Hầu hết thế nhân chỉ hiểu những gì trước mắt, vì vậy mà dành cả cuộc đời mình bôn ba lao lực, thăng trầm nơi nhân trần thế. Nhưng một khi biết được tiền kiếp, nhân quả, họ cảm thấy việc trải qua những khổ bi nhân thế sao mà vô vị…
Vào thời nhà Thanh, có một viên quan Lang Trung ngũ phẩm, là người Võ Lâm (tên cũ của Hàng Châu), có ký ức từ tiền kiếp. Ông nói với những người khác rằng, bản thân mình kiếp trước là một tú tài ở quận Tô, đến năm sáu mươi tuổi vẫn chưa có con, gia cảnh bần hàn, phải dựa vào nghề dạy học, thu nhập chỉ đủ để hai vợ chồng sống qua ngày. Vì nhà nghèo, nên cả 3 đời tằng tổ phụ mẫu của ông, không ai được an táng, trong tâm ông thâm cảm hối tiếc. Do đó ông đã phát một nguyện, mỗi đêm đốt một que hương, quỵ bái Thiên Thượng, nguyện xin giảm thọ mệnh của chính mình, đổi lấy 100 lạng bạc để an táng tam đại trưởng bối, như vậy bản thân khi chết mới có thể nhắm mắt. Sau khi đã thành tâm cầu nguyện trong năm, sáu năm, kết quả vẫn chưa được như nguyện.
Sau khi vị tú tài chết, hồn phách xuống đến âm phủ. Diêm Vương nói: “Ngươi là một người con hiếu thảo, nguyện ý giảm thọ để mai táng tăng tổ phụ mẫu của ngươi. Nhưng ngươi không biết là phụ mẫu của ngươi kiếp trước ác nghiệp quá nhiều, do đó ngươi mới tuyệt hậu (không con). Ngươi mấy năm vừa rồi đã vô cùng thành tâm cầu nguyện, nhưng bình sinh bất quá cũng chỉ an phận qua ngày, không có đại công đức gì, không đủ để vãn hồi tạo hóa. Nhưng tấm lòng hiếu thảo của ngươi rất đáng kính trọng.” Do đó ban cho ngồi.
Lúc này, hai cánh trái phải cùng báo “Đại hiếu tử đã đến”, Diêm Vương ra lệnh mở cửa chính rồi đích thân đứng dậy nghênh đón. Nhưng chỉ nhìn thấy một người hành khất tóc dài ngang lưng, khuôn mặt hốc hác, quần áo rách rưới, trên thân nước chảy ròng ròng tiến vào, nhìn thấy Diêm Vương liền quỳ xuống. Diêm Vương đã tự tay nâng cậu ta lên và sắp xếp chỗ ngồi trước mặt tú tài. Diêm Vương hết lời khen ngợi, nhưng người hành khất thì lo sợ bất an.
Vị tú tài sinh tâm nghi hoặc, không biết chuyện gì đang xảy ra. Diêm Vương đoán được sự nghi hoặc của tú tài, quay đầu nói với ông:
“Ngươi đối với việc này có nghi tâm ư? Cậu ấy là người Trấn Giang, sinh ra trong một gia đình bần cùng, mồ côi cha từ khi còn nhỏ, và mẹ cậu ấy đã mang cậu ấy ăn xin kiếm sống. Từ khi bảy tám tuổi, cầu ấy đã quỳ gối ăn xin để phụng dưỡng mẹ. Bảy tám năm sau mẹ ốm nặng không đi lại được, cậu ấy đã cõng mẹ trên lưng đi xin ăn ngoài chợ. Nhìn thấy họ, mọi người đều sinh tâm trắc ẩn, tìm cách giúp cậu, nhưng cậu phải cho mẹ ăn trước rồi mới ăn những gì còn thừa lại. Hơn mười năm thì mẹ mất, cậu ấy xin được một chiếc chiếu, chôn bà xuống đất, rồi ném mình xuống sông mà chết. Cậu ấy cả một đời chuyên hành hiếu đạo, không có chí thú gì khác. Bách thiện hiếu vi tiên (trăm cái thiện, hiếu đứng đầu), những người sống dưới tầng đáy của xã hội như vậy mà vẫn có thể hành thiện, đủ để cảm động Thần minh.”
Đang lúc nói chuyện, bỗng nhiên nhìn thấy đại sảnh đường hồng quang chiếu rọi, rực rỡ sắc màu. Tất cả quan binh sảnh trên sảnh dưới đều phủ phục xuống đất, phán quan mặc áo bào đỏ báo tin thánh tăng đã đến. Diêm Vương cũng đi xuống quỳ xuống sảnh đường, nhưng chỉ nhìn thấy đám mây ngũ sắc từ trời giáng xuống, bên trong có một vị hòa thượng ung dung đứng giữa, ông dùng tay nâng Diêm Vương lên và cười nói: “Lão tăng đã tu hành bảy đời, mà vẫn phải đi qua nơi này của ngài. Không biết lúc nào mới có thể viên mãn trở về thế giới Phật quốc đây?” Diêm Vương cung kính nói: “Thánh tăng căn cơ rất lớn, ngày chứng đắc quả vị chắc không quá xa.” Hòa thượng nói: “Ta vì ưu tâm tại nhân gian mà rớt xuống.”
Diêm Vương liền mời đại hòa thượng ngồi trước công án, bản thân mình đứng sang bên cạnh. Hòa thượng mời ông ngồi xuống, Diêm Vương mới ngồi xuống bên cạnh. Đương thời tú tài và người hành khất đều trong đại sảnh, hòa thượng ngước mắt quan sát xung quanh, tay chỉ vào hai người, nói: “Hai người hiếu thảo ơi, xin mời đến tương kiến.” Hai người liền tiến lên hành lễ.
Vị hòa thượng hợp thập hồi lễ, rồi mời cả hai ngồi xuống. Khi có người dâng trà, vị hòa thượng nâng cốc nói với hai người: “Uống trà này xong sẽ quên bản tính, nếu không uống sẽ vi phạm luật Trời. Lão tăng sẽ dùng pháp lực để giải quyết.” Nói xong, để cả hai bưng chén lên đến phía trước, hòa thượng mặc niệm chú ngữ, nước trà trong chén tự cạn. Cả ba cùng nâng ly và nói với Diêm Vương rằng mình đã uống xong, và Diêm Vương đáp lại một cách cung kính.
Lúc này, một vị phán quan râu dài cầm một cuốn sách và nói với Diêm Vương rằng: “Thánh tăng hạ thế cát thời, xin ngay lập tức bước lên thang.” Sau đó, một số lính âm phủ mang một chiếc thang ra đặt trước sảnh đường, Diêm Vương thỉnh mời hòa thượng lên thang. Hòa thượng nói: “Hai người hiếu thảo kia có duyên với ta, có thể cùng lên.” Diêm Vương lập tức ra lệnh sửa sổ phán âm, cho hai người đi theo. Theo đó, hòa thượng đi trước, người hành khất đi giữa, tú tài theo sau, cùng bước lên thang. Tú tài lên được vài trăm bậc thang, thì ngã xuống vì không đủ sức; sau tiếng khóc của một anh nhi, tú tài đã biến thành anh nhi.
Tú tài mở mắt ra thì thấy cha mẹ của anh nhi rất vui vì vừa sinh được một cậu con trai. Trong đầu tú tài có cảm giác nhút nhát, nói không ra, chỉ có thể cười và khóc. Năm ba tuổi, khi song môn hợp thượng (kín thóp), ông mới có thể nói, liền có thể hồi ức lại những sự kiện của tiền kiếp. Ông biết quỷ thần luôn kính trọng người hiếu thảo, do đó nhất cử nhất động đều tận lực hiếu kính cha mẹ, và cha mẹ cũng yêu thương ông như báu vật.
Vì không lãng quên kiến thức kiếp trước nên năm sáu tuổi ông đã có thể làm thơ văn, được mọi người coi là thần đồng. Ông được nhập học năm tám tuổi, trúng cử nhân thi hương năm mười ba tuổi, trở thành tiến sĩ ở tuổi mười bảy, và được trao chức Chủ sự Bộ Lễ. Sau đó, cha mẹ lần lượt qua đời, ông thủ giữ đạo hiếu trong ba năm liền. Sau khi báo hiếu xong, năm 20 tuổi, ông lấy vợ và phục chức.
Sau đại triều vào ngày mồng một tháng giêng năm sau, một thái giám đến gặp quan chủ sự Bộ Lễ (là tú tài chuyển sinh) thưa rằng: “Một vị thân vương (hoàng tử) có lệnh, thỉnh Chủ sự vào phủ đêm nay có lời nhắn.” còn đưa ông một nha bài để vào vương phủ. Chủ sự rất phân vân, tâm nghĩ, bản thân mình không biết là thân vương nào, trong lòng bất an, nhưng cũng không dám cự tuyệt.
Buổi tối, ông đến vương phủ, sau khi giao nha bài cho thị vệ, liền được dẫn vào gặp thân vương. Tướng mạo của vị thân vương giống hệt vị hòa thượng mà ông đã nhìn thấy ở âm phủ. Thân vương tươi cười chào ông, hỏi: “Cố nhân còn nhớ chuyện cũ không?” Chủ sự bái chào, nói: “Ai dám quên đại đức của vua tôi.”
Thân vương ban cho ông ngồi, rồi nói với ông: “Hôm nay ta ở đại điện đã nhìn thấy ngươi từ xa, dung mạo vẫn như xưa, nên ta phái người tới tìm ngươi nói chuyện cũ. Ngươi như ngày nay tuy vinh đăng sĩ đồ, nhưng thế sự phân ưu, không thể so sánh với sự an lạc của tu hành. Ta tự chuyển thế mà đến, không ăn thịt, hồi ức lại Kinh văn đã thuộc lòng từ kiếp trước, chỉ có thể mặc tụng và chiểu theo Kinh văn giáo đạo mà làm, chỉ e cha mẹ chuyển sinh của ta biết chuyện không lý giải được. Nhưng ta thời thời khắc khắc lo lắng bản thân tại nhân gian bị rớt xuống, do đó không dám nghĩ tùy tiện, hiện tại ta chỉ muốn nhanh chóng ly thế. Ngươi vì cớ gì mà không vứt bỏ con đường làm quan?”
Chủ sự nói: “Đây cũng là tâm nguyện của tôi, nhưng nhà tôi nghèo, con còn nhỏ nên khó thoát khỏi lụy trần tục.” Thân vương nói: “Việc đó không khó. Còn nhớ người ăn mày hiếu thuận kia không? Ta sẽ để hắn đến giúp ngươi, nhưng dứt khoát đừng nói với người ngoài, ngươi có thể âm thầm mà làm.” Sau đó, viên chủ sự cáo biệt rời đi, thân vương nói ông không cần đến nữa, dặn ông lấy “tu tâm làm chính”. Sau khi cảm ơn thân vương, chủ sự rời vương phủ.
Một thời gian, vương quốc Lưu Cầu vào cống thỉnh phong hàm. Hoàng thượng đã hạn đặc chỉ, phái đoàn sứ tiết xuất sứ đến vương quốc Lưu Cầu để trao phong hàm. Lấy chủ sự Bộ lễ làm trưởng đoàn, ban cho phục sức nhất phẩm. Thế là chủ sự Bộ lễ và phó sứ nhất hành vượt biển mà đi.
Sau khi đến Vương quốc Lưu Cầu, quốc vương của Vương quốc Lưu Cầu đã đích thân nghênh tiếp. Khi chủ sự nhìn thấy khuôn mặt với mái tóc đã cắt ngắn của quốc vương, trông giống hệt người hành khất kiếp trước. Sau khi vị quốc vương hành lễ nhận phong hàm, liền nắm lấy tay chủ sự và nói bằng tiếng Trung: “Cố nhân có biết người ăn mày này không?” Nói rồi ông ta cười lớn.
Viên chủ sự hồi đáp: “Lòng hiếu thảo của đại vương cảm động trời đất, kiếp này đã làm vua một nước, kẻ hèn mọn như ta, thật không đáng kể.” Quốc vương cười nói: “Thiên sứ thượng quốc sao phải khiêm tốn vậy? Ta hiện tại có một chuyện riêng muốn nhờ ngươi. Đợi khi người hồi quốc, hãy mang theo 1 vạn lượng vàng, khi đến Trấn Giang, xin hãy tìm nơi chôn cất mẹ ta kiếp trước, dưới tán dương cây bên sông, dùng nửa lạng vàng mua quan tài và nhặt xương cốt của mẹ ta, chuyển về nơi cao để mai táng. Trước mộ hãy xây một ngôi miếu, đồng thời mua trăm mẫu đất, mời tăng nhân đến trụ trì, mỗi năm quét dọn tế lễ, giúp hoàn thành tâm nguyện của ta. Số vàng còn dư ta tặng ngươi, là biểu thị tình cố nhân. Ta còn chuẩn bị một món quà tạ lễ thường quy tặng chính phó thiên sứ, xin đừng từ chối.” Vì việc này trước đó đã có lời dặn trước của thân vương, viên chủ sự đã nhận hết quà mà không từ chối.
Sau khi trở về Trung Quốc, viên chủ sự vì công lao hoàn thành công việc nên đã được thăng chức lên Lang Trung, đứng đầu sáu bộ. Ông đến bái kiến thân vương, mới biết người đã qua đời vào tháng trước. Ông trong nội tâm cảm ngộ thế sự hư không, lập tức xin từ quan. Đầu tiên ông đến Trấn Giang để hoàn thành tâm nguyện của vua Lưu Cầu. Vì tổ bối ba đời chưa được an táng nên ông đã về huyện Tô Châu để thăm viếng quê cũ. Người vợ ông kiếp trước đã qua đời từ lâu, trong căn phòng tồi tàn vẫn còn tám bộ quan tài, ông hậu táng toàn bộ. Sau khi về nhà, ông đưa cho vợ số vàng mấy chục ngàn lượng còn lại, nhờ vợ nuôi dưỡng con cái, còn ông thì tìm một ngôi chùa thanh tịnh, quy y làm cao tăng trong chùa, thờ phụng Phật đến cuối đời.
Hầu hết thế nhân chỉ hiểu những gì trước mắt, vì vậy mà dành cả cuộc đời mình bôn ba lao lực, thăng trầm nơi nhân trần thế. Nhưng một khi biết được tiền kiếp, nhân quả, họ cảm thấy việc trải qua những khổ bi nhân thế sao mà vô vị, vì sao mà phải lưu luyến hồng trần đây?!
Tài liệu tham khảo: “Tục khách song nhàn thoại”
Tác giả: Chu Hiểu Huy – Epoch Times, Hương Thảo biên dịch