Vừa là một ‘dân buôn’ phất lên trong nền kinh tế thị trường, lại quay vòng với danh lợi tiền tài trong cơ quan nhà nước, để rồi “không biết mình đã tổn mất bao nhiêu Đức trong vô minh”, cuối cùng, anh Lê Khắc Ánh, sinh năm 1972, là cán bộ nhà nước, đã tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Tôi là Lê Khắc Ánh, là một cán bộ thuộc bộ máy nhà nước. Vị trí công tác của tôi đã có thời điểm được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ 0,9.

Trước đây tôi khá nổi tiếng là một người nhanh nhẹn, tháo vát, chịu khó làm ăn, buôn bán. Tôi đã tham gia buôn bán xe máy từ đầu những năm 1990, sau này là buôn ôtô, bất động sản… Lúc đó, tôi làm về công tác Kế hoạch đầu tư. Vừa làm công chức Nhà nước, vừa làm ăn bên ngoài. Trong đầu tôi lúc nào cũng toan tính để thu lợi cho mình, thậm chí dối lừa những người mua xe về chất lượng những chiếc xe bị “mông má”, cũng không ngại làm khó đơn vị để được họ “cảm ơn”…

Tôi cũng tin có Thần nhưng là thần mang lại tiền tài danh lợi cho tôi, nên rất chăm chỉ lễ bái tại các chùa chiền, đền to, phủ lớn, tưởng rằng sức khỏe, hạnh phúc, tài lộc… là đến từ việc đi lễ, thờ cúng, hương khói xin xỏ mà ra. Hậu quả là ‘tiền mất tật mang’.

BỨC THƯ VỀ MỘT TỘI ÁC BỊ CHE GIẤU

Giữa năm 2010, tôi nhận được một bức thư trên internet. Nội dung thư đề nghị ký tên thỉnh nguyện chống nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Hơi sốc và tò mò, tôi đã đọc bức thư. Hoá ra đó là câu chuyện của những học viên Pháp Luân Công kiên định niềm tin tín ngưỡng của họ, dù bị chính quyền Trung Quốc đàn áp dã man và mổ cướp tạng sống. Tôi ngay lập tức ký tên chống nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Vài tháng sau, tôi có chuyến công tác 2 tháng ở Nhật Bản. Tình cờ mở lại đúng bức thư thỉnh nguyện và đường link cuốn sách. Có thời gian rảnh, trong ba buổi tối, tôi đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luân – cuốn sách chính của Pháp Luân Công.

Dù mới đọc một lượt cuốn sách nhưng những gì hiểu được cũng khiến nội tâm tôi chấn động. Tôi nhận được lời giải đáp cho nhiều bí ẩn của nhân loại, thời không, Phật – Đạo – Thần… Tôi cũng nhận ra thế giới quan của mình bắt đầu thay đổi từ đây.

THAY ĐỔI BẤT NGỜ

Đầu tiên là sức khỏe. Tôi lúc đó mới hơn 30 tuổi mà cơ thể lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi. Căn bệnh viêm xoang, dạ dày, thoái hóa đốt sống cổ, thường xuyên cứng đơ vai gáy khiến tôi sống rất khổ sở. 5 bài tập của Pháp Luân Công có tác dụng rất lớn cải biến sức khỏe. Tôi tập luyện một thời gian, thân thể chuyển biến rõ ràng, những bệnh kể trên khỏi tự lúc nào. Đến tận bây giờ, sau 13 năm tập luyện, tôi vẫn luôn khỏe mạnh, không uống một viên thuốc nào. Về tác dụng đối với sức khỏe của Pháp Luân Công, bạn có thể tìm trên mạng Internet có rất nhiều bài chia sẻ của những người khỏi bệnh một cách kỳ diệu để tham khảo, họ đều để lại tên, số điện thoại… cụ thể để bạn có thể liên hệ tìm hiểu thêm.

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh luyện Pháp Luân Công. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Điều thay đổi to lớn hơn, chính là tâm tính của tôi. Như đã nói, hồi đó tôi được tiếng là tháo vát năng động, nhưng đó là con người luôn toan tính, kèn cựa, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, chỉ lo vun vén cho lợi ích bản thân, gia đình, thậm chí còn làm dối trá, không thật… Tính tình thì nóng nảy, gia trưởng, áp đặt…

Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi mới hiểu ra một người cần chiểu theo Chân Thiện Nhẫn làm người tốt. Tôi tự ước thúc mình dừng các hành vi bất chính phục vụ lợi ích, dục vọng cá nhân. Trong các mối quan hệ làm ăn, tôi tôn trọng lợi ích của người khác. Trong công việc ở cơ quan nhà nước, tôi đặt tâm sức hoàn thành với chất lượng cao nhất có thể, và cố gắng dùng tâm Chân và Thiện để xử lý công việc thay cho kiểu lợi dụng vị trí, ưu thế hành chính như trước đây.

Hiệu quả thay đổi rất rõ nét. Trong cơ quan lúc tôi nhận bàn giao có 67 người, sản lượng lúc đó khoảng gần 9 tỷ đồng/1 năm, sau khi tôi về nhận công tác, nhân sự chỉ tăng lên khoảng 89 đến 90 người thôi (chưa đến 1,4 lần) nhưng sản lượng có lúc cao nhất đạt khoảng 54 tỷ đồng/năm (gấp 6 lần). Thật sự rất hiệu quả khi động lực làm việc của cán bộ, viên chức, người lao động được giải phóng.

Ở cơ quan, chúng tôi cố gắng làm đúng theo chữ Chân trong nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp nên kết quả là các số liệu kỹ thuật của chúng tôi cung cấp được lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Bộ, Bộ Xây dựng tin tưởng.

KHÔNG TIN NHâN QUẢ THÌ VIỆC GÌ CŨNG DÁM LÀM

Theo tôi, vì bản chất của con người là vị tư, vị kỷ. Hành vi của mỗi cá nhân luôn có xu hướng bảo vệ, vun vén lợi ích cho cái tôi. Họ luôn có xu hướng đối phó với các quy định, đối phó với mọi người xung quanh để họ được nhiều lợi ích nhất, nhàn hạ nhất.

Quan niệm vô thần, không tin luật nhân quả làm họ cảm thấy rằng chỉ cần không người nào biết việc làm xấu, sai của họ, pháp luật không “làm gì” được họ thì họ cứ thản nhiên, vô tư mà làm, dù việc đó gây hại cho người khác, gây hại cho lợi ích cộng đồng.

Điều này đặc biệt nguy hại khi đó là đội ngũ cán bộ, công chức nắm giữ việc công. Nếu họ cảm thấy họ không “được” gì thì họ sẽ tìm cách né tránh, thoái thác nhiệm vụ hoặc làm qua quýt, chiếu lệ cho xong. Nếu pháp luật không đủ chặt chẽ, họ chẳng lo “mất” gì thì họ sẽ thoải mái, tự tung tự tác làm theo ý mình.

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh và vợ đang đọc sách Chuyển Pháp Luân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong những năm vừa qua, nhiều lãnh đạo cấp cao không gương mẫu trong thực thi công vụ, trong đời sống, nói không đi đôi với làm dẫn tới tình trạng xử lý việc công không nghiêm, không “dĩ công vi thượng” mà bóp méo việc công vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc hành xử gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, quyền lực của họ không được kiểm soát tốt trong một thời gian dài. Điều này dẫn tới hậu quả là các cán bộ cấp dưới không còn môi trường để kiên định lối sống trung thực, thiện lương, toàn tâm toàn ý lo cho việc công. Họ chịu sức ép từ nhiều phía: Từ những người lãnh đạo tha hóa, từ đồng nghiệp tha hóa, từ áp lực đảm bảo thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình và hệ quả dẫn đến là họ sẽ rời bỏ bộ máy hoặc tha hóa theo.

Phản ứng dây chuyền này diễn ra trong một thời gian khá dài đã dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất. Các hoạt động công vụ bị bóp méo để trục lợi hoặc được thực thi một cách thiếu trách nhiệm, không vì mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước. Cán bộ, công chức, viên chức vô cảm trước những nỗi khổ, khó khăn của nhân dân. Đạo đức xã hội xuống cấp, niềm tin của nhân dân trong xã hội bị ảnh hưởng xấu.

Thực ra, tình trạng trên gây hại không chỉ cho xã hội, cho đất nước mà nó còn gây hại cho chính bản thân những cán bộ, công chức (những cá nhân làm việc xấu) mà có lẽ bản thân họ không biết. Theo tôi, bản chất con người là vị tư, vị kỷ nên nếu chúng ta phân tích, chỉ ra được cho họ Tại sao nên sống tốt, sống vì người khác, vì lợi ích cộng đồng; Họ được gì khi sống tốt, sống vì người khác, vì lợi ích cộng đồng, Họ mất gì khi làm việc xấu, làm tổn hại đến người khác, đến lợi ích cộng đồng thì họ sẽ rất tự giác thực hiện theo.

Sau một thời gian nghiên cứu Phật Pháp, tôi hiểu rằng : Con người xoay vần trong kiếp luân hồi. Chết không phải là hết mà cá nhân sau khi chết lại chuẩn bị cho một kiếp sống mới (Có khá nhiều nghiên cứu đối với các cá nhân được cứu sống lại sau khi chết lâm sàng đã chỉ rõ hoạt động ý thức của cá nhân vẫn tiếp diễn sau khi cá nhân đó chết lâm sàng).

Không gian nơi con người sinh sống chỉ là một trong vô số thể thời không (không gian và thời gian) đang tồn tại trong vũ trụ này. Các sinh mệnh trong các thể thời không kia vô hình trong con mắt phàm của con người và dân gian thường gọi họ là ma, là Thần, là Phật… Những sinh mệnh ấy tồn tại một cách khách quan, họ thấy rõ chúng ta và khi cần có thể chi phối, tác động vào suy nghĩ của chúng ta khá dễ dàng. Đây là lý do dân gian vẫn lưu truyền những câu nói như: Ma xui, quỷ khiến; Thần Phật dẫn lối chỉ đường; Khôn ngoan không lại với Trời; Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên; Nhân tính không bằng Trời tính… để nói lên rằng có những thế lực vô hình đang tác động lên cõi người để duy hộ những nguyên tắc của vũ trụ.

Khoa học phát triển giúp con người dần chứng thực được sự tồn tại của rất nhiều loại vật chất và sinh mệnh mà trước đó do sự hạn chế của các giác quan cùng với quan niệm “thấy mới tin, không thấy không tin” làm con người không công nhận chúng tồn tại.

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh đang luyện bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi sang kiếp sống mới, con người chi mang theo được 2 loại vật chất đó là Đức và Nghiệp (Phật giáo gọi là Thiện nghiệp và Ác nghiệp). Hai loại vật chất này vô hình trong con mắt người thường (nhưng những người có khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy chúng). Chúng đối nghịch nhau: Đức màu trắng, Nghiệp màu đen (người thường có thể cảm nhận những người nhiều Đức khuôn mặt thường sáng sủa, rạng ngời. Những người nhiều Nghiệp khuôn mặt thường sạm, thâm đen nhiều chỗ…). Trong kiếp sống mới, Đức sẽ mang lại mọi điều tốt đẹp trong cuộc đời con người (sức khỏe, tài lộc, công danh, hạnh phúc gia đình, con cái đề huề …); Nghiệp sẽ mang lại mọi khổ đau (bệnh tật, xui xẻo, bị xúc phạm, hành hạ …). Tương quan hai loại vật chất này cùng với những nhân duyên, hành xử trong quá khứ sẽ là căn cứ để an bài số phận (đường đời) của con người.

Một cá nhân nhận được Đức khi họ chịu khổ làm điều Thiện, giúp đỡ người khác, khi cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng… Họ phải nhận Nghiệp khi họ thực hiện những hành vi bất chính, lừa người, lợi dụng người, đánh đập người, hại người hoặc các hành vi bất chính khác làm tổn hại đến lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng… Khi con người nhẫn nhịn, chịu khổ trong xung đột, va chạm tâm tính thì Nghiệp được tiêu và chuyển hóa thành Đức. Lượng Nghiệp và Đức mà con người mang theo trong cuộc đời thay đổi phụ thuộc vào cách hành xử của từng cá nhân và theo đó số phận của họ cũng sẽ thay đổi.

Theo tôi, người dân Việt Nam hiện nay đang rất sai lầm khi họ tưởng rằng những điều tốt đẹp trong cuộc sống có thể đến từ việc cầu cúng, “xin xỏ” các vị thần linh, các “đấng bề trên”… Thực ra đều từ kho Đức của họ. Với những lượng Đức mang theo nhất định sẽ được chia thành nhiều phần: Phần dành cho Sức khỏe; phần dành cho Tài lộc; phần dành cho Công danh; phần dành cho Hạnh phúc vợ chồng; phần dành cho phúc phận con cái; phần dành cho Tuổi thọ… Nếu cá nhân đó rất thành tâm cầu xin mà họ cảm thấy được thì chỉ có 2 khả năng: Thứ nhất là việc đó có trong số mệnh của họ; Thứ hai là phần phúc phận khác đã bị thất tổn đi rồi. Bên cạnh đó họ còn mất rất nhiều thứ quý báu khác để “trả công cho thế lực họ đã cầu xin theo nguyên lý “Bất thất bất đắc” của Vũ trụ. Cách duy nhất để con người có thêm được nhiều Phúc phận theo ý muốn chính là tích thêm Đức. Do vậy trước đây “các cụ” luôn răn dạy con cháu là: “Hãy tu nhân, tích Đức”, “Hành Thiện tích Đức”, “Không được làm những việc thất Đức, tổn Đức” và nếu tích đủ thì “Đức năng thắng số”.

“Liễu Phàm Tứ Huấn” là cuốn sách tác giả đem những kinh nghiệm quý báu cải biến được vận mệnh của cuộc đời mình soạn thành 4 bài gia huấn đề lưu lại đời sau. Tác giả là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Ông là Viên Hoàng, tự là Khôn Nghi (1533 – 1606), là người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, sống vào triều đại nhà Minh. Khi còn trẻ, ông đã được một vị cao nhân tiên đoán chính xác cả cuộc đời của mình, tuy nhiên sau này ông đã tự thay đổi được số mệnh khi hành Thiện tích Đức.

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tôi đã rất chấn động khi đọc đoạn ông viết về băn khoăn khi lo lắng không làm đủ 1 vạn việc Thiện như đã phát nguyện lúc làm Tri huyện ở huyện Bảo Đề. Ông đã được Thần khai thị rằng chỉ tính riêng việc khi làm Tri huyện, ông thấy mức nạp tô (hai phân ba ly bảy hào) đối với ruộng ở huyện Bảo Đề là quá cao nên đã xin giảm xuống (một phân bốn ly sáu hào), trên một vạn hộ được hưởng phước là coi như ông đã hoàn thành tâm nguyện đó rồi. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, đối với những người nắm giữ quyền lực công, nếu họ đặt tâm vào công việc, toàn tâm toàn ý lo cho lợi ích công thì công đức họ nhận được thật lớn. Và ngược lại, khi họ có những động cơ vụ lợi, ích kỷ, bóp méo việc công để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì sẽ gây hại cho lợi ích cộng đồng, khi đó họ đã tổn rất nhiều Đức và phải nhận thêm bao nhiêu Nghiệp để hoàn trả.

Thời gian vừa qua, nhiều quan chức trong vô minh đã không làm tốt việc của mình, họ hành xử bất chính, bóp méo việc công, tham lam nhận tiền hoa hồng, lại quả… để rồi tổn rất nhiều Đức và kết quả là phúc phận khác đã bị thất tổn, họ bị tù tội, bị bệnh tật, thậm chí mất mạng. Nếu họ có niềm tin rằng chỉ cần có Đức, họ không cần phải có những hành vi bất chính, bóp méo việc công để có được tài lộc mà chỉ cần có Đức thì tất sẽ có người khuyên họ đầu tư kinh doanh, đầu tư cổ phiếu, bất động sản… để họ có được tài lộc một cách chính đáng thì bản thân họ và gia đình đã đỡ khổ, xã hội cũng không phải gánh chịu những hậu quả xấu.

Nghiên cứu Phật Pháp cũng giúp chúng tôi hiểu được rằng, trong Vũ trụ đang vận hành một quy luật rất công bằng, đó là: “Không được không mất, có được tất sẽ phải mất, có mất tất sẽ được”. Bạn muốn được một kết quả Thiện, trước đó tất nhiên bạn đã phải cống hiến một việc Thiện, bạn có được Đức và nay Đức đó sẽ đem lại quả Thiện cho bạn. Nếu bạn sử dụng những hành vi bất chính để đạt được điều mình muốn dù chỉ là những việc nhỏ như vứt rác bừa bãi, vượt đèn đỏ… bạn cũng sẽ phải tổn Đức để bồi thường cho những người có liên quan bị vất vả, thiệt hại vì bạn. Tôi nghĩ, nếu người dân Việt Nam hiểu sự trân quý của Đức đối với cuộc sống của họ và những nguyên lý vô hình nhưng rất công minh của Vũ trụ đang vận hành, họ sẽ không dại gì mà làm những việc để thất, tổn đi lượng Đức quý báu của mình nữa, họ sẽ nghiêm túc điều chỉnh hành vi, chỉ làm những điều tốt, điều Thiện, điều Chân chính thôi, lúc đó môi trường đạo đức xã hội (kể cả đạo đức công vụ) sẽ được nâng cao rõ nét.

(Quý độc giả quan tâm muốn trao đổi thêm các nội dung liên quan có thể liên hệ với ông Ánh qua số điện thoại 0913219236)

Ảnh Anh Lê Khắc Ánh luyện công ngoài công viên. (Ảnh nhân vật cung cấp)

***

Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp được sáng lập bởi Đại sư Lý Hồng Chí và đang phổ truyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm tại Website: phapluan.org

Thiết kế: Mona