Những đạo lý truyền thống giúp con người không mê lạc giữa cõi mê, gìn giữ được một sợi dây kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai. Trong chốn hồng trần cuồn cuộn, trong những xô bồ của cuộc sống hiện đại đầy rẫy nguy cơ, hiểm hoạ, ai còn giữ lại được cho mình những giá trị truyền thống thì người ấy tất có phúc báo vậy.

Vậy thì rốt cuộc văn hoá truyền thống mang lại cho người ta những giá trị gì? Câu trả lời rất đơn giản, đó là những đạo lý dạy người ta:

Làm một người hiếu thuận

Hiếu thuận là căn bản để làm người. Người xưa nói “Trăm nết hiếu đứng đầu”, tất cả các thiện hạnh đều khởi đầu từ chữ Hiếu. Một người nếu không biết hiếu kính cha mẹ thì không thể tử tế với người ngoài được.

Làm một người thiện lương

Lão Tử nói: “Đạo Trời không thân với người nào mà thường gia ân cho người thiện”. Đại Đạo, phép tắc của trời đất đều như thế này: không thân quen xa lạ với ai, nhưng thường đem quả thiện cho người thiện.

Làm một người chuyên cần

Cần lao là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là căn bản để chúng ta làm việc, lập nghiệp. Từ xưa đến nay, người trong thiên hạ đều do lười nhác mà dẫn đến thất bại. Thành tựu vĩ đại đều tỷ lệ thuận với chuyên cần. Tích tiểu thành đại, hết ngày này đến tháng khác, lâu dần thì kỳ tích sẽ được sáng tạo ra.

(Ảnh minh hoạ: Epochtimes)

Làm một người khoan dung

Người xưa nói: “Có bao dung thì trở nên vĩ đại”. Một người nếu có một cái tâm khoan dung, có thể dung nạp những chuyện khó dung nạp trong thiên hạ, thì ắt phải là người vĩ đại.

Làm một người thành thực

Thành thực là cái gốc lập thân, thành thực là một mỹ đức. Người không thành thực thì không thể kết giao. Muốn đảm đương việc lớn thì ắt phải chân thành và trung thực.

Một người không thành thực, không chân thành thì sẽ lừa gạt người khác, thực ra cũng chính là lừa dối chính mình. Họ không thể quy chính cái tâm mình, không thành thực với suy nghĩ của mình thì chẳng thể nào tu thân được, chẳng thể nào được người khác tin tưởng, chẳng thể nào có chỗ đứng trong xã hội được.

Làm một người khiêm nhường

Khiêm nhường là một bộ phận cấu thành nên nhân cách. Chu Dịch viết rằng, người quân tử ẩn giấu tài năng, đợi thời cơ mà hành động. Một người chín chắn sẽ ẩn giấu tài năng sắc sảo của mình, làm một người khiêm nhường. Họ biết vào thời cơ nhất định thì mới triển hiện tài hoa.

Một người khiêm nhường điềm đạm, ung dung, ôn hòa, đôn hậu, yên tĩnh, giống như đất luôn luôn đặt mình nơi thấp kém nhưng không ai dám phủ nhận sự rộng lớn của nó. Người có thể giữ vững mình ở dưới thấp, cẩn trọng, kín đáo, giống như biển cả, luôn đặt mình nơi thấp kém nhưng không có ai dám phủ nhận sự thâm sâu của nó.

(Ảnh minh hoạ: Epochtimes)

Làm một người chính trực

Nhất chính áp bách tà. Người có thân chính tâm an thì ma tà cũng phải tránh xa. Phẩm hạnh đoan chính thì làm mới mới có tự tin, làm việc mới có bền lòng. Trong lòng vô tư thì trời đất rộng mở, trước sau như một thì tấm lòng rộng lớn.

Làm người cần chính Đạo chính hành, làm việc cần quang minh lỗi lạc. Mạnh Tử có nói: “Ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với người”. Làm người, làm việc, nhất định phải chính đại quang minh, xử thế lỗi lạc, không được ngấm ngầm làm tổn hại lợi ích của người khác.

Làm người chính trực thì nhất định phải “thận độc” – cẩn thận, thận trọng ngay cả khi ở một mình. Một mình ngồi tĩnh tọa, thường suy nghĩ về những sai lầm thiếu sót của bản thân, khi nhàn đàm thì chớ bàn luận chuyện thị phi của người khác.

Làm một người thủ tín

Khổng Tử nói: “Con người mà không có chữ Tín thì không biết làm sao có thể có chỗ đứng trong xã hội được. Giống như xe lớn không đòn, xe nhỏ không ách, làm sao mà đi được?”.

Thủ tín là sức cuốn hút nhân cách mà không thể dùng tiền bạc mua được. Làm người một cách đường đường chính chính, làm việc một cách minh bạch rõ ràng thì sẽ không bao giờ bị mất chữ Tín. Khi người khác tin tưởng bạn thì đó chính là bạn có giá trị trong lòng họ. Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người. Thủ tín mới đắc nhân tâm.

(Ảnh minh hoạ: Lovepik.)

Làm một người lạc quan

Đời người việc không như ý thì có 8, 9 phần, không thể nào việc gì cũng đều thuận lợi. Ngày tháng cứ tiến ào ào về phía trước, đẹp tốt cũng chỉ một ngày, phiền não cũng một chỉ ngày, thế nên hãy nhìn mặt tốt đẹp trong cuộc sống, để mình sống vui vẻ an lành.

Khi cuộc đời long đong lận đận, vận mệnh gian truân, hãy nghĩ khoáng đạt, không than thở, buồn rầu, không oán Trời trách người. Giữ được nội tâm yên tĩnh, tìm hứng thú với thiên nhiên như leo núi ngắm cảnh, ngắm hồ nước ngâm thơ, luôn luôn nỗ lực tìm niềm vui trong cuộc sống, vui với thiên nhiên, mỉm cười với vận mệnh.

Làm một người nhân hậu

Nhân hậu là nguyên tắc đối nhân xử thế của người xưa. Quẻ Khôn trong Chu Dịch có viết rằng: “Địa thế Khôn, người quân tử dùng đức dày để nâng đỡ mọi vật”. Hậu đức tải vật chính là dùng đức dày để bao dung vạn vật. Đất có đức lớn dày, nâng đỡ bao dung vạn vật.

Người quân tử nên thuận theo đức của đất, hậu đức tải vật. Hậu đức là một tấm lòng tỏa sáng, có thể bao dung những người bất đồng, ý kiến bất đồng, bao dung cả những sai trái, lỗi lầm của người khác.

Nhân hậu là nhân phẩm tốt nhất, là sáng suốt cao nhất. Một người nhân hậu thì ai ai cũng muốn chung sống, muốn kết giao, và cảm thấy hoàn toàn tin tưởng.

Theo Góc nhìn cuộc sống

Bài viết:
Đan Thanh

Ảnh bìa:
Taste of Life/Shutterstock

Thiết kế:
Tự Minh

Bài viết: Đan Thanh
Ảnh bìa: Taste of Life/Shutterstock