“Đại nạn không chết tất có hậu phúc”. Câu nói này đã trở thành câu khích lệ mọi người sau mỗi lần lâm nạn. Vậy đây có phải là câu nói vô căn cứ hay không?

Cổ nhân xưa đã phân tích khá rõ và nói ra chân tướng chỉ trong 3 câu. 

1. “Tự cổ hùng tài đa ma nạn, tòng lai hoàn khố thiểu vĩ nam

Thơ cổ có câu: “Tự cổ hùng tài đa ma nạn, tòng lai hoàn khố thiểu vĩ nam”, tức là từ xưa đến nay nam nhân hùng tài đại lược đều là người đã trải qua nhiều ma nạn rồi mới thành tựu được, còn người sống trong nhung lụa, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống sung sướng thì ít người có thể trở thành bậc vĩ nhân.

Trong đời, mỗi người chúng ta thường phải trải qua nhiều ma nạn, ít khi được thuận buồm xuôi gió, muốn làm thành công một việc gì đó thì phải bỏ ra nhiều tâm sức. Một đời của bậc vĩ nhân cũng vậy, họ cũng phải trải qua không ít nghịch cảnh, vượt qua những thử thánh ma luyện ý chí mới thành tựu được. Những thử thách mà họ trải qua không phải là điều mà người bình thường có thể làm được. 

Lưu Vũ Tích, một nhà thơ đời Đường đã viết nên câu như thế này: “Thiên đào vạn lộc tuy tân khổ, xuy tẫn cuồng sa thủy đáo kim”. Ông muốn nhắn nhủ rằng, con người trải qua ngàn vạn lần đãi lọc đầy gian khổ, khi đãi hết cát rồi sẽ thấy được vàng ròng lóe sáng. Cho nên, dù bạn đang đi học hay lập nghiệp tu thân, nếu có thể kiên trì đến cùng sẽ thấy được bản thân thực sự là vàng hay cát. Bản thân con đường sự nghiệp của Lưu Vũ Tích cũng thế, trải qua không ít những gian nan thống khổ. Ông từng nhiều lần bị giáng chức, nhiều lần lâm vào cảnh long đong lận đận nhưng ý chí không bị mài mòn suy yếu, ngược lại ông còn giữ được tinh thần lạc quan, tấm lòng khoáng đạt, khí phách dũng cảm. Cuộc đời dù trải qua trăm cay ngàn đắng nhưng đến cuối cùng vẫn hiển lộ ra bản thân ông không phải là bùn cát mà là chính là vàng kim lóe sáng. 

Cũng như Lưu Vũ Tích, Cơ Xương chịu đựng khốn khổ trong ngục giam bảy năm mà nghĩ ra hậu thiên bát quái và 64 quẻ dịch, còn viết ra “Quần kinh chi thủ” Chu Dịch. Tư Mã Thiên chỉ vì biện giải cho tướng lĩnh Lý Lăng mà bị Hoàng đế phán tử hình, cho chuộc bằng tiền hoặc phải tự thiến. Tư Mã Thiên nhẫn nhục chịu bị thiến, từ đó sống để viết xong cuốn “Sử Ký”. Trong khi bị lưu đày mà Khuất Nguyên đã có thể sáng tác ra bài thơ nổi tiếng “Ly Tao”. Tôn Tẫn cụt chân lại có thể để lại cho hậu nhân “Binh pháp Tôn Tẫn”. Thời Chiến Quốc, Hàn Phi Tử bị cầm tù nhưng vẫn viết ra “Cô phẫn”, “Thuyết nan”… Những ví dụ kể trên nhiều không kể xiết, đều là minh chứng cho đạo lý: Người được tôi luyện qua nhiều ma nạn, ở trong nghịch cảnh trải qua muôn ngàn thử thách vẫn có thể giữ vững được ý chí mới trở nên hùng tài đại lược, sáng tạo ra những kỳ tích cho sinh mệnh.

Cổ nhân cũng nói: “Từ xưa anh hùng xuất thiếu niên” hay “ngọc bất trác bất thành khí”. Người thực sự có thể trở thành bậc tài năng xuất chúng thường trải qua nhiều khổ ải khi còn trẻ. Những khổ nạn đó không phải là thứ cản đường mà là nấc thang để thăng họ hoa tinh thần, giúp cho đức hạnh được tỏa sáng, gặt hái thành quả tốt về sau. Còn những thiếu niên lông bông chơi bời lêu lổng, đêm ngày chỉ biết hưởng thụ cuộc sống xa hoa thì đến cuối cùng sẽ trở thành kẻ vô tích sự, sống nửa đời còn lại trong cảnh ảm đạm thê lương. Cho nên cổ nhân mới nói: “Tự cổ hùng tài đa ma nạn, tòng lai hoàn khố thiểu vĩ nam”.

2. Người không có đức hạnh mà tham lam lợi lộc thì ắt sẽ rước họa vào thân, người năng hành thiện tích đức mà chịu đựng nhiều khổ ải thì tất có phúc phận về sau

Trong dòng sông dài lịch sử còn lưu lại không ít những câu chuyện ca ngợi lòng thiện, giúp đời, giúp người, đến cuối cùng lại chính là đang giúp mình. Người thường xuyên làm việc thiện, thì cho dù trong đời có trải qua một số gian khổ lớn nhỏ, người đó cũng thường nhận được phúc báo về mình.

Có câu chuyện kể lại như thế này. Vào thời nhà Tống có thư sinh tên là Tiêu Ái Đường, vì cuộc sống nghèo khó mà không thể thi lấy công danh. Ông đã mở trường tư tại thị trấn để dạy học cho trẻ nhỏ. Ngoài ra ông còn biết về y thuật, cũng thường xem bệnh cho người ta, có những lúc gặp người nghèo khó tới chữa trị, ông chẳng những bắt mạch kê đơn không thu phí mà còn cho tiền để bệnh nhân đi bốc thuốc. Do đó người gần xa đều khen ông không chỉ là một thầy giáo tốt mà còn là một thầy thuốc giỏi. 

Năm đó vùng này mất mùa, trường học buộc phải đóng cửa. Sau khi dọn dẹp xong học đường, ông chỉ còn 7 lượng bạc cầm về nhà. Trên đường về ông nhìn thấy một người đàn bà ôm con khóc nhìn rất thương tâm, hỏi thăm mới biết đã 3 ngày rồi họ vẫn chưa được ăn thứ gì. Không thể bỏ mặc họ, ông đã đưa toàn bộ 7 lượng bạc trong tay cho cho người đàn bà này. 

Về đến nhà, Tiêu Ái Đường biết được trong nhà chỉ còn lại 3 thăng đậu nành để duy trì sinh kế. Đang lúc định nấu cơm thì một cụ già họ Trương nhà bên thấy ông trở về liền đến vay lương thực, nói rằng trong nhà cụ đã 3 ngày không còn gì để nấu rồi. Thấy vậy ông đã đem phân nửa đậu nành còn lại trong nhà đưa cho cụ già. Ông an ủi người nhà, nói: “Nếu mệnh của nhà ta chưa hết thì tự nhiên sẽ có Trời giúp, giữ thiện tâm, làm việc thiện, nhất định sẽ có hồi báo tốt”. Quả nhiên, ngày hôm sau có người giàu có tới khám bệnh, Tiêu Ái Đường liền chữa trị cho họ và cuối cùng đã được trả chút bạc, giúp gia đình ông vượt qua cửa ải khó khăn. 

Không chỉ có vậy, con trai Tiêu Quản, sau khi được ông dạy bảo đã tham gia thi hương năm 16 tuổi và đạt được hạng nhất, 22 tuổi đậu Trạng nguyên. Người trong thôn đều tới chúc mừng Tiêu gia, họ nói: “Cả đời Tiêu Ái Đường làm việc thiện, quả nhiên đắc được thiện quả”.  

Nhìn lại lịch sử, từ xưa đến nay có không ít nhân vật, từ phường trộm cắp tới quân vương vô đạo, họ không có đức cũng chẳng có hạnh nhưng vì tham lam mà làm việc ác, cuối cùng thì họ cũng phải chịu quả báo, hại người hại mình. 

Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta thấy xung quanh mình có một số người giàu lên chỉ trong một đêm. Những người như vậy thường dựa vào hành động liều lĩnh đoạt lấy tài phú không tương xứng với phẩm đức, tham lam loại của cải này sẽ hủy hoại bản thân. Bởi vì, người không có đức hạnh, khi nắm trong tay quá nhiều của cải thì sẽ đánh mất lý trí và để cho dục vọng nuốt chửng chính mình. 

Do vậy cổ nhân mới nói: “Người không có đức hạnh mà tham lam lợi lộc thì ắt sẽ rước họa vào thân, người năng hành thiện tích đức mà chịu đựng nhiều khổ ải thì tất có phúc phận về sau”.

3. Đại nạn không chết ắt có hậu phúc

Người xưa nói: “Đại nạn không chết ắt có hậu phúc”. Câu nói này có thể hiểu là “người gặp đại nạn mà không chết, ngày sau nhất định được hưởng phúc lớn”. 

Lời này không phải là mê tín mà rất có căn cứ. Những ví dụ minh chứng cho điều này còn lưu lại rất nhiều. 

Trong cuốn sách cổ có tên là ‘Nghiễm Dị ký’ có lưu lại câu chuyện như thế này. Đỗ Xiêm từng nhậm chức Tể tướng thời Đường Huyền Tông, lúc ông còn nhỏ, có lần đi qua sông, dòng nước chảy xiết. Khi đó trên thuyền có rất nhiều người và người lái đò đã cởi dây thừng buộc thuyền. Lúc này trên thuyền có một ông lão gọi lớn: “Đỗ tú tài dừng lại một chút!” Dáng vẻ của ông lão vô cùng thành khẩn cầu xin, Đỗ Xiêm không còn cách nào khác đành lên bờ nói chuyện với ông lão hồi lâu. 

Người trên thuyền không thể kiên nhẫn đợi thêm nên đã ném túi hành lý của Đỗ Xiêm lên bờ và bảo người lái đò rời đi. Ông lão và Đỗ Xiêm nói chuyện vẫn chưa xong, quay đầu nhìn lại thì thuyền đã rời bến, trong tâm Đỗ Xiêm rất giận ông lão vì đã khiến bản thân lỡ chuyến đò. 

Ngày hôm đó gió thổi rất to, người trên thuyền bất ngờ nhìn thấy hơn 10 bàn tay bám vào thuyền rồi kéo xuống khiến nó chìm nghỉm. Tất cả người trên thuyền đều chết hết. Ông lão nói với Đỗ Xiêm: “Ngài là quý nhân, cho nên ta mới mới đến để giải cứu”. Nói xong thì ông lão cũng biến mất không thấy đâu. Về sau Đỗ Xiêm liên tục được thăng quan, thẳng đến chức Công Khanh. 

Hóa ra khi lâm đại nạn mà gặp được sự cứu giúp cũng là có nguyên do. Rất nhiều người là có mệnh quý nhân, cho nên mới được hưởng hậu phúc như người ta thường nói. 

San San

Từ Khóa: