Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Bàng Thống là nhân vật kỳ tài rất được trông đợi sẽ giúp Lưu Bị làm nên nghiệp lớn, nhưng cuối cùng lại ra đi đột ngột bẽ bàng. Có biệt hiệu là Phượng Sồ, tài trí có thể sánh với Ngọa Long Gia Cát Lượng, Bàng Thống tử trận có lẽ không phải vì mưu lược thua kém Khổng Minh.
Sĩ Nguyên này cũng bậc anh hào,
Người xấu nhưng mà chí khí cao,
Thao lược kém chi mưu Quản, Nhạc,
Tài năng coi nhỏ sức Tôn, Tào.
Một phương đất hiểm công khai thác,
Muôn dặm đường trường bước khổ lao
Độc ác làm chi thiên cẩu giáng?
Thôi thôi số phận biết làm sao!
Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) nhận xét về Bàng Thống như sau: “Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định được thiên hạ”.
Tài trí của Bàng Thống thể hiện ở trận Xích Bích, khi ông vờ hiến kế cho Tào Tháo dùng xích sắt ghép các thuyền lại thành một cụm để tránh cho quân sĩ say sóng, nhưng thực chất là khiến thuyền không tản ra được khi bị hỏa công. Nhờ liên hoàn kế của Bàng Thống mà Chu Du có thể thiêu sống mấy chục vạn quân Tào.
Tài trí của Bàng Thống cũng thể hiện khi Lưu Bị và Lưu Chương chính thức đối đầu. Bàng Thống bày kế cho Lưu Bị giả phao tin Kinh Châu có việc để quay về và dụ hai tướng Tây Xuyên là Dương Hoài, Cao Bái đang trấn giữ Bạch Thủy đến giết đi, nhờ đó đoạt ải Phù Quan, tiến đánh Lạc Thành.
Cái chết của Bàng Thống
Khi ấy Bàng Thống, Lưu Bị ở Phù Thành chuẩn bị công phá Lạc Thành còn Gia Cát Lượng ở Kinh Châu. Hồi 63 “Tam quốc diễn nghĩa” có đoạn:
“Chợt có tin báo Mã Lương tự Kinh Châu mang thư của Khổng Minh đến trình. Huyền Đức mời vào hỏi, Mã Lương nói:
– Kinh Châu bình yên, chúa công không phải lo lắng.
Mã Lương trình thư.
Huyền Đức mở ra xem, trong thư viết:
“Lượng tôi tính số Thái Ất, năm nay là năm Quý Tỵ, sao Cương đóng ở phương tây. Lại xem thiên văn thì thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, ứng vào số mệnh tướng suý, dữ nhiều lành ít, nên phải cẩn thận lắm mới được”.
Huyền Đức xem xong thư, cho Mã Lương về trước. Huyền Đức nói:
– Ta sẽ về Kinh Châu để bàn việc ấy.
Bàng Thống nghĩ thầm rằng:
“Đây hẳn là Khổng Minh thấy ta lấy được Tây Xuyên, lập nên công trạng, cho nên cố ý đưa thư này để cản trở chăng?”
Bèn nói với Huyền Đức rằng:
– Tôi cũng đã xem Thái Ất, biết rằng Cương tính ở phương tây, ứng về việc chúa công lấy được Tây Xuyên, chứ không phải điềm xấu. Tôi cũng xem thiên văn thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, thì đã chém Lãnh Bào là ứng vào điềm hung ấy rồi. Chúa công không phải nghi hoặc gì nữa, nên tiến binh cho mau thôi.
Huyền Đức thấy Bàng Thống giục giã hai ba lần, mới kéo quân đi. Hoàng Trung, Ngụy Diên ra tiếp vào trại. Bàng Thống hỏi Pháp Chính rằng:
– Từ đây vào Lạc Thành có mấy con đường?
Chính vẽ xuống đất làm địa đồ. Huyền Đức giở bức đồ của Trương Tùng ra xem thấy không sai một ly. Pháp Chính nói:
– Mé bắc có một con đường lớn, đi thẳng vào cửa đông Lạc Thành, mé nam có một con đường nhỏ, đi thẳng vào cửa tây. Hai con đường ấy, đều tiến binh được cả.
