Chúng ta thường nghe những câu nói cổ xưa liên quan đến mệnh Trời, như “người đang làm, Trời đang nhìn”, “người tính không bằng Trời tính”, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, v.v. Những câu nói này phản ánh sự tôn sùng và kính sợ mà người xưa dành cho “Thiên” (Trời). Khổng Tử nói: “Quân tử có ba điều cần kính sợ: sợ mệnh Trời, sợ người lớn, sợ lời nói của Thánh nhân”. Trong văn hóa truyền thống, “Thiên” được hiểu là ý Trời hoặc mệnh Trời. Ngay cả những chiếu chỉ của hoàng đế cũng bắt đầu với câu “Phụng thiên thừa vận” (tức là “phụng theo mệnh Trời”).

Ngay cả những người dũng cảm như tướng quân Hạng Vũ cũng không thể thoát khỏi sự kính sợ đối với mệnh Trời. Khi Hạng Vũ tự vẫn bên bờ sông U Giang, ông đã thốt lên: “Trời diệt ta”. Điều này cho thấy người xưa rất kính sợ thiên mệnh.

Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu: “Mọi việc khuyên người đừng giấu giếm, ngẩng đầu ba tấc có Thần minh”.

“Ngẩng đầu ba tấc có Thần minh” – Ba tấc trên đầu có những vị Thần nào?

Vậy, thực sự thì trên đầu chúng ta có những Thần minh nào? Trong kinh điển Đạo gia Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có câu: “Hựu hữu Tam Thai Bắc Đẩu Thần Quân, tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kỳ kỷ toán” (Tạm dịch: Lại có Thần Tam Thai và Thần Bắc Đẩu ở trên đầu con người và ghi chép tội ác của người đời để trừ bớt tuổi thọ của họ). Người xưa đã sử dụng những lời này để khuyên người ta hành thiện.

Ngoài ra, người ta thường dùng câu “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết” để miêu tả những sự kiện bí mật, nhấn mạnh rằng trời đất không có gì không biết, mọi bí mật đều không thể thoát khỏi mắt trời đất.

Trong truyền thuyết dân gian, “ba tấc” trong câu “ngẩng đầu ba tấc có Thần minh” cũng có một cách giải thích khác. Truyền thuyết kể rằng có hai vị Thần chuyên ghi lại việc thiện ác của con người: một vị Thần đi vào ban ngày gọi là “Nhật Du Thần”, một vị đi vào ban đêm gọi là “Dạ Du Thần”. Họ cầm những cuốn sổ nhỏ, ghi lại việc tốt xấu của con người, và sau đó, các quan ở địa phủ sẽ căn cứ vào những ghi chép đó để quyết định thưởng phạt.

Để quan sát hành động của con người tốt hơn, hai vị Thần này luôn ở trong phạm vi ba tấc trên đầu, vì vậy người ta nói “ngẩng đầu ba tấc có Thần minh”. Thực ra, những câu nói này phản ánh nỗi sợ hãi của con người đối với những điều không biết và sự tôn thờ “Trời”. Thực tế, đây cũng là một hình thức ràng buộc hành vi, tạo thành những nguyên tắc đạo đức trong việc đối nhân xử thế.

Thần Phật hiện hữu khắp nơi, theo sát từng ý niệm hành vi thiện ác của con người. (Ảnh minh hoạ)

Câu tiếp theo của “Ngẩng đầu ba tấc có Thần minh” càng sâu sắc hơn

Câu sau là “Không sợ người biết, chỉ sợ chính mình biết”. Câu chuyện này bắt nguồn từ một vị quan thanh liêm thời cổ đại tên là Diệp Tồn Nhân. Diệp Tồn Nhân là một vị quan nổi tiếng liêm khiết. Sau khi ông nghỉ hưu, các thuộc hạ đã tặng ông một chiếc thuyền nhỏ để bày tỏ lòng kính trọng đối với phẩm hạnh và sự thanh liêm của ông. Tuy nhiên, Diệp Tồn Nhân đã từ chối món quà này với lý do: “Không sợ người biết, chỉ sợ chính mình biết”.

Diệp Tồn Nhân suốt đời sống đơn giản, không màng danh lợi. Trong hơn ba mươi năm làm quan, ông luôn giữ vững phẩm cách thanh cao, kiên quyết chống lại sự hối lộ. Ông đã dùng cả cuộc đời mình để duy trì sự trong sạch, và lấy câu “Ngẩng đầu ba tấc có Thần minh; không sợ người biết, chỉ sợ chính mình biết” để làm tiêu chí cho hành vi và con đường làm quan của mình.

Câu này rất dễ hiểu: nếu làm điều xấu, chắc chắn sẽ bị Thần minh trừng phạt. Ngay cả khi Thần minh chưa trừng phạt, con người cũng không thể thoát khỏi sự dằn vặt trong lòng. Gánh nặng tâm lý sẽ đi theo họ suốt đời, gây ra những đau khổ vô tận. Còn với những kẻ làm việc xấu mà thản nhiên không cắn rứt lương tâm, thì chiếc lưới định mệnh cũng không tha cho họ. “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, hiện giờ chưa thấy báo chỉ là vì phúc đức đời trước vẫn còn, thời hạn báo ứng chưa tới mà thôi. 

Dù là “Mọi việc khuyên người đừng giấu giếm, ngẩng đầu ba tấc có Thần minh”, hay “Trên đầu ba tấc có Thần minh, không sợ người biết, chỉ sợ chính mình biết”, tất cả đều trở thành một hình thức ràng buộc đạo đức đối với con người. Chúng giúp ngăn chặn đạo đức thế gian trượt dốc quá nhanh, tránh cho con người khỏi đọa địa ngục. Tuy nhiên, ngày nay đã xuất hiện những người không sợ trời không sợ đất, không tin có Thần, chẳng phải họ đã ở vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm sao?

Theo Vision Times
Thanh Ngọc dịch và chỉnh lý