Sự hỗn loạn của các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng liệu chứng khoán Phố Wall có bị ảnh hưởng?
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong tình trạng “con gấu”, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh, còn Nam Phi bất ngờ lâm vào suy thoái. Thậm chí, gói cứu trợ của IMF cũng xuất hiện ở Argentina.
Theo CNN, đây là những cơn bão” đang quét qua các thị trường mới nổi, với tác nhân là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang.
Vấn đề được đặt ra hiện nay là cơn bão đó có thể lây lan sang các thị trường mới nổi khác hoặc thậm chí là Phố Wall, giống những gì đã xảy ra vào 2 thập kỷ trước trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
“Đang có một nỗi sợ hãi về sự lây lan, tương như tình huống của năm 1997–1998”, chiến lược gia đầu tư Michael Arone của công ty Cố vấn toàn cầu State Street nhận định.
Mối lo đó đã bắt đầu trở thành sự thật. Thị trường chứng khoán Indonesia giảm gần 4% trong phiên giao dịch ngày 5/9, đồng Rupee Ấn Độ đang giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, và đồng tiền của Brazil cũng giảm giá mạnh.
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy Phố Wall bị “lây bệnh”. Trên thực tế, Mỹ là một ốc đảo trước cơn bão toàn cầu.
Chỉ số Dow Jones hiện chỉ còn cách 600 điểm so với cao mức kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 1. Chỉ số S&P 500 chỉ thấp hơn 1% so với mức cao nhất mọi thời đại.
Những số liệu trái chiều
Để nhận ra sự bình tĩnh của Phố Wall, hãy cùng đi so sánh với tình trạng hỗn loạn của các thị trường mới nổi.
Trên thị trường chứng khoán, Chỉ số iShares MSCI Emerging Markets ETF (EEM) đã giảm 11% kể từ đầu năm và hiện đang giao dịch gần mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua, còn Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cũng đã giảm 18% kể từ đầu năm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm gần 50% so với đồng USD. Và tuần trước, Argentina đã tăng lãi suất lên 60% để ngăn chặn đồng tiền mất giá không phanh.
Trên thị trường hàng hóa, các kim loại công nghiệp cũng mất giá. Đồng kim loại, một thước đo về sức mạnh của nền kinh tế, đã giảm 1% giá trị kể từ đầu tháng 6.
“Các thị trường tài chính đang đua nhau gửi ra các thông điệp xấu”, chiến lược gia Richard Turnill của hãng BlackRock nhận định.
Ông Turnill cho rằng, thay vì lo lắng về rắc rối của Thổ Nhĩ Kỳ, giới đầu tư đang tập trung vào lợi nhuận bùng nổ từ các doanh nghiệp của Mỹ.
Theo FactSet, lợi nhuận quý II/2018 của các công ty niêm yết lại S&P500 đã tăng 25%, mức tăng nhiều nhất kể từ năm 2010, một phần nhờ chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump. Doanh thu của các công ty Mỹ cũng đã tăng trưởng nhanh nhất trong vòng gần 7 năm qua.
Kinh tế Mỹ theo đó cũng đang tăng tốc. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý II/2018 đạt mức 4,2% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9% trong tháng 7.
Chiến tranh thương mại
Cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả tình trạng hỗn loạn của nền chính trị trong nước. Tuy nhiên, một trong những yếu tố chính góp phần gây ra cuộc khủng hoảng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
FED tăng lãi suất đã khuyến khích dòng tiền từ các nền kinh tế mới nổi quay trở lại Mỹ. Điều này đã đẩy giá đồng USD lên. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ phải chi nhiều hơn để trả các khoản nợ bằng đồng USD.
Ông Brent Schutte, nhà chiến lược đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management, cho rằng: “Điều này tạo ra chu kỳ luẩn quẩn và cuối cùng có thể gây khủng hoảng tiền tệ”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng phần nào gây tác động cho thị trường. Biện pháp đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc làm chậm tốc độ tăng trưởng của nước này, không chỉ gây áp lực lên Bắc Kinh mà thậm chí còn cả các nước láng giềng. Gói thuế mới của Tổng thống Trump đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã càng khiến thị trường này “rỉ máu”.
Theo công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, cuộc chiến thương mại có thể sẽ khiến khủng hoảng tại các thị trường mới nổi lan rộng.
Những con số thương mại mới nhất có thể khiến ông Trump hành động nhiều hơn nữa. Theo báo cáo mới do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/9, thâm hụt thương mại của nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 7, lên mức 50,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với tháng 6.
Ông Schutte nhận định rằng, đối với chính quyền ông Trump, thâm hụt có nghĩa là Mỹ đang thua các nước khác. Nhà Trắng sẽ làm nhiều hơn để giảm thâm hụt.
FED có cứu giúp?
Một số người đang trông cậy vào FED một lần nữa. Về lý thuyết, FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất để hỗ trợ các thị trường mới nổi.
“Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ sẽ không muốn gây ra khủng hoảng cho các thị trường mới nổi”, ông Schutte nhận định.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã phải can thiệp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990, trong khi FED cũng phải tung ra gói cứu trợ cho Phố Wall.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng không nên lo lắng về việc cuộc khủng hoảng đó sẽ tái diễn.
Chuyên gia Arone tại hãng State Street cho rằng những lo ngại về sự lây lan từ cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi đang bị thổi phồng. Các nhà đầu tư dài hạn nên đầu tư các thị trường mới nổi khi giá đang rẻ.
Hoài Phương (T/h)