Tác giả: Lan Âm
Đây có lẽ là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của Đại Đường: cung uyển thâm nghiêm, ánh trăng dịu dàng, hoa mẫu đơn diễm lệ khoe sắc, vị thiên tử mãn ý cùng phi tử đẹp nghiêng nước nghiêng thành thưởng hoa, những nghệ sĩ ca xướng hàng đầu dẫn dắt các đệ tử của Lê Viên biểu diễn ca múa góp vui.
Bữa tiệc dưới trăng này quy tụ những nhân vật sự kiện tôn quý nhất thế gian, nhưng Đường Huyền Tông vẫn cảm thấy một chút tiếc nuối: “Thưởng danh hoa, ngắm phi tử, sao có thể dùng nhạc từ cũ được?” Ông nghĩ đến vị Hàn Lâm cung phụng được mệnh danh là “Trích Tiên Nhân” – Lý Bạch. Ai ngờ, vị trích tiên này trong trạng thái say khướt chưa tỉnh, phụng chiếu nhập cung, mà vung bút liền thành thơ. Chỉ thấy trên tờ giấy kim hoa, ba chương “Thanh Bình Điều Từ” được viết một cách phóng khoáng:
Chương 1
雲想衣裳花想容,春風拂檻露華濃。
若非群玉山頭見,會向瑤台月下逢。
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung.
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi quần ngọc san đầu kiến,
Hội hướng Diêu Đài nguyệt hạ phùng。
Dịch là:
Mây tưởng xiêm y hoa tưởng dung,
Gió xuân lay khẽ đóa sương nồng.
Nếu chẳng gặp nơi đầu non ngọc,
Ắt hẳn Diêu Đài đón dưới trăng.
Chương 2
一枝紅豔露凝香,雲雨巫山枉斷腸。
借問漢宮誰得似?可憐飛燕倚新妝!
Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu San uổng đoạn tràng.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang!
Dịch là
Một nhành hồng diễm sương ủ hương,
Nhung nhớ Vu Sơn uổng đoạn tràng.
Xin hỏi Hán cung ai sánh được?
Thương thay Phi Yến cậy tân trang!
Chương 3
名花傾國兩相歡,長得君王帶笑看。
解釋春風無限恨,沉香亭北倚闌干。
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Trường đắc quân vương đái tiếu khán.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can。
Dịch là
Hoa thắm cùng diễm phi hân hoan,
Quân vương ngắm mãi, cười không chán.
Chỉ tiếc xuân thì không vô hạn,
Trầm Hương đình bắc tựa lan can.
Thưởng thức thi cảnh
Người xưa có rất nhiều giai tác ngợi ca hoa mẫu đơn và Dương Quý Phi. Ca ngợi vẻ đẹp của hoa mẫu đơn có câu “Duy hữu mẫu đơn chân quốc sắc”; ca ngợi dung nhan của quý phi có câu “Vân tấn hoa nhan kim bộ diêu” (Búi tóc mây, khuôn mặt như hoa, trâm vàng rung rinh). Nhưng việc miêu tả hoa mẫu đơn và quý phi xen kẽ, dùng hoa để ví người, dùng người để ví hoa, đạt đến cảnh giới thần diệu “hoa diện giao tương ánh”, thì phải kể đến ba bài thơ “Thanh Bình Điều” của thi tiên Lý Bạch.
Chương đầu tiên, nhà thơ dùng hoa vương mẫu đơn và nữ tiên hàng đầu Tây Vương Mẫu để ca ngợi vẻ đẹp diễm lệ vô song và thần thái siêu phàm thoát tục của Dương Quý Phi. Bảy chữ mở đầu, “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”, có thể nói, là một danh cú thiên cổ. Thông qua mây và hoa, hai ý tượng phiêu miểu nhu mỹ, nhà thơ ví von y phục và dung mạo của Dương Quý Phi.
