Được xây dựng từ thế kỷ 17, Wat Arun (tên tiếng việt là Chùa Bình Minh) là ngôi chùa lâu đời nhất Thái Lan. Đây là một trong những điểm đến nổi bật nhất với các Phật tử cũng như khách du lịch bởi phong cách kiến trúc tuyệt đẹp của nó. Mỗi buổi sáng sớm, những chùm ánh sáng ngũ sắc sẽ chiếu rọi sáng rực cả ngôi chùa to lớn nằm oai nghi bên bờ tây sông Chao Phraya, Bangkok này.

Theo tiếng Thái, Thái lan có nghĩa là “Xứ sở tự do”. Trải qua 800 năm lịch sử, Thái Lan được biết đến như “vùng đất tự do”, “quê hương của nụ cười”, “đất nước của những chiếc áo cà sa”. Qua nhiều thế kỷ, vương quốc này được biết dưới tên “Siam” (người Việt thường gọi là Xiêm). Đây là nơi gặp gỡ của những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau của các quốc gia Đông Nam Á.

Thái Lan còn được biết đến với cái tên “Xứ sở Chùa Vàng”, là một trong những quốc gia tôn sùng đạo Phật, đến bất kỳ nơi nào ở đâu trên quốc gia này bạn sẽ đều cảm nhận được hơi thở của 1 nền Phật giáo sống trong lòng của người dân nơi đây.

Nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng đạo Phật, có thể nhận thấy rõ qua phong tục, lễ hội, hội họa, kiến trúc v.v. Trong số hơn 30.000 ngôi chùa lớn nhỏ trải rộng khắp cả nước, Wat Arun không chỉ là ngôi chùa lâu đời nhất Thái Lan, còn là một trong những điểm đến nổi bật nhất với các Phật tử cũng như khách du lịch bởi phong cách kiến trúc tuyệt đẹp.

kiến trúc đền chùa
Chùa Wat Arun hay còn gọi là Chùa Bình Minh. Ảnh: ivivu.com

Một trong những ngôi đền, chùa có lịch sử lâu đời nhất Thái Lan

Nằm trên bờ tây sông Chao Phraya, Thonburi, Wat Arun là ngôi chùa cổ kính nhất của Bangkok. Tương truyền, khi vua Thaksin (1734-1782) quyết định xây dựng kinh đô mới tại Thonburi, ông đã tới đây vào một buổi sớm bình minh. Vì vậy sau đó, ông đã đổi tên ngôi chùa thành Wat Cheang, hay Wat Arun (nghĩa là sự tươi sáng của buổi bình minh).

Wat Arun là một trong những ngôi chùa hiếm hoi tồn tại trước khi Bangkok được thành lập (năm 1972), từ những năm đầu triều đại Rattanakosin ngôi chùa đã được xây dựng.

kiến trúc đền chùa
Ảnh: travel.qunar.com

Wat Arun nằm trong khuôn viên cung điện Hoàng Gia dưới triều vua Thaksin, bên trong đặt bức tượng Phật bằng ngọc. Sau đó vua Rama I (1737-1809), hậu duệ đời tiếp theo, khi rời kinh đô về Bangkok đã mang theo tượng Phật ngọc, từ đó ngôi chùa cổ bị bỏ hoang trong một thời gian dài, cho đến thời trị vì của vua Rama II (1767-1824, trị vì từ năm 1809 đến năm 1824) mới được sử dụng trở lại.

Vua Rama II đã mở rộng Wat Arun, mời các nhà sư tới sống và xây dựng nhiều tòa bảo tháp, trong số đó, nổi bật là tòa tháp chính với chiều cao hơn 70m. Công cuộc xây dựng ngôi đền kéo dài từ thời vua Rama II đến thời vua Rama III (trị vì từ năm 1824 đến năm 1851) mới hoàn thành.

kiến trúc đền chùa
Tòa tháp chính cao hơn 70m được xây dựng vào năm 1842. Ảnh: Trendsmap

Wat Arun tiếp tục được tu sửa trong thời gian dài sau đó, đặc biệt vào đợt trùng tu năm 2013-2017, những người thợ đã thay thế những miếng gạch vụn, một đặc điểm nổi bật của ngôi chùa, bằng thạch đá vôi sơn lại bề mặt. Sau khi hoàn thành đã gặp nhiều chỉ trích bởi sự đổi khác diện mạo của ngôi chùa cổ.

Phong cách kiến trúc độc đáo, đặc biệt

Chùa Wat Arun có 4 góc là 4 tháp nhọn, tượng trưng cho ngọn núi Tu Di. Theo truyền thuyết kể lại, núi Tu Di là ngọn núi năm đỉnh linh thiêng trong vũ trụ học của Ấn Độ giáo và Phật giáo, được coi là trung tâm của tất cả các vũ trụ vật chất, siêu hình, tâm linh và là trục của thế giới, có nhiều vị thần đều có thiên quốc của họ trên núi Tu Di. Vì vậy 4 ngọn tháp trong tưởng tượng của người xưa là hình ảnh đại diện cho các vị thần hộ mệnh ở 4 phương.

kiến trúc đền chùa
4 ngọn tháp xung quanh ngôi chùa Wat Arun. Ảnh: indus.travel

Bên cạnh đó, kiến trúc của Wat Arun còn vô cùng tỉ mỉ thể hiện tài hoa cũng như khả năng thẩm mỹ tuyệt hảo của những người thợ thời cổ xưa. Từng miếng gốm sứ, từng mảnh kính bao phủ các tòa tháp của ngôi chùa, dát nên những màu sắc nhẹ nhàng, tạo nên những hiệu ứng đẹp tuyệt vời mỗi khi được ánh sáng chiếu rọi.

Tương truyền, những mảnh sứ dùng để trang trí Wat Arun đều có nguồn gốc từ Trung Hoa. Giao thương giữa hai nước Thái Lan và Trung Hoa hàng hóa đều vận chuyển bằng đường biển, lo sợ thuyền bị lật, những người thợ trên thuyền đã rất thông minh dùng những mảnh gốm sứ bị vỡ áp xuống đáy thuyền làm tăng trọng lượng. Sau này, khi xây dựng ngôi chùa, chính những mảnh gốm sứ ấy được dùng để trang trí bề ngoài.

kiến trúc đền chùa
Nét trang trí độc đáo tại Wat Arun với khảm sành sứ Trung Hoa. Ảnh: Wikimedia
kiến trúc đền chùa
Những tác phẩm kiến trúc tuyệt đẹp từ các mảnh gốm sứ. Ảnh: gogonews.cc

Wat Arun có các bậc bằng đá dẫn tới sân thứ nhất, bên trong sân thứ nhất của chùa có các bức tượng thần canh gác. Mỗi góc sân được bố trí một ngôi đền, phần chân là các bức tượng thần Thái Lan, trên đỉnh gắn cây đinh ba của thần Shiva.

kiến trúc đền chùa
Tượng thần canh gác chùa. Ảnh: ivivu.com

Mỗi phía của sân thứ hai là các cổng rất đẹp với những bức tượng mô tả về 4 sự kiện chính trong cuộc đời của Phật. Những cổng này được sơn màu vàng da cam và nâu, nhưng trên mái lại có màu vàng chanh và xanh da trời.

Ở xung quanh chân tháp là các bức tượng binh lính và hình động vật cổ Trung Hoa, trong sân còn có 4 bức tượng của thần Indra của Hindu giáo đang cưỡi trên con erawan, con voi trắng của thần Indra có 5 đầu trong truyền thuyết.

kiến trúc đền chùa
Bức tượng thần Indra cưỡi voi trong chùa Wat Arun. Ảnh: Wikipedia

Ngôi chùa cũng là nơi chôn cất hài cốt của đức vua Rama II, trên tường của ngôi chùa có những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Xung quanh ngôi chùa có đến 100 bức tượng Phật các loại.

kiến trúc đền chùa
Hàng tượng Phật bên hông Wat Arun. Ảnh: Wikipedia

Bạn đang đọc bài viết: “Vẻ đẹp cổ kính của Wat Arun, ngôi chùa lâu đời nhất Thái Lan” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||aa66e0b89__