Làm người nếu biết lấy đức làm gốc rễ ấy là bậc minh trí, bởi đức hạnh chính là đại biểu cho kết quả hàm dưỡng của một người. Nếu một người không ngừng tu tâm tích đức ắt sẽ gia tăng trí huệ, ngộ đạo nhân sinh, tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn cho chính mình.
Làm người tích 6 phúc: Sinh trí huệ
1. Có sức khỏe là phúc
Tục ngữ có câu: “Làm hoàng đế mắc bệnh không bằng làm kẻ ăn mày mà khỏe mạnh”. Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp, một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả. Vì để có một thân tâm khỏe mạnh, ắt phải dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ. Không những vậy còn phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.
2. Gia hòa là phúc
Cổ nhân thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay: “Gia hòa phúc tự đáo”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận chính là có được một hậu phương vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống. Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là: “Phúc trong phúc”.
3. Chịu thiệt là phúc
Thường thì những người đức không cao, lòng không rộng, nhân cách không chính trực khó có thể chấp nhận bản thân chịu thiệt. Người có thể vui vẻ chịu thiệt đó cũng chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng. Không sợ chịu thiệt, việc nhiều thì làm thêm một ít, ngược lại có thể tôi luyện tâm tính cho bản thân, nâng cao năng lực chịu đựng, trong các mối quan hệ cũng thể hiện được tấm lòng độ lượng của bậc quân tử.
4. Bảo trì cuộc sống thanh đạm là phúc
Cuộc sống bộn bề, áp lực như núi, làm người có thể sống cuộc đời thanh đạm ấy cũng là phúc: đói thì ăn, mệt thì nghỉ, việc đến thì làm, cần cù chịu khó, sống với hiện tại, ấy cũng chính là phúc.
5. Biết đủ là phúc
Nhân sinh tại thế, lòng tham của con người xưa nay vốn không hề có đáy. Nhưng thóc đầy kho lụa đầy nhà; nhà trăm gian đất nghìn mẫu thì cũng cơm ngày ba bữa, áo quần vài bộ, tối ngủ giường ba thước. Tham lam tài vật thái quá đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được thứ gì. Vậy nên làm người mà biết ung dung tự tại, không tham không sân, biết đủ là phúc.
6. Sống tùy duyên là phúc
Nhân sinh vạn nẻo, kiếp người chìm nổi tựa phù vân, đa phần sống ở đời nếu mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý, giờ phút vui vẻ chẳng được đáng là bao, thời gian như nước chảy qua cầu. Vậy nên biết sống tùy duyên ấy là hạnh phúc, điều đến thì đón nhận, điều đi thì buông bỏ, vạn vật tùy cảnh, vạn sự thì tùy thời, đó cũng chính là cảnh giới của bậc trí giả. Sướng khổ buồn vui ấy đều do quan niệm của mình chi phối, làm người mà có thể coi nhẹ được mất thì ắt không gì có thể khiến cho chúng ta buồn khổ được.
Làm người hành 6 đức: Ấy thân tu dưỡng
1. Khẩu đức
Người xưa thường dạy: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đời người họa hay phúc đều do cái miệng mà ra, vậy nên làm người thì việc trước nhất chính là tu dưỡng cái miệng của mình: luôn nói lời chân, không nói lời lộng ngữ thị phi, mỗi khi nói phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến cảm thụ của người nghe. Khi nói chuyện thì nên chú ý thời cơ, địa điểm, lúc nào cần nói lúc nào không, đặt cơ điểm từ góc độ của người nghe mà nói.
2. Ban đức
Có câu: “Tay tặng hoa hồng ắt giữ thơm”, vỗ tay cho người khác thì mặt mình tự cũng vui tươi, khích lệ cho người, trí huệ bản thân tự ắt cũng tăng. Khổng Tử nói “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”. (Đại ý: Người quân tử tạo thành cái hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân thì không thế).
3. Diện đức (cái đức của diện mạo)
Người sống nhờ mặt, cây sống nhờ vỏ, cây không có vỏ cây chẳng thể sinh tồn, người không có thể diện người chẳng thể dung thân. Tu dưỡng tốt diện mạo của mình cũng là giúp người lưu lại cái uy danh.
4. Tín đức
Xưa nay, chữ tín luôn là cái vốn để làm người, làm người không có chữ tín hỏi có ai ưa? Vậy nên, tín chính là cái vốn tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được lòng tin của thiên hạ chính là tài sản vô giá. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, không có chỗ đứng trên thế gian này. Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này thực ra rất có đạo lý.
5. Khiêm đức
Đây là nói cái đức của sự khiêm nhường, cổ nhân xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng khiêm nhường chính là một loại mỹ đức thể hiện tinh thần hàm dưỡng tôn quý. Nhường người ba tấc mình cũng lợi hai phần, trong “Chu Dịch” viết rằng: “khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc”.
Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng độ lượng bao dung, cũng là người một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính đó không phải bắt nguồn từ lòng sợ hãi mà xuất phát từ sự tôn trọng.
Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm” này.
6. Trọng đức
Trong cuộc sống chúng ta đều hiểu là phải biết tôn trọng người khác, nhưng rất ít người có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của điều này.
Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tôn trọng người khác. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.
Người có tu dưỡng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Tôn trọng người dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng người dưng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Lĩnh 6 ngộ: Nâng cao tầng thứ
1. Dục vọng không thể phóng túng
Lão Tử nói: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh; ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung; ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương” (Đại ý: Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình).
Làm người mà quá truy đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng lại hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó. Làm người mà phóng túng dục vọng bản thân chính là sai lầm trong những sai lầm, không chỉ là hại thân mà còn khiến cho con người ta chìm đắm hưởng lạc quên đi ý chí cầu tiến.
2. Tài không thể tham
Khổng Tử nói: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã” (Đại ý: Phú và quý là thứ mà ai ai cũng mong muốn truy cầu, tuy nhiên nếu như không dùng cách quang minh chính đại mà có được nó thì chẳng thể hưởng thụ được nó. Có được rồi ắt cũng sẽ gặp tai họa). Người tham tài cũng như uống nước biển vậy, càng uống càng khát, càng uống càng hại thân.
3. Không tức giận
Có câu:
“Người nhất đẳng, có bản sự, không tức giận
Người nhị đẳng, có bản sự, có tức giận
Người vô đẳng, không bản sự, luôn tức giận”.
Vậy nên, làm người khống chế được chính mình, ắt không tức giận.
4. Việc gì cũng không được quá độ
Mặt trời lên cao mặt trời lặn; trăng tròn đầy trăng ắt lại khuyết. Mỗi một sự việc khi phát triển đến điểm cực độ ắt sẽ suy thoái. Đây chính là lẽ thường tình. Vậy nên, sống ở đời làm bất cứ việc gì cũng không được quá độ, cũng như hoa thời đang nở, rượu thời chưa say, cơm thời chưa đủ mới là lúc khiến tinh thần con người ta thanh tỉnh nhất.
5. Có tiền thì không nên quá tiết kiệm
Có anh nhà giàu nhưng keo kẹt, một hôm cao hứng mở kho tiền ra khoe với anh hàng xóm, anh hàng xóm xem xong nói: “Tôi và anh đều như nhau, chúng ta thật nhiều tiền”. Anh nhà giàu keo kẹt thấy vậy hỏi: “Anh nghèo kiết xác, tiền ơ đâu ra mà nói giống tôi?”. Anh hàng xóm đáp: “Tiền của anh có nhưng chẳng giám tiêu mà chỉ để nhìn, bây giờ tôi và anh đều đang nhìn giống nhau, vậy chẳng phải anh và tôi đều như nhau sao?”. Con người sống ở đời: lúc đến tay không, lúc đi cũng tay không, làm người thì không nên quá hà tiện, nhưng cũng cần chi tiêu cho hợp lý, tránh tình trạng hoang tiêu lãng phí.
6. Đi tìm ý nghĩa
Nhân sinh tại thế sống vì điều gì? Mỗi người đều đi tìm kiếm ý nghĩa, mục đích sống cho riêng mình. Kẻ vì bản thân, người vì nghĩa lớn. Còn nếu như chỉ vì đói ăn khát uống vậy thì người và vật nào khác chi nhau là mấy? Vạn vật trên đời đến và đi ắt đều có nguyên nhân và sứ mệnh của mình, không gì là ngẫu nhiên vô cớ.
Đạo gia và Phật gia xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng con người vì có tội, vì nghiệp lực vị tư sinh ra mà phải giáng hạ xuống nơi thế gian này. Vậy nên nhân sinh tại thế chính là phải biết tìm kiếm cho mình con đường phản bổn quy chân, quay về với bản ngã của chính mình để từ đó mà hồi thăng và nâng cao tầng thứ sinh mệnh. Đó mới là ý nghĩa chân chính cao cả và tốt đẹp nhất của đời người.
Theo: cmoney.tw
Minh Vũ biên dịch