“Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã gây thiệt hại lớn cho thị trường chứng khoán nước này trong năm 2018”, ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
Trang MarketWatch dẫn một báo cáo của JPMorgan Chase cho biết chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa sau những lần phát biểu của ông Powell – người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Các chiến lược gia của JP Morgan nhận thấy mỗi khi ông Powell tổ chức họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), chỉ số S&P 500 thường giảm khoảng 0,44 điểm phần trăm, và thực tế chỉ số này giảm trong cả 3 lần ông Powell phát biểu năm nay.
Hơn nữa, 5 trong 9 lần điều trần của ông Powell trước Nghị viện Mỹ vào năm nay cũng đã khiến S&P 500 giảm trung bình 0,4% mỗi lần.
Tính chung, sau những lần phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất khoảng 1.500 tỷ USD vốn hóa.
Nếu xu hướng này còn tiếp tục sẽ rất đáng ngại cho thị trường vì ông Powell dự kiến sẽ phát biểu trước báo giới nhiều hơn trước. Cụ thể, năm 2019 chủ tịch Fed sẽ tổ chức họp báo sau mỗi cuộc họp thay vì chỉ hàng quý như trước đây.
Các nhà phân tích thừa nhận rằng việc “đổ lỗi” cho những phát biểu của ông Powell là không thực sự chính xác. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh có tồn tại một mối quan hệ đặc biệt giữa những phát biểu của các vị chủ tịch FED, không riêng gì ông Powell, với phản ứng của Phố Wall.
“Chúng tôi thừa nhận rằng không thể nói mỗi bài phát biểu của ông Powell đều khiến thị trường biến động. Tuy nhiên, các phép toán đơn giản cho thấy chứng khoán Mỹ đã mất khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa trong năm nay sau những bài phát biểu đó”, báo cáo viết.
Nhiều nhà nhà đầu tư lo ngại rằng FED có thể phạm phải sai lầm trong nỗ lực đưa lãi suất trở lại mức bình thường.
Chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây đang trong xu hướng xanh điểm, thể hiện qua việc chỉ số Dow Jones ngày 3/9 có phiên lập kỷ lục thứ 15 trong năm 2018.
Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng gần đây, và đồng USD mạnh lên có thể là tín hiệu cho một chặng đường gập ghềnh ở phía trước đối với chứng khoán Mỹ. Lợi suất cao và đồng USD mạnh có thể gây sức ép cho doanh thu của các công ty đa quốc gia của Mỹ.
Kể từ đầu năm nay, chỉ số Dow Jones đã tăng 8,5%, S&P tăng 9,4%, và Nasdaq tăng 16,3%.
Có thể thấy, chứng khoán Mỹ đã vượt qua nhiều trở ngại để đạt được thành quả tăng như vậy, nhưng JPMorgan Chase kết luận rằng nhà đầu tư nên thận trọng bởi nếu các điều kiện thị trường nhanh chóng chuyển xấu, FED chưa chắc có thể ra tay “giải cứu”.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)