Mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh dịch như cúm, tiêu chảy, quai bị v.v. phát sinh. Điều chỉnh một chút các thói quen ăn uống và lối sống sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng và phòng chống bệnh tật trong mùa đông lạnh giá.

Cười sảng khoái

Tiếng cười giúp vực dậy tinh thần và nâng cao sức đề kháng. Nghiên cứu cho thấy đội quân bảo vệ trong máu cũng như dịch tiết ở mũi, đường hô hấp, nơi vốn là điểm đến đầu tiên của vi khuẩn, sẽ được tăng cường dưới sự hỗ trợ của tiếng cười.

Ảnh: Sohu.com

Hát bài hát yêu thích

Một nghiên cứu của Đức đã tiết lộ vai trò của tiếng hát đối với hệ miễn dịch. Tương tự như tiếng cười, một khúc ca sẽ làm tăng nồng độ các kháng thể trong máu và nâng cao hệ miễn dịch. Bạn có thể ngân nga giai điệu yêu thích khi nghỉ ngơi, hay thậm chí khi tắm.

Tránh xa đường

Đường và đồ ngọt tuy rất hấp dẫn nhưng nếu ăn nhiều cũng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch. Chỉ 10 thìa đường, tương đương với 2 lon coca 350ml, sẽ làm suy yếu khả năng bất hoạt cũng như diệt khuẩn của các tế bào bảo vệ.

Hạn chế sử dụng đường. (Ảnh: drinkprotein2o.com)

Ăn thêm nhiều cá dầu

Các loại cá dầu như cá mòi, cá trích, cá thu chứa các protein thiết yếu để cơ thể xây dựng nên đội quân miễn dịch hùng hậu. Đồng thời những acid béo omega-3 trong loại cá này cũng đóng vai trò điều hòa chức năng miễn dịch.

Ăn các loại cá dầu để cung cấp các protein thiết yếu. (Ảnh: ngonmade.com)

Nhưng đừng bỏ qua nấm

Từ xa xưa con người đã biết dùng nấm Linh Chi làm thuốc. Hiện nay các chuyên gia biết rằng loại nấm này kích thích các tế bào miễn dịch, đồng thời cũng làm tăng số lượng đội quân bảo vệ trong cơ thể. Bên cạnh đó nấm linh chi còn có tác dụng an thần, giải lo âu.

Nấm linh chi có tác dụng rất tốt để an thần, giải lo âu. (Ảnh: Ydvn.net)

Và trái cây họ cam

Những trái cây họ cam quýt như cam, quýt, chanh, bưởi đều chứa nhiều vitamin C. Vitamin C nổi tiếng với khả năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể nhờ tăng cường hoạt động các đại thực bào. Vì cơ thể không thể tích trữ vitamin C nên bạn cần ăn trái cây mỗi ngày để đảm bảo hệ miễn dịch luôn sẵn sàng.

Ảnh: iaab.ir

Tích cực vận động

Vận động là một thói quen hữu ích cho sức khỏe nói chung. Nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục thể thao ở mức độ trung bình 5 – 6 ngày mỗi tuần ít bị cảm lạnh, đau họng hơn một nửa so với nhóm không tập.

(Ảnh minh họa: suckhoeheli)

Nhưng đừng quên nghỉ ngơi.

Sự điều độ chính là chìa khóa để có sức khỏe tuyệt vời. Nếu bạn tập luyện nặng trong hơn 90 phút, thì cơ thể lại tạm thời giảm sinh các đại thực bào diệt khuẩn. Vì vậy bạn đừng quên tập luyện vừa phải và nghỉ ngơi hợp lý để duy trì sức đề kháng tốt cho cơ thể.

Nghỉ ngơi giúp duy trì sức đề kháng tốt cho cơ thể. (Ảnh: eco-ageo.com)

Kết hợp giữ ấm cho toàn cơ thể

Tất tay, tất chân, khăn quàng cổ, khẩu trang bên cạnh công dụng giữ ấm thì thực sự rất có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy khi bàn tay, bàn chân bị nhiễm lạnh thì nguy cơ mắc cảm cúm tăng lên. Nhiệt độ vùng mũi họng thấp cũng là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh sinh sôi. Vì vậy bạn đừng quên giữ ấm cho toàn bộ cơ thể trong tiết trời lạnh giá nhé, đặc biệt là tay chân và vùng mũi họng.

Giữ ấm cơ thể vào mùa đông. (Ảnh: Vitalia.cz)

Và không bỏ qua rau củ kháng khuẩn

Tỏi, hành từ lâu đã được biết đến với khả năng kháng virus rất tốt. Ngoài ra còn có một vài loại củ có thể bổ sung vào kho vũ khí kháng khuẩn của bạn như cà rốt, khoai lang, ớt, nấm hương, gừng. Chúng đều có khả năng hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, chẳng hạn cà rốt và khoai lang giàu beta caroten có đặc tính chống viêm và tăng tốc độ sản sinh tế bào miễn dịch.

Bổ sung các loai rau củ kháng khuẩn cho bữa ăn. (Ảnh: AllYou.gr)

Đại Hải