“Tưởng” là liên tưởng, gợi nhớ về, là dùng một chữ làm điểm nhấn trong câu. Nhà thơ kết hợp với tình cảnh hiện thực, ngước nhìn những đám mây trôi bồng bềnh, liền liên tưởng đến trang phục và trang sức lộng lẫy của Dương Quý Phi; Nhìn ngắm những bông hoa trắng hồng đua nhau khoe sắc, liền liên tưởng đến ngọc dung thiên phú của Dương Quý Phi. Vốn là ngợi ca mỹ nhân, nhưng lại ngợi ca cảnh vật trước, vừa là bỉ hứng, vừa là ẩn dụ, miêu tả sinh động dung nhân và thần thái yểu điệu duyên dáng của Dương Quý Phi như thật như huyễn, như người như thần!
Hoàng đế và quý phi thưởng hoa dưới trăng, chọn một thời điểm tuyệt vời. Khi màn đêm dần buông xuống, gió ấm thổi nhẹ nhàng, phong thái bội phần. Sương mỏng đọng trên cánh hoa, cánh hoa bừng sáng ánh nguyệt, càng thêm tươi thắm. Gió xuân thổi qua lan can, dường như vì quyến luyến mẫu đơn mà đến; giọt sương long lanh, dường như vì tưới mẫu đơn mà sinh.
Gió sương thương hoa, tựa như thâm tình giữa hoàng đế và quý phi. Con gái như hoa, vẻ kiều diễm của hoa mẫu đơn càng làm nổi bật vẻ đẹp của Dương Quý Phi, và nó may mắn được thỏa sức khoe sắc trong hoàn cảnh có một không hai, cũng ám thị Dương Quý Phi có được nhân duyên mỹ mãn “tam thiên sủng ái tại nhất thân” (ba ngàn cung nữ chỉ mình nàng được sủng ái) trong cung điện nhà Đường thời thịnh thế.
Hai câu cuối của chương đầu tiên vận dụng điển cố của Tây Vương Mẫu để triển hiện phong độ nhẹ nhàng như tiên của Dương Quý Phi. Quần Ngọc Sơn, Diêu Đài là cư sở của Tây Vương Mẫu, Tây Vương Mẫu là người đứng đầu trong các tiên nữ, càng làm nổi bật địa vị tôn quý của Dương Quý Phi ở nhân gian, cũng như mức độ xinh đẹp vượt trội giữa mỹ nữ các phương.
Nhà thơ dùng cụm từ liên kết “nhược phi, hội hướng” (nếu không, ắt hẳn) để tăng cường lực độ tán mỹ. Nếu không phải là tiên tử mà ta gặp ở sơn đầu quần ngọc, thì đó hẳn phải là thần nữ mà ta chỉ có thể tương ngộ ở Diêu Đài dưới trăng. “Nguyệt hạ Diêu Đài”, đồng thời phản ánh trường cảnh thưởng hoa dưới trăng, lại khéo léo tạo ra hình tượng mỹ nhân Dương Quý Phi thanh lệ dưới trăng. Trong toàn bộ bài thơ, hư và thực, hoa và người, tiên và phàm, tương hỗ chiếu sáng lẫn nhau, ý cảnh tự nhiên hòa quyện, mỗi câu đều là nét bút thần sầu.
Hai chương sau cũng xuất sắc không kém. Nhìn từ chỉnh thể, chương đầu tiên quán thông thiên địa, lấy thắng cảnh thần tiên để làm nổi bật lạc thổ nhân gian, mở màn cho buổi thưởng hoa của đế phi. Chương thứ hai lại liên kết cổ kim, với Vu Sơn thần nữ, Hán cung Phi Yến, ca ngợi vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Dương Quý Phi. Câu mở đầu “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương” (Một cành hồng diễm sương ngưng hương), hô ứng với ngữ “Lộ hoa nùng” (Sương đọng dày) trong bài thơ đầu tiên, miêu tả tư thái duyên dáng của hoa mẫu đơn ngậm sương lưu hương, hơn nữa đây là cành hoa đỏ thắm nhất trong trăm hoa, chẳng phải là đại diện cho vẻ đẹp vượt trội, siêu việt trần tục của Dương Quý Phi sao?
Tiếp theo, nhà thơ kể câu chuyện Sở Vương mộng gặp thần nữ, cầu mà không được, Đường Huyền Tông lại sở hữu một mỹ nhân tiên nữ như Dương Quý Phi trong hiện thực, quả là một chuyện khả ngộ bất khả cầu. Hơn nữa, Sở Vương với tư cách là quân vương, vẫn không tránh khỏi “đứt từng khúc ruột”, điều này càng làm nổi bật vẻ hòa mỹ và vui vẻ của đế phi khi cùng nhau thưởng hoa.
Vu Sơn Thần Nữ quá hư huyễn, vậy trên đời có còn người con gái nào khác, có thể sánh với vẻ đẹp của Dương Quý Phi không? Nhà thơ dùng một câu hỏi đáp, dẫn suy nghĩ của độc giả đến cung đình nhà Hán. Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế, thể khinh mạo mỹ, năng ca thiện vũ, cũng được coi là một mỹ nhân khó gặp, nhưng nàng ấy phải hoàn thành trang điểm tỉ mỉ, trong khoảnh khắc dung nhan kiều diễm rực rỡ nhất, mới có vài phần giống với Dương Quý Phi. Nhà thơ thông qua trang điểm mới của Phi Yến, ngụ ý rằng Dương Quý Phi có vẻ đẹp thuần khiết tự nhiên không cần tô điểm.
Chương thứ ba, góc nhìn của nhà thơ từ tiên cảnh và lịch sử chuyển hướng trở lại đình Trầm Hương trong hiện thực. Hoa mẫu đơn diễm lệ vô song, Dương Quý Phi dung nhan tuyệt thế, “lưỡng tương hoan” tạo ra một ý cảnh hoàn mỹ hoa đẹp và mỹ nhân hòa thành nhất thể, không chỉ hoa và người triển hiện vẻ mỹ hảo của mình, mà trong mắt Huyền Tông, còn là một niềm vui tao nhã. Do đó, Đường Huyền Tông sống trong thời thịnh thế, thưởng danh hoa, ngắm phi tử, tận hưởng phúc phận nhân gian, tự nhiên nụ cười luôn thường trực, thần thái bay bổng.
Tuy nhiên, gió xuân ấm áp có thể thổi được bao lâu, dung nhan tuyệt mỹ có thể bảo trì được mấy thời, thái bình thịnh thế sao có thể kéo dài mãi? Đây có lẽ là điều phàm nhân không thể tránh khỏi. Nhà thơ thanh tỉnh, nhận ra quy luật thế tình “thịnh cực nhi suy”, tinh tế mượn gió xuân để biểu đạt cảm khái, giải thích gió xuân vô hạn hận. Nhìn lại, mỹ nhân ngắm hoa tựa lan can, nghiêng mình, phong thái ưu nhã thong dong, lại có vẻ đăm đắm u sầu, cả bài thơ khép lại trong một bầu không khí tươi đẹp phồn hoa mà lại hàm súc, sâu lắng.”

Câu chuyện phía sau nhà thơ
Thi Tiên Lý Bạch, vì sao được gọi là “tiên”? Duyên tiên của ông bắt đầu từ khi mới chào đời. “Thảo Đường Tập Tự” ghi lại rằng, đêm Lý Bạch sinh ra, mẹ ông mơ thấy sao Thái Bạch Kim Tinh nhập vào lòng, vì vậy đặt tên cho con là Lý Bạch, tự là Thái Bạch. Sau này, Hạ Tri Chương, người kinh ngạc trước tài năng của Lý Bạch, từng ca ngợi: “Ngài không phải người phàm, lẽ nào là Thái Bạch Kim Tinh chuyển thế?”.
Lý Bạch tự xưng là “Thanh Liên cư sĩ”, Thanh Liên chính là “Ưu Đàm Bà La hoa” được nhắc đến trong kinh Phật, ba nghìn năm mới nở một lần, khi nở thì Kim Luân Vương xuất thế, là loài hoa cực phẩm của tiên giới. Ông từng tự nói: “Tư Mã Hồ Châu hà tu vấn, Kim Túc Như Lai thị hậu thân.” (Trong bài thơ “Đáp Hồ Châu Ca Diệp Tư Mã vấn Bạch thị hà nhân”) (Tạm dịch: Tư Mã Hồ Châu cần gì phải hỏi, Kim Túc Như Lai chính là thân sau của ta). Vừa là sao trên trời, vừa là bậc thánh giả của Phật quốc, nguồn gốc của Lý Bạch thực sự là thần bí khó lường.
Thân thế bất phàm, ban cho Lý Bạch tài năng và chí hướng siêu thường xuất chúng. Từ nhỏ ông đã đọc rất nhiều sách, “năm tuổi tụng Lục Giáp, mười tuổi xem Bách Gia” (Theo “Thượng An Châu Bùi Trưởng Sử Thư”); “Mười lăm xem kỳ thư, làm phú lăng Tương Như” (Theo “Tặng Trương Tương Hạo”). Đồng thời chu du khắp nơi tầm tiên cầu đạo, “Mười lăm thích kiếm thuật, khắp nơi can chư hầu” (Theo “Dữ Hàn Kinh Châu Thư”); “Mười lăm du thần tiên, tiên du vị tằng hiết” (Theo “Cảm Hứng Bát Thủ”).
Sau khi trải qua nhiều năm học tập, ẩn cư, sống ngao du, Lý Bạch tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm thâm hậu, đồng thời trở thành một tài tử phong nhã danh mãn thiên hạ. “Mạc quái vô tâm luyến thanh cảnh, dĩ tương thư kiếm hứa minh thì.” (Theo “Biệt Khuông Sơn”) (Tạm dịch: Đừng trách ta vô tâm quyến luyến cảnh thanh tịnh, đã đem sách kiếm hứa hẹn minh thời). Lúc này, ông mang trong mình chí lớn lập công, khao khát dâng hiến thân đầy tài hoa cho thịnh thế.
“Thân Quản, Yến chi đàm, mưu đế vương chi thuật. Phấn kỳ trí năng, nguyện vi phụ bật, sử hoàn khu đại định, hải huyện thanh nhất.” (Theo “Đại Thọ Sơn đáp Mạnh Thiếu Phủ di văn thư”) (Tạm dịch: Bàn luận về Quản Trọng, Yến Anh, mưu tính thuật của đế vương. Phát huy trí tuệ, nguyện làm phụ tá, khiến thiên hạ thái bình, biển huyện thống nhất). Triều Đường mà Lý Bạch sống, đang ở thời Khai Nguyên thịnh thế do Đường Huyền Tông khai sáng, mọi phương diện quốc gia đều đạt đến đỉnh cao. Khí tượng và tinh thần của thời thịnh Đường cũng khiến Lý Bạch nảy sinh những lý tưởng cao xa vĩ đại.
Năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742 sau Công Nguyên), Lý Bạch phụng chiếu nhập kinh, nghênh đón cơ hội thi triển hoài bão. Ông với thân phận dân thường, lại nhận được sự tiếp đón quy cách cực cao của thiên tử Đại Đường: Huyền Tông xuống kiệu nghênh đón, ban giường thất bảo, tự tay nếm canh, cung chức Hàn Lâm. Đường Huyền Tông rất coi trọng và tin tưởng Lý Bạch, cho phép ông ra vào cung cấm, hầu hạ bên cạnh, đồng thời hỏi han việc nước, sai ông soạn thảo văn cáo.
Một đêm mùa xuân, hoa mẫu đơn bên hồ Hưng Khánh dưới lầu Trầm Hương nở rộ, đỏ tím hồng trắng đua nhau khoe sắc, rực rỡ lóa mắt. Đường Huyền Tông cưỡi bảo mã “Chiếu Dạ Bạch”, Dương Quý Phi ngồi trên kiệu bộ, cùng nhau đến lầu Trầm Hương ngắm hoa. Để giúp vui cho đế phi du thưởng, có nhạc sư nổi tiếng Lý Quy Niên, cùng mười sáu nghệ nhân ưu tú nhất của Lạc Viên.
Lý Quy Niên tay cầm đàn bản, chuẩn bị cất tiếng hát, nhưng bị Đường Huyền Tông ngăn lại với lý do nhạc từ đã cũ. Vào thời điểm thịnh thế tốt đẹp này, hoa đẹp người đẹp, nhất định phải dùng tiết mục hoàn toàn mới có tư duy tinh diệu, ý hay từ đẹp, mới xứng phối với cảnh tượng trước mắt. Vì vậy, Đường Huyền Tông đích thân chỉ định Lý Bạch, người có văn tài đứng đầu Hàn Lâm Viện, sáng tác từ mới.
Lý Bạch khi nhận chiếu, đang còn say rượu chưa tỉnh. Ông lại dùng thi tư mẫn tiệp, từ ngữ hoa mỹ, vung bút viết ba bài “Thanh Bình Điều”, nhận được sự tán thưởng nhất trí của đế phi. Giọng hát của Lý Quy Niên du dương thanh thoát, Đường Huyền Tông thổi sáo ngọc tự mình đệm nhạc; Dương Quý Phi tay cầm ly pha lê thất bảo, cười uống rượu nho Lương Châu, càng nghe càng như say. Lời ca hoàn mỹ, thông qua sự diễn tấu của những nghệ thuật gia xuất sắc nhất, biến thành một bữa tiệc ca vũ hoành tráng chưa từng có, đẩy bầu không khí thưởng hoa lên đỉnh điểm.
“Thanh Bình Điều” là tác phẩm tiêu biểu của Lý Bạch, từ xưa đến nay được đánh giá rất cao. “Đường Thi Biệt Tài” ca ngợi: “Tam chương hợp hoa dữ nhân ngôn chi, phong lưu y nỉ, tuyệt thế phong thần” (Tạm dịch: Ba chương hợp lại nói về hoa và người, phong lưu uyển chuyển, tuyệt thế phong thần). Đọc lại tác phẩm, Lý Bạch dùng Tây Vương Mẫu, Vu Sơn Thần Nữ so sánh vẻ đẹp của Dương Quý Phi, viết đến xuất thần nhập hóa, có lẽ không phải xuất phát từ tưởng tượng, mà là từ kinh nghiệm chân thực của tiền kiếp của chính ông, hoặc từ sự lĩnh ngộ và hiểu biết trong tu hành ở kiếp này? Vậy thì Dương Quý Phi được ca ngợi trong thơ, và Đường Huyền Tông có mặt ở đó, chẳng phải cũng có lai lịch phi phàm?
Từ đây mà xét, “Thanh Bình Điều” không chỉ là một tổ khúc thơ, nó còn ghi lại một khoảnh khắc huy hoàng và quý giá trong lịch sử triều Đường. Hoàng đế tôn quý, thi tiên hạ phàm, quý phi nghiêng nước, mẫu đơn nở rộ, điệu ca vũ tuyệt trần, tất cả cùng nhau tụ hội tại nơi này, ngàn năm khó gặp! Lý Bạch vung bút tiên, đã lưu lại cho hậu thế một chương sử sinh động hoa mỹ để hậu nhân hồi tố lịch sử triều Đường.
Tài liệu tham khảo: “Toàn Đường Thi”, “Thảo Đường Tập Tự”, v.v.
- Trọn bộ Phẩm đọc thơ cổ
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch