Đây là một câu chuyện cổ được lưu truyền rộng rãi ở Tây Tạng, kể về đời sống trước khi thành Phật của Bạch giáo tổ sư – tôn giả Milarepa.
Tương truyền, cha của tôn giả Milarepa là một thương nhân giàu có, gia cảnh sung túc, tài sản vô biên. Khi còn nhỏ ngài sống một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc cùng cha mẹ và em gái. Năm Milarepa lên 7 tuổi, cha ngài mắc bệnh nặng, trước khi qua đời ông để lại một bức di thư, ủy quyền cho bác và cô của ngài trông nom toàn bộ gia sản. Trong thư cũng yêu cầu sau khi Milarepa trưởng thành sẽ được nhận lại toàn bộ tài sản đó.
Mặc dù vậy, bác trai và cô của Milarepa không những không làm theo bức di thư để lại, mà ngược lại còn mang tài sản ra phân chia và đuổi cả gia đình họ ra một căn nhà nhỏ cũ nát, bắt họ lao động không ngừng nghỉ từ sáng tới tối. Họ làm việc như trâu như ngựa nhưng chỉ được ăn cơm thừa canh cặn, bụng không được no lại bị dày vò ức hiếp. Khi không thể chịu đựng nổi nữa, Milarepa một lòng muốn báo thù đã rời xa quê hương, đi tới nơi xa để học huyền thuật.
Trải qua bao nhiêu khổ hạnh, cuối cùng ngài đã học được huyền thuật. Hôm đó trong nhà bác trai có tổ chức hôn sự, tất cả những người trước đây từng nhục mạ gia đình Milarepa đều có mặt. Khi hôn lễ đang được tiến hành, Milarepa nghe theo lời dặn dò của mẹ, thi triển huyền thuật, làm toàn bộ căn nhà ầm ầm sập xuống, đè chết 35 người. Sau đó tôn giả lại thi triển thần thông làm mưa đá, khiến cho toàn bộ lúa mạch của người dân trong thôn bị thất thu. Sau tất cả những việc ác đó, ngài rời khỏi quê hương. Mặc dù đã trả được thù lớn, nhưng trong lòng tôn giả là một nỗi hối hận khôn cùng. Sau đó trải qua bao nhiêu trắc trở, tôn giả gặp Đạo sư Marpa và nguyện đi theo ngài để sám hối cho những hành vi tội ác của mình, lấy tu hành khổ hạnh để tiêu trừ ác nghiệp.
Sau đó dưới sự dẫn dắt của đạo sư Marpa, tôn giả sống một mình trong một sơn động, không cơm ăn áo mặc, sống trong một hoàn cảnh khắc nghiệt tới nỗi người thường hoàn toàn không cách nào chịu đựng nổi. Trải qua nhiều lần ma nạn, tinh tấn khổ tu, cuối cùng ngài đã đạt tới thành tựu cao nhất và trở thành Phật. Sau khi đắc quả vị Phật, ngài không những siêu độ cho mẹ, em gái mà còn siêu độ cho những người mà ngài đã dùng huyền thuật để báo thù.
Lời bàn:
Nhìn nhận từ câu chuyện này, nếu không có việc tranh chấp tài sản giữa tôn giả và cô bác của ngài, Đức Phật sẽ không đi học huyền thuật, cũng sẽ không tạo nghiệp lớn như vậy, càng không thể nảy sinh tâm hối lỗi, nảy sinh nguyện vọng muốn tìm một vị đại sư giỏi, và đương nhiên cuối cùng cũng không thể trở thành Phật. Có thể thấy, khi người khác làm hại cho ta thì cũng đồng thời họ đang gián tiếp giúp ta thành tựu bản thân mình. Vì vậy, cho dù chúng ta nhất thời vô ý, rơi vào cảnh khốn cùng, chỉ cần muốn cải tà quy chính hành thiện, nhân ác cũng có thể trở thành duyên nghiệp thiện.
Nỗi thống khổ của tôn giả Milarepa bắt nguồn từ cuộc tranh đoạt tiền tài và gia sản, nhưng cho dù thù hận đã báo được, tiền tài giành lại được, thì sau cùng bi kịch lại càng thêm bi ai. Quả thật, con người không nên cố gắng nắm giữ tiền tài môt cách quá độ, càng không nên vì tiền tài mà mất đi đạo đức. So sánh tiền tài với đạo đức, đạo đức càng quan trọng hơn, bởi đạo đức là cái gốc căn bản của đạo làm người, mang lợi cho người khác là suối nguồn phúc báo cho bản thân. Nếu chúng ta có thể hiếu thuận với cha mẹ, rộng lượng đối đãi với người, bất kể việc gì đều nghĩ cho người khác, lấy lợi ích của người khác làm nguyên tắc hành xử của mình, chúng ta nhất định sẽ nhận được phúc báo lớn, sẽ thành công lớn trong sự nghiệp sau này.
Theo Secretchina
Kiên Định
Xem thêm: