Lưu Bang dẹp yên thiên hạ. Lưu Bị bấy giờ muốn phục hưng Hán thất, nếu chẳng đủ ba lượt hạ cố lều tranh thì sao có thể cầu được bậc đại hiền đây?
Chỉ người có đức mới đắc được
Sau kỳ tích nhảy ngựa vượt Đàn Khê, Lưu Bị tuy thoát nạn lớn nhưng tình cảnh bơ vơ lắt lay như ngọn đèn trước gió. Tào Tháo đã thống nhất miền Bắc, Tôn Quyền hùng cứ đất Giang Đông, còn Lưu Dự Châu chỉ biết nương tựa vào mảnh đất Tân Dã bé như lòng bàn tay. Từ Thứ có kỳ tài nhưng chẳng may bị Tào Tháo lừa đi mất. Cho nên, phen này có mời được Khổng Minh ra giúp hay không, ấy là đại sự liên quan đến thành – bại của cả đời ông, cũng là được – mất của cả nhà Hán vậy.
Trong tiếng Hán, chữ “được” (đắc) đồng âm với chữ “đức”. Hàm ý thật sâu xa: chỉ người có đức mới đắc được, Đạo Trời không thân ai, chỉ dành phúc cho người lương thiện. Cái phúc có được Gia Cát Lượng chỉ dành cho bậc đại đức mà thôi. Trùng hợp thay, tên tự của Lưu Bị lại có một chữ Đức – Huyền Đức nghĩa là cái đức huyền bí, sâu xa. Và quả thực, hành trình ba lượt đến lều tranh đã làm sáng tỏ cái đức nhẫn nại, chân thành, nhân từ, khiêm cung của Lưu Bị.
Ví dụ, trước lần thứ hai thăm lều cỏ, “Trương Phi nói:
– Khổng Minh chỉ là một tên thôn phu quèn, hà tất đại ca phải thân đến. Cứ sai người đi gọi cũng được.
Huyền Đức mắng rằng:
– Em há không nhớ lời Mạnh Tử nói: ‘Muốn cầu người hiền mà không biết đạo, khác gì muốn cho người ta vào nhà mình mà lại đi đóng cửa lại’. Khổng Minh là bậc đại hiền thời nay, cho đi gọi sao được?”.
Và lần thứ ba, Lưu Bị đến đúng lúc Khổng Minh đang ngủ, ông không nôn nóng để tiểu đồng đánh thức Ngọa Long, mà cung kính nhẫn nại chắp tay đứng hầu ngoài cửa, đến tận khi Khổng Minh tỉnh giấc. Trong khi đó, Trương Phi đã tức đến độ muốn “ra sau nhà cho một mồi lửa, xem nó có phải dậy không?” rồi.
Lưu Bị nhân từ, khiêm nhượng, bao dung như vậy, nên lòng dân hướng về ông, Gia Cát Lượng một đời cúc cung tận tụy phò tá ông, ngay cả khi ông đã mất.
Vất vả cầu hiền hay cầu Đạo?
Điển cố Tam cố thảo lư không chỉ sâu sắc về đạo lý, mà còn tuyệt đẹp về văn chương. Ở đầu bài viết, ta đã thấy khúc “Lương Phủ Ngâm” quả là trong thơ có hoạ, có nhạc, có cả nỗi niềm kín đáo sâu xa. Trong suốt câu chuyện Ba lần thăm lều cỏ là những nét chấm phá nên thơ tuyệt diệu, có gần có xa, mà ẩn dụ phía sau thật khiến người đời phải suy ngẫm.
Lần đầu tiên Huyền Đức tới thăm Khổng Minh, phong cảnh Long Trung đẹp như một bài thơ, tựa chốn bồng lai tiên cảnh:
“Cách hai mươi dặm Tương Dương thành
Một dãy gò cao, suối lượn quanh…
Nước chảy ầm ầm phơi đá trắng
Gò cao chót vót ngất mây xanh”.
Lần thứ hai Lưu Bị đến lều tranh, đâu còn cái khoái ý thong dong của buổi đầu hăm hở.
“Bấy giờ, đang thời tiết mùa đông, khí trời rét buốt, mây xám nghịt trời. Ba người đi chưa được vài dặm, bỗng nhiên trời nổi cơn gió bấc, tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc”.
“Đời sau có thơ vịnh cảnh đương cơn mưa tuyết, Huyền Đức đến thăm Khổng Minh rằng:
Xông pha mưa gió kiếm hiền tài,
Lững thững về suông dạ cảm hoài…
Chi chít khe cầu hoa tuyết đóng,
Lạnh lùng yên ngựa dặm đường dài,
Chạm đầu lả tả hoa lê rụng,
Vướng mặt tơi bời hoa liễu rơi.
Ngoảnh cổ dừng roi nhìn chốn cũ.
Chói loà ánh bạc Ngoạ Long phơi”.
Quả là những áng văn tuyệt bút! Cảnh vật không chỉ chứa chan nỗi lòng của Lưu Bị, mà còn gợi nhắc đến hành trình tu luyện của các bậc Thánh hiền xưa nay. Thuở đầu kết duyên tu Đạo, thăng hoa cảnh giới tinh thần, thân nhẹ tâm an, tuyệt vời biết mấy, thật giống cảnh nhà của Ngọa Long lần đầu thăm viếng:
“Bình phong: dãy trúc um tùm lá
Bốn mùa hoa rụng nức mùi hương
Đầu giường chồng chất nhiều sách lạ
Trong nhà lui tới không người thường”.
Thế nhưng hành trình tu luyện vốn là chịu khổ, “xông pha mưa gió”, chẳng mấy chốc mà khảo nghiệm ập đến, như mùa đông giá rét “vướng mặt tơi bời hoa liễu rơi”. Trong ma nạn nhiều lúc đau xót tim gan, cảm giác “lững thững về suông dạ cảm hoài” đã bao lần nếm trải. Con đường tu luyện dằng dặc, “lạnh lùng yên ngựa dặm đường dài”, Đạo kia vẫn ở xa vời, biết ngày nào thành tựu?
Người xưa giảng “Vật cực tất phản”, “Bĩ cực thái lai”, ai có thể nhẫn nại vượt qua mùa đông giá rét ắt sẽ thấy được mùa xuân ấm áp.
“Từ khi Huyền Đức về Tân Dã, ngày tháng thấm thoát đã sang xuân mới, liền sai người đem cỏ thi ra bói, kén chọn ngày tốt, ăn chay ở sạch ba ngày, tắm gội hun hương, thay quần đổi áo, rồi sang gò Ngọa Long yết Khổng Minh”.
Lưu Bị trai giới ba ngày rồi mới đi gặp Khổng Minh, dường như đang muốn nói với người đời, muốn cầu Đạo phải thuần tịnh cái tâm này, tâm thuần khiết mới có thể cầu được Đạo. Cuối cùng, chỉ sau cuộc chuyện trò ngắn ngủi với Ngọa Long, Lưu Bị đã “như gạt đám mây đen trông thấu đến trời xanh”. Gia Cát Lượng chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết tình thế thiên hạ chia ba, khiến Lưu Bị đang ở bước đường cùng, bỗng nhiên thấy cả chân trời trước mắt! Quả giống như câu thơ của Lục Du thời Nam Tống:
"Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn".
(Tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng).
Câu chuyện đến đó tưởng chừng kết thúc, nhưng khảo nghiệm vẫn đến ở cả phút cuối cùng.
“Huyền Đức vái mời Khổng Minh và nói:
– Bị tuy danh hèn đức kém, cũng xin tiên sinh chớ bỏ rơi kẻ ngu hèn này, xuống núi giúp đỡ, Bị xin chắp tay cúi đầu nghe lời dạy bảo.
Khổng Minh nói:
– Lượng này lâu nay quen tay cày tay cuốc, chểnh mảng việc đời, không thể vâng mệnh được.
Huyền Đức khóc nói:
– Tiên sinh không xuống núi giúp cho thì trăm họ sẽ ra sao?
Nói xong hai hàng nước mắt lã chã rơi thấm ướt cả vạt áo.
Khổng Minh thấy Lưu Bị quả là thành thật, liền nói rằng:
– Tướng quân đã không ruồng bỏ, Lượng này xin đem hết tài khuyển mã ra phò tá”.
Nếu Lưu Bị không thành thật cầu hiền, ước muốn dẹp loạn yên dân, thì sao có thể sa nước mắt, cảm động đến Khổng Minh? Cũng như người tu Đạo, nếu không thật lòng cầu Pháp, sao có thể cảm động đến Thần Phật, đắc được Đạo chân thật? “Khổng Minh mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như tiên”, vốn chẳng phải người thường. Tam quốc diễn nghĩa bề mặt kể chuyện con người, mà bên trong ẩn chứa đạo của Trời. Văn hoá truyền thống giảng “Thiên nhân hợp nhất”, có lẽ là ở chỗ này vậy. Vị minh chúa ba lần cầu kiến bậc đại hiền, câu chuyện đẹp không chỉ thay đổi cục diện của cả một thời đại, mà còn để lại khải thị cho người tu Đạo mai sau.
- Xem trọn bộ Cảm ngộ Tam Quốc
Thanh Ngọc