Bàng Thống nói với Huyền Đức:
– Tôi sai Nguỵ Diên làm tiên phong, tiến theo đường nhỏ mé nam, chúa công sai Hoàng Trung làm tiên phong, tiến theo đường lớn dãy núi phía bắc, cùng đến cả Lạc Thành.
Huyền Đức nói:
– Ta xưa nay quen nghề cung ngựa, hãy đi đường hẻm. Quân sư nên đi đường lớn mà vào cửa đông, để ta vào cửa tây cho.
Bàng Thống nói:
– Đường lớn tất có quân ngăn chặn, chúa công dẫn quân mà chống cự, để tôi đi đường nhỏ.
Huyền Đức nói:
– Quân sư chớ nên đi, đêm qua ta nằm mơ thấy một vị thần, cầm gậy sắt đánh vào cánh tay phải, tỉnh dậy vẫn còn thấy đau. Đi chuyến này có lẽ không may.
Bàng Thống nói:
– Tráng sĩ lâm trận, không chết thì bị thương, đó cũng là lẽ thường vậy, can gì tin mộng mà sinh lòng nghi hoặc?
Huyền Đức nói:
– Ta lại nghĩ về cả bức thư của Khổng Minh nữa, quân sư nên trở về mà giữ lấy Bồi Quan, ý quân sư thế nào?
Thống cười ầm lên, nói:
– Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc rồi đó. Ông ta không muốn tôi một mình làm nổi công trạng, cho nên nói ra thế để cho chúa công nghi hoặc. Bụng đã nghi thì sinh mộng, hung gì mà hung? Tôi đội ơn chúa công gan óc lầy đất mới xứng được bụng tôi. Xin cứ đến sáng mai là đi, không phải nói chi cho lắm.
Ngày hôm ấy, Thống ra lệnh cho quân sĩ canh năm thổi cơm ăn, sáng rõ thì khởi hành. Hoàng Trung, Nguỵ Diên lĩnh binh đi trước. Huyền Đức và Bàng Thống cũng sắp sửa đi, bỗng nhiên con ngựa của Bàng Thống quáng mắt sa chân trước, hất Thống ngã lăn xuống đất. Huyền Đức vội vàng ở trên mình ngựa nhảy xuống, giữ lấy con ngựa ấy rồi hỏi rằng:
– Quân sư làm sao lại cưỡi ngựa xấu thế này?
– Ngựa này tôi cưỡi đã lâu, không thế này bao giờ.
Huyền Đức nói:
– Lâm trận mà ngựa quáng mắt, thường hay làm lỡ tính mạng người ta. Con ngựa trắng của tôi cưỡi, tính nó thuần lắm, quân sư cưỡi thì không còn ngại chút nào. Con ngựa xấu thì để tôi cưỡi cho.
Liền đổi ngựa cho Bàng Thống, Thống tạ ơn nói:
– Xin cảm tạ ơn sâu của chúa công, dẫu muôn chết cũng không đền đáp được.
Nói xong cùng lên ngựa ra đi. Huyền Đức thấy Bàng Thống đi, trong bụng vẫn áy náy không yên.
Nói về Ngô Ý, Lưu Hội trong Lạc Thành, nghe tin Lãnh Bào chết, mới hội các tướng lại bàn bạc. Trương Nhiệm nói:
– Ở mé đông nam núi, có một con đường nhỏ, rất là hiểm yếu, tôi xin dẫn một toán quân ra giữ đường ấy. Các ông thì giữ vững lấy Lạc Thành, chớ có sơ suất.
Chợt có tin báo: quân Hán chia làm hai đường vào lấy thành. Trương Nhiệm vội dẫn ba nghìn quân lẻn ra con đường nhỏ mai phục. Thấy quân Nguỵ Diên đi qua, Nhiệm bảo cứ mặc cho đi, không được kinh động. Sau thấy quân Bàng Thống đến, quân sĩ của Nhiệm trỏ vào viên đại tướng cưỡi ngựa trắng, bảo đó là Lưu Bị. Nhiệm mừng lắm, truyền lệnh cho quân sĩ cứ việc làm như thế, như thế.
