Hiếm ai biết rằng Giáo sư – Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành, giảng viên trường đại học Utah, Hoa Kỳ – niềm tự hào của người Việt trên trường quốc tế năm xưa chỉ là một đứa trẻ bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp (Sài Gòn).

Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, năm Thành 11 tuổi, cha mắc chứng liệt nửa người, cậu bé bắt đầu bươn chải để phụ mẹ kiếm tiền. Ngày ngày, sau khi tan học, cậu bé phải rong ruổi khắp bến xe lam chợ Gò Vấp để bán thuốc lá dạo, từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm.

Năm 1976, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu, tậu được một mảnh ruộng nhỏ và một cặp trâu. Khi ấy là lúc cậu bé Thành 15 tuổi, bỏ nghề bán thuốc lá sang cày thuê cuốc mướn.

Mưu sinh vất vả hằng ngày vất vả là thế nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi tri thức trong lòng cậu bé nghèo chưa bao giờ mai một mà ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tôi có tư duy thích học. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.

(Giáo sư – Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành)

Tới năm học lớp 12, nhận thấy tố chất của học trò nghèo lam lũ, thầy giáo dạy toán đã soạn đưa cho cậu bé Thành một số sách tham khảo. Cũng từ đây, con đường học tập của cậu đã bắt đầu rẽ bước ngoặt.

Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:

“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”

Ảnh: giaoduc.net.vn

Sau khi thi đậu đại học Bách Khoa, năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau khi vượt qua những khó khăn về văn hoá, ngôn ngữ, vào năm nhất đại học, anh quyết định từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập.

Trong khi hầu hết các bạn cùng trang lứa chọn những công việc là thêm ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo để trang trải cuộc sống thì chàng thanh niên người Việt quyết định tìm đến một người thầy để xin được theo chân làm việc trong các phòng thí nghiệm, Như vậy, anh đã bắt đầu việc nghiên cứu ngay từ khi bước chân vào đại học (vốn dĩ công việc này thường bắt đầu ở bậc cao học).

Vì số tiền phụ cấp cho nghiên cứu rất thấp nên anh chàng phải chi tiêu hết sức tiết kiệm hàng ngày. Còn về phần học phí, anh nhờ đến các khoản vay từ các quỹ dành cho sinh viên và học bổng của chính phủ.

Như vậy, sau 4 năm đại học, anh tốt nghiệp với bằng cử nhân hóa học cùng 4 văn bằng phụ về toán, lý công nghệ thông tin, và thống kê.

Ngay sau khi hoàn thành xong chương trình đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Tính đến khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu, trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường chỉ xuất bản khoảng 4-5 bài.Nhờ vậy trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh đã xuất sắc giành được học bổng của Quỹ Khoa học Quốc gia dành cho tiến sĩ trẻ tiềm năng.

Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.

Ảnh: baomoi.com

Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành từng chia sẻ: “Để thành công, con người không phải chỉ có tiềm năng trời phú mà còn cần môi trường giúp họ phát triển. Đặc biệt, người đó cần nhận thức được mình có cơ hội đó hay không. Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng ngay tại Việt Nam thì không có những ngôi sao như vậy?”

Giáo sư Thành kể câu chuyện làm dẫn chứng:

Cùng vượt biên giống như ông có người bạn cũng được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Nếu so sánh thì hai người có cơ hội như nhau. Trong khi Thành lựa chọn nỗ lực để vào đại học thì cậy bạn đi làm thêm cho một hãng gà tây với một mức thu nhập khá cao. 

Một năm sau, cậu bạn đã tậu được xe hơi, trong khi Thành vẫn chỉ là một cậu sinh viên nghèo tay trắng. Tốt nghiệp đại học, tài sản của Thành là một thùng sách, 200 đô la trong túi và khoản nợ nhà nước 15 ngàn đô vay để đi học; còn cậu bạn, với công việc móc ruột gà Tây, đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports…

5, 6 năm sau, khi Thành sắp tốt nghiệp tiến sĩ thì cậu bạn phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh.

Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM đi vào hoạt động từ năm 2009. Ông vừa tiếp tục công việc của mình tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu từ xa

Ảnh : Voatiengviet.com

Ngoài ra, ông còn nhận bảo trợ các sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của mình. Từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho khoảng 20 sinh viên sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Nhiều người trong đó đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

Thời còn đi cày mướn, tôi đã nghĩ rằng nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.

(Giáo sư – Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành)

Đi qua biết bao gió sương, giờ đây cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Sài Gòn năm xưa đã trở thành niềm tự hào của người Việt khắp năm châu. Ông đã tạo nên kỳ tích bằng một ý chí kiên cường và nỗ lực phi thường ; giờ đây ông đang tiếp tục truyền lại giá trị tốt đẹp đó cho những thế hệ sau.

“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công,
phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”

videoinfo__video3.dkn.tv||89e8fb96c__