khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Khi Giác Giả hạ thế,

vì sao chúng ta
không thể nhận ra Ngài?

Từ xưa đến nay, biết bao vị Giác Giả đã giáng hạ xuống nhân gian. Nhưng đường truyền Pháp gian nan, cứu người sao khó nhọc!

Chuyện kể rằng…

Nhiều ngàn năm về trước, nơi ấy từng là một vương quốc xinh đẹp, trù phú, nơi khởi phát của một nền văn minh rực rỡ huy hoàng. Các thánh điển cổ xưa còn ghi chép lại, từ trước khi Đức Phật Thích Ca đản sinh, thì Thần Phật đã từng giáng hạ xuống nơi này. Những vị Phật, vị Thần rất cổ và rất xưa ấy cũng thuyết Pháp độ nhân, và người tu hành khi ấy được gọi là các Bà-la-môn cao quý.

Người ta tin rằng, các Bà-la-môn là gần với Thần Phật nhất, vì vậy mà tôn quý và luôn được cúng dường. Người người gặp họ đều lui bước nhường đường, quý tộc gặp họ đều chắp tay kính cẩn, ngay cả những hàng quý phái như vua chúa hay vương gia khi gặp họ cũng đều tự coi mình là thấp hơn một bậc.

Nhưng trải qua thời gian đằng đẵng, tầng lớp Bà-la-môn — từ những vị hành giả tu luyện nơi non cao rừng vắng, hay từ những bậc chân tu chỉ chuyên tâm khổ hạnh tu hành — nay lại trở nên kiêu căng ngạo mạn. Họ tự nhận mình là cao thượng, là đứng trên muôn vạn người, xứng đáng được hưởng cuộc đời sung sướng nhất. Họ khinh thường những người nghèo khổ, gọi đó là hạng tiện dân thấp hèn. Thay vì chân chính tu hành, họ bắt đầu sát sinh cúng tế, dùng máu huyết của động vật để làm lễ tế Thần, coi việc cúng bái là con đường tu luyện.

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Giữa lúc ấy, bỗng xuất hiện một sa-môn làm Bà-la-môn chấn động. (Ảnh: Hesed.info)

Giữa lúc ấy, bỗng xuất hiện một sa-môn vô danh làm đảo lộn mọi lễ nghi, phá vỡ mọi quy tắc. Nghiêm trọng nhất là, vị sa-môn ấy đã thu hút rất nhiều người đến nghe thuyết Pháp, vì vậy đã đe dọa quyền thống trị của các Bà-la-môn — tầng lớp mà suốt ngàn năm qua vẫn được tôn vinh là cao quý tột đỉnh, quyền uy tột đỉnh.

Họ trở nên đố kỵ: “Hừ! Kinh Vệ Đà đã truyền thừa cả ngàn năm qua, vậy mà kẻ vô danh này lại dám dùng lời nói của mình để giáo hóa dân chúng, khiến các đệ tử Bà-la-môn tin theo lời hắn, lại còn gọi hắn là Như Lai, là Phật Thích Ca! Chúng ta tế lễ là để tôn kính Thần linh, vậy mà kẻ vô danh này dám phản đối sao? Đã không cúng bái, không lễ Thần, lại còn dùng lời nói suông để mê hoặc lòng người!”.

Vị sa-môn vô danh này từ chối tu khổ hạnh, thuyết giảng rằng chúng sinh là bình đẳng, rằng không phải mang dòng dõi Bà-la-môn mới là người cao quý, mà bất kỳ ai cũng trở nên cao quý khi họ giữ gìn phẩm hạnh của mình.

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Và thế là, các tu sĩ Bà-la-môn bắt đầu thù hận Đức Phật Thích Ca, họ buông lời phỉ báng, khiến dân chúng xa lánh các tăng ni Phật tử, coi Phật Pháp của Đức Thích Ca là “tà giáo”, lại gọi Ngài là “kẻ dụ dỗ người ta vào con đường hủy diệt”. Rất nhiều đệ tử của Phật Thích Ca sau đó cũng bị Bà-la-môn bức hại. Họ bị bắt, bị buộc phải từ bỏ tín ngưỡng, có người bị bắn bằng cung tên, lại có người bị lửa thiêu đốt.

Lại kể rằng…

Nhiều ngàn năm về trước, rất rất lâu trước khi Chúa Jesus giáng thế, người Do Thái đã có Kinh Thánh, họ tin vào một Đấng Tối Cao và gọi Ngài là Thiên Chúa.

Tín ngưỡng về Đức Chúa Trời của người Do Thái được ghi chép trong Ngũ Thư Moses, còn gọi là Kinh Thánh Cựu Ước. Do Thái giáo đã trải qua những trang lịch sử huy hoàng, từ giao ước linh thiêng giữa Thiên Chúa và tổ phụ Abraham, tới mặc khải của Thiên Chúa, cho đến những thánh tích và rất nhiều phép lạ khi Moses dẫn đoàn người băng qua Hồng Hải, đi tìm miền đất hứa… Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, tín ngưỡng vào Thiên Chúa đã trở thành niềm tin bất diệt của dân tộc Do Thái.

Nhưng bất kỳ một tôn giáo nào dẫu toàn thịnh đến đâu, cuối cùng cũng đi vào suy bại. Không phải vì tôn giáo biến thành tà, mà là vì lòng người thay đổi. “Pháp mạt” không phải vì Pháp ấy không thể độ nhân, mà là con người không còn tuân theo lời dạy của Thánh nhân nữa. Bản thân Moses cũng từng dự ngôn về thời suy bại của Do Thái giáo. Trong Sách Đệ Nhị Luật của Kinh Cựu Ước, Ngài nói: “Ta biết rằng sau khi ta chết rồi, các ngươi ắt sẽ bại hoại hoàn toàn, xa rời khỏi lời mà ta căn dặn”.

Và ngày ấy cuối cùng cũng đến. Đền thờ vốn là nơi linh thiêng, nhưng nay lại trở thành chuồng nuôi gia súc làm vật tế lễ, nơi con buôn mua bán và đổi chác những đồng shekel. Các tín đồ đến nhà nguyện không phải để kính ngưỡng Thiên Chúa, mà là để chất cho đầy túi tham tiền tài vật chất, để thỏa mãn hư danh và dục vọng của mình.

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Chúa đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilea để giảng dạy về đức tin, về lòng khoan dung tha thứ. (Ảnh: Wikimedia)

Giữa lúc ấy, một người đàn ông tự xưng là “Jesus thành Nazareth” xuất hiện. Ngài đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilea để giảng dạy về đức tin, về lòng khoan dung tha thứ, về tình yêu thương và lòng bác ái. Ngài có thể thi triển nhiều phép lạ mà các thầy thượng tế Do Thái giáo không thể làm được, như chữa bệnh, đuổi tà ma, hay giúp người chết sống lại. Trong khi dân chúng ca ngợi Jesus là “Con của Thiên Chúa”, thì giới lãnh đạo Do Thái lại xem ngài là mối đe dọa cho quyền lực của mình.

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Khi Chúa Jesus giáng thế cứu rỗi con người, nhưng con người lại không biết Ngài, lại phỉ báng và hành hạ Ngài. (Ảnh: Shutterstock.com )

Giống như phép tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” trong Cựu Ước, lời thề này cuối cùng đã ứng nghiệm, trở thành cơn ác mộng mà người Do Thái không thoát được suốt gần 2000 năm.

Và thế là, vì lời xúi giục của viên thượng tế Joseph Caiaphas, quân lính La Mã đã vây bắt Chúa Jesus theo lệnh của Tòa Công Luận. Lúc ấy Tổng trấn Phi-la-tô cho rằng Đức Jesus vô tội, và đã nhiều lần muốn phóng thích Ngài. Nhưng Do Thái giáo phẫn nộ và các thượng tế kiên quyết đòi phải đóng đinh Jesus lên thập tự giá, họ trở nên náo loạn nếu như Jesus không bị xử tử hình.

Phúc âm Matthew – Kinh Tân Ước ghi rằng: Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu này, mặc các người liệu lấy!”. Đám đông đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”. Giống như phép tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” trong Cựu Ước, lời thề này cuối cùng đã ứng nghiệm, trở thành cơn ác mộng mà người Do Thái không thoát được suốt gần 2000 năm.

Làm thế nào để nhìn ra chân tướng, phân định chính – tà?

Bất cứ một giáo Pháp chân chính nào, cũng đều truyền cho thế nhân đúng vào thời mạt Pháp. “Mạt Pháp” không phải nói về Pháp lý của Giác Giả, mà là nói rằng nhân tâm bại hoại, đạo đức suy đồi, con người chỉ duy trì cái vỏ tôn giáo, mà không còn chân chính tu hành. Bởi vì “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nếu miệng tụng kinh văn mà trong tâm vẫn còn ham muốn tiền tài, mê đắm hưởng lạc thú trần gian, thì thử hỏi tụng niệm ấy còn có ích chi? Thời kỳ mạt Pháp, người tu hành chỉ “hành” mà không “tu” nên không thể đắc độ. Nhưng Giác Giả là từ bi, nên mới hạ thế truyền tâm Pháp cho con người.

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

Bất cứ một giáo Pháp chân chính nào, cũng đều truyền cho thế nhân đúng vào thời mạt Pháp. (Tranh của hoạ sỹ Chương Thuý Anh)

Từ xưa đến nay, biết bao vị Giác Giả đã giáng hạ xuống nhân gian. Nhưng đường truyền Pháp gian nan, cứu người sao khó nhọc! Giác Giả hạ thế độ nhân nhưng lại bị chính con người phỉ báng, bị chính con người đàn áp và bức hại. Những bi kịch lịch sử từ hơn 2000 năm trước ấy, cũng chính là lời nhắc nhở cho nhân loại ngày nay.

Đương thời Phật Thích Ca xuất hiện đã khiến Bà-la-môn giáo nổi giận. Sự xuất hiện của Chúa Jesus cũng làm Do Thái giáo chấn động. Nhưng thời gian trôi qua, Thích giáo trải hai ngàn năm trăm năm mà thịnh hành trên thế gian. Cơ Đốc giáo sau khi trải qua cuộc bức hại đức tin tàn khốc, cũng trở thành tôn giáo trụ cột trong thế giới Tây phương. Nếu quay trở lại những ngày đầu sơ khai ấy, chẳng phải bất cứ chính Pháp, chính Đạo nào cũng từng trải qua cuộc thử thách tàn khốc, bị người đời chế giễu, thậm chí còn bị coi là “phản loạn”, là “tà” đó sao? Khi ấy, có mấy ai dũng cảm đứng lên bảo vệ chân lý, ai dám lên tiếng nói lời công đạo, ai sẵn sàng bênh vực các Thánh giả, Thánh đồ?

Ngày hôm nay, trong thời đại lịch sử vô cùng đặc biệt này, người ta nói nhiều đến “thời mạt Pháp”. Có người khăng khăng nói rằng: Đã là Pháp của Phật, sao có thể mạt được? Nhưng chẳng phải Đức Phật Thích Ca cũng từng giảng rằng, Phật giáo của ngài sẽ trải qua ba giai đoạn: “Thời kỳ Chính Pháp” (500 năm, Phật giáo thuần chính), “thời kỳ Tướng Pháp” (1000 năm, Phật giáo bị rối không thuần, nhưng vẫn có Pháp, có Phật tướng ở đó, vẫn có thể tu hành độ nhân), và sau cùng đi vào “thời kỳ Mạt Pháp” (Phật giáo bị làm loạn, không thể độ nhân được nữa). Ngài cũng tiên tri về Đức Di Lặc giáng thế, phải chăng Đức Di Lặc cũng lựa chọn thời điểm mạt Pháp để phổ độ chúng sinh?

khi-giac-gia-ha-the-vi-sao-chung-ta-khong-the-nhan-ra-ngai

(Tranh của hoạ sỹ Chương Thuý Anh)

Nhưng lịch sử tựa như chiếc bánh xe quay vòng, những gì đã qua không khỏi khiến chúng ta trăn trở: Nếu như ngày ấy đến, Phật Di Lặc hạ sanh và truyền ra tâm Pháp, thì chúng ta, những người trần mắt thịt, có mắc lại sai lầm trong quá khứ hay không? Con người sẽ vui mừng đón nhận giáo Pháp của Ngài, hay quay lưng phỉ báng coi đó là “tà giáo” và rồi bức hại các Pháp đồ?

Trong thời đại mà chính – ngụy bất phân, vàng thau lẫn lộn, để có thể nhìn ra đâu là chính, đâu là tà, có lẽ chỉ có thể dùng Tâm: Giáo Pháp ấy có thể quy chính nhân tâm, giúp người hướng thiện, thăng hoa đạo đức, đề cao cảnh giới hay không? Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có một ngọn đèn trong tâm để suy xét cho riêng mình…

Tâm Minh