Nếu chữ “Đức” phong phú, chứa nhiều nội hàm và kết hợp để tạo ra vô vàn các từ ngữ Hán Việt bao nhiêu thì chữ “Nghiệp” cũng như vậy. Chúng là hai chữ đối lập và tạo nên một quan hệ biện chứng. Muốn nhiều Đức thì phải làm sao cho bớt Nghiệp. Còn ai ưa làm điều xấu, điều ác thì mất Đức và tăng trưởng những Nghiệp lực. Nếu tuân thủ và thực hành Chân, Thiện, Nhẫn thì sẽ có Đức, sẽ tích nhiều Đức. Còn ngược lại, cứ mải mê làm điều ác, lo tranh giành Danh, Lợi, Tình một cách bất chính thì sẽ rước lấy Nghiệp. Nó sẽ trở thành chướng ngại, thành Nghiệp chướng làm ta gặp bao điều xui xẻo, bất hạnh.
Tiếp theo Phần 1.
NGHIỆP VỚI LUÂN HỒI
Chỉ cần đọc qua cái tựa đề này, bất cứ ai có uyên thâm về Phật học, về Thần học đến đâu, học rộng tài cao đến mức nào cũng thấy nội hàm của nó; lý thuyết và thực tế về nó bao la và uyên áo khó có thể nói cho rõ, cho hết được .
Ở đây, ta chỉ khẽ chạm vào phần ngoài nông cạn nhất của vấn đề. Ta muốn hiểu nó, cần có nhận thức thêm về một khái niệm nữa rất quan trọng của Phật gia là NGỘ. Nghe ra có vẻ rất phi lý nhưng lại là quy luật thuận lý đối với ai tín ngưỡng và tin vào văn hóa tu luyện. Đó là, kẻ thông minh thường thực hiện sự việc một cách hời hợt ở bề mặt lấy lòng và đùn đẩy việc cho người khác để vơ vét lợi về mình. Họ mất Đức và tích Nghiệp. Họ là những kẻ u tối và dại khờ nhất trong con mắt của những sinh mệnh cao tầng. Bởi họ đang sống một trăm năm là khoảnh khắc của tiến trình dằng dặc của luân hồi.
Với khái niệm Ngộ thì kẻ thông minh, kẻ thành đạt là Mê. Những người tích lũy được nhiều kinh nghiệm cuộc sống để vươn lên đứng trên đầu người khác lại là những kẻ bất hảo nhất. Càng nhiều hậu thiên càng tích chứa nhiều Nghiệp.
Nghiệp
Trong công trình “Từ điển văn hóa biểu tượng thế giới” của các nhà khoa học Pháp, Nxb Đà Nẵng 1997, ở mục Nghiệp viết rằng:
“KARMAM là từ tiếng Phạn (gốc từ K.R: làm) biểu đạt mối liên hệ nhân quả đảm bảo trật tự trong vũ trụ. Thêm vào ý nghĩa của vũ trụ này, còn có một ý nghĩa về Đạo đức: Những hành vi của con người không thể không gắn liền với các hệ quả của chúng và những hệ quả ấy sẽ kéo theo những tình huống mà chủ thể của hành vi phải gánh chịu trong kiếp này hoặc các kiếp trước”.
Như vậy, biểu hiện mà ta có thể thấy cụ thể nhất của Nghiệp chính là định luật nhân quả vốn rất công bằng và vô tình của vũ trụ. Đức Phật Thích Ca dạy phải tự mình nhắc nhở mình mỗi ngày rằng: “Tôi làm chủ Nghiệp của mình. Tôi kế thừa Nghiệp. Sinh ra, tôi đã mang Nghiệp. Tôi và Nghiệp tương quan lẫn nhau. Tôi sống theo sự dẫn dắt của Nghiệp. Tôi tạo ra Nghiệp gì, xấu hay tốt, tôi sẽ là người thọ lãnh sau này”.
Nghiệp không phân biệt, không thiên vị ai. Nó không để ý đến người hành động của người tạo tác.
Đức Phật Thích Ca nói: “Có những người sanh ra trong ánh sáng và đi về phía ánh sáng. Có người sanh ra trong ánh sáng, để đi vào bóng tối. Có người sanh ra trong bóng tối, nhưng đi về phía ánh sáng. Và cuối cùng là có những người sanh ra trong bóng tối, để tiếp tục đi trong bóng tối”. Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Nghiệp tồn tại trong thời gian lâu dài hơn một đời người và bao trùm chi phối cả đời người. Đức Thích Ca Mâu Ni từng nói: “Con người ta thừa kế các hành vi của mình… cái mà ta có ý định làm, cái mà ta dự kiến và cái mà ta quan tâm suy nghĩ… Tâm thức của con người dựa vào tất cả những cái đó để tạo Nghiệp… Từ đó phát sinh ra muôn vàn thống khổ”. Các tác giả cuốn sách “Biểu tượng…” kia cho rằng khi cái NGHIỆP liên kết, phụ thuộc vào Tâm Thức thì nó sẽ “liên kết tự do của con người với trật tự của vũ trụ, nối liền vật chất với tinh thần trong một tổng thể có tính phối hợp”. Như vậy, tướng tự tâm sinh, Nghiệp bắt đầu từ những suy nghĩ bất chính của Tham, Sân, Si mà ra.
Thiên Chúa Giáo thường dùng chữ TỘI. Phật Giáo thường dùng chữ NGHIỆP.
Nhà Phật và cả Đạo Gia luôn cho vật chất và tinh thần là nhất tính “vạn vật hữu linh”. Cũng như Đức, Nghiệp cũng là một dạng vật chất, một dạng năng lượng nó tham gia vào tật bệnh và mọi khổ nạn trên đời của kiếp nhân sinh.
Phật giáo cho rằng Nghiệp có Ác Nghiệp, Thiện Nghiệp và Nghiệp Vô Ký (không thiện không ác).
Ngay cả khi chúng ta làm việc Thiện, tâm chúng ta khởi sóng hoan hỷ, thì gió phiền não cũng từ đó phát sinh. Đó là Nghiệp chướng. Thiện nghiệp có ba đường: Trời, Người và A tu la; Ác nghiệp cũng có ba đường: Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Nói một cách khác, dù thiện nghiệp hay ác nghiệp tất cả sự tái sinh các sinh mệnh đều còn phải nằm trong sáu nẻo luân hồi.
Dù làm gì chúng ta cũng phải đạt vô vi thanh tịnh, không tư tâm; không có tâm phân biệt và chấp trước thì lúc đó chúng ta mới không tạo Nghiệp. Người xưa dạy Tịnh Nghiệp là vì thế.
Những kẻ không điều Ác nào không làm, Nghiệp trùng trùng; Nghiệp cuộn trong Nghiệp thường được gọi là những kẻ Thập Ác Bất Xá. Theo Phật giáo thì đây chính là Mười cái Ác( 十惡) do”Thân Khẩu Ý” gây ra Nó là “Hành thập Ác”. Còn nếu tránh được 10 điều ác trên thì gọi là “Hành thập Thiện”, nghĩa là làm 10 điều lành. Thập Ác Nghiệp bao gồm:
- Thân (thân thể) gây ra ba tội ác (1. Sát sanh: giết hại sanh vật; 2. Du đạo: trộm cướp; 3. Tà dâm: lấy vợ hay chồng người).
- Khẩu (miệng) gây ra bốn tội ác (4. Vọng Ngữ: nói láo; 5. Ỷ ngữ: nói nhơ nhớp, tục tĩu; 6. Lưỡng thiệt: hai lưỡi, nói đâm thọc; 7. Ác khẩu: nói điều ác độc).
- Ý (tư tưởng) gây ra ba tội ác (8.Tham: tham lam; 9. Sân: giận hờn; 10. Si: mê muội, tà kiến).
Luân hồi
Chết chỉ là nhục thân được cấu trúc bằng vật chất trong bảng hệ thống tuần hoàn hóa học bị rời ra. Có trên 90% các phân tử của thân thể là nước. Chúng cũng rời ra. Nhưng các tín ngưỡng chân chính không tin chết là hết. Thân thể chỉ là tảng thịt, là một bịch nước nếu như nó không có Nguyên Thần, Linh Hồn và hàng tỷ các sinh mệnh thể khác.
Ra đời hai tay trắng. Trăm tuổi lâm chung trắng tay. Chẳng mang gì về được thế giới bên kia. Nhưng có hai chủng vật chất với vô vàn các sinh mệnh là ĐỨC và NGHIỆP thì khi sinh đã có, khi chết mang theo để tái sinh trong vòng luân hồi nghiệt ngã.
Theo cuốn sách “Biểu tượng văn hóa” trên thì Luân hồi đã có “những luận chứng và thực nghiệm”. Nó không phải là những gì thuộc mê tín dị đoan như đa số mọi người quan niệm. Luân hồi “thể hiện lòng ước muốn được sinh thành trong ánh sáng của cái đơn nhất và mặt khác, thể hiện ý thức trách nhiệm về những hành vi đã thực hiện. Sức mạnh hai mặt này, trọng lượng của các hành vi và khát vọng đạt tới sự thanh khiết lôi cuốn con người vào trong một chu kỳ tái sinh tiếp diễn cho tới khi đạt tới mức hoàn thiện để được giải thoát khỏi vòng luân hồi, mở đường đi tới cõi vĩnh hằng. Thuyết Luân hồi coi như biểu tượng của tính liên tục về tinh thần và về sinh học. Một khi sự sống đã bắt đầu. Mọi vật không thể thoát ra khỏi sự sống và tránh các hậu quả của các hành vi của mình. Cuộc đời không phải là một ván xúc xắc: Niềm tin vào Luân hồi hủy bỏ cái NGẪU NHIÊN”.
Trịnh Công Sơn có tác phẩm tựa là” Ngẫu nhiên”. Chúng ta thử nhẩm lại bài hát này để cảm nhận họ Trịnh nói về Luân Hồi như thế nào?
“Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng.
Tự mình biết riêng mình
Và ta biết riêng ta
Tự mình biết riêng mình
Và ta biết riêng ta.
Hòn đá lăn bên đồi
Hòn đá rớt xuống cành mai
Rụng cánh hoa mai gầy
Chim chóc hót tiếng qua đời.
Người ôm lấy muôn loài
Nằm trong tiếng bi ai
Người ôm lấy muôn loài
Nằm trong tiếng bi ai.
Mệt quá đôi chân này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Nằm xuống với đất muôn đời.
Kìa còn biết bao người
Dìu dắt tới quanh đây
Kìa còn biết bao người
Dìu dắt tới quanh đây.”
Như vậy nhận thức tính nghiêm túc về Luân hồi là dành cho những người có tín ngưỡng và có niềm tin về tu luyện. Họ tin rằng, từ khi con người sinh ra thì mỗi sát na rất ngắn của thời gian trôi qua, họ đều tạo Nghiệp bởi vì sống là có các hành vi. Các hành vi ắt có hậu quả. Mọi cái mà chúng ta cho ngẫu nhiên thực ra nó có nguyên nhân rất cụ thể. Tùy theo Nghiệp thế nào mà sinh mệnh của ai đó sẽ được an bài cụ thể.
Từ SAMSARA là luân hồi. Tiếng Phạn nghĩa là “chảy với”. Có phải vì điều này mà kinh Phật thường nhắc nhiều đến sông Hằng, nhắc nhiều tới việc đưa người qua bờ bên kia của Niết bàn, nhắc tới người thả bè lau qua sông rồi đội mãi cái phương tiện không cần thiết ấy vì chữ Tình…
Đây là quy luật sinh ra rồi chết đi. Đời người gồm Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Vạn vật, vũ trụ, Đại Khung bị chi phối bởi THÀNH, TRỤ, HOẠI, DIỆT.
Dòng biến đổi của các hiện tượng này trong biểu tượng nghệ thuật là cái bánh xe gồm 6/8/12 nan hoa xoay quanh một trục. Mỗi nan hoa này biểu thị một bộ dạng của sự sống.
“Đó là dòng xáo động trong đó những kẻ vô tri/ Vô Minh đùa giỡn với vẻ tự mãn”. Những kẻ ấy trong xã hội thường là những người lắm tiền nhiều của được tích lũy do tranh đấu ngược xuôi và làm nhiều điều Ác. Thế giới vô minh và mê lầm ấy chỉ vì tranh đấu mà làm “xáo động của những khổ đau và của những nỗi lo sợ” cho chính những kẻ có Nghiệp.
“Trục bánh xe là tâm điểm nơi mà lương thức phải trở về để tìm sự thanh tịnh. Nếu không tới tâm điểm này thì không ai thoát khỏi bánh xe sinh tồn. Đó là những chuỗi vô tận của những cuộc hóa kiếp”.
Các hành động tạo Nghiệp của tiền kiếp xô đẩy người sống vào các xoáy nước trong dòng đời vô thủy vô chung nếu không vượt khỏi tầng thứ trong tam giới.
“Những niềm vui, nỗi buồn, những biểu hiện bên ngoài cũng như vô vàn các trạng thái trong tâm tưởng với luân hồi đều không có bất cứ sự tồn tại thực chất nào”.
Đây là lý do mà Phật nói thế giới mình đang sống, đang nhìn hàng ngày đều là Huyễn Tượng, là không thật. Hiện tượng luân hồi thu hút rất nhiều các nhà khoa học. Theo Jean Francis Crolart, trong cuốn: “Tái sinh sau khi chết đã ghi nhận rằng: “Kiếp sống hiện nay của mỗi con người chúng ta tùy thuộc nhiều kiếp sống trước đây (tiền kiếp) nhưng chính từ kiếp sống hiện tại sẽ đặt nền tảng và tiền đề cho kiếp sống ở tương lai hay hậu kiếp.”
Ngay cả con người có vị thế tối cao trong các loài đôi khi vẫn phải tái sinh làm loài thú như ngựa, bò heo tùy theo những gì mà người ấy đã tạo trước đó. Cái mà người ấy đã gây ra được gọi là nghiệp”. Theo D. T. Suzuki , khi nghiên cứu về vấn đề tái sinh từ người qua loài thú đã ghi nhận rằng “cái mà ta gọi là những nghiệp có thể xem như tương đương với những bản tính mà ta thường thấy từ những con vật ấy”. Từ đó ông nêu lên những thí dụ như có những con người lúc sống đã có những hành động, cử chỉ, cách sống biểu lộ qua những gì gọi là “thói” thì khi chết có thể tái sinh thành con vật có những đặc tính tương tự. Chẳng hạn, kẻ phàm ăn, tục tĩu, thô lậu, xấu xa, hèn hạ, dơ bẩn, sau khi chết có thể họ sẽ tái sinh thành loài heo. Trái lại những kẻ khi sống ranh mãnh mưu lược, ganh tỵ, thâm hiểm, xảo quyệt… sau khi chết có thể chuyển sinh thành chồn cáo, chuột, khỉ. v.v. Ngược lại, những người khi sống có những tướng cách ấy là hình ảnh của loài vật thấp hèn ở tiền kiếp.
Chúng ta dù không tán thành, đồng ý với điều trên nhưng có bao giờ ta tự hỏi tại sao trong đời lại có những người hình dáng, cử chỉ, hành động, cách sống giống loài thú? Có người khi nằm ngủ co quắp hay co co rúm lại, có người ngáy vang như sấm, có những đi như rắn bò, có người cười như ngựa hí, có kẻ gương mặt luôn luôn nhăn nhó như loài khỉ hay hằn lên nét mặt dữ tợn, với đôi mắt trắng dã, gườm gườm như ác thú. Có người khi ngồi có tư thế như cọp heo hay giọng nói to, sang sảng như tiếng thú gầm vang? Phải chăng đó là những loài thú ở các kiếp quá khứ và hiện tại mang kiếp người nhưng vẫn chưa thoát hẳn một số chi tiết của loài thú? Những kẻ giết người, những kẻ tra tấn người không gớm tay, những đao phủ, luôn cả những đồ tể (những kẻ giết súc vật) phần lớn hiện rõ ác tính trên cử chỉ dáng đi, giọng nói và nhất là gương mặt; thường thì đi lầm lũi, đôi tay thường nắm lại, như thủ thế, đặc biệt đôi mắt trắng gờm gờm như Chí Phèo nhìn ai cũng như muốn cắm dao găm vào ngực người ta.
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: