Người giả tu rất nhiều, người thực tu rất ít. Không phải cứ đọc kinh Phật, kinh Đạo, hành lễ dập đầu thắp hương, ngồi tọa thiền thì đã là tu luyện…
Chúng ta đã từng nghe nói đến các hình thức tu luyện, như đạo sỹ xuất gia tu Đạo, hòa thượng xuất gia tu hành. Ngoài ra còn có các tiểu thuyết thần thoại như “Bát Tiên qua biển”, “Tây Thiên lấy kinh”. Cùng với những truyền thuyết dân gian và những truyện cổ lưu truyền qua đời này đời khác, có lẽ mỗi người nơi nhân thế đều hiểu biết ít nhiều về khái niệm Phật, Đạo, Thần và tu luyện. Vậy trong chúng sinh ngút ngàn kia, ai mới đắc được pháp môn mà nhập Đạo? Và sư phụ lựa chọn người như thế nào làm đệ tử chân truyền?
Người hiện đại nhận biết thế nào về văn hóa tu luyện?
Hồi thứ 68 trong Tam Quốc diễn nghĩa có câu chuyện “Tả Từ đùa giỡn Tào Tháo”. Chuyện kể rằng Tả Từ 30 năm học Đạo ở núi Nga My, đã đắc được ba quyển Thiên thư. Vì có mối thâm giao cũ với Tào Tháo, ông bèn đến khuyên Tào Tháo tu hành. Tả Từ nói: “Đại vương đã có địa vị tột bậc trong các bề tôi, sao không thoái lui, cùng bần đạo đến núi Nga My tu hành? Bần đạo sẽ truyền thụ ba quyển Thiên thư cho đại vương”.
Nhưng Tào Tháo chưa muốn dứt bỏ quyền thế địa vị nên không những không tin mà còn nghĩ cách hãm hại Tả Từ. Sau này Tả Từ đã nhiều lần điểm hóa nhưng cuối cùng ông đành bất lực vì Tào Tháo vẫn không thể ngộ ra được.
Hồi thứ 95 và 96 sách Bát Tiên đắc Đạo có viết, Hàn Tương Tử nhận mệnh của Lã Động Tân đi điểm hóa người chú là Hàn Dũ, một danh sỹ và cũng là đại thần triều Đường. Hàn Dũ nghe nói mấy năm qua cháu mình bỏ nhà đi học Đạo thì tức khí nổi giận. Sau đó Hàn Tương Tử đã tiết lộ nguồn gốc đời trước của Hàn Dũ, nhưng Hàn Dũ “tục niệm quá nặng, không tin Đại Đạo”, cuối cùng vẫn không nghe.
Về sau Hàn Dũ vì can gián việc nghênh đón Phật cốt nên bị đày làm lính thú nơi xa xôi, giáng xuống vùng Hồ Châu, Lĩnh Nam. Trên đường đi qua Lam Quan, bị bão tuyết bịt đường, và chính ở nơi sơn cùng thủy tận ấy, ông phải sống cảnh khốn đốn sầu khổ, mãi đến khi cái tâm danh lợi đã nhạt nhòa thì ông mới tin vào Đại Đạo. Hàn Tương Tử vì vậy mà cảm thán nói: “Người đời vì danh vì lợi mà tranh đấu truy cầu, đến cuối cùng chỉ cầu sống thọ an lành ra đi, được như thế là tốt đẹp lắm rồi. Vậy chẳng phải đáng thương lắm sao? Chẳng phải đáng buồn lắm sao?”.
Trong bài thơ “Giáng đày qua Lam Quan bày tỏ cùng cháu Tương” của Hàn Dũ, cháu Tương ở đây chính là Hàn Tương Tử, có hai câu thơ được liệt vào hàng lưu danh thiên cổ:
Mây ngang Tần Lĩnh đâu quê nhà,
Tuyết phủ Lam Quan ngăn vó ngựa
Đó chính là hình ảnh chân thực trước khi Hàn Dũ quay đầu ngộ Đạo: Minh mệnh mù mịt trong cõi trần cuồn cuộn không biết đâu là nơi trở về (đâu quê nhà), cũng không có con đường nào đi (tuyết phủ kín lối).
Ngoài ra còn có hai câu thơ khác cũng vô cùng nổi tiếng, cho thấy si tâm vọng tưởng của kẻ thế nhân không hiểu rõ về tu luyện:
Lưng giắt mười vạn quan,
Cưỡi hạc xuống Dương Châu.
Cổ nhân phần lớn tin vào tu luyện, tin vào Phật, Đạo, Thần, trong đó có nhiều bậc chân tu hoặc đã từng tiếp xúc với người chân tu. Nhưng cũng có rất nhiều người không hiểu ý nghĩa đích thực của tu luyện mà chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài. Thế nên mới có kẻ buông lời chế giễu đạo Thần Tiên như danh sỹ Hàn Dũ. Đến khi bị dồn đến bước đường cùng, không còn đắm say danh lợi nữa thì ông lại có cách nhìn mới về tu luyện.
Nhưng cũng có người tin tưởng một cách không lý trí, đến mức ‘si mê vọng tưởng’, cứ nghĩ tu luyện thành Tiên thì thích gì được nấy, tiền bạc đầy túi, suốt ngày cưỡi hạc ngao du hưởng lạc. Những người này dễ bị sa vào ngưỡng mộ thứ tiểu năng tiểu thuật của thế gian tiểu đạo mà sinh ra tâm sùng bái. Người tu luyện được sùng bái kính ngưỡng, nếu không giữ vững tâm tính, đem những tiểu năng tiểu thuật của mình ra hiển thị trước dân chúng để mưu cầu danh vọng, tiền tài, thì họ sẽ dần dần mất hết những khả năng đó, cuối cùng đành giả Thần giả quỷ đi kiếm tiền của thiên hạ. Đây cũng là nguyên nhân làm méo mó ý nghĩa và hình ảnh của giới tu luyện trong con mắt bình dân.
Ai có thể tu thành?
Sư phụ Đạo gia chọn đồ đệ, trong vạn người mới chọn được một. Phật gia giảng phổ độ chúng sinh, ai nguyện ý tu đều có thể tu. Trong Kinh Phật ghi chép rằng, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế “người đắc Pháp như rừng”. Vậy có phải yêu cầu của Phật gia đối với đệ tử là không nghiêm khắc chăng? Và so với Đạo gia thì cơ hội sẽ nhiều hơn chăng? Đương nhiên không phải. Tu luyện ở mỗi từng tầng thứ đều có tiêu chuẩn nhất định. Thế thì phải chăng người xưa dễ tu? Cũng không nhất định là như vậy. Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói Ấn Độ cổ đương thời là ‘ngũ độc chi thế’ (nhân thế có đủ 5 loại ác độc: Tham – sân – si – mạn – nghi), hoàn toàn không dễ tu hành.
Nhưng bất kể là Đạo gia giảng ‘sư phụ chọn đồ đệ’, hay là Phật gia giảng ‘ai có thể tu thì người đó tu’, thì tiền đề đều là vấn đề có chính tín với Đại Đạo, với Phật Pháp hay không, và bản thân người tu luyện có thể ngộ được hay không. Người nhận thức được thì có thể tu, không nhận thức được thì cũng không thể nào tu luyện. Có người về hình thức giống như đang tu nhưng không hiểu Pháp thì cũng không tiến tiếp lên được. Vậy làm thế nào mới có thể nhận thức được tu luyện, tiếp đến là chân chính nhận thức Đạo Đạo và Phật Pháp?
Con người là do Thần sáng tạo. Sau khi sáng tạo ra nhân loại, Thần cũng lưu lại đạo đức và tiêu chuẩn làm người. Ở các nước Á Đông thì đó chính là đạo lý mà Nho gia giảng thuật như lễ nghĩa, liêm sỉ, tam cương ngũ thường… Nếu muốn siêu vượt nhân loại để trở thành sinh mệnh ở cảnh giới cao hơn thì tất nhiên phải có yêu cầu cao hơn, đó là tiêu chuẩn ở các tầng thứ khác nhau. Tương tự, làm một người tốt chân chính thực sự thì cũng là yêu cầu tối thiểu nhất để bước vào tu luyện. Còn tiêu chuẩn để đo lường thì không thể đứng trên góc độ của con người, hoặc là dùng tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại đang không ngừng tụt dốc để đánh giá được, mà phải dùng tiêu chuẩn của vũ trụ, đó là đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn để đánh giá.
Thế nên, trước một sự vật hiện tượng thì mỗi người tùy theo căn cơ khác nhau, thể ngộ khác nhau, trải nghiệm khác nhau mà có nhận thức khác nhau, từ đó sản sinh ra niềm tin khác nhau và lĩnh hội khác nhau. Một sự việc được xem là bình thường thì lại có người nhìn ra huyền cơ ẩn chứa bên trong. Một câu chữ được xem là giản đơn thì có người lại nhìn ra nội hàm sâu xa ẩn chứa phía sau.
Nho gia giảng: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, để trở thành người nhân nghĩa chân chính thì phải tìm về với bản tính thiện. Phật gia giảng “con người có tồn tại Phật tính”, cần tu tâm đến khi ‘kiến tính thành Phật’. Đạo gia giảng “con người có bản tính thuần phác, thiên chân”, cần tu luyện để “phản bổn quy chân”.
Nhưng con người trong xã hội loài người, vì để sinh tồn, để đạt được công danh lợi lộc, thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của mình, mà đã trang bị cho mình tư tưởng phức tạp cùng các kỹ năng, tri thức tranh giành lợi thế. Thế nên, dục vọng ngày càng lớn, tư tưởng ngày càng phức tạp, càng xa rời đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ.
Các pháp môn tu luyện đều không khó, nhưng chính con người tự làm khó bản thân khi trong tâm còn chồng chất ham dục và chấp trước trùng trùng, đã che lấp bản tính thiện ban sơ của mình.
Lão Tử giảng rằng: Học tập thì càng ngày càng có thêm lợi ích, thêm kiến thức, còn tu Đạo thì càng ngày càng tổn thất, càng giảm các ham dục chấp trước. Đã giảm rồi còn phải giảm thêm nữa, giảm đến vô vi, không còn chấp trước, không còn ham dục là đắc Đạo. (Nguyên văn: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, tổn đáo vô vi”).
Từ đó, có thể thấy sự khác biệt giữa người có thể tu luyện với người bình thường là ở chữ “Tổn” – buông bỏ các chấp trước ham dục về danh lợi tình chốn thế gian. Ai có thể buông bỏ thì chính là tu luyện, ai buông bỏ được hết thảy chấp trước và dục vọng thì đắc Đạo.
Thế nên, nói đến tu luyện thì ai ai cũng biết, nhưng mấy người hiểu đây? Trong những người hiểu thì lại có mấy người hiểu đúng? Trong những người hiểu đúng lại có mấy người có thể thực hiện? Trong những người thực hành được thì lại có mấy người có thể kiên trì bước đi đến tận cuối con đường? Thế mới nói, sư phụ Đạo gia chọn đồ đệ, vạn người lấy một chính là như thế. Người trông bề ngoài giống tu luyện thì rất nhiều, nhưng người thực sự tu tâm thì rất ít. Không phải cứ đọc kinh Phật, kinh Đạo, hành lễ dập đầu thắp hương, ngồi tọa thiền thì đã là tu luyện. Mà cốt lõi là tu tâm: bỏ chấp trước vào danh – lợi – tình chốn thế tục.
Vua Trần Nhân Tông sau khi đã hoàn thành trách nhiệm của một bậc quân vương lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nguyên xâm lược, và hoàn thành trách nhiệm người cha giáo dục hoàng tử đủ đức tài kế thừa ngôi vị, ngài bỏ lại tất cả danh vọng tột bậc, vàng bạc châu báu, cung tần mỹ nữ để một mình lên ngọn núi cao Yên Tử bốn mùa mây khói chuyên tâm tu luyện. Đến khi công thành viên mãn, khai ngộ đắc Đạo, ngài để lại lời khuyên cho hậu thế rằng:
Ở đời vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền
Trong nhà có báu là thế nào? Đó chính là “Phật tại tâm”. Con người cứ đi hết trời Nam bể Bắc tìm thầy học Đạo tham thiền chỉ nhọc công vô ích. Khi đắc Đạo rồi thì mới thấy hết chân lý tu luyện là “Đại Đạo chí giản chí dị”, tu luyện là “tu tâm tính” khiến sinh mệnh “phản bổn quy chân”.
Bạch Nhật
(Theo Chánh Kiến)