Bài viết là quan sát của một nhà phê bình nghệ thuật về sự mai một của các giá trị nền tảng của nghệ thuật truyền thống “Chân – Thiện – Mỹ” trong đời sống nghệ thuật hiện đại, đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm.
Vài cuộc chạm trán với ‘Nghệ thuật hiện đại’
Từ năm 1978, trong một bảo tàng tại Thụy Sĩ, tôi đã xem một màn xếp đặt những hòn đá trên sàn nhà, với một số đoạn văn được gắn vào bức tường phía trên, giải thích ý nghĩa quan trọng của những viên đá đó.
Nhiều năm trước, tôi đã tham quan một triển lãm nghệ thuật trừu tượng tại Đại học Tennessee, Knoxville. Trong một căn phòng là nơi trưng bày các bức vẽ và tranh của học sinh trung học địa phương. Những diễn giải về ý nghĩa trừu tượng không làm tôi cảm động chút nào; trong khi các tác phẩm của thanh thiếu niên, tuy là nghiệp dư, ít nhất phần lớn đã có cố gắng để giữ lại một vẻ đẹp nào đó.
Bên ngoài thư viện công cộng ở Waynesville, Bắc Carolina, là một tác phẩm điêu khắc lớn có tên: “Nhà du hành thời-không” (The Time Space Voyager). Một số người quan sát thấy tác phẩm này giống như một chiếc thuyền buồm, những người khác lại thấy đó là một cây cung được kéo căng với mũi tên chĩa lên núi. Vài người trong chúng ta tự hỏi nó liên quan gì với thư viện này. Tại sao không phải là một bức tượng đồng mô tả một người mẹ và những đứa con đang đọc sách cùng nhau? Hoặc tại sao không phải là một bức tượng Sequoyah, người đã phát minh ra bảng chữ cái cho bộ tộc Cherokee, mà con cháu họ vẫn còn đang sinh sống gần đó?
Ít nhất thì tác phẩm “Nhà du hành thời-không” đã đặt ra các câu hỏi. Còn ở bên ngoài Tòa nhà Liên bang ở Asheville gần đó, chúng tôi tìm thấy tác phẩm “Passage” (Sự trôi qua); đó thực sự là một mớ thép khổng lồ và lởm chởm, không có ý nghĩa rõ ràng nào khác, có lẽ ngoài sự hỗn loạn. Như một nhà bình luận trực tuyến đã viết, nhiều người dân địa phương coi đó chỉ là một đống phế liệu kim loại.
Vào tháng 5 năm 2019, tác phẩm “Chú thỏ” của nhà điêu khắc Jeff Koons được bán với giá hơn 91 triệu đô la – một kỷ lục về giá tác phẩm của một nghệ sĩ đang còn sống. Các nhà phê bình nghệ thuật năng nổ đã mô tả chú thỏ bằng thép không gỉ đó là một sinh vật vui tươi. Một số người trong chúng ta có thể nghĩ rằng chính là những nhà phê bình đó đang bị lấy ra làm đồ chơi, khi mà “chú Thỏ” đó chỉ gợi lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh của những đồ trang trí bãi cỏ hào nhoáng mà chúng ta thường thấy ở siêu thị Kmart. Theo nhiều cách, “chú Thỏ” này đã thể hiện những “tinh hoa” của nghệ thuật trong thế kỷ 21: vô nghĩa, vụng về trong việc thực hiện và không tạo cảm xúc.
Hoặc có thể là, giống như “người nông dân đi trên đường”, chúng tôi đã thiếu sự trang bị kiến thức cần thiết để hiểu được một tác phẩm điêu khắc có “tầm cỡ tuyệt vời” như vậy.
Ba điều siêu việt
Từ thời Hy Lạp cổ cho đến một thời điểm trong thế kỷ 19, các nhà triết học đã nắm chắc ba điều siêu việt trên hết thảy: đó là sự thật, vẻ đẹp và lòng tốt (Chân – Thiện – Mỹ). Ngày nay chúng ta được nghe rằng chính trị là hạ nguồn của văn hóa, nhưng theo một thanh niên gần đây đã chỉ dẫn một cách khôn ngoan cho tôi, rằng văn hóa là hạ nguồn của triết học.
Các bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” của Botticelli; “David” của Michelangelo; phong cảnh mùa đông trong tranh của Bruegel, những bức chân dung của Rembrandt và hàng ngàn bức tranh và tác phẩm điêu khắc khác đều xuất phát từ một triết lý dựa trên ba điều siêu việt này. Những tác phẩm đó đã mang lại sự an ủi cho niềm mong mỏi của chúng ta về cái đẹp.
Trong thế kỷ vừa qua – một số người có thể nói là bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng – bộ ba điều siêu việt là Chân – Thiện – Mỹ này đã bị tàn phá bởi thuyết tương đối. Như một hệ quả của triết lý này, nền văn minh phương Tây ngày nay đã đề cao sự xấu xí hơn là cái đẹp, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong kiến trúc, âm nhạc, văn học, thậm chí trong thời trang và biểu hiện cá nhân.
Đây đó giữa những tro tàn chúng ta có thể tìm thấy cái đẹp, chỉ như những bông hoa mọc lên trong đống đổ nát; còn thì nhìn chung, nghệ thuật hiện đại đã mang đến sự biến dạng, tối nghĩa và kích thích, và tất nhiên nó luôn luôn thúc đẩy để phá vỡ những điều cấm kỵ, cổ xúy đi theo những điều phàm tục và gây sốc.
Thật không may cho các nghệ sĩ như chúng ta, sự phàm tục như thế đã được xã hội chấp nhận từ lâu.
Cho đến khi nghệ thuật và, nói theo cách mở rộng, triết học trở lại với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ đúng như tôn chỉ của chúng, thì chúng ta vẫn phải bằng lòng ngắm “chú Thỏ chân to” thay cho “Thánh Pietà“.
Đôi nét về tác giả:
Jeff Minick là giáo viên dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin trong các hội thảo của học sinh tại quê nhà ông ở Asheville, Bắc Carolina. Hiện nay, ông đang sống và viết lách ở Front Royal, Virginia, Hoa Kỳ.
Theo JEFF MINICK (theepochtimes.com)
Hòa Bình lược dịch
Clip hay: