Tác giả: Doãn Gia Huy
Từ triều Tống đến Minh Thanh, tiết Thanh Minh và Hàn Thực thường được gộp lại làm một, ký ức về những hoan ca bi ngữ của các thế hệ được kéo dài trong một thời không đặc biệt, giao thoa giữa sinh và tử. Tô Đông Pha (Tô Thức) có câu: “Đời người chỉ có Hàn Thực, Trùng Cửu, chớ nên lãng phí, sự biến hoán bốn mùa, không có tiết nào bằng tiết này.” Những dấu ấn cuộc đời khó quên nào đã khắc sâu về tiết Hàn Thực và Thanh Minh trong cuộc đời thăng trầm của Đông Pha? Hãy tìm kiếm trong tập thơ của ông.
Tiết Hàn Thực Thanh Minh đắc “Mộng Tiên Tri”
Năm Đông Pha hai mươi tuổi, ông đỗ cao trong kỳ thi Kim Bảng, lập kỷ lục vinh dự cao nhất trong kỳ thi Đình của triều Tống. Được đề tên trên Bảng Vàng, đó là thời điểm nhân sinh rực rỡ nhất. Sau này trên đường đời trải qua vô vàn thăng trầm, tâm lộ của ông cũng mấy phen chuyển mình, từ chỗ tối tăm bỗng thấy ánh sáng.
Sau khi tiến vào triều đình, Đông Pha đắc tội với những kẻ quyền thế trong cuộc đấu tranh giữa các phe phái tân cựu của triều đình Bắc Tống, do đó gặp phải “Vụ án thơ Ngô Đài”, bị cáo buộc nội dung thơ văn châm biếm triều chính, bị ngự sử đài (tục gọi là “ngô đài”) đàn hặc, bị tống ngục xét xử. Trong lúc cận kề cái chết, ông được quý nhân giúp đỡ, từ quỷ môn quan nhặt lại mạng sống, sau đó bị đày đến Hoàng Châu. Đương thời, thân thích không ai dám hỏi han, không dám để lại cho ông một lá thư, một lời nhắn nhủ.
Gia đình Đông Pha đến Hoàng Châu, bắt đầu hai năm cuộc sống vô cùng túng thiếu, sinh kế hàng ngày cũng khó bề xoay xở. Trong cảnh khốn khó, ông được bạn tốt Mã Chính Khanh giúp đỡ, đặc biệt xin cho ông một khu đất cũ của doanh trại trên sườn đồi ngoài cửa Đông Thành Hoàng Châu, rộng chừng vài chục mẫu, để gia đình ông canh tác. Khu đất đó đã bị bỏ hoang nhiều năm, khắp nơi đều là gạch ngói vụn, mọc đầy gai góc, năm đó lại gặp phải đại hạn, việc khai khẩn vô cùng khó khăn. Gia đình Đông Pha dốc sức khai khẩn đất hoang, kiệt sức, cuối cùng cũng có thể mong chờ cơm canh đạm bạc, và khu đất đó cũng trở thành nơi cư ngụ mang tên “Đông Pha tiên sinh”:
Đông Pha bát thủ kỳ 2
Hoang điền tuy lãng mãng,
Cao tì các hữu thích.
Hạ thấp chủng canh đồ,
Đông nguyên thì táo lật.
Giang Nam hữu Thục sĩ,
Tang quả dĩ hứa khất.
Hảo trúc bất nan tài,
Đãn khủng tiên hoành dật.
Nhưng tu bốc giai xứ,
Quy dĩ an ngã thất.
Gia đồng thiêu khô thảo,
Tẩu báo ám tỉnh xuất.
Nhất bão vị cảm kỳ,
Biều ẩm dĩ khả tất.
Dịch thơ (Tham khảo bản dịch của Trương Việt Linh)
Ruộng hoang dù cỏ mọc,
Cất tạm được căn lều.
Đất trũng làm ruộng lúa,
Chỗ bằng trồng cây, rau.
Giang Nam có dân Thục,
An phận trồng táo, dâu.
Tre tốt trồng không khó,
Sợ người chặt làm roi.
Nay chọn được chỗ mới,
Việc nhà lo xong rồi.
Lũ trẻ đốt khô thảo,
Báo thấy mạch nước ngầm.
Bữa no mong gì hơn,
Thêm nước trong giải khát.
Người bạn thơ của ông là Tham Liêu Tử (tăng nhân Đạo Tiềm, bổn danh Đàm Tiềm), đã lặn lội hàng ngàn dặm đến Hoàng Châu. Tham Liêu Tử ở lại Hoàng Châu Đông Thành bầu bạn với ông suốt một năm. Có một lần, Đông Pha và Tham Liêu Tử cùng nhau du ngoạn Tây Sơn Vũ Xương. Cả hai người đều có cùng một giấc mơ, cùng nhau làm thơ trong mơ. Sau khi tỉnh giấc, cả hai đều nhớ rõ những câu “Hàn Thực Thanh Minh”, “Thạch Tuyền Hòe Hỏa”, nhưng đều không biết cảnh giới xuất trần đó ở đâu? Nào ngờ đây là một “giấc mơ tiên tri”, hai người đã đi trước vào không gian đó. Thật là ‘tâm hữu linh tê nhất điểm thông’.
Bảy năm sau giấc mơ, Đông Pha nhậm chức thái thú Tiền Đường (Hàng Châu), lúc đó Tham Liêu Tử cũng đang tu hành ở Hàng Châu. Hai năm sau, tân cư của Tham Liêu Tử được xây xong, mà Đông Pha đúng vào năm đó lại sắp mãn nhiệm rời Tiền Đường, trước tiết Hàn Thực, ông đến từ biệt. Xưa kia ở am cũ của Tham Liêu Tử có suối trong, sau này khi tạc đá, thì thấy suối mới trào ra. Tham Liêu Tử hái trà mới, đốt lửa mới nấu nước suối, pha trà mời bạn cũ, vừa cười vừa nói: “Đây là Hàn Thực Thanh Minh, Thạch Tuyền Hòe Hỏa, cảnh trong mơ chín năm trước, giấc mơ linh ứng đã lâu!”
Mọi người trong tiệc đều kinh ngạc, Đông Pha đích thân trải nghiệm “thật tức là mơ, mơ tức là thật; Thạch Tuyền Hòe Hỏa, chín năm mà tin” của “mộng cảnh” chân thực! Tục ngữ có câu “Đời người như mộng” há chẳng phải cũng có sự khai sáng của “ngộ cảnh” này?!
Trước tiết Hàn Thực chia tay bạn bè, giật mình tỉnh giấc: Không ở dưới cây dâu quá ba đêm
Đông Pha mang theo con trai Tô Mại đến Hoàng Châu vào ngày 1 tháng 2 năm Nguyên Phong thứ ba, đầu tháng giữa xuân, một tháng nữa là đến tiết Hàn Thực. Lúc đó nhà ở xa Nam Đô, mới đến, không có một người quen cũ. Đông Pha thường một mình chống gậy ra bờ sông. Mây sóng lạnh lẽo mênh mông, ngóng cố nhân cũng xa xôi thăm thẳm. Hơn mười ngày sau, trong nhà bỗng có khách đến thăm, hóa ra là đệ tử của em trai người bạn Văn Phủ là Tử Biện. Tử Biện biết ông đến Hoàng Châu, đặc biệt đến thăm. Người quen cũ đột nhiên xuất hiện, giống như cơn gió ấm đầu xuân sưởi ấm tâm hồn lạnh giá của ông. Tử Biện ở lại nửa ngày, nói “Hàn Thực sắp đến, phải về Đông Hồ trước”, rồi chào tạm biệt.
Trong cơn mưa phùn gió nhẹ, Đông Pha tiễn Tử Biện ra bờ sông. Nhìn theo bóng thuyền nhỏ, ngang sông mà đi. Đông Pha một mình lên ngọn đồi cao Hạ Áo Vĩ dõi theo bóng thuyền xa dần, dường như thấy người lái thuyền đã đến Vũ Xương, ông mới bước xuống đồi trở về nhà.
Trong bốn năm sau đó, họ qua lại thăm nhau cả trăm lần. Đến năm thứ năm, Đông Pha sắp được điều đi khỏi Hoàng Châu, trong tâm nghĩ sau này khó mà gặp lại, nhất thời cảm thấy vạn vật vô thường, không khỏi chạnh lòng. Trong nỗi xót xa, ông nhớ đến lời Phật gia cảnh tỉnh “Phù đồ bất tam túc tạng hạ” (hòa thượng không ở dưới cây dâu quá ba đêm), mà chuyển hóa tâm cảnh của mình. Gió mát trên sông thổi xa, người bạn hữu dần khuất tầm mắt!
“Hòa thượng không ở dưới cây dâu quá ba đêm”, chính là sợ rằng ở lâu sẽ sinh tình yêu mến, tâm ân ái, nảy sinh tâm tình ly biệt, sẽ cản trở việc tu hành. Dùng tuệ nhãn nhìn đời, quả thật là đạo lý như vậy.
Trở về, cùng mượn hoa lê làm Hàn Thực
Gió mát trên sông thổi xa, bạn tốt dần khuất trong tầm mắt, mà cuộc đời người trung niên, đủ thứ chuyện lặt vặt xảy đến dồn dập, vào tiết Hàn Thực Thanh Minh, đối với Đông Pha mà nói, một tiếng lại dồn dập hơn một tiếng. Nhìn lại nửa đời trước, nhân sinh tụ tán bi hoan thoáng chốc như ngựa chạy, đến tiết Hàn Thực Thanh Minh lên mồ tảo mộ, sinh lão bệnh tử càng khiến ông cảm thán ngâm nga: “Trung niên ly hợp chi cảm, chính Hàn Thực Thanh Minh chi gian” (Cảm giác được sự ly hợp tuổi trung niên, chính vào giữa tiết Hàn Thực Thanh Minh).
Tô Thức có một người em họ là Trình Đức Nhu, họ đã cùng nhau có những ký ức trưởng thành tràn đầy thanh xuân: tuổi còn để chỏm “chạy rông theo người tìm lê dẻ”, mười lăm tuổi còn trẻ “khỏe như nghé vàng bất khả thị”. Thời gian như ngựa bạch, vùn vụt trôi qua, chưa từng dừng lại dù chỉ một chút. Mới đó mà nghé vàng đã nhiễm phong bệnh tạ đao bút, khiến người mắt mờ khó viết.
Năm đó, em họ sắp nhậm chức trưởng quan Sở Châu, Đông Pha tiễn biệt dặn dò em họ Trình Đức Nhu: đừng để công danh trói buộc đến bạc đầu, đừng quên sớm ngày về quê nhà, hẹn cùng nhau tiết Hàn Thực đi tảo mộ nhé! Nhớ không, từ nhỏ đến lớn, hoa lê đều bầu bạn cùng chúng ta đón tiết Hàn Thực: “Chớ để ấn thụ buộc vào năm tháng còn lại, mới có ngày được đi tảo mộ; công thành đầu bạc sớm trở về, cùng mượn hoa lê làm Hàn Thực.” Hoa lê đợi người công thành danh toại trở về, ngắm hoa cùng đón Hàn Thực!
Đi qua nửa đời hợp tan ly biệt, tình quê hương trong tiết Hàn Thực Thanh Minh, rõ ràng hơn bao giờ hết. Nghĩ đến cuộc đời đã đi qua, “giấc mơ về quê trước tiết Hàn Thực, trẻ con khóc đến bạc râu”. Mắt mờ tóc bạc chợt đến, há không kinh hãi tuổi già đã ở ngay trước mắt? Bậc trưởng bối u buồn lìa trần thế, lớp hậu bối vỗ cánh rời tổ đuổi theo mây xanh, trách nhiệm kế thừa truyền đời đặt lên vai, rắn chắc, nặng trĩu.
Hàn Thực lên mồ tảo mộ tế tổ, một sợi dây liên kết tổ tiên và hậu thế, lớp trước ngã xuống lớp sau tiến lên, trong các thế hệ luôn kết nối sự thay thế của sinh mệnh. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi bạc mái đầu xanh, rời quê hương rồi lại trở về, cuộc đời phiêu bạt luôn tìm kiếm con đường tìm về cội nguồn giữa sinh và tử.
Thanh Minh lửa mới, chia thành vô tận đăng
Đáy vực cuộc đời của Đông Pha cũng là vào tiết Hàn Thực mà đi qua, đó là năm thứ tư Đông Pha đến Hoàng Châu, theo con mắt thế tục mà nói, có thể gọi là thảm không nỡ nhìn. Bài “Hàn Thực nhị thủ” của ông cất giữ tâm cảnh lúc bấy giờ, còn ẩm ướt, tiêu điều và khổ đau hơn cả tiết Hàn Thực không có lửa.

Trước tiết Hàn Thực, Đông Pha đã mang bệnh. Trận bệnh hành hạ lần này thật không hề nhẹ, thanh xuân một sớm bị ai đánh cắp mất rồi. Mưa xuân dầm dề chuyển thành mưa to liên miên không dứt, nhà nhỏ như thuyền nổi, bếp lò nát ướt hết rạ, nhà bếp trống trơn chỉ còn rau dại, “nào biết là Hàn Thực, chỉ thấy quạ ngậm giấy”.
Từ đâu bay đến con quạ ngậm giấy tiền vàng mã bay qua, một lướt một thấy, Đông Pha nhớ đến mồ mả tổ tiên xa xôi vạn dặm, triều đình cách xa chín tầng mây. Sự nghiệp khốn khó, rời nước nhớ quê, bệnh nặng khiến ông đến sức để khóc cũng không còn, sinh mệnh như tro tàn, gió thổi không dậy. Chẳng lẽ đây là đường cùng mạt lộ của Đông Pha rồi sao?

Tri châu Hoàng Châu Từ Sứ Quân thương xót Đông Pha bệnh lâu ngày, Thanh Minh phân tân hỏa, đặc biệt chia cho ông một đóm lửa mới. Đông Pha “dậy cầm nến sáp đi quanh phòng trống, muốn nấu nướng mà không còn một thứ gì”, phát hiện ra nhà mình trống rỗng không có gì để nấu. Dù vậy, ông lại để đóm lửa mới này phát huy công dụng tốt nhất, “chia ra thành vô tận đăng, chiếu phá thập phương hôn ám khóa”, vô tư chia sẻ, một ngọn đèn thắp sáng ngàn vạn ngọn, soi sáng thế giới tâm linh của rất nhiều người. (“Từ Sứ Quân phân tân hỏa”)
Mấy độ Hàn Thực, chúng ta từ thơ của Đông Pha thấy được những giọt nước mắt trên tâm lộ chuyển hóa sinh mệnh trong khốn cảnh, không bị ngoại vật trói buộc, lay động, thoát ly bi hoan công thành danh toại trong cõi trần. Hoàng Châu không phải là điểm cuối của việc Đông Pha bị giáng chức, sau Hoàng Châu, ông lại đến Huệ Châu, Đam Châu (ở đảo Hải Nam), càng bị giáng chức càng đi xa, tuy nhiên, Đam Châu nơi hoang vu thời đó đã trở thành quê hương thứ hai của ông trong cuộc đời này.
Đông Pha lúc tuổi già ở chùa Kim Sơn nhìn thấy bức họa do Lý Công Lân vẽ chân dung ông, đã viết “Tự đề Kim Sơn họa tượng”, thơ rằng:
Tâm tự dĩ hôi chi mộc,
thân như bất hệ chi chu.
Vấn nhữ bình sinh công nghiệp,
Hoàng Châu Huệ Châu Đam Châu.
Dịch thơ
Lòng tựa thân cây đã chết
Thân run như thuyền không neo
Hỏi ngươi trọn đời sự nghiệp
Hoàng Châu Huệ Châu Đan Châu
Chứng đắc tâm lộ thoát khỏi Hàn Thực, thoát thai hoán cốt.
“Vô tận đăng” vô tư, một ngọn nến thắp sáng ngàn vạn ngọn, ánh sáng chiếu mười phương. Đông Pha tiến trước, người nối tiếp là ai?
Tài liệu chính: “Tô Thức tập”, “Tống Sử”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch