“Tôi đã nghe rất nhiều đạo lý, nhưng vẫn không sao khiến cuộc đời của mình tốt hơn lên được”. Đây hẳn là câu cửa miệng của nhiều người, kỳ thực đạo lý biết được rồi thì vẫn cần một bước dài nữa để hiện thực hóa được nó.

Bạn muốn sống tốt một đời này, nếu không ngại hãy thử áp dụng ba phương cách này xem sao:

Đạo lý tuy tốt thì cũng phải đi kèm hành động

Có một câu chuyện như vậy. Một đồ đệ hỏi sư phụ: “Dưới gầm trời này ai là người cơ trí nhất?”.

Sư phụ nói: “Người mà khéo học sở trường của người khác là người có trí huệ nhất”.

“Thế thì ai là người mạnh mẽ nhất?”.

Sư phụ trả lời: “Người có thể kiểm soát được bản thân mình là người mạnh mẽ nhất”.

“Thế thì người thế nào mới được xem là giàu có nhất?”

“Người có thể biết trân quý những thứ mà mình có được, người biết thỏa mãn, và dùng tài vật vào việc giúp đỡ người khác là người giàu có nhất”, sư phụ nói.

“Thế còn người đáng được tôn kính nhất thì sao?”

“Người biết tự trọng và kính trọng người khác là người đáng được tôn kính nhất”.

Đệ tử nghe xong liền nói: “Sư phụ, những lời mà người giảng đó hầu như ai cũng biết cả”. Sư phụ trả lời: “Đúng vậy, đạo lý thì ai cũng biết cả, chỉ là rất nhiều người lại không làm được”.

Rất nhiều người chúng ta hẳn đều có trải nghiệm như vậy. Rất nhiều đạo lý không phải chúng ta không hiểu, mà là không thực hành được. Không phải chúng ta không lý giải được, mà là rất khó thuyết phục bản thân đi hành động. Kỳ thực trong cuộc sống, có rất nhiều đạo lý xem chừng như đơn giản có thể giải tỏa nghi hoặc cho chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi mê mang khốn đốn. Minh bạch được đạo lý rồi, lại cần vận dụng trong hành động thực tế, bạn mới có thể hoàn thiện bản thân mình hơn.

Biến những đạo lý tốt thành thói quen

Không biết bạn từng có trải nghiệm như vậy hay chưa? Bạn biết đọc sách có chỗ tốt, vậy nên những lúc nhiệt huyết dâng trào bạn cũng đọc qua vài trang sách. Bạn biết vận động có chỗ tốt, vậy nên những lúc hứng khởi nổi lên cũng đi ra ngoài chạy bộ được vài hôm. Bạn biết ngủ sớm có chỗ tốt, vậy nên bạn cũng tắt đèn ngủ sớm được vài lần.

Nhưng dù là duy trì được vài hôm hay bỏ dở nửa chừng, cũng có thể vì cái tính lười và thích trì hoãn của bản thân, nói tóm lại chính là cảm thấy rất khó duy trì tiếp tục. Thế là, rất nhiều người liền tự an ủi mình rằng, dù có hiểu được nhiều đạo lý hơn cũng vô dụng, sau đó liền yên tâm thoải mái từ bỏ một cách dễ dàng.

Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Kỳ thực, sở dĩ chúng cảm thấy rất khó kiên trì tiếp như vậy, nguyên nhân lớn nhất chính là bởi chúng ta không có dưỡng thành thói quen.

Có một câu nói rằng: “Đạo lý có thể ngộ lập tức, nhưng thực hành vẫn cần phải từ từ”. Đạo lý tuy dễ hiểu thật, nhưng chỉ khi dần dần chuyển biến đạo lý thành thói quen của bản thân, chúng ta mới thật sự gặt hái được lợi ích từ trong đó.

Không cần phải quá chạy theo sự hoàn mỹ

Nhiều lúc chúng ta muốn làm tốt một việc, nhưng luôn cảm thấy do dự. Nếu không phải cảm thấy thời cơ chưa chín muồi, thì chính là cảm thấy bản thân chưa chuẩn bị được tốt. Chúng ta luôn muốn không ngừng trưởng thành và thăng hoa, nhưng lại luôn cảm thấy dù thế nào cũng rất khó làm được xuất sắc, dường như mãi luôn thua kém người khác một khoảng lớn. Nhiều lúc chúng ta muốn cuộc đời mình trở nên có giá trị và ý nghĩa hơn, nhưng lại cảm thấy những người xuất sắc quá nhiều, dù có cố gắng thế nào cũng rất khó bằng được họ…

Loại tâm trạng này, bề mặt nhìn thì thấy là đặt ra yêu cầu cao với chính mình, nhưng có những lúc cũng là biểu hiện của việc chạy theo sự hoàn mỹ mà nên.

Khi chúng ta bắt đầu hành động, không thể làm mọi việc được tốt ngay trong một lần được. Nhưng dù có thế nào cũng đừng dễ dàng từ bỏ, bởi chỉ có kiên trì thường hằng mới sẽ giúp ta có được thu hoạch mới.

Ví như bạn biết học tập không ngừng là rất quan trọng, nhưng đôi lúc không trụ được, muốn làm biếng, những lúc như thế đừng dễ dàng ngả lưng xuống giường. Bạn cần phải kiểm soát cảm xúc của mình, có lẽ lần một không làm được tốt, lần hai không làm được tốt, nhưng chỉ cần không ngừng khắc phục sửa lại cho đúng, dần dà cũng sẽ làm được tốt hơn. Bạn biết đối tốt với người khác rất quan trọng, nhưng nhiều khi cũng khó tránh khỏi cân đo đong đếm, một khi bạn nhận ra điểm này thì có thể không ngừng điều chỉnh bản thân, lâu dần cũng sẽ có đổi mới nhất định.

Cái gọi là đạo lý, muốn thật sự làm được quả thật là vô cùng khó. Vậy nên không cần phải quá cưỡng cầu mỗi lần đều phải làm được mười phần hoàn mỹ, cần cho phép bản thân tiến bộ dần dần. Chỉ cần mỗi lần đều có thể làm tốt hơn một chút, thì bạn cũng đang bước gần đến sự hoàn mỹ rồi.

Theo Li Zimin, Apollowang
Vũ Dương biên dịch

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__

Từ Khóa: