Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo? Chuyên mục văn hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên kể lại những câu chuyện có thật, với mong muốn qua những câu chuyện nhân sinh này, mỗi người cùng suy ngẫm và có trách nhiệm hơn với cuộc sống, trân quý những ngày tháng quý giá chúng ta đang trải qua…

Vẻ đẹp của Mai Châu nơi có nhiều em bé nhớ được tiền kiếp…
Vẻ đẹp của Mai Châu nơi có nhiều em bé nhớ được tiền kiếp…(Ảnh: internet)

Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn cũng xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là “đầu thai” ở huyện Mai Châu là có thật…”

“Mẹ ơi. Con đây”. Chuyện lạ xảy ra khi cô bé Hà Thị Mai Anh mới 4 tuổi khi đang đi cùng cha mẹ đẻ của mình bỗng nằng nặc đòi theo “mẹ” là một phụ nữ lạ tình cờ gặp mặt. Thấy chuyện lạ, mọi người xúm vào hỏi han thì cháu bé khóc ròng, đọc vanh vách họ tên, địa chỉ, thậm chí miêu tả chính xác đến từng đồ đạc trong ngôi nhà của người phụ nữ lạ mà mình từ khi sinh ra chưa một lần tới. Chiều hôm ấy, từ đầu đến cuối bản lại xôn xao “Lại có người đầu thai rồi”.

Đó chỉ là một trong những trường hợp người địa phương gọi là “đầu thai” tại bản Chiềng Châu (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình) diễn ra từ hàng chục năm nay. Những đứa trẻ khi sinh ra hoàn toàn bình thường, đến khi 3 – 4 tuổi lại nhận mình là… con của những gia đình khác xa đến cả chục cây số, dù trước đó hai bên gia đình không có bất cứ mối quan hệ nào.

cau chuyen luan hoi 3
(Ảnh: internet)

Hà Thị Mai Anh: Gặp được người mẹ kiếp trước

Hà Thị Mai Anh (SN 1997) là cô con gái duy nhất của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị Tý. Anh Bái cho biết, vợ chồng anh lấy nhau từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 7 năm sau mới sinh được Mai Anh. Từ lúc mới sinh cho tới khi cháu 4 tuổi, mọi biểu hiện cũng bình thường như những đứa trẻ khác và vì chỉ có một mình con nên đi đâu vợ chồng cũng cho con đi cùng.

Trong một lần được bố mẹ đèo đi dự đám cưới một người quen tại bản Nhót (xã Nà Mèo là xã kế bên), vợ chồng anh bận giúp chủ nhà làm cỗ nên gửi cháu cho mọi người trông giúp. Khi công việc đã xong, anh quay ra tìm thì thấy cô con gái của anh đang lẵng nhẵng theo một phụ nữ tên là Nắng tầm tuổi vợ anh khóc mếu “Mẹ ơi”.

Nhớ tất cả người thân kiếp trước: Kiếp trước con là Lường Văn Hải…

Hà Thị Mai Anh cùng mẹ ôn lại chuyện cũ
Hà Thị Mai Anh cùng mẹ ôn lại chuyện cũ

Lạ lùng ở điểm nhìn thấy cha mẹ đẻ thì cô bé cứ “bơ” đi mà bám chặt lấy người phụ nữ lạ mặt tên Nắng liên tục gọi “mẹ”. “Lúc đầu vợ chồng tôi nghĩ chắc con mình tưởng nhầm. Thấy lạ, mọi người trong đám cưới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?”. Chúng tôi chết điếng người khi rõ ràng mình đẻ ra nó mà nó không nhắc đến, lại nhận là con của ông bà Lường Văn Tuấn – Hà Thị Nắng lạ hoắc nào đó. Nó còn nói Cháu có anh trai tên Lường Văn Tú còn cháu tên là Lường Văn Hải nhà ở bản Nhót, trước nhà có cây muỗng to, nhà được làm bằng đất 2 tầng (ý nói nhà sàn)”. Đến lúc này mọi người trong đám cưới mới ồ lên kinh ngạc”, anh Bái thuật lại.

Lòng dạ của anh Bái rối bời, đợi đến gần tối thì con gái anh mới chịu theo về nhà. Trên đường đạp xe trở về, vừa sợ chuyện lạ kỳ vừa sợ mất con, anh ngã dúi dụi mấy lần.

Trên đường đi, Mai Anh kể cho bố mẹ nghe là nhà mình “kiếp trước” có hai cây muỗng trước nhà, bố Mai Anh chân đi tập tễnh và Mai Anh có một người anh trai tên Tú đá bóng rất giỏi.

Mấy hôm sau, bé gái liên tục bị ốm sốt cao, chẳng chịu ăn uống, miệng luôn đòi về “nhà ở kiếp trước”. Cuối cùng anh chị cũng phải chở cháu về nơi cháu đòi và vừa đến “nhà kiếp trước”, dù vừa ốm lăn lóc nhưng nay đã không còn biểu hiện gì của ốm sốt nữa, sắc mặt tươi tỉnh hẳn lên.

Sao bố lại bảo là “ông”?

Khi tới gia đình bà Nắng, vợ chồng chị Tý thấy gia đình họ hàng đến đông nghịt khiến anh chị sợ vã mồ hôi hột. Nhưng ngược lại, Mai Anh lại chẳng có chút gì sợ sệt mà chạy nhảy chơi đùa như nhà của mình. Bản thân nhà bà Nắng có cậu con trai mất cách đây hơn chục năm nhưng gia đình bà cũng không tin lắm nên cũng định trong bụng thử Mai Anh xem thế nào.

Đầu tiên, một bà thím của Mai Anh nói ra đây bác bế nào thì Mai Anh bảo không phải bác, là thím chứ khiến mọi người mắt tròn mắt dẹt. Vẫn chưa tin, một bà dì chìa cho Mai Anh bức ảnh của Tú chụp chung với đội bóng nhà trường và hỏi anh trai đâu thì Mai Anh chỉ đúng anh Tú ở hàng phía đằng sau.

Đến lúc này, bố “kiếp trước” của Mai Anh là ông Lường Văn Tuấn, người từng chinh chiến qua trận mạc và không biết bao lần ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết từ trong buồng tập tễnh đi ra tự mình thử Mai Anh và nói “ra đây ông bế nào”, Mai Anh lập tức nhìn ông Tuấn phụng phịu bảo “sao bố lại bảo là ông?”. Đến lúc này, cả gia đình ông Tuấn và vợ chồng chị Tý xúc động không thể tin vào tai và mắt mình.

Ông bà, cô bác tới chơi cháu đều gọi tên chính xác từng người, cháu còn nhận ra quần áo, nơi “con là Lường Văn Hải thường ngủ”. Cả làng xôn xao: Đúng là nhà này trước đây 4 năm có đứa con trai tên Lường Văn Hải đã mất, đúng vào dịp sinh con bé này”.

Có 2 bố và 2 mẹ: gia đình ấm áp

Anh Bái trầm ngâm: “Tôi phải mổ lợn làm 10 mâm cỗ để xin vía cháu về dưới này, tôi cũng chỉ có duy nhất mình cháu là con. Từ đó hai gia đình từ chỗ không quen biết nay trở thành thân thiết như hai anh em. Con bé khi nào thấy nhớ “bố mẹ” trên ấy là lại lên với bố mẹ, với anh, chán thì lại về đây. Những dịp lễ Tết, nghỉ hè có khi nó lên ở cả tuần, nếu lâu không lên là lại lăn ra ốm”.

Vậy là từ đó, bỗng dưng Mai Anh có hai ông bố và hai bà mẹ. Mỗi dịp cuối tuần Mai Anh lại từ nhà bố mẹ hiện tại lên nhà bố mẹ quá khứ chơi. Khi được hỏi có nhớ chuyện ngày xưa không, Mai Anh bảo một số chuyện vẫn nhớ như in nhưng có chuyện cũng đã quên rồi, càng lớn ký ức về gia đình kiếp trước của Mai Anh càng mờ dần đi. Nhưng điều đó giờ không còn quan trọng nữa, bởi gia đình chị Tý và gia đình chị Nắng giờ đã thân thiết như anh em ruột thịt.

Người mẹ đẻ của Mai Anh, chị Hà Thị Tý ngày đó lúc về đến nhà ngồi trấn tĩnh lại mới nhớ lại đúng là có lần chị đi qua bản Nhót mua hàng và đó cũng chính là thời điểm chị có mang cháu.

Hà Văn Dược: Bỗng dưng con mình thành… con người khác

Trường hợp “người đầu thai” trong nhà anh Hà Văn Tuốt và chị Hà Thị Tuỗn thì xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Anh chị năm nay đã ngoài 40 tuổi, có cậu con duy nhất là Hà Văn Dược (21 tuổi) hiện đang theo bố làm nghề dựng nhà sàn. Mọi người cho biết chàng trai này cũng là “con truyền kiếp”.

Mẹ đẻ của Dược cho biết vợ chồng chị lấy nhau từ năm 1990, một năm sau đó thì sinh con trai.

Năm lên 3 tuổi, đang chơi với các bạn ngoài sân, thấy một người thu mua sắn là anh trai của một người trong làng đi qua, Dược nói với các mọi người: “Đấy là bác của em đấy”.

“Nghe bọn bạn nó nói lại nhưng vợ chồng tôi nghĩ là trẻ con nói nhảm nên cũng không để ý đến. Chuyện lạ xảy ra tới khi đi học mẫu giáo, mỗi lần bố mẹ đưa Dược đi học qua nhà một người tên Vì Văn Xiêm thì cậu bé đều nhắc đi nhắc lại:Nhà của con đây này””.

Điều bí mật

Thấy con nói liên thiên, cha mẹ đẻ thậm chí còn khi phát con đến đỏ mông nhưng sau đó, cậu bé bỗng lăn ra ốm và ngày ngày đều đòi bố mẹ đưa ra nhà bố Xiêm”. Anh chị cũng đánh liều bế con đến nhà lạ và kỳ lạ thay, mọi bệnh tình của cậu bé đều biến mất. Cậu bé không chỉ biết hết mọi người trong gia đình lạ mà còn nói rõ mình chết từ lúc mới được 5 tháng tuổi và bố mẹ chưa kịp đặt tên con.

Vợ chồng ông hàng xóm tên Xiêm cũng ngã ngửa người ngạc nhiên bởi những điều bí mật sâu kín đó chỉ có ông bà mới biết. Vậy là ông hàng xóm cũng làm lễ xin được nhận bé Dược làm con nuôi.

Những lần bố mẹ bên ấy đau ốm em đều có linh cảm báo trước

Cậu bé Dược nay đã thành người trưởng thành vẫn khăng khăng mình là người “đầu thai”. Khi được hỏi: “Em có cảm giác gì khi nhận gia đình nhà ‘lạ huơ lạ hoắc’ làm bố mẹ, các em”, cậu trả lời: “Em cũng chẳng biết vì sao nữa, nhưng khi gặp bố mẹ em ở “kiếp trước” thì em nhận ra một cảm giác gần gũi, thân thiết và sau đó em cứ nhớ dần đấy từng là bố mẹ và các em mình.

Khi lớn một chút, nhiều lúc đi học các bạn cũng trêu chọc: “Không phải bố mẹ đẻ mà cứ nhận vơ như thế” nhưng em cũng chẳng ngại ngùng gì vì em biết đó là bố mẹ em. Những lần bố mẹ bên ấy đau ốm em cũng đều có linh cảm báo trước.

Bà mẹ “kiếp trước” của Dược cũng khăng khăng: “Nó chính là đứa con đầu của tôi đã chết. Vợ chồng tôi sinh cháu đầu năm 1982 được 5 tháng thì cháu bị bệnh vàng da, dù đã đi bệnh viện, nhờ nhiều thầy lang nhưng cháu không qua khỏi. Thật bất ngờ là cháu lại lộn vào làm con gia đình nhà hàng xóm. Với linh cảm của người mẹ, tôi nhận thấy Dược cũng giống như hai đứa con đẻ của tôi.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh của gia đình bên ấy cũng rất neo người, cho nên gia đình tôi cũng chỉ nhận cháu làm con nuôi, khi nào nhà có công việc thì cháu mới tới”.

Khà Thị Dịu Hiền: Con phải về trời rồi…

Trường hợp “đầu thai” mà mọi người thường nhắc đến nhiều nhất là trường hợp xảy ra tại gia đình anh Khà Văn Ôn (bản Nà Sài).

Bé Khà Thị Dịu Hiền trước khi mất
Bé Khà Thị Dịu Hiền trước khi mất

“Khi mới sinh ra cháu hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác trong bản. Lạ là lúc lên 3 tuổi, ai hỏi “Cháu con nhà ai, ở đâu?” thì cháu lại chẳng nói tên vợ chồng tôi mà nói: “Tên bố là Lò Văn Chún, mẹ là Hà Thị Nguyên, anh chị là Lò Văn Ngọc, nhà ở xóm Vãng, trên thị trấn Mai Châu” (cách Chiềng Châu gần chục cây số). “Thực sự trước đó đến tôi cũng chẳng biết những người này là ai, chứ nói gì đến nhà người ta như thế nào”, vẫn lời anh Ôn buồn rầu thuật lại.

Dù trước đó ở địa phương đã có những trường hợp “con đầu thai” nhưng anh chị vẫn không tin và chỉ nghĩ cháu còn nhỏ nên nói vu vơ. Thế nhưng thấy cháu nhắc nhiều quá thì buộc họ phải lần theo địa chỉ cháu “hướng dẫn” để tìm hiểu.

Vậy là hôm sau, dù trong thâm tâm không tin nhưng anh Ôn thử lân la qua xóm Vãng xem có ai tên là Ngọc không thì quả thực có người tên Ngọc năm nay đã ngoài 40 tuổi đang làm nghề bán rau ở chợ Mai Châu.

Đứng trước nhà anh Ngọc tôi bấm bụng đánh liều thử vào hỏi xem sao dù rất sợ người ta nghĩ mình “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng vừa bước qua cánh cổng, tôi như chết điếng người vì khung cảnh cháu Hiền miêu tả giống như đúc với ngôi nhà ba gian và hai cây dừa trước hiên. Khi tôi kể lại câu chuyện của con gái mình cho anh Ngọc nghe, tôi thấy mặt anh tái nhợt đi. Sau một hồi lâu, anh thừa nhận là có một cô em gái bị mất cách đây đã 40 năm“, anh Ôn nhớ lại.

Vì sao con theo bố mẹ về đây?

Cặp vợ chồng vô cùng kinh ngạc vì cháu bé mới hơn 3 tuổi nhưng cháu kể chính xác tên những người trong gia đình này, còn còn nói rõ trước nhà có cây dừa, nhà rộng 3 gian và tả cụ thể đường vào nhà như thế nào, phải qua bao nhiêu khúc quẹo. Anh Ôn khi đó ướm hỏi con: “Vì sao con lại theo bố mẹ về đây?”. “Con đã ở nhà cũ nhiều năm thì bị đuổi đánh nên chạy ra khỏi nhà. Lúc ấy gặp mẹ đang nấu cơm bên đường nên con theo mẹ về”.

Anh Khà Văn Ôn (trái) kể về đứa con gái đặc biệt của mình…
Anh Khà Văn Ôn (trái) kể về đứa con gái đặc biệt của mình…

Nghe con nói, anh chị giật mình, ngồi xâu chuỗi lại thời gian thì đúng là vào thời điểm đó anh chị đi công nhân làm đường trên địa bàn xóm đó và chị chuyên nấu cơm cho tổ công nhân. Đó cũng chính là thời điểm vợ anh mang thai.

Kể đến đây, anh Ôn rưng rưng nước mắt cho biết, cháu Hiền đã qua đời tháng 9/2010 vì căn bệnh máu trắng. Trước khi mất, vợ chồng anh Ôn đã đưa cháu chạy chữa khắp nơi, nhưng Hiền luôn miệng đòi về và bảo bệnh của em không khỏi, em chỉ ở nhờ nhà bố mẹ một thời gian rồi lại phải về trời.

Anh Ôn hiện đang là cán bộ UBND xã Chiềng Châu, anh buồn rầu: “Vợ chồng mình làm cán bộ nên vốn không tin vào những kỳ lạ. Nhưng thật sự chuyện con mình là như vậy. Nó là đứa con đầu thai.”

Chính quyền xã Chiềng Châu nói gì trước hiện tượng nhiều trẻ nhớ được tiền kiếp?

Ông Hà Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: “Con luân hồi, đầu thai ở địa phương không phải là trường hợp cá biệt. Trong xã đã có nhiều trường hợp xảy ra trường hợp như thế và hai bên gia đình đều nhận anh em hoặc con nuôi. Tôi cũng nghe có nơi người ta nhận như thế cho hợp lý hóa việc nhận con. Nhưng ở Chiềng Châu, tôi khẳng định không có một trường hợp nào mang tính vật chất hay đánh đổi. Gần như những gia đình có con “truyền kiếp” đều có kinh tế khá hơn những gia đình các cháu nhận là gia đình “kiếp trước””.

Chúng tôi coi đó cũng là những câu chuyện hết sức bình thường giống như chuyện cây lúa trên nương, con thú trên rừng vậy. Có chăng bà con trong bản cũng chỉ nói: “Thì ra con nhà ấy lại là con ông bà ở bản này, bản kia lộn về”. Các gia đình sau đó đều nhận bố mẹ, anh em, con cái và coi nhau như người một nhà, quây quần đùm bọc nhau qua sợi dây luân hồi – tiền kiếp”, nguyên văn lời ông Lưu.

Trưởng phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình), ông Nguyễn Trường Sơn cũng xác nhận: “Những trường hợp người dân gọi là “đầu thai” ở huyện Mai Châu là có thật. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình còn một vài trường hợp ở huyện Lương Sơn và Lạc Sơn. Tôi cũng đã từng đến tận nơi tìm hiểu nhưng kết quả chỉ là ngạc nhiên và không giải thích nổi. Có những đứa trẻ khi sinh ra chẳng đi đâu mà biết rõ gia đình nhà người khác cách hàng chục cây số như trong lòng bàn tay, như việc mình đã trải qua”.

Theo ông Sơn, trong những trường hợp này dân sẽ dựa vào quan điểm nhà Phật để giải nghĩa:

“Phật gia không cho rằng con người chết là hết mà có linh hồn bất tử tiếp tục đầu thai vào kiếp khác. Cứ như thế con người vào vòng luân hồi không ngừng từ đời này qua đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Con người của quá khứ là nhân của con người hiện tại, con người hiện tại là nhân của con người tương lai. Những người tin theo quan điểm Phật gia thì vẫn luôn biết rằng có kiếp trước – kiếp sau”

***

Tỉnh mộng

Luân hồi chuyển thế mấy nghìn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi Trời.
Sinh mệnh vốn là Tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương
(Tỉnh mộng- Minh Tịnh)

Video chương trình Không gian đa chiều số 31: Câu chuyện đầu thai

Hà Phương Linh tổng hợp và biên soạn

Xem thêm: