Âm nhạc truyền thống có lịch sử lâu đời, ẩn chứa cả quy luật vận hành của trời đất. Có rất nhiều nhạc sĩ chỉ cần nghe giai điệu là có thể đoán biết thế sự sắp xảy ra, thậm chí dự đoán được sự hưng vong của quốc gia. Điều kỳ diệu nào ẩn giấu trong những âm điệu cổ này?
Âm nhạc truyền thống du dương, ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa di sản văn hóa 5000 năm, mô tả tỉ mỉ sự tôn kính Thần Phật, thể hiện những cảm xúc về cuộc sống một cách phong phú. Âm thanh của các nhạc cụ cổ rất tự nhiên, đôi khi nhẹ nhàng và du dương, lại có lúc mãnh liệt bi tráng hay trang nghiêm thần thánh. Nó làm người nghe có lúc cảm giác như đang đọc những bài thơ, lại có lúc như đi đến chiến trường, như bước vào hý kịch, vào cõi tiên cảnh, như cảm nhận làn gió xuân thổi nhẹ qua vai.
Âm nhạc cổ xưa có ngũ âm, đối ứng với nó là ngũ hành, vận hành theo quy luật âm dương. Người xưa vận dụng âm nhạc vào hết thảy mọi mặt trong đời sống. Âm nhạc phương Đông thực sự có thể cảm nhận được một cách dễ dàng hơn kiểu cân đo, đong đếm chính xác, số hoá, lượng hoá như trong âm nhạc phương Tây.
Theo ghi chép trong các sách cổ, thời xa xưa từ hoàng đế đến chư hầu, các bậc sĩ phu đều chơi đàn để giúp tâm được bình an, lý trí được thông suốt, hòa khí không phân tán, tà khí không thâm nhập. Trong “Lễ ký-Thông điển” có nói: “Âm nhạc là niềm đam mê của các bậc thánh nhân. Nó có thể làm lòng dân hướng thiện, cảm động sâu sắc tới cả tâm can và thay đổi thói quen sinh hoạt”. Do đó, mỗi triều đại đều rất coi trọng việc giáo hóa âm nhạc, tin rằng âm nhạc là phúc âm của Thần truyền cho con người, có thể giúp thiện hóa nhân tâm, nâng cao đạo đức và trau dồi khí chất.
Có rất nhiều câu chuyện thú vị xung quanh những bản nhạc kỳ lạ như thế.
Dùng âm nhạc khích lệ binh sĩ
Trong chiến tranh thời cổ đại, người ta dùng trống để thúc quân ra trận. Đứng trước quân địch, binh sĩ có thể cảm thấy sợ hãi, mà sợ hãi là đối ứng với Thận tạng thuộc hành Thuỷ trong ngũ hành, tương ứng với âm Vũ. Trống trận thì lại thuộc về Thổ trong bát âm (8 loại vật liệu tạo ra âm thanh), Thổ khắc Thuỷ (đê ngăn nước), nên có thể áp chế nỗi sợ hãi, khiến họ dũng mãnh tiến về phía trước.
Nhưng khi giành thắng lợi rồi, người ta lại dùng tiếng chiêng để rút quân về, tránh việc quân sĩ trên đà thắng lợi cứ xông về phía trước mà rơi vào thế trận mai phục của đối phương. Vì tiếng chiêng đối ứng với Kim, mà Kim trong ngũ hành đối ứng với mùa thu – mùa thu hoạch, ứng với Phế tạng, chủ quản về cảm xúc bi ai, buồn thương. Vì thế binh sĩ nghe tiếng chiêng sẽ không hăng hái xông lên phía trước nữa, nhờ vậy bảo toàn được lực lượng.
Nghe nhạc khúc biết được tương lai
Người xưa chỉ cần nghe tiếng nhạc mà biết được vận mệnh một quốc gia, biết được vua nước đó có yêu thương dân không (khi âm Cung bình hoà) hay bạo ngược, hoang dâm (âm Cung hỗn loạn), nghe được lòng dân có oán giận hay cuộc sống của họ có ấm no, hạnh phúc hay không… Nếu âm luật hỗn loạn ở cung nào thì người và việc ứng với âm đó có vấn đề, 5 cung đều loạn là điềm báo trước dấu hiệu vong quốc.
Theo ghi chép trong điển tích, rất nhiều âm nhạc gia thời cổ đại chỉ cần nghe điệu khúc liền có thể dự đoán sự việc sắp xảy ra, lớn hơn có thể biết trước sự hưng vong của quốc gia. Vào thời nhà Tùy có một người tên Vạn Bảo Thường, tư chất thông minh, trong sáng, có tài năng âm nhạc từ nhỏ. Năm đầu khi Tùy Văn Đế mới lên ngôi có hạ lệnh cho Bái quốc công là Trịnh Dịch hiệu đính nhạc phổ và chế độ lễ nghi âm nhạc trong cung đình. Tùy Văn Đế có cho triệu kiến Vạn Bảo Thường và hỏi ông xem âm nhạc Bái quốc công hiệu đính có được không.
Khi đó Vạn Bảo Thường thẳng thắn trả lời: “Đó là thứ âm nhạc vong quốc mất nước, giai điệu ai oán, phóng túng dâm loạn, không phải là loại cao nhã chính phái”. Văn Đế bèn hạ chiếu để ông sáng tác nhạc khúc mới. Tuy nhiên, người dân lại không thích nghe nhạc khúc tao nhã, an bình đó, những người ngoài nghề không hiểu phần lớn đều bài xích, gièm pha.
Một lần khác sau khi nghe Đại thường tự diễn tấu nhạc khúc, Vạn Bảo Thường rơi lệ khóc lóc. Khi được hỏi nguyên do, ông đáp: “Nhạc khúc này, thanh nhạc đẫm lệ lại bi ai, báo hiệu không lâu nữa thiên hạ sẽ tương tàn, có rất nhiều người sẽ bị sát hại”. Khi đó là vào thời hưng thịnh nhất của triều đại nhà Tùy, mọi người nghe lời ông nói thì đều xem thường bỏ qua. Tới năm đại nghiệp thứ 14 của Tùy Văn Đế, thiên hạ họa loạn như lời ông dự đoán.
Lại có chuyện nhạc công chỉ nghe nhạc mà biết hoàng đế bị mưu sát. Theo ghi chép trong “Thông điển”, khi Tùy Dạng Đế chuẩn bị đi tuần du tại Giang Đô, con trai của nhạc công Vương Lệnh từ nội cung trở về nhà, có dùng đàn Tỳ bà diễn tấu khúc “An Công Tử”. Sau khi nghe xong, vị nhạc công liền biến sắc mặt, vô cùng lo sợ dặn dò con trai: “Con không nên theo hộ giá tới Giang Đô. Bởi trong khúc nhạc kia không có âm Cung, hoàng đế chắc chắn không thể trở về”. Trong ngũ âm xưa, âm Cung (nốt Đô) thì ứng với vua, âm Thương (nốt Rê) ứng với quan, âm Giốc (nốt Mi) ứng với dân, âm Chuỷ (nốt Son) ứng với sự việc, âm Vũ (nốt La) ứng với vật. Sau đó, quả nhiên Tùy Dạng Đế bị ám sát tại Giang Đô.
Vào thời nhà Đường, khi đô đốc Tây Lương phủ hiến nhạc khúc mới, Đường Huyền Tông đã thiết yến tiệc mời các vương hầu tới thưởng thức. Sau khi khúc nhạc được diễn tấu, mọi người đều chạy tới chúc mừng, chỉ có anh trai của vua là Ninh vương Lý Hiến lặng lẽ không nói gì. Khi vua hỏi duyên cớ, ông đáp:
“Điệu khúc này mặc dù rất tươi đẹp, nhưng thần nghe nói, một khúc nhạc bắt đầu với âm Cung và kết thúc với âm Thương, ở giữa lại do các âm Giốc, Chủy, Vũ cấu thành, đầu cuối đều muốn phối hợp ứng phó với Cung. Nhạc khúc này, ngay từ đầu đã tách khỏi Cung điệu, ở giữa lại rất ít dùng tới âm Chuỷ, âm Thương dùng rất lộn xộn và có xu thế tăng lên. Thần được biết, trong ngũ âm, âm Cung (nốt Đô) thì ứng với vua, âm Thương (nốt Rê) ứng với quan, âm Giốc (nốt Mi) ứng với dân, âm Chuỷ (nốt Son) ứng với sự việc, âm Vũ (nốt La) ứng với vật. Âm Cung không hùng mạnh tức thế lực của quân vương yếu ớt, âm Thương quá cường thịnh tức bề tôi có dấu hiệu tạo phản. Sự tình biểu hiện trong âm luật, biểu hiện qua các nhạc khúc, sẽ có một ngày ứng nghiệm tới thế sự nhân gian. Thần e rằng có một ngày sẽ xảy ra loạn thần tạo phản, bệ hạ phải lưu lạc tha phương, nên nói những lời tiên đoán này với người”.
Khi đó vua Đường chỉ trầm mặc không nói gì, quả nhiên sau khi loạn thần An Lộc Sơn tạo phản, vua Đường phải tháo chạy khỏi Trường An, mới chứng thực sự am hiểu nhạc lý tuyệt diệu của Ninh vương.
Theo Epochtimes
Biên dịch: Kiên Định
Ảnh bìa: Public Domain