Tác giả: Thái Nguyên chỉnh lý
Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Văn Thọ, nhiều lần thi khoa cử không đỗ, còn người em trai thứ hai của chàng thì trong kỳ thi hương đã đỗ ngay từ lần đầu. Cha của Văn Thọ cho rằng chàng học hành không chăm chỉ, trách mắng thậm tệ, thậm chí đuổi chàng ra khỏi nhà. Mẹ chàng cũng thường xuyên lăng nhục con dâu, nhưng người con dâu vốn hiền thục nên trước sau không hề oán hận.
Trước khi bị đuổi đi, Văn Thọ từ biệt vợ, nói: “Cha mẹ đuổi ta vì thi cử không đỗ, nếu ta không đỗ cử nhân thì nhất định không về nhà. Ta bất hiếu, vừa phải rời xa cha mẹ, vừa liên lụy đến nàng. Nàng còn trẻ, nên sớm tìm cho mình một lối thoát.” Vợ chàng khóc nói: “Không phải vậy, tài hoa của chàng thi cử nhân đâu có khó gì? Đã bị cha mẹ trách tội rồi, còn nói gì được nữa! Chỉ mong chàng sớm báo tin vui để an ủi cha mẹ, đó cũng là ước nguyện lớn nhất của thiếp, tuyệt đối không dám có lòng khác!” Văn Thọ cũng khóc nói: “Ta nghe nàng.” Văn Thọ ra đi không có tiền bạc, vợ chàng đem hết quần áo trang sức đi cầm đồ, chuẩn bị hành lý cho chàng ứng thí kỳ thi hương ở phủ Thuận Thiên.
Văn Thọ đến kinh thành, thuê trọ trong một ngôi chùa ở phường Tuyên Vũ, lại bắt đầu dùi mài kinh sử. Không lâu sau, chàng nghe nói em trai thứ hai cũng đến kinh thành tham gia kỳ thi hội của bộ Lễ, bèn đến thăm, hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, kể lể những chuyện sau khi chia ly. Người em cười nói: “Anh cả xưa nay tự phụ, nay xem ra có gì hơn tôi?” Văn Thọ buồn bã ra về. Đến khi người em đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm quan tư của một bộ, sắp được nghỉ phép về quê, Văn Thọ cảm thấy không còn mặt mũi nào đến thăm em nữa, mà người em cũng không đến chỗ Văn Thọ.
Người em đỗ tiến sĩ trở về nhà, thân thích bạn bè đến chúc mừng nườm nượp, nhà cửa mở tiệc tùng ca hát, vô cùng náo nhiệt. Vợ của Văn Thọ vì lo lắng cho cha mẹ chồng, không tiện lảng tránh nên cũng theo mọi người lo toan việc nhà. Em dâu lại chế giễu nàng: “Chị dâu cũng vui nhỉ.” Vợ Văn Thọ coi như không nghe thấy. Vài ngày sau, nàng hỏi em chồng: “Chú có gặp anh cả ở kinh thành không?” Người em hờ hững đáp: “Có gặp một lần.” Rồi lạnh nhạt nói sang chuyện khác. Vợ Văn Thọ hiểu được ý tứ của em chồng, không hỏi gì nữa, chỉ một mình đóng cửa lại, âm thầm khóc.
Người em lại nói trước mặt mọi người: “Anh trai thực ra là oán hận cha mẹ đuổi anh ấy, lại đổ lên đầu tôi, luôn tránh mặt tôi, nên chúng tôi không thường xuyên gặp nhau.” Cha mẹ trở nên cao quý nhờ con thứ đỗ đạt làm quan, tự nhiên chỉ tin lời con thứ, càng thêm tức giận mắng nhiếc Văn Thọ. Mấy lá thư Văn Thọ gửi về, họ còn không thèm xem đã đốt đi, hai ông bà càng thêm yêu quý con dâu thứ mà ghét bỏ con dâu trưởng, thậm chí đối xử với vợ Văn Thọ như người hầu.
Vợ Văn Thọ biết rõ em chồng nói xấu Văn Thọ trước mặt cha mẹ, nhưng cũng không dám biện bạch. Mỗi khi ăn cơm, cha mẹ chồng luôn để mọi người ăn xong mới cho vợ Văn Thọ ăn đồ thừa, khiến nàng thường xuyên không đủ no, hơn nữa tất cả các hoạt động ăn uống vui chơi trong các dịp lễ tết, họ đều không cho nàng tham gia.
Văn Thọ có một con trai vừa tròn ba tuổi, tranh giành hạt dẻ với con của người em nên khóc, con của người em cũng khóc, bà nội rất tức giận, dỗ dành cháu thứ mà đánh cháu đích tôn, còn trách mắng con dâu trưởng không biết dạy con, vì chuyện này mà mắng mỏ cả ngày, vợ Văn Thọ đành phải khóc lóc quỳ xuống tạ tội.
Cha của Văn Thọ mắc bệnh nặng, vợ Văn Thọ ngày đêm lo lắng thở than, vừa đau lòng cho sự không thành đạt của chồng, vừa sợ bệnh của cha chồng không đợi được đến ngày Văn Thọ đỗ đạt, đêm đêm thắp hương cầu khấn, nguyện trời phật phù hộ cha chồng sống lâu, sau này, bệnh của cha chồng quả nhiên dần dần khỏi hẳn.

Em dâu thấy chị dâu thắp hương cầu nguyện, lại gièm pha với mẹ chồng: “Chị dâu ngày nào cũng thắp hương nguyền rủa cha chồng đấy ạ!” Bà mẹ chồng vô cùng giận dữ, đem chuyện này kể với chồng, chuẩn bị khởi kiện để bỏ vợ Văn Thọ, hàng xóm láng giềng đều biết người con dâu cả này bị oan, lại sợ bị người con dâu thứ oán hận, nên không ai dám ra mặt nói lời công bằng. Vợ Văn Thọ không có cách nào chứng minh sự trong sạch của mình, ôm một bụng oan ức không biết tỏ cùng ai, không lâu sau thì thổ huyết mà chết, tuổi còn chưa đến ba mươi, ai nghe cũng đều thương cảm.
Đúng lúc này, Văn Thọ vừa tham gia xong kỳ thi hương ở phủ Thuận Thiên, lại một lần nữa không đỗ, ở lại kinh thành, không dám về nhà, mà tất cả tiền bạc đã tiêu hết, chỉ đành phải chép kinh cho các nhà sư trong chùa để kiếm sống qua ngày. Một ngày vào lúc chập tối, chàng tình cờ đi dạo bên ngoài chùa, phát hiện dưới gốc cây thông có một thiếu phụ đi đi lại lại, trông rất giống vợ mình, tiến lên hỏi thì quả nhiên đúng là nàng, không khỏi giật mình kinh hãi, hỏi nàng làm sao lại đến đây, vợ chàng nghẹn ngào không nói nên lời, hồi lâu mới nói: “Thiếp đã là quỷ rồi!” Văn Thọ nghe vậy thì khóc lớn, người vợ khuyên: “Chàng đừng đau lòng, thiếp nay đến bầu bạn với chàng, cũng như khi còn sống, huống chi khi còn sống chúng ta còn cách xa nhau, hôm nay được tương phùng, sao chàng không vui?” Văn Thọ bèn nín khóc, cũng không cảm thấy sợ hãi, cùng vợ trở về chùa. Những người khác không ai nhìn thấy nàng, nàng nói chuyện cũng không ai nghe thấy.
Vợ nói với Văn Thọ: “Chàng chịu cảnh nghèo khổ thế này, thiếp sẽ nghĩ cách giúp chàng.” Hỏi nàng có cách gì, nàng chỉ nói: “Ngày mai xin chàng bày một quầy bói toán trước cửa chùa. Thiếp ở đây có thể biết trước tương lai của người khác, nhất định sẽ có thu hoạch lớn.” Văn Thọ nghe theo lời vợ, phàm là những việc được chàng bói toán đều ứng nghiệm, nhất thời danh tiếng nổi như cồn, người dân kinh thành nghe tiếng kéo đến chật ních trước cửa chùa, mọi người cho rằng cao sĩ Nghiêm Quân Bình thời Hán đã tái xuất.
Không lâu sau, kỳ thi hương lại sắp đến, Văn Thọ hỏi: “Lần này tôi có thể đỗ không?” Vợ nói: “Chuyện này ngay cả thần tiên cũng phải giữ bí mật, thiếp không thể biết, nhưng chàng hãy dốc toàn lực vào lần này.” Thế là nàng khuyên Văn Thọ từ chối khách khứa, ẩn cư đọc sách, mua rất nhiều sách về, ngày đêm dùi mài kinh sử. Vợ chàng vốn đã biết chữ, cũng mở sách ra cùng Văn Thọ đối diện đọc, mà ngộ tính của nàng còn cao hơn Văn Thọ. Họ bắt đầu nghiên cứu kinh nghĩa và thi sách theo chương trình đã định, những gì nàng viết ra thường có tâm lo thiên hạ. Văn Thọ than thở: “Tiếc rằng nàng là thân nữ nhi không thể đi thi làm tiến sĩ, huống chi âm dương cách biệt, làm ra những bài văn thế này liệu có ích gì?” Vợ cười mà không đáp.
Văn Thọ vào trường thi, đến đêm, vợ chàng cũng đến, giúp chàng khởi thảo bài sách đối, khởi thảo xong, Văn Thọ cầm lên đọc, một thí sinh ở phòng thi bên cạnh, là một sĩ tử rất có danh tiếng, nghe thấy bèn muốn xem, hết lời khen ngợi, nói như có thần giúp đỡ, và nói: “Bài văn này nhất định sẽ hơn hẳn những cử nhân vào kinh ứng thí.” Văn Thọ bèn kể lại chi tiết mọi chuyện cho người thí sinh đó nghe, người đó cũng vô cùng xúc động cảm thán.
Đến khi kỳ thi được công bố, Văn Thọ lại một lần nữa trượt, vợ chàng vô cùng bi phẫn, nói: “Hỏng rồi! Phải làm sao đây?” Lần này Văn Thọ lại an ủi vợ. Vợ nói: “Không phải vì cảnh ngộ của chàng và thiếp mà đau buồn. Công danh khoa cử thực sự đáng để quan tâm đến thế sao? Điều đáng buồn là cha mẹ đều đã già, họ luôn mong chàng đại quý, mà chàng cuối cùng cũng có thể toại nguyện cho họ, là số mệnh a! là số mệnh a!”
Lúc này, người em đã đưa vợ con đến bộ nhậm chức tư tào, Văn Thọ đoán rằng em trai chắc chắn cũng đã đón cha mẹ đến kinh thành phụng dưỡng, bèn đến hỏi thăm, nhưng cha mẹ không đi cùng, người em cảm thấy tiếp đón anh trai là điều không vẻ vang gì, thông báo cho người gác cổng không tiếp. Thì ra từ khi vợ Văn Thọ chết, con dâu thứ cậy chồng làm quan mà trở nên cao quý, càng thêm kiêu căng, thường xuyên ngạo mạn bất kính với cha mẹ chồng, không có chút lễ nghi của con dâu nào, thậm chí, cha mẹ chồng còn phải nhún nhường chiều theo cô ta. Vì lẽ đó, khi người em đến kinh thành làm quan, cha mẹ không muốn đi cùng, Văn Thọ biết được nguyên nhân, càng thêm hận mình thi cử không đỗ, cùng vợ khóc ròng một ngày một đêm.

Không lâu sau, người em trai mãn nhiệm kỳ, sắp được điều đi nơi khác nhậm chức thái thú, vợ lén nói với Văn Thọ: “Đây không phải là chuyện tốt. Em trai chàng bạc tình bạc nghĩa lại tham tài, sau này khó tránh khỏi gặp chuyện.”
Văn Thọ có một người em trai út tên là Trật Sinh, bản tính nhân nghĩa hiền lành, được cha mẹ rất mực yêu thương. Khi Văn Thọ rời nhà, Trật Sinh còn nhỏ, lớn lên thì ra ngoài theo thầy học, biết rõ anh cả vô tội bị đuổi đi, mà chị dâu bị oan khuất vì lời gièm pha mà chết, rơi lệ nói với cha mẹ: “Anh cả không đỗ đạt, lẽ nào là tội của anh ấy sao? Mệnh không tốt a! Huống chi khoa đệ thì có gì tốt? Như anh hai tuy giàu sang, cha mẹ có được gì từ đó? Chị dâu hiền thục hiếu thuận, hàng xóm không ai không biết, bất hạnh mang tiếng oan khuất, hồn oan dưới suối vàng, để lại một đứa con côi cút không nơi nương tựa, thật khiến người ta đau lòng! Xin người hãy khoan dung, cho anh cả được trở về phụng dưỡng cha mẹ, cũng có thể tế lễ trước mộ chị dâu, để an ủi linh hồn chị ấy, đó mới là đại đức của trời đất!”
Lúc này, cha mẹ Văn Thọ cũng dần dần hối hận, bắt đầu thông cảm cho nỗi oan của con dâu, nghe lời Trật Sinh nói, không khỏi rơi lệ, nói: “Con ta đại nhân hiếu, chúng ta nghe con.” Thế là viết thư triệu Văn Thọ về nhà, phái người tế mộ con dâu, an ủi và thương xót con trai họ.
Thư còn chưa đến, vợ Văn Thọ đã biết, vui mừng khôn xiết, nói với Văn Thọ: “Chúc mừng lang quân có thể về nhà rồi! Cha mẹ chồng gần đây nhờ lời của em ba, sẽ sớm triệu chàng về, tâm nguyện của thiếp cũng được minh oan, và đã được ban cho rượu thịt rồi. Chàng hãy chuẩn bị hành trang chờ đợi, cùng thiếp về nhà.”
Hơn mười ngày sau, thư quả nhiên đến, họ nhận được thư liền lập tức lên đường. Vừa đến cổng nhà, có một thiếu niên chờ ở bên ngoài, thấy Văn Thọ thì tiến lên hỏi: “Xin hỏi bác là ai?” Văn Thọ nói: “Văn Thọ, người lưu vong.” Thiếu niên lau nước mắt quỳ xuống, hỏi ra mới biết, chính là em ba Trật Sinh, thì ra em ước chừng anh cả sắp đến, đã ngóng trông ở cổng mấy ngày nay rồi. Lập tức có một đứa bé tóc để chỏm bò ra đất khóc nức nở, chính là con trai của Văn Thọ, khi mẹ bé mới qua đời, ông bà nội đối với bé không hề từ ái. Chú ba Trật Sinh rất thương xót bé, ngày nào cũng lấy cơm thức ăn cho bé ăn, ban đêm thì chăm sóc bé ngủ, món ăn vặt, đồ chơi, không có gì không chu đáo. Cha mẹ không muốn trái ý Trật Sinh nữa, đối với con của Văn Thọ cũng không còn quá hà khắc.
Con trai Văn Thọ tuy mất đi sự yêu thương của ông bà, nhưng lại được phát triển trưởng thành, không chết vì đói rét bệnh tật, hoàn toàn là công lao của Trật Sinh. Hôm nay cùng nhau ra đón Văn Thọ, mà Văn Thọ đã rời nhà tròn tám năm, nên mới không nhận ra nhau. Lúc này, Trật Sinh vội vàng vào nhà bẩm báo với cha mẹ, Văn Thọ cũng vội vàng vào bái lạy trước thềm nhà, nói: “Thọ nhi bất hiếu, đã lâu không thể quan tâm đến sự ấm lạnh của cha mẹ, đến cuối cùng cũng không thể thành tựu công danh, để an ủi lòng cha mẹ, mà lòng từ ái của cha mẹ vô bờ bến, cho con được gặp lại người thân.” Nói chưa dứt lời, đã khóc nức nở thành tiếng. Cha mẹ cũng nước mắt lưng tròng nghẹn ngào không thôi, đích thân đỡ Văn Thọ dậy, những lời thương xót an ủi vô cùng ấm áp và chân thành, hàng xóm nghe tin, già trẻ lớn bé đều đến thăm hỏi, rất nhiều người đã rơi nước mắt.
Văn Thọ vẫn luôn muốn nói chuyện vợ mình cũng cùng về, nhưng lại sợ cha mẹ kinh hãi, chần chừ không dám nói, cha mẹ thì cho rằng Văn Thọ còn chưa biết chuyện con dâu đã chết, vả lại con trai vừa mới về nhà, tạm thời không muốn nhắc đến. Đến khi trời tối, Văn Thọ ra ngoài cửa, thấy vợ đứng ở góc tường rơi lệ hai mắt đều đỏ hoe, vợ hỏi: “Chuyện của thiếp đã nói chưa?” Văn Thọ nói: “Còn chưa. Nàng tạm thời theo ta vào nhà. Sáng mai, ta nhất định sẽ nói.” Vợ nói: “Không có sự cho phép của cha mẹ chồng, sao dám vào nhà?” Văn Thọ vì vậy mà thở dài không thôi, thế là vào nhà, xin phép cha mẹ, kể lại tường tận mọi chuyện, những người nghe trong nhà đều vô cùng kinh ngạc.
Trật Sinh nói: “Xin mọi người đừng nghi ngờ sợ hãi, chị dâu tuyệt đối sẽ không gây họa cho ai đâu. Chị dâu hiền thục mà hiếu thuận, nay là hiển linh thần dị, không phải sao!” Cha mẹ vô cùng cảm động trước tấm lòng của con dâu, sai nàng vào.
Văn Thọ đi ra ngoài cửa gọi: “Nàng vào đi!” Một lát sau nghe thấy dưới thềm có người vừa khóc vừa nói, quần áo xào xạc như có người quỳ xuống đứng lên, Văn Thọ nói với cha mẹ: “Con dâu bái kiến.” Mẹ có chút cung kính mà bất an nói: “Trước đây có người ly gián mối quan hệ giữa ta và con dâu, là do ta không nhân hậu, rất có lỗi với con dâu, nay biết lỗi rồi! Mong con dâu đừng oán hận ta nữa.”
Liền nghe thấy con dâu đáp lời: “Đâu dám!” Mẹ lại nói: “Lời nói của con dâu ta có thể nghe được, nhưng hình dáng lại không nhìn thấy, là vì sao?” Con dâu nói: “Thiếp còn chưa chải chuốt thay y phục, không dám gặp cha mẹ chồng, huống chi đâu dám lấy thân xác đã mục nát mà làm kinh hãi các bậc trưởng bối? Chỉ mong người đừng vì quỷ dị mà vứt bỏ thiếp, để con được ở âm gian hầu hạ người, mà có thể làm những việc mà người sống không thể phòng vệ được, để bù đắp những chức trách mà con còn chưa hoàn thành khi còn sống, có gì tốt hơn thế sao? Tại sao nhất thiết phải gặp mặt?” Nói xong, lại hướng về Trật Sinh bái tạ, lời lẽ ai oán.
Cha mẹ đã hiểu ra Văn Thọ rất có tài đức, chỉ là vận mệnh bất hảo, liền để chàng chủ quản gia chính, không bắt chàng truy cầu công danh nữa. Sau này nhận được tin tức từ chỗ người em, người em vì nhận hối lộ mà sự việc bại lộ, bị cách chức sung quân biên cương, tất cả những gì có được khi làm quan đều bị tịch thu, vợ con vì nghèo khổ không thể về nhà. Văn Thọ nói với cha mẹ, sẽ để Trật Sinh đi đón họ. Trật Sinh rất coi thường nhân phẩm của anh hai, không muốn đi, vợ Văn Thọ khuyên: “Anh cả, anh hai, đều là anh của chàng, chú ba chàng đối với anh em hữu ái, sao lại riêng đối với anh hai có hiềm khích?” Trật Sinh thở dài nói: “Tuân lệnh!” Bấy giờ mới lên đường, đem vợ con của anh hai đón về.
Vợ của người anh thứ quen an nhàn sung sướng, đột nhiên gặp phải cảnh khốn khổ, căn bản không chịu nổi. Cha mẹ Văn Thọ vì con thứ phạm tội thực sự làm nhục mình, mà con dâu thứ xưa nay không kính trọng mình, tình yêu thương ban đầu đã biến mất hết, lâu dần càng thêm ghét bỏ cô ta, giống như trước đây ghét con dâu cả vậy. Hàng xóm láng giềng ban đầu vì con thứ cao quý, trong bụng có lời không dám nói, đến lúc này cũng rất coi thường cô ta. Con trai của Văn Thọ oán cô ta gièm pha hãm hại khiến mẹ mình chết oan, tuy bị chế ước bởi mệnh lệnh của cha mẹ không dám phát tác, nhưng lúc nào cũng có lòng báo thù. Con trai của người anh thứ lâu ngày theo cha làm quan bỏ bê việc học hành, vừa ngu dốt vừa kiêu căng, thích cờ bạc rượu chè, thứ gì trong nhà cũng ăn trộm rồi bỏ trốn, giao du với những kẻ vô lại trong khu phố, dù có đánh thế nào đi nữa, cũng không thể ngăn cản được. Bản thân người anh thứ bị ngăn cách ở nơi biên ải vạn dặm mà chết, không có khả năng được chôn cất ở quê nhà. Bởi vậy vợ của anh ta tuy trở về nhà, trước sau lại khác nhau một trời một vực, xấu hổ thất vọng tủi nhục, hầu như không thể làm người, duy chỉ có chị dâu đối với cô ta như thường, không chấp nhặt chuyện cũ.
Không lâu sau, Trật Sinh đạt được tư cách huyện sinh viên, tiến tới đỗ cử nhân. Vài năm sau, cha mẹ Văn Thọ lần lượt qua đời, Văn Thọ, Trật Sinh cư tang vô cùng đau buồn, vợ Văn Thọ cũng mặc đồ tang, khóc như người đang sống. Văn Thọ hỏi nàng: “Cha mẹ chồng bây giờ đã đi đâu rồi?” Vợ nói: “Chuyện này không thể nói, nói ra thì người chết người sống đều có tội, nên không dám nói.” Từ đó sắc mặt nàng thường tỏ ra không vui, gặp mặt cũng ngày càng ít, hỏi nàng nguyên nhân, mãi không chịu nói.
Một ngày nọ, trên mái hiên nhà bỗng vang lên tiếng tiêu sáo lẫn lộn, lúc này cả nhà đều nhìn thấy vợ Văn Thọ. Nàng với vẻ mặt đau buồn thảm thiết, rơi lệ nói: “Ly biệt thôi! Thượng Đế thương xót tấm lòng ta mà biểu dương sự đôn hậu của ta, cho ta được xếp vào hàng cuối của các vị thần, được hưởng thụ việc lập đền thờ phụng. Nhận được mệnh lệnh lớn này, đã năm năm trôi qua, ta vì cha mẹ chồng còn sống, không nỡ rời đi, hôm nay không còn lý do gì để từ chối nữa!” Rồi nàng lại nói với Văn Thọ: “Lộc mệnh của mọi người đều còn dài, chỉ riêng chàng là lận đận truân chuyên, phúc lộc ở đời không một ngày được hưởng, nhưng chàng cũng đừng quá bi thương, vài ngày nữa, ta sẽ đến báo cho chàng biết.” Lại nói với con trai: “Con ta sẽ hiển quý, mười hai năm sau hãy đến gặp ta, hôm nay đừng buồn, hãy hết lòng phụng dưỡng chú thím của con, ngày sau gắng sức báo đáp quốc gia, không thẹn với ông bà, cha mẹ con!” Nói xong, liền từ từ bay đi.
Văn Thọ không lâu sau ngã bệnh, lúc lâm chung, bỗng nói với người nhà: “Vợ ta đến rồi!” Liền qua đời. Mười hai năm sau, con trai ông đến một nơi nhậm chức, trên đường đi qua một ngôi miếu, vào bái lạy tượng thần, nhìn thấy có hai pho tượng thần ở đó đặc biệt giống cha mẹ mình.
Nguồn: Nhĩ Thực Lục
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch