Khổng Tử là người khai sáng Nho giáo, đồng thời là triết gia lỗi lạc bậc nhất của Á Đông. Gần 2500 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng và triết lý nhân sinh của Khổng Tử vẫn được người đời coi là chân lý.
Tư Mã Thiên đã ca ngợi rằng:
“Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc Chí Thánh vậy” .
Dưới đây là 10 câu nói đúc kết của Khổng Tử, hơn hai ngàn năm vẫn được người đời truyền tụng:
1. Người nói năng khéo léo, sắc mặt tươi cười đón ý, rất hiếm có lòng nhân
Nguyên văn: Xảo ngôn lệch sắc, tiễn hỹ nhân
Kẻ nói năng hoa mỹ khéo léo, luôn biết cách nói để được lòng người khác, nét mặt luôn tươi cười, đón ý người khác, thì rất hiếm khi có lòng nhân ái.
Mỗi người đều có quan điểm về giá trị nhân sinh khác nhau, cách nhìn nhận vấn đề và bày tỏ quan điểm cũng khác nhau. Người chân thành sống chân thực và luôn có chủ kiến riêng.
Chỉ kẻ tiểu nhân, vì muốn che giấu bản chất đê hèn, nên lúc nào cũng lấy lời xảo ngôn, giả nét mặt tươi cười. Đây chính là kẻ mà Nguyễn Du miêu tả:
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Cũng chính là loại người mà dân gian nói là “Miệng Nam mô bụng bồ dao găm”, cần thận trọng khi giao tiếp, cộng tác với họ.
2. Quân tử hiểu về đại nghĩa, tiểu nhân hiểu về tư lợi
Nguyên văn: Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi
Người quân tử hiểu rõ đạo nghĩa, nên nhìn nhận vấn đề, nói chuyện và hành xử đều theo Đạo. Kẻ tiểu nhân hiểu rõ về tư lợi, nên suy nghĩ, nói năng và hành xử đều cân nhắc được mất cái lợi cá nhân.
Chính vì vậy, người quân tử vì nghĩa hành động, vì nghĩa xả thân. Còn kẻ tiểu nhân cứ thấy lợi là làm, bất chấp tất cả, thậm chí mạo hiểm cả tính mạng bản thân vì chữ lợi.
Vì vậy rất dễ hiểu tại sao có những kẻ buôn bán ma túy, giết người cướp của, đơn giản vì họ là tiểu nhân, tất cả vì tư lợi. Phương châm sống của họ chính là: “Người không vì mình, Trời tru đất diệt”.
3. Người xưa học vì mình, người nay học vì người
Nguyên văn: Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân
Người xưa học là để nâng cao cảnh giới tinh thần của bản thân. Học ở đây chính là học Đạo, hiểu đạo lý, biết đối nhân xử thế, gặp thời thế làm quan, có khả năng tế thế an dân, không gặp thời thì tu dưỡng bản thân, sống hài hòa với tự nhiên, an bần lạc Đạo, biết Thiên mệnh, hiểu sinh mệnh, sống tiêu dao tự tại, phản bổn quy chân.
Người nay bỏ cái gốc tu luyện tâm tính, nâng cao cảnh giới sinh mệnh, chỉ nắm cái ngọn, học tri thức, thuật loại, kỹ năng, kỹ xảo để làm quan, phát tài, hay để đạt được danh hiệu này, học vị nọ, hoàn toàn vì người khác, vì cha mẹ, vì cấp trên, vì xã hội yêu cầu. Khi bỏ cái gốc thì việc học chỉ còn là công cụ để người ta chạy theo cái danh, lợi, tình… để thỏa mãn tư dục mà thôi.
4. Cái mình không thích, chớ làm cho người
Nguyên văn: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân
Đây là ranh giới giữa quân tử và tiểu nhân. Phàm là con người thì cái tư dục, cái ham muốn cá nhân là rất mạnh. Người biết suy nghĩ cho người khác là đã vượt qua được cái ranh giới vị kỷ, tư lợi tầm thường của tiểu nhân rồi. Nghĩ cho người khác là một cảnh giới cao thượng, nhân ái, vị tha, đúng như câu tục ngữ dân gian: “Thương người như thể thương thân”.
5. Thấy bậc hiền đức thì suy nghĩ học tập để được bằng như họ, thấy kẻ xấu kém thì tự xem xem mình có cái xấu đó không
Nguyên văn: Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh
Lời dạy của Khổng Tử có thể nói là một báu vật của Nho gia, của người học Đạo, tu dưỡng bản thân. Kẻ tiểu nhân thấy người hiền tài đức độ thì ghen ghét, đố kỵ. Người quân tử thấy người hiền đức thì vui thích. Người khéo tu dưỡng bản thân để đạt đến tầng thứ cao, cảnh giới nhân sinh cao hơn thì biết khéo học tập người hiền tài, nhờ họ chỉ dẫn, học tập họ cho đến khi bằng họ.
Khi thấy người xấu kém, kẻ tiểu nhân sẽ vui thích mà chê cười, hiển thị cái tốt cái giỏi của bản thân. Người quân tử sẽ không xử trí như vậy, vì họ không có cái tâm hiển thị, khoe khoang. Nhưng người khéo tu dưỡng thì trái lại, họ lại coi đó là cơ hội để tự hướng nội, soi vào nội tâm mình, xem mình còn có cái xấu, cái kém đó không.
Cái xấu kém tồn tại trong con người rất nhiều tầng lớp. Người mới học Đạo dễ dàng bỏ được cái xấu bề mặt, nhưng ở tầng thâm sâu thì nó còn tồn tại, gặp điều kiện thích hợp thì sẽ bộc phát ra. Vì vậy hướng vào nội tâm, tự phản tỉnh bản thân, sẽ dần dần loại bỏ được những cái xấu ẩn sâu đó.
6. Người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người khác
Nguyên văn: Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác
Đây chính là cái tâm đại Thiện của người quân tử ở cảnh giới cao. Khi đạt đến cảnh giới cao, đạt được thành công thì họ không giữ riêng mình, mà tìm cách giúp người khác cũng đạt được thành công, cảnh giới như họ. Phật gia cũng giảng “độ kỷ độ nhân”, hay “phổ độ chúng sinh” cũng chính là cái ý này.
7. Quân tử tâm bình thản, rộng mở, tiểu nhân thường lo lắng, ưu sầu
Nguyên văn: Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích
Người quân tử luôn giữ cái tâm chính trực, sống chân thành, thiện lương, nhẫn nhịn, khiêm nhường, nên lúc nào, ở đâu cũng giữ được cái tâm thanh thản bình thản, tấm lòng rộng mở thoáng đãng.
Kẻ tiểu nhân do luôn làm những việc lợi kỷ hại nhân (lợi mình hại người), nên lúc nào cũng lo lắng ưu sầu, sợ bị mất cái lợi, sợ bị người phát giác, sợ bị trả thù… trong lòng lúc nào cũng canh cánh trăm nỗi lo âu.
Nho gia cũng giảng, ban ngày không làm điều gì trái với lương tâm, thì ban đêm có tiếng gõ cửa cũng không kinh hãi.
Phật gia cũng giảng, “nhất chính áp bách tà”. Giữ tâm chính, chính niệm, chính hành thì không ai, không điều gì có thể làm hại họ được.
Còn kẻ tiểu nhân, cho dù có che giấu được tất cả những xấu xa tội lỗi của mình, thì họ vẫn cứ lo lắng ưu sầu không yên. Bởi vì rốt cuộc họ cũng là con người, dù xấu xa độc ác thế nào thì trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn còn chút ít nhân tính, vẫn còn có phần minh bạch.
Họ biết là họ chỉ che giấu được người chứ không che giấu được Thần Phật, vì “trên đầu 3 thước có thần linh”. Thế là họ “suy bụng ta ra bụng… Thần”, đi lễ Thần bái Phật, dâng sao giải hạn, lễ to lễ nhỏ vì nghĩ rằng như vậy Thần Phật có thể bỏ qua cho họ. Chính những người này làm bại hoại chốn linh thiêng, làm phong khí xã hội mê tín dị đoan tràn lan như ngày nay.
8. Có đức thì không cô độc, ắt sẽ có người gần gũi
Nguyên văn: Đức bất cô, tất hữu lân
Người tu dưỡng đạo đức, người học Đạo là tu dưỡng cái tâm mình. Họ ban đầu có thể lẻ loi đơn độc, vì họ khác người xung quanh chạy theo cái danh lợi thế tục, họ trái lại coi nhẹ danh lợi tình, tĩnh tâm, luyện đức. Khi họ có đức nhiều, tự nhiên cảm hóa người xung quanh, mọi người sẽ tự gần gũi họ, đồng tình với họ, cảm phục họ, học theo họ.
Đây chính là sức mạnh của Đức. Chính vì vậy mà người xưa coi trọng đức, người có đức ở ngôi vị cao thì bách tính lê dân an cư lạc nghiệp.
9. Biết không bằng thích, thích không bằng vui
Nguyên văn: Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả
Đây là các cảnh giới của người học Đạo. Người đi học để biết, biết được đạo lý, đây là cảnh giới thấp nhất. Người yêu thích Đạo là cảnh giới cao hơn, họ hăng say học hành, tinh tấn, có những sở đắc. Nhưng cảnh giới cao nhất là vui với Đạo, người này đã đến cảnh giới luôn ở trong Đạo rồi.
Khổng Tử nói “Thất thập tòng tâm sở dục nhi bất du củ” (70 tuổi làm tùy ý theo cái tâm mình mong muốn mà không vượt ra khỏi phép tắc, quy củ), đây chính là cảnh giới ở trong Đạo, vui với Đạo, còn gọi là Lạc Đạo. Đây cũng chính là lý do tại sao người xưa thường từ quan quy ẩn, quy điền, họ theo đuổi “An bần lạc đạo“ (Sống yên ổn với cái nghèo và vui với Đạo).
10. Sáng nghe Đạo, tối chết cũng yên lòng
Nguyên văn: Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ
Cảnh giới này của những người được cơ duyên nghe Đạo, hiểu được nguồn gốc sinh mệnh, hiểu được nguyên lai của bản thân, biết con đường cần phải đi của mình. Niềm vui đó không gì sánh nổi, và không gì ngăn cản nổi, họ sẵn sàng chấp nhận cả cái chết, vì thấy nó vẫn đáng giá lắm.
Câu này cũng cùng ý với câu nói trong Phật gia: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe). Sinh mệnh nào cũng chìm nổi trong 6 nẻo luân hồi, đời đời kiếp kiếp, hàng ngàn hàng vạn năm, mà trong 6 nẻo luân hồi này thì có hàng ức ức chủng loại sinh mệnh, nên được cái thân người đâu phải là dễ có được.
Có được thân người đã khó, lại được nghe Phật Pháp, sáng tỏ cội nguồn sinh mệnh, biết rõ con đường đi thoát khỏi 6 nẻo luân hồi, có thể phản bổn quy chân, thì cái chết với họ có ý nghĩa gì đâu.
Trong hàng ngàn hàng triệu năm luân hồi, đã phải chết hàng ngàn lần rồi, vẫn chưa được nghe Phật Pháp, vẫn trầm luân chìm nổi luân hồi. Thế thì giờ đây được nghe Phật Pháp, dù sáng nghe tối chết, họ cũng vui lòng. Vì đã tìm ra con đường, có chết thì cũng sẽ biết đi về đâu, vẫn có thể tiếp tục con đường Đại Đạo.
Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường