Tác giả: Lan Âm
Trong một kỳ thi khoa cử vào những năm Khai Nguyên thời thịnh Đường, quan chủ khảo ra đề “Chung Nam Vọng Dư Tuyết” (ngắm tuyết còn lại ở núi Chung Nam), yêu cầu các sĩ tử làm một bài thơ ngũ ngôn trường luật sáu vần mười hai câu. Trong khi mọi người đang vắt óc suy nghĩ hoặc múa bút viết, một thư sinh trẻ tuổi đã viết xong bốn câu rồi nộp bài sớm.
Quan chủ khảo hỏi nguyên do, chàng chỉ đáp hai chữ: “Ý tận”, ý nói bốn câu của chàng đã đủ để thể hiện ý cảnh của tuyết. Bốn câu đó là:
終南陰嶺秀,積雪浮雲端。
林表明霽色,城中增暮寒。
Chung Nam âm lĩnh tú,
Tích tuyết phù vân đoan.
Lâm biểu minh tế sắc,
Thành trung tăng mộ hàn.
Dịch thơ
Bóng Chung Nam rực rỡ,
Tuyết đọng tận đỉnh mây.
Rừng hiện vẻ tươi sáng,
Thành trì chiều lạnh lây.
Bài thơ ứng thí năm đó, phần lớn chìm vào quên lãng, chỉ có bài này là được lưu truyền đến tận ngày nay. Vài chục năm sau, chàng thanh niên tài hoa thuở nào đã biến thành một văn sĩ trung niên dạn dày sương gió; cảnh vật thưởng ngoạn cũng từ kinh thành phồn hoa biến thành biên ải hoang vu. Đài Hoàng Kim cổ kính, thao trường luyện binh, tuyết đọng trải dài trước mắt, tiếng kèn tiếng trống vang vọng bên tai, tất cả đều khiến ông rung động, và nảy sinh tình hoài báo quốc.
Ông lại lấy chữ “Vọng” (Nhìn, ngắm) làm ý, viết nên những gì mình thấy và cảm nhận. Đó chính là bài “Vọng Kế Môn” của Tổ Vịnh:
燕台一望客心驚,笳鼓喧喧漢將營。
萬里寒光生積雪,三面曙色動危旌。
沙場烽火連胡月,海畔雲山擁薊城。
少小雖非投筆吏,論功還欲請長纓。
Yến Đài nhất vọng khách tâm kinh,
Gia cổ huyên huyên Hán tướng doanh.
Vạn lý hàn quang sinh tích tuyết,
Tam diện thự sắc động nguy tinh.
Sa trường phong hỏa liên Hồ nguyệt,
Hải bạn vân sơn ủng Kế thành.
Thiếu tiểu tuy phi đầu bút lại,
Luận công hoàn dục thỉnh trường anh.
Dịch thơ
Yến Đài vọng cảnh khách tâm kinh,
Kèn trống vang lừng Hán quân doanh.
Ngàn dặm đông hàn sinh tích tuyết,
Ba mặt cờ xí rợp hừng đông.
Khói lửa sa trường liên Hồ nguyệt,
Mây núi biển kề ôm Kế thành.
Tuổi trẻ tòng quân đành bỏ bút,
Luận công vẫn muốn thỉnh trường anh.
Thưởng Tích Thi Cảnh
Kế Môn tức Kế Thành, là nơi đặt trị sở của quận Phạm Dương thời Đường, cũng là một trọng trấn biên phòng quan trọng đến quốc vận. Thi nhân du ngoạn biên ải, lên đài Hoàng Kim do Yên Chiêu Vương xây dựng năm xưa, dù là phong cảnh kỳ lạ, hay là nội hàm lịch sử, đều mang đến cho ông những trải nghiệm mạnh mẽ và phong phú.
“Yến Đài nhất vọng khách tâm kinh”, thi nhân vừa đặt bút đã trực tiếp bày tỏ cảm xúc. Yến Đài tức đài Hoàng Kim, từng là nơi tụ tập hiền tài thiên hạ, phú quốc cường binh, nay lại ở nơi yếu địa biên phòng, đối với một thi nhân có chí báo quốc tế thế, bản thân nó đã mang một ý nghĩa đặc biệt. Ông là khách phương xa lần đầu đến biên ải, lên đài vọng cảnh, chỉ một cái nhìn thoáng qua, đã kinh ngạc, cảm phục trước cảnh núi sông hiểm trở, rộng lớn trước mắt.
Câu đầu dùng chữ “Vọng” dẫn dắt, cảm xúc sinh ra từ cái nhìn được cô đọng thành một chữ “Kinh” (giật mình), khí thế bàng bạc bất phàm, có sức cuốn hút lòng người. Những câu thơ tiếp theo, chữ chữ đều viết về ‘vọng’, bày tỏ những cảm hoài bột phát nảy sinh từ sự kinh ngạc. Thi nhân mang trong lòng nỗi lo cho nước nhà, đầu tiên bị thu hút bởi tiếng kèn Hồ, tiếng trống vang trời.
Lắng nghe kỹ, đó là những binh sĩ trong quân doanh thổi kèn đánh trống, tấu lên khúc quân nhạc trang nghiêm hùng tráng. “Gia cổ huyên huyên Hán tướng doanh”, tiếng kèn trống vang vọng, thể hiện gián tiếp số lượng quân đồn trú đông đảo, kỷ luật quân đội nghiêm minh. Hán tướng doanh, là thủ pháp làm thơ thường dùng lấy Hán thay Đường trong thơ ca. Nhà Hán nổi tiếng hậu thế với võ công hiển hách của Hán Vũ Đế khi đánh đuổi Hung Nô, ở đây tương ứng với thịnh Đường, thi nhân mượn uy danh quân Hán, bày tỏ mong muốn biên ải an định, quốc gia thái bình.
Thời điểm nhà thơ đến Kế Thành là vào lúc bình minh mùa đông, may mắn được thưởng thức cảnh sắc kỳ lệ tráng quan của vùng biên ải. Hai câu luận trong bài thơ tập trung miêu tả cảnh vật xa xa của trọng trấn U Châu, mùa đông lạnh giá tuyết bay đầy trời, địa thế ngoài biên ải lại rộng lớn vô ngần, vì vậy “Vạn lý hàn quang sinh tích tuyết”. Trên chân trời, mặt trời mới mọc, ánh ban mai le lói, vạn vật tự nhiên vẫn còn mờ ảo. Chỉ có cờ xí trong quân doanh là bay cao phấp phới, là màu sắc tươi sáng nhất giữa trời đất, chính là “Tam diện thự sắc động nguy tinh”.
Hai câu này bắt đầu từ chỗ cao xa, cuối cùng tập trung vào lá cờ quân đội rực rỡ, chỉ mười bốn chữ mà viết lên sự lên xuống nhịp nhàng, phóng khoáng, khắc họa cảm xúc “kinh” một cách sinh động truyền thần, đồng thời ngầm viết ra hoàn cảnh khẩn trương ở biên ải và quân dung chỉnh tề của quân doanh.
Hai câu tiếp theo, tầm nhìn của thi nhân càng trở nên rộng lớn, dường như vượt qua biên giới để nhìn thấy lãnh địa của người Hồ ngoại tộc. “Sa trường phong hỏa liên Hồ nguyệt”, đài đốt lửa báo tin, từ quân doanh hướng về phía tây bắc lan đến tận đất Hồ. Kế Thành là cửa ngõ biên phòng chống lại ngoại tộc và là tiền tuyến của sa trường, trước bình minh ngọn lửa và ánh trăng giao nhau, khiến thi nhân sớm cảm nhận được sự cảnh giác trước khi đối địch, không khí tiêu điều.
Nhìn quanh vị trí địa lý của Kế thành, “Hải bạn vân sơn ủng Kế thành”. Kế Thành phía nam giáp Bột Hải, phía bắc dựa vào Yến Sơn, hình thành địa thế tuyệt vời dựa núi liền biển, bảo vệ biên thùy Đại Đường. Hai câu này, từ động thế nhanh chóng của khói lửa liền trăng, đột ngột chuyển sang tĩnh thế thủ vững như bàn thạch, lên xuống lớn rồi lại chuyển tiếp tự nhiên, một lần nữa thể hiện kỹ xảo làm thơ tự do thu phóng, tung hoành của thi nhân.
Tiết tấu của bài thơ từ nhanh chuyển sang chậm, tâm trạng của thi nhân cũng từ kinh ngạc sang tĩnh lặng, từ đó chuyển sang suy tư lý tính. Ông đối diện với núi sông tươi đẹp, đối diện với quân Đường uy vũ, tráng chí ngút trời bỗng nảy sinh. Ở hai câu cuối, thi nhân liên dùng hai điển cố, hình tượng bày tỏ chí hướng báo quốc.
“Thiếu tiểu tuy phi đầu bút lại”, Ban Siêu thời Hán từ nhỏ làm việc sao chép công văn mưu sinh trong phủ quan, một ngày nọ gác bút cảm thán, cho rằng đại trượng phu nên “lập công dị vực, dĩ thủ phong hầu” (lập công ở đất khác, để được phong tước hầu). Sau này, Ban Siêu bỏ bút tòng quân, quả nhiên nhờ quân công hiển hách mà được phong làm Định Viễn Hầu. Nhà thơ tuy không từng làm thư lại sao chép, nhưng chí hướng lập công ở biên ải của ông lại tương đồng với Ban Siêu.
“Luận công hoàn dục thỉnh trường anh”, nói về câu chuyện của Chung Quân, danh thần ngoại giao thời Hán. Hán Vũ Đế muốn thu phục nước nhỏ, Chung Quân xin đi sứ, để lại lời hào hùng: “Hy vọng hoàng đế ban cho ta sợi dây dài, ta nhất định sẽ trói vua nước nhỏ đến dưới cổng cung”. Thi nhân vận dụng điển cố “thỉnh anh”, một lần nữa bày tỏ lòng nhiệt thành và tự tin bảo vệ biên cương cho đất nước, toàn bài thơ kết thúc trong cảm xúc tráng hoài mãnh liệt.

Câu Chuyện Đằng Sau Thi Nhân
Bài thơ biên tái “Vọng Kế Môn” này, miêu tả cảnh vật một cách sinh động, hào sảng bày tỏ cảm xúc, xứng đáng là khúc ca tráng lệ, mạnh mẽ, phấn chấn của thời thịnh Đường. Tác giả Tổ Vịnh cũng nhờ những tác phẩm hay như “Vọng Kế Môn” mà được ca ngợi là “Ban ban hữu văn tại nhân gian” (Tân Đường Thư) – nhà thơ của một thời.
Tổ Vịnh, không rõ tự, hiệu, ghi chép về cuộc đời của ông cũng rất sơ lược. Tuy nhiên, người như tên, Tổ Vịnh dường như sinh ra là để ngâm vịnh thơ ca. Ông giỏi sáng tác thơ, bạn bè qua lại đều là thi nhân, những sự tích lưu lại đều liên quan đến thơ. Thông qua những bài thơ còn lưu lại của ông, chúng ta có thể hiểu được đôi chút về cuộc sống và tâm tư của ông.
Tổ Vịnh là tiến sĩ thời Khai Nguyên, nổi tiếng ở kinh thành nhờ văn tài, nhưng con đường làm quan lại không mấy suôn sẻ. Ông được thừa tướng Trương Thuyết tiến cử, làm Giả Bộ Viên Ngoại Lang ở bộ Binh. Nhưng chỉ được hai năm, ông bị liên lụy việc Trương Thuyết bị bãi tướng mà mất quan. Từ đó, Tổ Vịnh bán gia sản chuyển đến Nhữ Châu, sống cuộc đời ngư tiều lúc về già.
Thời kỳ đầu, Tổ Vịnh tài cao mà tự phụ, hành sự phóng khoáng không câu nệ. “Đường Thi Kỷ Sự” chép, vào thời Khai Nguyên khi khoa cử công bố danh sách, các sĩ tử đều tụ tập bên ngoài cổng nha môn Thượng Thư Tỉnh, người thi trượt thất vọng rời đi. Tổ Vịnh thấy cảnh này, tự ví mình như vương hầu mà ngâm thơ rằng: “Lạc khứ tha lưỡng lưỡng tam tam đới mạo tử, nhật mộ Tổ hầu ngâm nhất thanh, Trường An trúc bách giai khô tử.” (Dịch nghĩa: Rớt xuống những kẻ đội mũ hai hai ba ba, chiều tà Tổ hầu ngâm một tiếng, trúc bách ở Trường An đều khô chết).
Một câu chuyện khác xảy ra không lâu sau khi Tổ Vịnh mất quan. Tổ Vịnh và đại thi nhân Vương Hàn là bạn vong niên có chí hướng tương đồng, khi Vương Hàn nhậm chức Tiên Châu Biệt Giá, thích kết giao anh hào, gần như ngày nào cũng bày tiệc rượu cao hội, Tổ Vịnh chính là khách quý của ông. Trong bữa tiệc, mọi người “túng cầm kích cổ, tứ vi hoan thưởng”, bộc lộ tính cách chân thật phóng đạt.
Lời nói kinh người, độc vị độc hành chỉ là vẻ bề ngoài của Tổ Vịnh, thực chất trong lòng ông vẫn hướng về triều đình, khát khao thành tựu công danh, thực hiện hoài bão. Tổ Vịnh trên đường vào kinh ứng thí, đi qua Hoa Sơn, làm bài “Quan Hoa Nhạc”. Trong đó có một liên “Tác trấn đương quan đạo, hùng đô phủ đại xuyên”, khí thế coi thường hết thảy, thể hiện tâm thái ngẩng cao đầu đầy đắc ý.
Khi Tổ Vịnh làm quan, có cơ hội theo hầu xa giá của hoàng đế, làm bài “Hỗ Tòng Ngự Túc Trì”. Trong thơ có câu: “Thùy niệm mê phương khách, trường hoài Ngụy Khuyết tình.” (Dịch nghĩa: Ai thương kẻ lạc đường, mãi nhớ tình Ngụy Khuyết). Giả Bộ Viên Ngoại Lang chỉ là một viên quan tòng lục phẩm quản lý xe ngựa, không phải là một vị trí lý tưởng để thi triển tài học. Tổ Vịnh không khỏi u uất bất bình, dường như lạc lối trên con đường làm quan; tuy nhiên ông vẫn luôn nhớ về Ngụy Khuyết (triều đình), mong đợi một ngày nào đó được thiên tử thưởng thức, trọng dụng.
Đáng tiếc là hy vọng của Tổ Vịnh cuối cùng đã tan thành mây khói. “Vô môi ký bất đạt, dư diệc tư quy điền.” (Tống Khâu Vi hạ đệ) – (Không ai tiến cử nên chẳng thành đạt, ta cũng nghĩ đến việc về quê). Bạn thơ bên cạnh người thì thi trượt, người thì bị giáng chức, có một thân đầy tài hoa, nhưng không có đường báo quốc, Tổ Vịnh nhận ra thực tế xã hội không ai tiến cử hiền tài, người tài bị vùi dập, sau khi mất quan đã bước vào chốn sơn thủy điền viên, lấy ẩn dật làm nơi quy tụ của cuộc đời.
Vào thời Đường, thơ sơn thủy điền viên chú trọng miêu tả phong cảnh tự nhiên, thể hiện chí hướng ẩn dật, trở thành một lưu phái lớn. Tổ Vịnh cũng sáng tác nhiều bài thơ sơn thủy điền viên tả cảnh ngụ tình, phản ánh sự thanh đạm và thoải mái của cuộc sống ẩn dật. Ví dụ như “Nam sơn đương hộ dũ, Phẫn thủy ánh viên lâm” (Tô Thị Biệt Nghiệp) – (Núi Nam ở trước cửa sổ, sông Phẫn chiếu rọi vườn cây), ông dường như ngồi ôm cả đất trời, thu hết cảnh đẹp sơn thủy vào nơi ở; “Giá sắc khởi vân quyện, tang ma kim chính phồn” (Điền Gia Tức Sự) – (Việc cày cấy há có mệt, dâu gai giờ đang tốt tươi), ông giống như Đào Uyên Minh thời Đông Tấn, sống cuộc sống của một người nông dân thực thụ.
Tuy nhiên, Tổ Vịnh không từ bỏ lý tưởng làm quan, trong lòng ông vẫn còn ôm sầu khổ bi phẫn. Ông viết trong “Nhữ Phần Biệt Nghiệp”: “Độc sầu thường phế quyển, đa bệnh cửu ly quần.” (Một mình buồn lo thường bỏ sách, nhiều bệnh lâu ngày xa lìa bạn bè). Ông vì con đường làm quan gian truân, năm tháng trôi qua mà thành đa sầu đa bệnh. Lại như bài “Ký Vương Trường Sử”: “Chung nhật hà tịch mịch, nhiễu ly sinh huệ lan.” (Cả ngày sao mà cô tịch, quanh rào sinh huệ lan). Dù rời xa thế tục, ông cũng không thể thay đổi được tâm cảnh cô đơn vì tráng chí khó thành, chỉ có thể nhìn cây cỏ trong vườn mà buồn bã.
Tổ Vịnh khó quên tình Ngụy Khuyết, lại từ điền viên đi đến biên ải, cố gắng tìm kiếm một con đường lập công kiến nghiệp khác, do đó mới có bài thơ biên tái duy nhất trong cuộc đời ông “Vọng Kế Môn”. Học giả Phương Đông Thụ thời nhà Thanh đã chỉ ra ý nghĩa sâu xa đằng sau bài thơ này. Bài thơ này được sáng tác vào những năm trước loạn An Sử, nghịch thần An Lộc Sơn nhậm chức Tiết Độ Sứ ba trấn Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông, An Lộc Sơn cũng chính thức khởi binh phản Đường ở Kế Thành, trị sở của quận Phạm Dương. Việc Tổ Vịnh chọn du ngoạn Kế Thành, có phải đã sớm dự kiến được nguy hiểm tiềm tàng? Ông có phải đang dùng một cách hàm xúc để tự tiến cử với triều đình, vì bảo vệ sự thịnh thế của Đại Đường mà tận một phần sức lực?
Vì vậy, Phương Đông Thụ đánh giá bài thơ này: “Hữu trừng thanh chi chí, khởi thị thời Phạm Dương dĩ hữu manh nha da?” (Có chí dẹp yên thiên hạ, lẽ nào lúc đó Phạm Dương đã có mầm mống nổi loạn?). Tổ Vịnh hướng về triều đình, không phải vì tư niệm vinh thân; ông ngao du biên ải, mưu cầu công danh, càng là xuất phát từ sứ mệnh lo trước thiên hạ.
Có lẽ là một sự trùng hợp, hai tác phẩm tiêu biểu của Tổ Vịnh “Chung Nam Vọng Dư Tuyết” và “Vọng Kế Môn”, đều lấy chữ “Vọng” làm đề, không chỉ bắt được cảnh tuyết có tính thơ nhất, mà còn có thể nhìn thấu được những nguy cơ đằng sau sự thịnh thế. Tổ Vịnh dường như có một đôi mắt tinh tường, nhìn thấy những cảnh trí độc đáo của thế giới, cũng vì thi đàn Đại Đường mà thêm một vẻ đẹp khác lạ.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch