Diệu kế “Thuyền cỏ mượn tên” của Gia Cát Lượng được La Quán Trung miêu tả rất sinh động trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hàng nghìn năm qua đó vẫn là biểu tượng của trí tuệ Gia Cát Khổng Minh. Xung quanh mưu kế kỳ lạ này, người ta vẫn truyền nhau những câu chuyện chưa bao giờ dứt.
Mưu cao kế hay khiến Tào Tháo cũng phải tấm tắc
Năm 208, Tào Tháo điểm 83 vạn quân tiến xuống phía Nam với tham vọng thống nhất Trung Quốc. Quân Ngụy rất hùng mạnh, tràn đầy khí thế sau những chiến thắng liên tiếp ở miền Bắc, đặc biệt là sau khi tiêu diệt 70 vạn quân Viên Thiệu. Áp sát bờ sông Trường Giang, quân Tào cắm trại, huênh hoang gửi lời thách đấu tới cả Giang Đông, khi ấy đang ở dưới quyền cai trị của Tôn Quyền.
Trước áp lực ngày càng lớn của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền buộc phải kết thành liên minh. Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thân hành sang sông, đến phối hợp tác chiến cùng Chu Du, Đại đô đốc của Đông Ngô. Tuy nhiên, các tướng Đông Ngô thường ghen tị với tài năng của Gia Cát Lượng nên nhiều lần bày kế hãm hại ông.
Một lần, họ nói rằng để đối phó với quân phương Bắc cần 10 vạn mũi tên trong vòng 10 ngày và yêu cầu Gia Cát Lượng làm giúp. Gia Cát Lượng ung dung nhận lời, lập quân lệnh trạng, nếu 3 ngày không đáp ứng đủ thì sẽ phải mất mạng.
Gia Cát Lượng dành 2 ngày đầu chuẩn bị trong bí mật. Ông huy động 20 chiếc thuyền và bố trí 30 binh sĩ trên mỗi thuyền. Sau đó xếp quanh nhóm lính thật những lính giả làm bằng rơm. Vào ngày thứ ba, ông đưa theo người bạn Lỗ Túc, dẫn các thuyền vượt sông Trường Giang, tiến đến thủy trại quân Tào.
Sương mù dày đặc che phủ lòng sông, Gia Cát Lượng lệnh cho lính của mình hò hét và đánh trống trận. Việc ấy kinh động đến tận hổ trướng của Tào Tháo. Hoang mang khi nghe tiếng hò hét, lại bị che lấp tầm mắt vì sương mù, Tào Tháo ra lệnh cho quân sĩ bắn tên ồ ạt về phía tiếng động phát ra. Tên bắn ra cắm tua tủa vào những lính rơm trên thuyền. Khi các lính rơm ở một phía bị găm đầy mũi tên và thuyền bị nghiêng, Gia Cát Lượng cho quay thuyền ngược lại để tiếp tục nhận tên.
Cuối cùng, sau khi ước lượng rằng đã lấy đủ 10 vạn mũi tên, Gia Cát Lượng ra lệnh các thuyền chở tên quay trở về. Các tướng lĩnh nước Ngô ra đón ông trong hổ thẹn. Nhờ kế hoạch hoàn hảo của Gia Cát Lượng, quân đội Thục – Ngô có đầy đủ vũ khí để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh. Sau đó trận Xích Bích diễn ra, 10 vạn mũi tên góp phần quan trọng cho chiến thắng của đội quân phương Nam. Họ đã chặn đứng sự bành trướng của Tào Tháo, khiến Thừa tướng nhà Hán phải thua chạy dài với tàn quân ít ỏi. Sau trận Xích Bích, thiên hạ cũng phân ba thành thế chân vạc. Cục diện này kéo dài đến gần 60 năm sau.
Vì sao Tào Tháo không dùng hỏa công?
Rất nhiều người thắc mắc rằng vì sao khi ra lệnh phóng tiễn Tào Tháo không dùng hỏa tiễn? Như vậy chẳng phải đã thiêu chết được cả Gia Cát Lượng đang ngồi ở trên thuyền rồi sao? Phải chăng Tào Tháo đã mắc một sai lầm đáng tiếc? Có một vài nguyên nhân lý giải cho “sai lầm” này như sau.
Trước hết, vào thời điểm ấy, Tào Tháo vốn không hề biết trên thuyền của Gia Cát Lượng toàn bộ đều là “người cỏ”, vốn là những vật dễ bắt cháy. Tiết trời khi đó sương mù dày đặc, hơi ẩm lớn, tầm nhìn bị che khuất, sức cản của gió sẽ khiến chuyện bắn tên phóng hoả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tầm bắn của hỏa tiễn cũng không được xa như của mũi tên thông thường, trong khi thuyền của Gia Cát Lượng rõ ràng ở cách trại quân Tào khá xa.
Thêm nữa, hỏa tiễn không phải nói bắn là có thể bắn ngay được. Bởi vì việc chế tác hoả tiễn khá phiền phức. Tên sắt thông thường có thể trực tiếp bỏ vào thùng đựng tên, cho binh sĩ vác trên lưng, lấy dùng vô cùng tiện lợi. Trong khi hỏa tiễn cần phải châm lửa từng chiếc một, mất thời gian hơn rất nhiều.
Khi ấy, Tào Tháo đã loáng thoáng nhìn thấy bên phía đối diện có thuyền kéo đến, cần phải bắn với mật độ dày, tốc độ nhanh. Nếu dùng hỏa tiễn chắc chắn hiệu quả không cao. Chỉ ở những trận công thành trường kỳ, binh sĩ có thời gian dài ngày để chuẩn bị tên, lửa, vật liệu dẫn cháy thì dùng hoả tiễn mới có tác dụng. Thường thì chuẩn bị vũ khí, đạn dược từ ngày hôm trước, sang đến ngày thứ hai mới đủ dùng.
Một điều quan trọng khác là năng lực sản xuất thời đó khá thấp, không thể trong một lúc làm ra hàng loạt tên nỏ như kiểu “công nghiệp” được. Thế nên, sau chiến trận, người ta thường thu lại cung nỏ để tái sử dụng, coi như một loại chiến lợi phẩm. Thời đó mũi tên phần nhiều làm từ tre trúc, một khi bắt lửa rồi thu về cũng không còn giá trị sử dụng. Ngoài ra, giá dầu thời đó khá đắt đỏ, dầu là một mặt hàng xa xỉ.
Thêm một nguyên nhân khác là bản thân Tào Tháo cũng không thích dùng lửa, cả đời ông ít khi sử dụng hỏa công, chỉ trừ một lần đốt kho lương Ô Sào của Viên Thiệu trong trận Quan Độ. Quân phương Bắc sở trường kỵ binh, đột kích, tác chiến nhanh nhẹn nhưng không quen dùng cung nỏ như quân miền Nam vốn nhiều sông nước, tác chiến buộc phải có tên nỏ.
Hơn thế nữa, hoả công là cách đánh du kích, dùng để lấy ít địch mạnh, lợi cho cách đánh du kích. Mà bấy giờ quân Tào đông gấp mấy lần quân Ngô – Thục, hoàn toàn là chiếm thế thượng phong, muốn “lấy thịt đè người”, đánh nhanh thắng nhanh. Tào Tháo càng không có lý do để dùng tên nỏ, hoả công.
Tào Tháo cũng là một người rất thông thạo binh pháp Tôn Tử (thời trẻ từng tự mình chú giải sách này). Vậy nên ông biết rõ muốn dùng hỏa công cần phải hội tụ nhiều yếu tố. Trong binh pháp Tôn Tử có nói rõ về kế hỏa công như sau:
“Muốn dùng hoả công, phải có nhân duyên, các hoả khí phải chuẩn bị sẵn sàng. Muốn phóng hoả phải chờ thời tiết, muốn châm lửa phải chọn ngày. Thời tiết thuận lợi là khí trời nắng ráo. Ngày thuận lợi là ngày mà Mặt Trăng ở lại trong các sao Cơ, Bích, Dực, Chẩn. Những ngày mặt trăng ở lại bốn sao ấy là những ngày nổi gió.
Khi dùng hoả công, phải biết ứng biến tuỳ theo năm trường hợp phóng hoả: Lửa cháy ở bên trong thì gấp tiếp ứng ở bên ngoài. Lửa cháy rồi nhưng binh địch vẫn yên lặng, hãy chờ xem mà chớ vội đánh. Khi lửa cháy to, vào được thì vào, không vào được thì thôi. Lửa đã cháy được ở ngoài, thì không cần nội ứng, lựa dịp thuận lợi mà đánh vào. Lửa cháy ở trên luồng gió thì chớ ở dưới luồng gió đánh lên. Ban ngày có gió nhiều, thì ban đêm không có gió. Nhà binh phải biết năm trường hợp phát hỏa ấy và phải tính toán ngày giờ, phương hướng để mà giữ gìn”.
Có thể thấy kế hỏa công không phải muốn dùng là dùng, mà cần rất nhiều yếu tố để tiến hành thuận lợi. Không phải nhà binh nào cũng dùng được hoả công. Duy chỉ có Gia Cát Lượng là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tính toán rất giỏi ngày giờ, hướng gió, nên rất thích sử dụng hỏa công và áp dụng rất thành công. Đây cũng chính là lợi thế để Gia Cát Lượng dùng kế hỏa công thắng trận Xích Bích sau này.