Trong năm 2017 đã có 35 bộ phim Việt ra rạp, một con số đáng khích lệ cho ngành điện ảnh Việt. Tuy nhiên, bên cạnh cú nổ phòng vé “Em chưa 18”, nhiều bộ phim dù được quảng bá rầm rộ nhưng vẫn khiến khán giả cảm thấy hụt hẫng sau khi xem.
Phim Việt dần dần lấy lại phong độ trên thị trường khi mật độ xuất hiện ngoài rạp ngày càng dày, trong đó có một vài bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” nhẹ.
Khác hẳn những năm trước, hầu hết các bộ phim khi ra mắt đều được quảng cáo là có sự đầu tư không chỉ về tài chính mà còn cả ê kíp sản xuất, dàn diễn viên, cũng như kịch bản. Thậm chí, đến công tác truyền thông cũng được chăm chút kỹ lưỡng. Bởi vậy những thông tin về chuyện hậu trường, khung hình đẹp, cốt truyện hay, dù đa tăng suất diễn mà vẫn sốt vé, đều góp phần kéo khán giả đến với rạp nhiều hơn.
Tuy nhiên, xuất hiện ồ ạt ngoài rạp liệu những tác phẩm có còn giữ được “chất”?
Năm 2017, điện ảnh Việt Nam đón nhận sự tỏa hương của “bông sen vàng” Em chưa 18. Việc hội đồng trao giải cho Em chưa 18 phản ánh đúng tình hình của điện ảnh Việt Nam. Phần đông khán giả ra rạp với tâm thế muốn thưởng thức các tác phẩm giải trí, nhẹ nhàng, thay vì phim nghệ thuật nặng nề, khó theo dõi. Những bộ phim như Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Cô gái đến từ hôm qua… cũng đã tạo dấu ấn trong lòng công chúng.
Điểm tích cực của các bộ phim là nội dung đánh đúng tâm lý và thị hiếu công chúng với chủ đề xu hướng như phẫu thuật thẩm mỹ, người Việt xa xứ, thế giới ngầm tội phạm… kết hợp với dàn diễn viên nổi tiếng, nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư vào phục trang, bối cảnh được chuẩn bị kĩ càng, thiết bị quay phim tốt đã cho ra đời những thước phim ấn tượng.
Nhìn sâu vào vấn đề, có thể dễ dàng nhận ra điểm chung của các bộ phim ăn khách đa phần là chuyển thể hoặc remake lại từ một kịch bản gốc. Đội ngũ biên kịch chỉ cần thêm bớt, biến hóa sao cho “đậm đà bản sắc dân tộc”. Điển hình là Sắc đẹp ngàn cân, Bạn gái tôi là sếp… Từ trước đến nay, kịch bản chưa bao giờ là thế mạnh của phim điện ảnh Việt Nam. Phim mua kịch bản thì luôn bị coi là “ăn sẵn”, lịch sự hơn là cơ hội để đội ngũ biên kịch “luyện tay nghề”, kịch bản tự viết thì luôn bị gắn mác “nhảm” hay nội dung vẫn còn non kém như Mẹ chồng, Cô ba Sài Gòn…
Cách đây vài năm, bộ phim Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã gây được tiếng vang lớn với nội dung khá mới mẻ, dám đề cập đến những vấn đề xã hội muốn che đậy. Tuy nhiên, đến phần 2 của bộ phim kịch bản bị “đuối sức” đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nội dung của phim. Những bộ phim có kịch bản khá như Đảo của dân ngụ cư đoạt khá nhiều giải tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017 lại không đạt được doanh thu cao. Như vậy ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mãi vẫn còn rõ ràng, chưa thể xóa bỏ.
Chính kịch bản yếu kém đã vô tình đẩy vài phim như Chí Phèo ngoại truyện, Tao không xa mày, S.O.S. sói trắng, Chơi thì chịu, Giấc mơ Mỹ… đến mức thảm họa. Xem xong các phim này, khán giả thấy các câu chuyện lạc đề hoặc gượng gạo, giáo điều, hoặc chẳng biết nói về điều gì. Như Giấc mơ Mỹ, bộ phim với độ dàichưa đến hai tiếng, nhưng người xem cảm giác như tác phẩm kéo dài vô tận bởi hàng loạt chi tiết phi lý, tính cách nhân vật trong phim là cực kỳ mâu thuẫn.
Đã hết rồi cái thời phim được nhà nước đầu tư nhiều tỷ, ra rạp không cần khán giả để có doanh thu, bởi vậy, các nhà đầu tư cũng chẳng dám mạo hiểm với những kịch bản nội địa không chắc thắng, muốn làm gì cũng cần theo thị trường.
Giấc mơ Mỹ là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện kịch bản mới là yếu tố quyết định thành công cho toàn bộ tác phẩm, chứ không phải bối cảnh sang trọng hay sự tham gia của các ngôi sao.
Ngoài yếu tố kịch bản, diễn xuất của diễn viên, âm thanh, hình ảnh, chế tác hậu kì cũng cần được chú ý. Một bộ phim hay cần phải có dàn diễn viên phù hợp, diễn ra sao để khán giả phục, thấy được nhân vật đang sống chứ không phải chỉ là nhân vật nói theo kịch bản. Đa số phim thương mại đều lựa chọn những gương mặt quen thuộc với khản giả, chỉ số truyền thông cao mà chưa đánh giá đúng năng lực diễn xuất của diễn viên. Nào là người mẫu, ca sĩ… lấn sân, diễn xuất mờ nhạt, hậu kì phim còn nhiều sạn, phi lý… Tất cả đã tạo nên bức tranh điện ảnh hỗn độn thiếu sự tinh tế.
“Sói trắng” là tổ hợp của hàng loạt tình tiết rời rạc, vô lý tới mức nực cười. Phim không diễn tả được nỗi đau của nạn nhân ấu dâm, mà như chỉ nhắm đến câu chuyện tình trái ngang giữa các nhân vật.
Có thể nói, phim Việt cần có sự lột xác về kịch bản, các nhà sản xuất cần những cây bút chuyên nghiệp, các sáng tác cần sự đầu tư, trau chuốt cũng như cách nhìn đúng đắn về phương pháp làm phim sao cho ranh giới giữa phim thương mại lẫn nghệ thuật trở về cân bằng, như vậy phim Việt mới có thể khởi sắc, cạnh tranh với phim nước ngoài.
Huyền Hương