Bàng Thống dẫn quân từ từ tiến đi, ngẩng đầu nhìn thấy hai bên rặng núi liền sát với nhau, cây cối cuối hè um tùm, rậm rạp. Thống trong bụng nghi hoặc, dừng ngựa lại, hỏi rằng:
– Đây là chỗ nào?
Có tên quân Thục mới hàng, trỏ lên núi bẩm rằng:
– Ở đây gọi là gò Lạc Phượng.
Thống giật mình nói:
– Hỏng, hỏng! Ta hiệu là Phượng Sồ, mà đây lại là gò Lạc Phượng, dễ thường quan hệ đến tính mạng ta.
Lập tức truyền lệnh quân sĩ vội vã rút lui. Bỗng nhiên một tiếng pháo hiệu nổi lên, rồi tên ở trên núi bắn xuống như châu chấu bay, cứ châu cả vào người cưỡi ngựa trắng mà bắn. Thương hại thay cho Bàng quân sư, cả người lẫn ngựa chết ở dưới sườn núi.
Bấy giờ Bàng Thống mới có ba mươi sáu tuổi”.
Cái tâm của Bàng Thống
Bàng Thống là người mưu lược, cũng có tài xem Thái Ất, hiểu thiên văn, những gì Khổng Minh viết trong thư Bàng Thống không phải là không biết. Thêm vào đó, trước khi xuất quân Lưu Bị nằm mộng thấy một vị Thần cầm gậy sắt đánh vào cánh tay phải, Bàng Thống vốn càng phải cẩn thận hơn. Lại nữa, lúc lên ngựa thì ngựa quáng mắt hất Bàng Thống ngã xuống đất, đây đúng là ông Trời năm lần bảy lượt cảnh báo, đến người bình thường ngu dốt cũng nhận ra có điềm hung. Thế nhưng vì sao một bậc kỳ tài như Bàng Thống lại mù quáng đâm đầu vào chỗ chết?
Khi lá thư của Khổng Minh đến, Bàng Thống nghĩ:
“Đây hẳn là Khổng Minh thấy ta lấy được Tây Xuyên, lập nên công trạng, cho nên cố ý đưa thư này để cản trở chăng?”.
Sau khi Lưu Bị kể về giấc mơ, Bàng Thống lại nói: “Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc rồi đó. Ông ta không muốn tôi một mình làm nổi công trạng, cho nên nói ra thế để cho chúa công nghi hoặc”.
Qua đây có thể thấy được cái tâm của Bàng quân sư còn chưa đủ độ lượng, bao dung. Luận về tài thì Ngọa Long Phượng Sồ kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng Khổng Minh đã đi theo Lưu Bị nhiều năm, lập nhiều chiến tích, còn Bàng Sĩ Nguyên mới theo phò tá nên không muốn mình chịu “lép vế”, nôn nóng lập công. Mong muốn lập công là tốt, nhưng mục đích ở đây lại là để chứng thực tài năng của bản thân, để tranh hơn thua với người khác. Tâm bất thuần rồi thì trí khó lòng sáng suốt, vì thế mà Bàng Thống mới bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo, mù quáng đi vào tử địa.
Gia Cát Lượng có ý tốt, muốn cảnh báo để bảo vệ tính mạng của Bàng quân sư, vì ông thật lòng muốn phò tá Lưu Bị khôi phục giang sơn nhà Hán. Ông biết Bàng Thống là cánh tay đắc lực của Lưu Bị, thực lòng trân trọng và quý mến Bàng quân sư. Thế nhưng Bàng Thống lúc này chỉ nghĩ đến uy danh của bản thân so với Gia Cát Lượng, thực ra là lòng đố kỵ, nên mới “suy bụng ta ra bụng người”, cho rằng Gia Cát Lượng viết thư để kìm hãm mình, không muốn mình lập công.
Thế mới biết có thể thiện ý lý giải người khác là biểu hiện của cái tâm thanh tịnh, là thành quả của tu dưỡng. Rất nhiều khi, cái xấu mà ta nhìn thấy ở người khác chẳng qua là phản ánh cái tâm bất tịnh của chính ta.
Cái tâm của Gia Cát Lượng
Ngược lại với Bàng Sĩ Nguyên, cái tâm của Gia Cát Khổng Minh là trong sáng và thanh tịnh. Trước kia ông chân thành tiến cử Bàng Thống, còn ca ngợi tài học của họ Bàng; khi Bàng Thống chết, Khổng Minh vô cùng đau xót.
Lần giở lại từng trang “Tam quốc diễn nghĩa”, ta thấy Khổng Minh đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự như Bàng Thống, nhưng tâm thái và cách xử sự của ông hoàn toàn khác hẳn.
Lưu Bị ba lần thăm lều cỏ, cung kính khẩn khoản mời Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá. Lưu Bị biết Gia Cát Lượng là bậc đại hiền trong thiên hạ, nên rất mực tin yêu kính trọng, còn Quan Vũ và Trương Phi thì bất mãn ra mặt. Hồi 39 “Tam quốc diễn nghĩa” viết:
“Lại nói từ khi được Khổng Minh, Huyền Đức đối đãi như bậc thầy. Quan, Trương thấy vậy không bằng lòng, nói:
– Khổng Minh tuổi trẻ, có tài cán gì, sao anh trọng đãi quá thế? Vả lại từ khi về đây, đã thấy y làm được việc gì tài ba đâu!”.
“Chợt có người báo Tào Tháo sai Hạ Hầu Đôn dẫn mười vạn quân rầm rộ kéo đến Tân Dã. Trương Phi nghe tin, nói với Quan Công rằng:
– Tốt hơn hết, nên để Khổng Minh ra nghênh địch.
Giữa lúc ấy, Huyền Đức cho gọi hai người vào, bảo rằng:
– Hạ Hầu Đôn kéo quân đến rồi, ta đối phó như thế nào?
Trương Phi nói:
– Sao đại huynh không sai “nước” đi để chống giặc.
Huyền Đức nói:
– Mưu thì ta phải nhờ đến Khổng Minh, nhưng dũng cảm thì phải nhờ đến hai anh em mới xong, không nên suy tị như thế.
Quan, Trương đi ra, Huyền Đức mời Khổng Minh đến bàn, Khổng Minh nói:
– Chỉ sợ Quan, Trương không phục tùng hiệu lệnh. Nếu chúa công thực muốn tôi chỉ huy, xin giao kiếm ấn cho tôi.
Huyền Đức sai lấy kiếm ấn trao cho Khổng Minh, Khổng Minh liền họp các tướng lại để nghe lệnh. Trương Phi bảo Vân Trường rằng:
– Ta hãy thử đến nghe lệnh, xem hắn xếp đặt ra sao?”.
Sau khi Khổng Minh truyền lệnh cắt đặt ba quân đâu vào đó, “Vân Trường nói:
– Chúng tôi đều ra nghênh địch cả, không hiểu quân sư ngài nhận việc gì?
Khổng Minh nói:
– Ta chỉ ngồi nhà giữ thành.
Trương Phi cười ầm lên nói:
– Chúng tôi đều đi đánh nhau cả, còn ông thì ngồi khểnh ở nhà, thảnh thơi quá!
Khổng Minh nói:
– Kiếm ấn ở đây, ai không tuân lệnh, ta lập tức chém đầu.
Huyền Đức nói:
– Hai em phải biết “Người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”, hai em không được trái lệnh.
Trương Phi nói:
– Hãy xem kế của hắn có hiệu nghiệm không đã, bấy giờ ta sẽ hỏi tội cũng chưa muộn.
Hai người đem quân đi. Các tướng cũng chưa ai biết thao lược của Khổng Minh ra sao, nay nghe lệnh, nhưng vẫn nghi hoặc, không được yên tâm”.
Có thể thấy rằng, tình cảnh của Gia Cát Lượng lúc bấy giờ còn “áp lực” hơn nhiều tình cảnh của Bàng Thống trước khi chết. Khi Bàng Thống theo Lưu Bị tiến đánh Lạc Thành, từ Khổng Minh đến Trương Phi đều công nhận tài năng của ông rồi. Còn Gia Cát Lượng trước trận Tân Dã, được minh chủ ba lần hạ cố, mang danh tiếng lớn mà chưa lập nên công trạng gì để thu phục lòng quân. Cả Quan Vũ, Trương Phi đều tỏ thái độ bất bình, coi thường ông, hỏi khi ấy ông là tâm trạng gì? Nếu Gia Cát Lượng cũng có cái tâm nôn nóng chứng tỏ bản thân như Bàng Thống, thì trước thái độ của Quan, Trương, hẳn ông đã bị tức giận, phiền não làm động tâm, khiến trí tuệ kém phần sáng suốt.
Trận này Lưu Bị chỉ có ba nghìn quân, đối diện với mười vạn quân Tào, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nếu Khổng Minh bị động tâm, một bước đi sai sót có thể khiến toàn quân vong mạng, há chẳng khác Bàng Thống chết vì mũi tên ư? Nhưng ta thấy ông vẫn bình thản tự nhiên, vừa có uy, vừa có đức. Rốt cuộc thì:
“Hai bên đánh nhau suốt một đêm: Quân Tào bị giết, xác chất đầy đồng, máu chảy thành sông.
Đời sau có thơ rằng:
Bác Vọng dùng mưu đánh hỏa công
Cười cười nói nói vẫn ung dung
Tào Man nghe tiếng hồn bay bổng
Rời khỏi lều tranh đệ nhất công!”
Kết thúc trận này, Quan, Trương tâm phục khẩu phục Khổng Minh, ca ngợi ông “quả là bậc anh tài”, chủ động “xuống ngựa sụp lạy” vị quân sư tuổi trẻ mà đức tài đều cao ấy.
Tâm tính cao đến đâu, có thể lập công cao đến đấy
Sự sai biệt trong cách cư xử và tâm thái của Bàng Thống và Gia Cát Lượng khi đối mặt với khảo nghiệm đã dẫn đến hai kết cục khác nhau: Một Phượng Sồ sớm bỏ mình nơi trận địa, và một Ngoạ Long bay tới mây xanh, dựng nên cơ đồ nhà Thục Hán. Thương thay Bàng Thống! Tiếc thay Bàng Thống! Ông có cái tài của Thừa tướng, nhưng lại không có cái đức của Thừa tướng vậy!
Người xưa nói “Bụng tể tướng có thể chèo thuyền”, hàm ý là một vị tể tướng đứng đầu trăm quan thì cần phải có tấm lòng bao dung rộng lớn, dung nạp được hết thảy mọi người trong thiên hạ. Biển đặt mình ở chỗ thấp nên mới có thể dung nạp trăm sông, một vị tướng cũng cần khiêm nhường, cung kính bậc hiền sĩ, tự đặt mình ở chỗ thấp để tán thưởng cái tài của người khác. Khổng Minh làm được điều đó nên ông mới có thể trở thành thừa tướng nước Thục.
Cái chết thương tâm của Bàng Thống đã làm sáng tỏ một đạo lý: Đức là gốc rễ, tài là cành lá, đức có vững thì tài trí mới phát huy đầy đủ, lập nên công trạng được. Vậy nên Đạo học là lấy tu tâm dưỡng tính làm căn bản. Như trong “Thư khuyên con”, Gia Cát Lượng viết:
“Ta nên làm theo đạo của kẻ quân tử, tu thân thanh tịnh, cần kiệm dưỡng đức, đạm bạc để nuôi chí, tĩnh lặng để nghĩ xa. Ta nên học lấy sự thanh tịnh, tài do học mà có, chẳng học chẳng rộng tài, chẳng có chí thì chẳng thành công, buông thả hại cho tinh thần, hấp tấp khó thuần được tính”.
Tiếc cho Bàng Thống tài trí một đời, cuối cùng yểu mệnh. Ông chết nào phải vì kém mưu, chẳng qua vì đức độ còn thiếu sót. Chữ Đức này đúng là vô cùng quan trọng vậy!
- Xem trọn bộ Cảm ngộ Tam Quốc
Thanh Ngọc
Thanh Ngọc