Tác giả: Lan Âm
Ông là nhà thơ thời đại Đường thịnh thế, cũng là thư sinh thất ý khách cư ở phương Nam. Giang Nam đời Đường, phong cảnh hữu tình, nhưng lại là chốn lưu đày khiến nhiều văn nhân mặc khách buồn bã tiêu điều. Đến mùa thu mưa dầm dề, vốn đã cô đơn lạc lõng, ông lại phải đối diện với một cuộc chia ly.
Màn mưa đêm giăng kín trên sông khiến ông cảm thấy lạnh lẽo thấu xương; những ngọn núi cao sừng sững giữa đồng hoang càng thêm cô độc. Vào khoảnh khắc biệt ly, tâm trí ông lại quay về đêm trước, nhớ lại cảnh tiễn bạn lên đường. Rượu ngon trong tay, nhưng trong lòng buồn bã u uất, nên chẳng thiết tha uống cạn; vầng trăng treo trên sông, như soi rõ tâm cảnh cô đơn lạnh lẽo của ông.
Bạn của ông sẽ đến Đông Đô Lạc Dương phồn hoa, ông nghĩ đến những bạn bè, tri kỷ ở Lạc Dương, có lẽ họ rất quan tâm đến tình hình hiện tại của ông. Chi bằng nhờ người bạn trước mắt này, chuyển đạt giúp vài lời tự đáy lòng. Ông viết hai bài thơ tuyệt cú, như gửi gắm nỗi niềm ly biệt, và tiếng lòng của ông đã trở thành điểm nhấn của toàn bài thơ, là câu thơ đẹp nhất được ngâm nga truyền tụng suốt ngàn năm.
Ông chính là nhà thơ thịnh Đường Vương Xương Linh, và bài thơ tiễn biệt này là tác phẩm tiêu biểu của ông, “Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm”:
Bài 1
寒雨連江夜入吳,平明送客楚山孤。
洛陽親友如相問,一片冰心在玉壺。
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Dịch thơ
Mưa hàn theo suối tối vào Ngô,
Bình minh tiễn khách núi Sở cô.
Bằng hữu Lạc Dương ai thăm vấn,
Một mảnh băng tâm tại ngọc hồ.
Bài 2
丹陽城南秋海陰,丹陽城北楚雲深。
高樓送客不能醉,寂寂寒江明月心。
Đan Dương thành Nam thu hải âm,
Đan Dương thành Bắc Sở vân thâm.
Cao lâu tống khách bất năng túy,
Tịch tịch hàn giang minh nguyệt tâm.
Dịch thơ
Đan Dương thành Nam biển thu âm,
Đan Dương thành Bắc mây Sở thâm.
Lầu cao tiễn khách say chẳng thiết,
Tịch mịch sông hàn soi nguyệt tâm.
Thưởng thức thi cảnh
Người xưa làm thơ tiễn biệt là một phong tục, khoảng một phần tư tác phẩm của Vương Xương Linh là về chủ đề tiễn biệt hoặc lưu biệt, trong đó “Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm” là chương xuất sắc nhất. Bài đầu tiên chủ yếu là tự sự, thể hiện cảnh nhà thơ tiễn bạn đi xa. Hai câu đầu bám sát chủ đề, giải thích thời gian tiễn biệt “bình minh”, địa điểm “Ngô Sở” tức Giang Nam, và khéo léo lồng ghép nỗi niềm ly biệt vào đó.
Một trận mưa thu lặng lẽ rơi xuống đất Ngô, rả rích suốt đêm, dường như giăng thành một màn thu sầu muộn vô tận giữa trời và sông. Mưa lạnh, làm tăng thêm cái lạnh lẽo của mùa thu, tô đậm thêm nỗi bi thương lúc chia ly. Nhà thơ đau buồn vì cuộc chia ly ngày mai, nên suốt đêm không ngủ, mới có thể lắng nghe tiếng mưa đêm khuya, cảm nhận được ý vị lạnh lẽo trong mưa.
Đến thời khắc chia ly thực sự, nhà thơ nhìn về phía núi Sở, bỗng cảm thấy nó thật cô đơn, chẳng phải đó là sự phản ánh tâm trạng của ông khi một mình nơi đất khách sao? Nhìn lại núi Sở cao ngất, đứng trong hoàn cảnh cô lập tứ cố vô thân, lại thể hiện khí thế đỉnh thiên lập địa. Chẳng phải đó cũng tượng trưng cho phẩm cách cô ngạo cương trực, kiên nghị quật cường của nhà thơ sao?
Hai câu đầu tuy chú trọng vào tình sầu cô đơn lạnh lẽo, nhưng vẫn viết ra được cảnh giới rộng lớn của thịnh Đường. Tầm nhìn của nhà thơ rất rộng lớn, vì vậy mà dưới ngòi bút của ông, mưa thu rơi rả rích nối liền trời và sông, đỉnh núi cô đơn sừng sững giữa đồng hoang, vì vậy mà truyền tải được cảm xúc vừa bi tráng, vừa hào hùng.
Nhà thơ từ cái “cô” của hoàn cảnh, liên tưởng đến bạn bè ở Lạc Dương xa xôi, một cách tự nhiên dẫn đến hai câu sau là lời dặn dò bạn. Mưa sông và núi cô trước mắt ông, ám chỉ tâm chí và tình cảm của ông. Nhà thơ đưa ra một giả thiết trước: nếu bạn bè ở Lạc Dương hỏi thăm tình hình củamình. Nhà thơ không nói lời nhớ nhung, không bàn đến cảm giác sống nơi đất khách, chỉ dùng một câu để bày tỏ tâm sự: “Một mảnh tim đóng băng trong bình ngọc.”
Băng tâm, ngọc hồ, là những thứ thuần tịnh mỹ hảo trên đời, chúng bắt nguồn từ một điển tích cổ xưa, ví với trái tim thuần khiết, phẩm hạnh thanh cao. Trước nhà thơ, đã có những câu như “tâm như ôm băng”, “trong như ngọc hồ băng”, tể tướng nhà Đường Diêu Sùng đã viết “Băng Hồ Giới”, đề xuất đức ‘băng hồ’: “Nội hoài băng thanh, ngoại hàm ngọc nhuận” (Trong lòng ôm băng thanh, ngoài hàm ngọc mịn”.
Nhà thơ lấy băng hồ tự ví, cho thấy tâm hồn ông trong sạch như băng, phẩm hạnh thuần khiết không tì vết như ngọc, là một người ‘băng thanh ngọc khiết’, trước sau như một. Ông dùng lời thề kiên trinh không đổi, chính trực như thuở ban đầu để an ủi những người quan tâm, để khích lệ những người có cùng chí hướng, để phản kích mạnh mẽ những kẻ vu khống gièm pha.
Câu nói này, tưởng chừng không liên quan đến chia ly, lại phản ánh tình bạn sâu sắc của hai người. Nhà thơ coi Tân Tiệm là tri kỷ thực sự, mới có thể giãi bày tâm sự, nhờ tri kỷ chuyển lời từ tận đáy lòng. Cách viết này, không chỉ nói rõ tâm chí của tác giả, mà còn biểu đạt tình nghĩa của hai người một cách chân thành, tha thiết hơn.
Mặc dù độ nổi tiếng của bài thơ thứ hai không bằng bài đầu, nhưng nó vận dụng thủ pháp đảo ngữ, mô tả trường cảnh nhà thơ mở tiệc tiễn bạn vào đêm trước khi chia ly, cùng với bài đầu tiên tạo thành một thi cảnh hoàn chỉnh. Đọc kỹ, cũng có những điểm đáng giá.
Hai câu đầu, sử dụng thủ pháp biểu hiện của nhạc phủ dân ca, lặp đi lặp lại để tô đậm cảm xúc ly biệt khó chia lìa. Họ uống rượu nói lời tạm biệt trên lầu Phù Dung ở thành Đan Dương, trên lầu cao phong cảnh vô hạn, nhưng dù là biển cả bao la ở phía nam thành, hay là tầng tầng lớp lớp mây mù ở phía bắc thành, đều bao trùm một bầu không khí u buồn trầm trọng, cũng phản ánh một bụng sầu muộn của nhà thơ. Hai câu này không tránh lặp lại, nhưng lại truyền tải hiệu quả nhất xướng tam thán, viết ra được tình cảm tiễn biệt vừa da diết uyển chuyển, vừa miên man vô tận.
Câu thứ ba điểm xuyết chủ đề, thể hiện trực diện cảnh tiễn biệt. Hai người quyến luyến chia tay, nội tâm chua xót, cho nên không thể hát ca uống cạn một cách thỏa thích, cũng không thể tiêu sầu bằng rượu một cách khoáng đạt. Câu cuối kết thúc bằng cảnh, thể hiện tâm trạng sau bữa tiệc rượu, thậm chí sau khi ly biệt. Đêm đã khuya, nhà thơ nhìn trăng trên sông, chỉ thấy dòng sông lạnh vắng, trăng sáng tỏ, tiếp tục tô đậm cảm xúc cô đơn thương cảm của nhà thơ, đồng thời dùng “minh nguyệt tâm” để hô ứng với “ngọc hồ băng tâm” của bài thơ trước, làm nổi bật hơn nữa hình tượng nhà thơ thanh cao giữ mình, cô ngạo giữa đời.
Hai bài thơ tuyệt cú này, lời ít ý nhiều, tình vận vô cùng, vừa là tái hiện những mảnh đời sống, vừa là tuyên ngôn ý chí cá nhân, quả không hổ danh là tác phẩm tinh túy của bậc thánh thủ thơ thất tuyệt.

Câu chuyện đằng sau nhà thơ
Vương Xương Linh là một nhà thơ rất giàu cá tính và giao du rộng rãi vào thời thịnh Đường. Sử truyện ghi chép về cuộc đời ông khá giản lược, nhưng lại đề cập đến việc ông “bất hộ tế hành” (cũ Đường Thư), tức là không câu nệ tiểu tiết, có phần cậy tài phóng khoáng. Điều này có lẽ đã ảnh hưởng đến danh tiếng của Vương Xương Linh trong xã hội, hoặc có lẽ đã vô tình đắc tội với giới quyền quý, nên dù ông tài hoa hơn người, học thức uyên bác, nhưng con đường làm quan của ông lại gập ghềnh bất đắc chí.
Năm Khai Nguyên thứ 15 (727), Vương Xương Linh thi đỗ tiến sĩ, nhậm chức bí thư tỉnh hiệu thư lang; năm Khai Nguyên thứ 22 (734), ông đăng khoa bác học Hồng Từ, được phong làm úy huyện Tị Thủy. Sau khi bảng vàng đề tên, điều chờ đợi Vương Xương Linh không phải là xuân phong đắc ý. Ông mang đầy nhiệt huyết báo quốc bước vào quan trường, nhưng lại chìm trong những chức quan nhỏ bé, không có đất dụng võ.
Năm năm sau, Vương Xương Linh vì mắc tội, bị điều đến vùng Lĩnh Nam xa xôi nhất. May mắn thay, năm sau ông được xá tội trở về phương bắc, nhậm chức Giang Ninh thưà. Sau khi sống ở Giang Ninh tám năm, ông lại bị giáng chức làm Long Tiêu úy vào năm Thiên Bảo thứ 7 (748). Về cuối đời, Vương Xương Linh sau khi trải qua loạn An Sử, rời Long Tiêu, lại lặn lội trở về phương bắc. Khi đi qua Bạc Châu, ông bị thứ sử Hào Châu ghen tài giết hại, một đại thi nhân bất hạnh qua đời.
Một thân ngạo cốt, nửa đời phiêu bạt, vận mệnh của Vương Xương Linh có thể nói là vô cùng bi thảm, nhưng chính trong nghịch cảnh lâu dài, Vương Xương Linh đã viết ra những bài thơ biên tái hào sảng, những bài thơ oán cung diễm lệ, đặc biệt thành tựu cao nhất là thể thất tuyệt, trở thành nhà thơ thời Đường sánh ngang với “Thi Tiên” Lý Bạch.
Tính cách cao ngạo thẳng thắn của ông, cũng giúp ông có được nhiều bằng hữu tri kỷ, những nhà thơ cùng thời với Vương Xương Linh, như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích, Sầm Tham, Thường Kiến, Lý Kỳ, v.v., đều là những người bạn chí đồng đạo hợp. Những nhà thơ này cũng phần lớn “danh vị bất chấn”, có tài mà không hiển đạt đường công danh, nên vừa cảm thông với những gì Vương Xương Linh trải qua, họ vừa tiếc nuối bất bình. Họ kết duyên bằng thơ, cùng nhau xướng họa, khích lệ, để lại nhiều tác phẩm cảm động trong làng thơ.
Phần lớn cuộc đời Vương Xương Linh đều trải qua trong cảnh bị giáng chức, làm quan nơi xa, vì vậy mà trải qua nhiều cuộc chia ly với bạn bè, cũng sinh ra nhiều bài thơ tiễn biệt. Sầm Tham viết “Tiềm cù thả thâm bàn, hoàng hộc cử vị vãn” (“Tiễn Vương Đại Xương Linh phó Giang Ninh”), để cổ vũ ông; Lý Kỳ viết “Than thở này biệt ly, du du giang hải hành” (“Tiễn Vương Xương Linh”), ly tình sâu nặng; Lý Bạch dù không thể tự mình tiễn đưa, cũng gửi gắm “Ngã kí sầu tâm dữ minh nguyệt, tùy quân trực đáo dạ lang tây” (“Văn Vương Xương Linh tả thiên long tiêu diêu hữu thử kí”) lời thăm hỏi.
Nhậm chức Thừa Giang Ninh tám năm, Vương Xương Linh sống cuộc sống bận rộn “Bình minh xu quận phủ, bất đắc triển cố nhân” (“Tiễn Vi Thập Nhị Binh Tào”). Nhưng một ngày nọ, bạn tốt Tân Tiệm bỗng đến Giang Ninh, đặc biệt đến thăm Vương Xương Linh. Tình hình cụ thể của cuộc gặp gỡ này, chúng ta không thể biết được, nhưng từ tình cảm ly biệt mà Vương Xương Linh bộc lộ trong thơ, có thể tưởng tượng được tình bạn sâu sắc của hai người.
Tân Tiệm chắc chắn đã đồng cảm và bi phẫn với việc Vương Xương Linh bị kết tội vì phỉ báng, điều này mới khơi dậy nỗi cảm khái về thân thế của Vương Xương Linh. Ông dường như muốn an ủi Tân Tiệm, cũng muốn nói với những người thân quen thực sự quan tâm đến mình: ông là người quang minh chính đại, lời nói việc làm thẳng thắn, dù chịu nhiều lời gièm pha, sống ở nơi bị giáng chức, ông cũng không thèm biện minh cho danh tiếng của mình, càng không cúi đầu trước kẻ thù chính trị.
Vào tiết thanh thu mưa lạnh núi cô, vào khoảnh khắc chia ly đến gần, Vương Xương Linh lại ngâm lên câu danh ngôn thiên cổ kiên trinh mạnh mẽ: Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ! Tâm cảnh của ông lạnh như mưa, hoàn cảnh của ông cô đơn như núi, nhưng tinh thần của ông vẫn trắng trong như băng trong bình ngọc, chiếu rọi ánh sáng ấm áp và lâu dài giữa đất trời.
“Thi Cảnh Tổng Luận” thời Minh đánh giá tác phẩm của Vương Xương Linh: “Thất ngôn tuyệt cú, là ngôn ngữ tao nhã thời Đường. Thâm tình khổ hận, tích lũy trùng trùng, khiến người ta không thể không phục, thưởng ngoạn vô tận.” Bài “Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm” này, đọc qua, đã có cảm giác tùy tay nhặt lấy, uyển chuyển thanh lệ; nghiên cứu sâu, càng thấy phong cốt cứng cáp, khí vận phong phú. Vương Xương Linh dùng một tổ tuyệt cú, nói ra tiếng lòng của văn sĩ cổ đại, cuối cùng trở thành tuyệt xướng thiên cổ đại biểu cho khí tượng thời thịnh Đường.
- Trọn bộ Phẩm đọc thơ cổ
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch