Trần Kế Đình, một nhà tư tưởng học triều nhà Minh, nói rằng một người đàn ông có hai sự sỉ nhục lớn, đó là khoe khoang những bộ quần áo của mình và bao che những thiếu sót của bản thân. Nhưng thử hỏi, ngày nay mấy ai cho đó là điều sỉ nhục?
“Khoe khoang những bộ quần áo của mình”
“Bộ quần áo” là hình ảnh hoán dụ chỉ của cải vật chất, người đàn ông “khoe khoang những bộ quần áo của mình” là người có tính cách hiển thị, khoe mẽ về tài sản của bản thân, ví như có bao nhiêu mảnh đất, căn nhà, xe hơi xịn, v.v.
Vậy tại sao khoe khoang về tài sản của mình lại bị coi là điều sỉ nhục lớn?
Khổng Tử nói: “Người quân tử quan tâm đến đạo đức, kẻ tiểu nhân khao khát ruộng vườn nhà cửa. Người quân tử quan tâm đến phép tắc, kẻ tiểu nhân mong cầu ân huệ”. Có thể nói, đạo đức là kho báu vô giá của đời người, là điều làm nên giá trị chân thật của người đàn ông, chứ không phải là ruộng vườn nhà cửa – những vật ngoại thân sớm nở tối tàn.
Vì vậy, một người có đạo đức cao thượng sẽ khiêm tốn về sự giàu có của bản thân, phong thái mộc mạc, giản dị dễ gần. Trái lại, không ngừng khoe khoang của cải chỉ cho thấy một người đàn ông không còn gì đáng giá hơn để khoe nữa, có thể đức hạnh của anh ta vô cùng nghèo nàn vậy.
Trữ An Bình trong “Anh quốc phong thái lục” có nói: “Phàm là một quý ông quý tộc thực thụ, họ đều xem thường đồng tiền… Người Anh cho rằng một quý ông quý tộc thực thụ là một người cao quý thực sự, chính trực, không thiên vị, không sợ gian khó, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh chính mình. Anh ta không chỉ là một người có danh dự, mà còn là một người có lương tri”.
Tỷ phú Warren Buffett là một trong những người giàu nhất thế giới, nhưng lại nổi tiếng hơn với lối sống giản dị. Ông thậm chí chỉ dùng điện thoại nắp gập, có chức năng nghe, gọi; và ở trong ngôi nhà cũ mua vào năm 1956 với giá vỏn vẹn 31.500 USD. Warren Buffett có rất nhiều tiền, nhưng lại không lấy tiền làm thước đo thành công: “Tôi đo lường thành công bởi số người yêu thương tôi. Và cách tốt nhất để được yêu là phải đáng yêu”. Có lẽ vì thế, ông dành gần phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện.
“Bao che những thiếu sót của bản thân”
“Nhân vô thập toàn”, trên thế gian này vốn không có người sinh ra đã hoàn hảo. Thế nhưng, nếu một người cứ luôn che đậy khuyết điểm của bản thân, đổ lỗi cho người khác, thì chẳng thể cải thiện chính mình, trở thành người đức hạnh cho được.
Phạm Thuần Nhân, một học giả, nhà chính trị lỗi lạc thời nhà Tống thường xuyên nhắc nhở các con mình: “Dù là kẻ ngu dốt nhất, người ấy cũng có thể là hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cực kỳ cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét tìm những lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con chắc chắn có thể trở thành bậc Thánh hiền”.
Trong lịch sử, nhiều vị vua nước Việt đã biết tự kiểm điểm lỗi lầm của bản thân, tự trách mình mỗi khi đất nước gặp thiên tai nhân hoạ. Vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi còn rất trẻ, nhưng sớm thấu hiểu trọng trách nặng nề của bậc quân vương. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1449), Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu viết:
“Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? (…) Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sử sách chép rằng, sau khi tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy trời có mưa.
Ngày nay, trái lại, “văn hoá xin lỗi” dường như đã trở thành một “xa xỉ phẩm” trong xã hội Việt. Một bài xã luận trên Vnexpress sau tai nạn sập giàn giáo ở Vũng Áng năm 2015 có viết:
“Nhìn vào người Nhật, người Hàn, chúng ta mới nhận ra rằng đã từ rất lâu rồi chưa được nghe lời xin lỗi nào từ những người có trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố. Và đó hẳn nhiên không phải bởi những công trình, chính sách ở Việt Nam đều hoàn hảo. Thay vào đó, chúng ta có “cây cầu tạo hình chữ V”, “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy”, hay “rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc”. Cả một kho tàng ngôn ngữ được sử dụng chỉ để tránh từ mà chúng ta thường dạy trẻ con từ bé: “Xin lỗi””.
Biết “sỉ” là cái gốc làm người
Khoe khoang tiền tài vật chất và bao che lỗi lầm của bản thân được coi là hai điều sỉ nhục lớn của người xưa, nhưng thử hỏi ngày nay mấy ai cho đó là điều sỉ nhục?
Vì không coi đó là điều sỉ nhục, nên không biết xấu hổ, nên tiếp tục làm một cách thản nhiên, thậm chí còn thấy mình giỏi lắm.
Khổng Tử nói: “Hành kỉ hữu sỉ”, nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Mạnh Tử nói: “Nhân bất khả vô sỉ”, nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được. Chữ “sỉ” này đối với việc làm người quan trọng biết bao. Xét cho cùng, một người đạo đức bại hoại cũng vì không biết sỉ, mà cả nước bại hoại cũng vì nhiều người vô sỉ mà thôi.
Ngân Hà