Tác giả: Lan Âm

Trùng Dương đăng cao, đạp thu cầu phúc, vốn là một thú vui tao nhã của người xưa. Thế nhưng, tại Quỳ Châu (nay thuộc Phụng Tiết, Trùng Khánh) vào năm Đại Lịch thứ hai (767) triều Đường, một văn nhân già yếu, đầu bạc như sương, một mình lên đài cao, lại cảm nhận được một cảnh tượng khác: Bên tai gió rít, vượn kêu văng vẳng, trước mắt lá rụng xào xạc, sông nước cuồn cuộn.

Cảnh thu sông lạnh tiêu điều, thê lương khiến văn nhân này liên tưởng đến tình cảnh cuộc đời long đong lận đận, vận nước suy yếu. Ông tiến không thể báo đáp quốc gia, thoái không thể một mình lo thân, trong chốc lát, trăm mối cảm xúc buồn đau bi khổ dâng trào. Ông buồn vì thu, buồn vì mình, buồn vì quốc gia, những tình cảm bao năm tiềm tàng tích tụ, thời khắc này chợt bùng nổ, hóa thành một khúc bi ca lay động lòng người. Hàng ngàn năm qua, bài thơ này được truyền tụng rộng rãi, thậm chí còn được tôn vinh là “bài thất ngôn luật hay nhất kim cổ” (theo “Thi Tẩu”). Đó chính là bài “Đăng Cao” của “Thi Thánh” Đỗ Phủ:

風急天高猿嘯哀,渚清沙白鳥飛回。
無邊落木蕭蕭下,不盡長江滾滾來。
萬里悲秋常作客,百年多病獨登台。
艱難苦恨繁霜鬢,潦倒新停濁酒杯。

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai,
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.

Dịch thơ:
Gió lộng trời cao vượn hú ai,
Bến trong cát trắng điểu cầm lai.
Vô biên lá vàng rơi lặng lẽ,
Bất tận Trường Giang sóng xô hoài.
Muôn dặm thu buồn thân làm khách,
Một đời đa bệnh biết nương ai.
Gian nan khổ hận pha sương tóc,
Lảo đảo sân đình chén rượu vơi.

Thưởng thức thi cảnh

Quỳ Châu nằm ở Ba Thục, thế núi hiểm yếu, sông nước chảy xiết, phong cảnh kỳ vĩ tráng lệ. Nhà thơ khách cư ở nơi đây, leo cao ngắm cảnh, trước hết bị choáng ngợp bởi phong cảnh sơn thủy độc đáo trước mắt, vô vàn cảm xúc và hứng thơ cũng theo đó tuôn trào.

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai, Chử thanh sa bạch điểu phi hồi.” Gió lay trời cao vượn hú buồn, bãi trong cát trắng chim bay lượn, “Đăng Cao” mở đầu bằng góc nhìn cao rộng, sử dụng thủ pháp phác họa bình dị mà cô đọng, tái hiện cảnh sắc tiêu biểu của Quỳ Châu: Trời cao gió lớn, nước trong cát trắng, tiếng vượn kêu bi ai, bóng chim chao liệng. Chữ “Phong cấp” dẫn dắt toàn bài, là cảm nhận trực tiếp nhất mà việc leo cao ngày Trùng Dương mang lại cho nhà thơ. Tiếp theo đó là một loạt các hình ảnh sự vật, từ trên xuống dưới, nhất quán, tạo thành bức tranh thu giang hoàn chỉnh, đồng thời làm nổi bật khí thế gió mạnh cuốn phăng vạn vật.

Liên đầu không chỉ là những giai cú tả cảnh chân thực cao độ, mà còn là những khúc tâm tình mượn cảnh khởi hứng, mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Gió lớn quét sạch, núi sông mất sắc, hoàn cảnh tiêu điều lạnh lẽo, cũng giống như cảnh ngộ nhân sinh lưu lạc khốn khó mà nhà thơ đang phải đối mặt, cũng giống như cục thế quốc gia nguy cấp với nội ưu ngoại hoạn. Tiếng vượn kêu như khóc trong Tam Hiệp khiến người ta rơi lệ, là một hình ảnh thường thấy trong thơ ca, trong bài thơ này càng tô đậm bầu không khí bi thương, cũng là sự phản ánh trực tiếp tâm trạng của nhà thơ. Những cánh chim lẻ loi chao đảo giữa trời đất không bến đỗ, phù hợp với hoàn cảnh phiêu bạt không nơi nương tựa của nhà thơ, cũng như trải nghiệm lý tưởng tan vỡ, không thể vẫy cánh bay cao, càng là sự khắc họa hình tượng của thi nhân.

Liên tiếp theo nối ý thơ, mở rộng tầm nhìn, ngâm thành câu danh ngôn thiên cổ: “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ, bất tận Trường giang cổn cổn lai”. Trong cơn cuồng phong mãnh liệt, lá cây xào xạc rơi xuống, dòng sông cuồn cuộn trôi đi. Hai câu này không lấy số lượng hình ảnh dày đặc, phong phú làm thế mạnh, chỉ lựa chọn lá rụng, sông dài, vận dụng các thủ pháp như phóng đại, điệp từ, để diễn tả ý thu, tình thơ đến mức cao nhất. Lá cây rơi lả tả, sóng sông cuồn cuộn, một lần nữa khiến người ta liên tưởng đến cục diện nguy nan của đất nước đang bất ổn, chẳng phải cũng là sự bộc lộ những sầu tự rối bời, những cảm xúc trào dâng của nhà thơ sao?

Từ một góc độ vĩ mô hơn để thưởng thức liên này, vô số lá thu rơi xuống, tạo thành một ẩn dụ theo chiều dọc, không gian; sông nước ngàn đời không ngừng chảy, tạo thành một ẩn dụ theo chiều ngang, thời gian. Hai yếu tố này đan xen, trình hiện một cảm giác cấp bách, bồn chồn của việc thời gian không chờ đợi ai, cũng như cảm giác nhỏ bé, cô đơn của hạt cát trong biển cả, càng làm tăng thêm trạng thái tâm lý bi thiết cô khổ của nhà thơ. Bài thơ từ đó câu thông thiên địa, lịch sử, vũ trụ, bước vào một cảnh giới sâu rộng hơn.

Cảnh liên đột ngột chuyển bút, dùng thủ pháp đảo tự để miêu tả nguyên do nhà thơ leo lên đài cao, khái quát những thăng trầm nửa đời người. “Vạn lý bi thu thường tác khách”, kể từ sau loạn An Sử, nhà thơ phiêu bạt tha hương, phiêu bạt hết nơi này đến nơi khác, có thể nói là đã đi muôn dặm đường. “Bách niên đa bệnh độc đăng đài”, trăm năm ở đây chỉ cả một đời, con đường làm quan của nhà thơ không thuận lợi, sau khi bạn bè thân thiết lần lượt qua đời, không chỉ cơm áo không đủ, mà còn mất đi những tri kỷ tâm đầu ý hợp, có thể nói là cả đời khó được suôn sẻ. Trong những gian truân về cả vật chất lẫn tinh thần, ông bệnh tật triền miên, vốn chỉ muốn nhân ngày Trùng Dương lên cao để giải tỏa nỗi buồn, nhưng lại bị gió thu Quỳ Châu lay động tâm tư, mọi nỗi sầu khổ và uất hận bấy lâu nay, nhờ cảnh sông trời mà trào dâng mãnh liệt.

“Gian nan khổ hận phồn sương mấn, Lao đảo tân đình trọc tửu bôi” – Liên vĩ quay về với thực tại, kể về việc nhà thơ vì những gian truân nghèo khó mà trong lòng đầy rẫy những nỗi uất hận, tiếc nuối, ông sớm đã mái tóc pha sương. Giờ đây ông, có lẽ chỉ có thể trong gió thu hiu hắt mà uống rượu giải sầu, thế nhưng tình trạng sức khỏe lại không cho phép ông uống cạn đến say, đành phải nhấp môi mà thôi. Liên này không miêu tả những cảnh tượng hùng vĩ, không gian và thời gian bao la, thậm chí cả những cảm xúc thăng trầm, mà chỉ nhẹ nhàng kể lại hiện trạng chân thực của nhà thơ. Nhưng trong từng câu chữ, vẫn có thể khiến người đọc cảm nhận được tình cảm sâu nặng đằng sau con chữ, để lại dư âm thơ hết mà ý chưa tận.

“Đăng Cao” là tuyệt xướng của nhà thơ Đỗ Phủ, được viết khi ông leo lên cao, ngắm cảnh thu núi cao sông rộng, khơi gợi cảm xúc tình hoài thương thế. Nó thể hiện một cách hoàn hảo phong cách thơ trầm uất của Đỗ Phủ và nghệ thuật thơ tinh xảo, xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp thơ ca của ông.

Câu chuyện phía sau nhà thơ

Từ thời nhà Đường cho đến nay, “Thơ Lý Đỗ ngàn người truyền tụng”. Nói đến các nhà thơ thời Đường, “Thi Thánh” Đỗ Phủ chắc chắn là một bậc tông sư hàng đầu trong giới thơ ca. Đỗ Phủ, tên tự Tử Mỹ, sinh ra vào thời Khai Nguyên thịnh thế trong một danh gia vọng tộc, nhiều đời học Nho, có truyền thống văn chương, thơ phú. Ông nội của Đỗ Phủ là Đỗ Thẩm Ngôn, từng giữ chức Quốc Tử Giám chủ bộ, Tu Văn quán trực học sĩ, cũng là một nhà thơ nổi tiếng; cha là Đỗ Nhàn cũng từng làm đến chức Duyện Châu tư mã.

Thời niên thiếu, Đỗ Phủ đã trải qua một quãng thời gian an định phú dụ, phóng khoáng tự do. Ông cũng kế thừa lý tưởng và tài hoa của tổ tiên, từ nhỏ đã chăm chỉ học tập, “Đọc sách vạn quyển, đặt bút như có thần” không phải là lời nói suông; ông còn ôm ấp lý tưởng “Khiến vua sánh ngang Nghiêu Thuấn, để phong tục lại thuần lương” (bài “Phụng tặng Vi Tả Thừa Trượng nhị thập nhị vận”), bước lên con đường mạn du, tìm kiếm công danh.

Tai họa quốc gia, đáy vực cuộc đời, không quật ngã được Đỗ Phủ, trái lại còn rèn giũa tài năng văn chương của ông. Hình ảnh: Trích đoạn bức “Đỗ Phủ thi ý đồ toàn quyển” do Đinh Quán Bằng thời nhà Thanh vẽ. (Miền công cộng)

Tuy nhiên, con đường làm quan của Đỗ Phủ không hề suôn sẻ, năm hai mươi bốn tuổi tham gia khoa cử nhưng bị trượt; năm ba mươi lăm tuổi lại tham gia kỳ thi tuyển nhân tài “thông nhất nghệ giả” do Đường Huyền Tông chiếu cáo thiên hạ, nhưng cũng vì trò hề do quyền thần Lý Lâm Phủ đạo diễn mà bị loại. Con đường khoa cử không thông, Đỗ Phủ bèn chuyển sang cầu cạnh quyền quý, hiến thơ cho thiên tử, hy vọng có thể được những người đương quyền coi trọng. Ông bôn ba ở Trường An hơn mười năm, cũng khốn đốn ở Trường An hơn mười năm, cuối cùng cũng chỉ nhận được những chức quan nhỏ như Hà Tây úy, Binh Tào tham quân.

Chính là “Cơm thừa canh cặn, nơi nơi ngấm ngầm sầu cay”, nhưng đó không phải là gian truân lớn nhất của Đỗ Phủ. Cuối năm Thiên Bảo thứ mười bốn (755), tiếng trống trận Ngư Dương vang động đất trời, cuộc loạn An Sử bùng nổ, làm rung chuyển nền móng của nhà Đường. Vận mệnh của Đỗ Phủ cũng theo đó mà gặp phải những đòn giáng mạnh mẽ, bị phản quân giam cầm, vì chiến loạn mà phiêu bạt. Sau chiến loạn, nhà Đường từ thịnh chuyển suy, đất nước rơi vào cục diện cát cứ phân liệt của các quân phiệt, hoàn cảnh của Đỗ Phủ cũng không được cải thiện, quanh năm phải dựa vào sự giúp đỡ của các quan địa phương hoặc bạn bè mới có thể duy trì sinh kế.

Quốc gia nguy nạn, cuộc đời ở đáy vực không quật ngã được Đỗ Phủ, trái lại còn rèn giũa tài năng văn chương của ông, “Về già càng tỉ mỉ với luật thơ” (“Gửi Mẫn trêu Lộ Thập Cửu Tào Trưởng”), ông đã đưa thơ luật lên một đỉnh cao hoàn toàn mới, luật lệ nghiêm cẩn, chỉnh tề mà không có dấu vết gọt giũa. Ông còn là một nhà thơ đau đáu vì nước vì dân, những bài thơ của ông kết hợp giữa sự động loạn của quốc gia, sự điêu tàn của dân sinh với những trải nghiệm cá nhân, hình thành nên phong cách thơ bi tráng, trầm uất, cảm khái.

Trong thời gian phiêu bạt, Đỗ Phủ từng ngụ cư ở Thành Đô, làm mạc liêu cho Tiết độ sứ Kiếm Nam Nghiêm Vũ, cuộc sống dần trở nên yên bình, ổn định. Nhưng sau khi Nghiêm Vũ qua đời vì bệnh, Đỗ Phủ mất đi chỗ dựa, buộc phải kết thúc cuộc sống “năm năm làm khách ở Thục Quận” (“Khứ Thục”), lên thuyền xuôi nam phiêu bạt. Ông mang theo cả gia đình, khi đi qua Vân An (nay là Vân Dương, Trùng Khánh), không may mắc bệnh tiêu khát và sốt rét. Đỗ Phủ bất đắc dĩ phải dừng chân ở lại mấy tháng, mới có thể đến được Quỳ Châu.

Lúc này đã là năm Đại Lịch thứ nhất (765), Đỗ Phủ đã năm mươi lăm tuổi, bước vào tuổi xế chiều. Ông ở Quỳ Châu, nhận sự cứu tế của Đô đốc địa phương, lại trải qua ba năm. Tuy nhiên, hoàn cảnh của ông vẫn còn khó khăn, tình trạng sức khỏe cũng ngày càng xấu đi. Mặc dù vậy, cảnh quan núi sông, thời tiết, phong tục tập quán của Quỳ Châu đã tác động sâu sắc đến tâm hồn và thể xác của Đỗ Phủ, mang đến cho ông những cảm xúc mạnh mẽ và nguồn cảm hứng dồi dào. “Thơ cùng rồi mới hay”, trong giai đoạn này, Đỗ Phủ đã sáng tác rất nhiều bài thơ về đề tài phong thổ của Quỳ Châu.

Núi sông Quỳ Châu hùng vĩ hiểm trở, Đỗ Phủ dùng thơ ca để thể hiện công lao của tạo hóa tự nhiên: “Thành nghiêng liền gác tía, Bờ đứt hiện non xanh” (“Hạp Khẩu nhị thủ” kỳ nhất); Mùa hè ở Quỳ Châu nóng bức, mùa thu nhiều mưa, Đỗ Phủ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết: “Nóng hầm, áo tuôn mồ hôi, Rũ mình, khí chẳng khoan thai” (“Nhiệt”), “Gió thổi cây sông biếc, Mưa rưới vách đá về.” (“Vũ”).

Và những tác phẩm có thành tựu cao nhất của ông, vẫn là những bài thơ thấm đượm nỗi lo nước thương dân và những tâm sự về thân thế. Bạch Đế Thành ở Quỳ Châu, có tên gọi vì Công Tôn Thuật thời Đông Hán cát cứ xưng đế, lại nổi tiếng vì Thục Hán Tiên Chủ Lưu Bị thác cô. Đỗ Phủ lưu luyến ở tòa thành cổ này, tâm tư vượt ngàn năm, tầm mắt vươn vạn dặm, hoặc hoài cổ thương kim, cảm khái “Công Tôn cậy hiểm ban đầu, Ruổi ngựa chí ngông dài”, hoặc cảm thời thương loạn, than thở “Ai kẻ chống gậy than đời? Khóc ra máu đổ, ngoảnh đầu tóc sương” (“Bạch Đế Thành tối cao lâu”).

Năm thứ hai sau khi Đỗ Phủ đến Quỳ Châu, cũng là năm thứ tư trước khi ông qua đời, ông không quản tuổi già sức yếu, một mình vào ngày Trùng Dương, lại một lần nữa leo lên lầu cao của Bạch Đế Thành ở Quỳ Châu. Lúc này, Đỗ Phủ, mắt nhìn cảnh cao rộng thê lương, liên tưởng đến thế nước suy tàn, dân sinh khó khăn, bản thân tuổi xuân trôi qua, chí lớn chưa thành, muôn vàn suy nghĩ như lá rụng xào xạc rơi, mọi cung bậc cảm xúc như nước sông cuồn cuộn chảy, bèn viết nên kiệt tác thất luật “Đăng Cao”.

Bài thơ này mang cảm xúc bi tráng hào hùng, cảnh giới rộng lớn, gieo vần tự nhiên, được các nhà phê bình thơ ca qua các đời đánh giá cao. Người xưa khen ngợi nó “Trong một bài, câu nào cũng hay; Trong một câu, chữ nào cũng lạ”, xứng đáng là tác phẩm đỉnh cao, đứng đầu trong các bài thất ngôn kim cổ.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch