Nói đến Gia Cát Lượng, ai cũng biết rằng ông là một nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc về tài năng quân sự với một bộ óc thế kỷ. Chuyện về ông có lẽ cả ngày không kể hết. Nay chỉ xin mạn đàm đôi điều về chuyện ngoài lề của ông, câu chuyện tình hy hữu của một nhân tài kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa.
Tài nữ nghìn năm khó kiếm
“Người đẹp” được nói đến ở đây là Hoàng Nguyệt Anh, thiên kim tiểu thư của Hoàng Thừa Ngạn. Nàng là một cô gái vô cùng thông minh, tài hoa xuất chúng, không chỉ cầm kỳ thi họa nàng còn tinh thông cả võ thuật. Tiếng tăm của nàng vang khắp đó đây và đến tai Gia Cát Lượng…
Đó là lý do thôi thúc Gia Cát Lượng quyết tâm tìm cơ hội kết giao, gặp gỡ “người đẹp”. Hơn nữa, vốn người ham học hỏi, nghe nói ở Ngọa Long Cương có gia đình viên ngoại họ Hoàng, trong nhà có nhiều sách quý, Gia Cát Lượng bèn tới đây, dựng lều tranh ở gần để tìm dịp hội kiến, mong một ngày có thể gặp gỡ Nguyệt Anh lại vừa có cơ hội mở rộng trí tuệ.
Gia Cát Lượng mong ngày gặp gỡ Nguyệt Anh. (Ảnh minh họa: Internet)
Nói về tài nữ Nguyệt Anh, lời đồn thổi về nàng vẫn chưa hết, ngoài là một bậc kỳ tài, tính cách hiền dịu nết na, thiên hạ còn đồn về nhan sắc “ma chê quỷ hờn”, dáng vẻ thô kệch của nàng. Gia Cát Lượng nghe tiếng đã lâu, quyết chí phải gặp mặt một lần nên đã đến phủ Hoàng Thừa Ngạn. Hay tin đó, Hoàng Nguyệt Anh đã chuẩn bị nhiều thứ để thử thách ông, bà đưa ra hàng loạt câu hỏi cho họ Gia để thử tài người đến cầu hôn mình.
Truyền thuyết kể rằng, Gia Cát Lượng lần đầu tới Hoàng phủ đã rất cao hứng. Khi tới nơi, ông đẩy cổng bước vào, đột nhiên, hai con chó rất to ở hành lang giữa hai căn nhà chính nhảy chồm ra và lao thẳng tới chỗ Gia Cát Lượng. Một a hoàn ở dưới mái hiên thấy vậy liền chạy đến dùng tay phát mạnh vào trán hai con chó. Thoáng chốc, hai con chó đã dừng lại, không nhảy lên nữa. Khi a hoàn kia véo tai hai con chó thì chúng rất ngoan ngoãn và nhanh nhẹn đi về chỗ hành lang rồi ngồi xổm xuống. Gia Cát Lượng ban đầu có chút hoảng sợ, nhưng sau khi nhìn kỹ mới phát hiện ra hai con chó là hai cỗ máy được làm từ gỗ. Ông liền bật cười ha hả. Hoàng Thừa Ngạn ra nghênh đón Gia Cát Lượng thấy vậy cũng bật cười vui vẻ.
Gia Cát Lượng nhìn thấy Hoàng Thừa Ngạn bèn khen hai con chó gỗ được chế tác thật thần kỳ. Hoàng Thừa Ngạn nói: “Con chó gỗ là do tiểu nữ trong lúc rãnh rỗi đã làm chơi, không ngờ lại khiến tiên sinh sợ hãi, thật là có lỗi quá!”. Gia Cát Lượng vừa đi vào vừa ngắm nhìn bốn phía và thấy trên vách tường có treo một bức tranh vẽ cảnh trong vườn hoa. Hoàng Thừa Ngạn lập tức giải thích: “Bức tranh này do tiểu nữ vẽ, xin đừng chê cười!”
Hoàng Thừa Ngạn đã tiếp đón Gia Cát Lượng rất ân cần, khiêm tốn giới thiệu với ông về những thứ con gái mình làm trong phủ. (Ảnh minh hoạ)
Sau đó, Hoàng Thừa Ngạn lại chỉ vào luống hoa rực rỡ bên ngoài cửa sổ và nói: “Những cây hoa này đều là do tiểu nữ một tay trồng, tưới tiêu, nhổ cỏ và chăm bón”. Biết đây là người con gái hiếm có trên đời, Gia Cát Lượng vô cùng mừng rỡ chờ ngày lành tháng tốt nhất định tới đây hỏi vợ.
Hoàng Nguyệt Anh có thực sự xấu đến “ma chê quỷ hờn”?
Có người cho rằng trên thực tế, Hoàng Nguyệt Anh là một cô gái có nhan sắc mỹ miều, xinh đẹp tuyệt trần nhưng lại cố ý “đeo mặt lạ xấu xí” để tìm được “người anh hùng thực sự” của đời mình. Thế nhưng tại sao Hoàng Thừa Ngạn lại loan tin con gái mình xấu xí cho người ngoài biết? Thực chất, ông muốn tìm cho con gái mình một người không vì tiền tài, không vì nhan sắc mà có thể trở thành một người đàn ông thực sự của đời cô, một anh hùng cái thế. Vì thế, chuyện loan tin mục đích là để thử thách lòng kiên trì và bản lĩnh cương nghị của Gia Cát Lượng mà thôi. Và quả thực, Gia Cát Lượng đã bất chấp lời đồn đại, kiên định với lòng mình để từ khám phá đến chinh phục được người con gái ấy.
Phải chăng Hoàng Nguyệt Anh đeo mặt nạ giả xấu xí để tìm ý trung nhân thực sự. (Ảnh minh họa: Internet)
Lịch sử thì vẫn là lịch sử. Cho tới giờ, thông tin Hoàng Nguyệt Anh xấu “ma chê quỷ hờn” hay nàng cố tình che giấu vẻ đẹp của mình để thử đức lang quân vẫn còn là một câu hỏi chưa lời giải đáp rõ ràng. Nhưng có một điểm mà mọi người đều đồng ý: Nàng thực sự là một người phụ nữ vô cùng tài hoa, xuất chúng, thông thiên văn, tường địa lý, bát quái ngũ hành, kỳ môn độn giáp, ngay cả binh pháp – thứ chỉ dành cho đấng mày râu – Nguyệt Anh cũng vô cùng am hiểu.
Cái “đẹp” trong mắt vĩ nhân không phải là cái “đẹp” vật chất, đẹp bề ngoài, mà là cái “đẹp” đến từ nội tâm, tâm hồn, cái vẻ đẹp đó ngàn năm bất phai, nghìn người khó kiếm. Người có thể hiểu được trí tuệ của mình, để giúp mình hoàn thành đại nghiệp mới khó tìm… Do đó, cần phải định nghĩa lại cái “đẹp” trong mắt anh hùng, đẹp về tài năng – đức độ là đẹp số 1, đẹp về thể xác ngoại hình là đẹp số 2. Người nào mà hội tụ được cả 2 thì đó chính là tuyệt đại mỹ nhân. Nên không có gì sai khi nói Hoàng Nguyệt Anh thực ra rất đẹp, đẹp trong con mắt của vĩ nhân.
Sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về, hàng xóm láng giềng đều chỉ nhìn bề ngoài mà mỉa mai nói: “Đừng ai học Khổng Minh lấy vợ quá xấu!” Nhưng họ đâu biết được rằng, khi chứng kiến chú chó gỗ, bức tranh vẽ, hoa cỏ, Gia Cát Lượng sớm đã biết được tài năng của Hoàng Nguyệt Anh. Ngay thời điểm ở Hoàng phủ, Gia Cát Lượng biết rõ đây chính là người mà ông tìm, thậm chí ông còn cho là mình phải may mắn mới cưới được người vợ hiền đức lại tài năng này.
‘Tu thân, tề gia’ mới ‘trị quốc, bình thiên hạ’ được
Hoàng Nguyệt Anh sau khi thành vợ của Gia Cát Lượng đã trở thành một hậu phương vững chắc cho Gia Cát Lượng để chồng có thể đặt hết thời gian và tâm trí vào việc quốc sự. Tất cả việc lớn việc nhỏ, từ trồng trọt nấu cơm cho đến các việc hiếu hỷ, gia đình họ hàng… một tay bà đều thu xếp thỏa đáng.
Đặc biệt, không những với vai trò là một người phụ nữ chu toàn, bà còn góp một vai trò rất lớn cho sự nghiệp binh pháp của họ Gia sau này. Người xưa quan niệm, muốn thành đại nghiệp trước hết phải tu thân, tu sửa đạo đức, nuôi dưỡng tâm hồn, đồng hoá với Đạo, đạt đến cảnh giới tư tưởng thanh cao, trí tuệ hơn người, sau đó còn phải ‘tề gia’. Và để giải được vấn đề này, để có thể toàn tâm toàn ý “xuất sơn” phò tá Lưu Bị hoàn thành đại nghiệp, Gia Cát Lượng cần lắm một người phụ nữ thay ông làm được việc này: chăm sóc con cái, lo toan gia đình, quan tâm họ hàng gần xa… và người có thể làm được điều đó, không ai khác chính là tài nữ Hoàng Nguyệt Anh. Bản thân bà cũng biết rõ khi mình về làm dâu họ Gia, thì cũng sẽ giúp chồng hoàn thành việc “tề gia” này, để ông có thể yên tâm làm việc lớn, đó chính là cái mà người xưa gọi là tìm người phải “tâm đầu ý hợp” vậy.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” miêu tả Gia Cát Lượng lục xuất kỳ sơn, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, uy chấn Trung Nguyên, phát minh ra một loại phương tiện vận chuyển mới gọi là “Trâu gỗ ngựa máy”, giải quyết được việc vận chuyển lương thảo cho hơn 10 vạn đại quân. Loại phương tiện này còn tiên tiến hơn phương tiện hiện đại vì nó không cần nguồn năng lượng. Để binh lính có thể chống chọi với sơn lam chướng khí, ông phát minh ra “Gia cát hành quân tán”, “Ngọa Long Đan”. Trên thực tế, những phát minh này đều là do vợ của ông hiến kế và giúp đỡ.
Trâu gỗ ngựa máy, nỏ thần của Gia Cát Lượng, những phát minh vĩ đại một thời của ông.
Có thể nói rằng, công lao của Gia Cát Lượng cống hiến cho Thục Quốc là không hề nhỏ, nhưng nếu không có Hoàng Nguyệt Anh, người vợ đắc lực làm trợ thủ sau rèm, thì liệu Khổng Minh tiên sinh họ Gia có làm được thành công như vậy?