Khổng Tử nói: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, nghĩa là: Chỗ dùng của Lễ, lấy hoà làm quý. Người xưa coi trọng hòa khí, xem hài hoà là cảnh giới đáng để tu dưỡng của đời người. 

Chuyện kể rằng, Lạn Tương Như đi sứ nước Tần, giữ được quốc thể, lập công lớn. Triệu Huệ Văn Vương hết sức tín nhiệm Lạn Tương Như, phong làm Thượng khanh, địa vị cao hơn đại tướng Liêm Pha.

Liêm Pha không phục, nói với các môn khách: “Ta là đại tướng của Triệu, lập bao công lao trên chiến trường. Lạn Tương Như thì có gì ghê gớm, chỉ dựa vào 3 tấc lưỡi mà lại vượt lên đầu ta. Nếu ta gặp hắn, ta sẽ cho hắn biết tay”.

Chuyện đến tai Lạn Tương Như, ông liền cáo bệnh không vào triều.

Một hôm, Lạn Tương Như có việc cùng môn khách ngồi xe đi ra ngoài. Từ xa thấy có xe ngựa của Liêm Pha đi tới, Lạn Tương Như vội bảo người đánh xe rẽ vào một ngõ hẻm để tránh đường.

Việc đó khiến các môn khách của Lạn Tương Như rất bực bội, cho rằng Lạn Tương Như hèn nhát.

Lạn Tương Như hỏi họ: “Các ông xem, giữa tướng quân Liêm Pha và Tần Vương thì ai có thế lực lớn hơn?”.

Mọi người đều nói: “Tất nhiên là Tần Vương có thể lực lớn hơn”.

Lạn Tương Như nói: “Đúng như vậy. Chư hầu trong thiên hạ đều sợ Tần Vương. Thế mà ta dám mắng thẳng vào mặt Tần Vương, thế thì sao ta lại sợ tướng quân Liêm Pha? Ta chỉ nghĩ rằng, nước Tần lớn mạnh không dám xâm phạm nước Triệu, bởi vì có ta và tướng quân Liêm Pha. Nếu hai người chúng ta bất hoà, nước Tần biết tin, sẽ nhân cơ hội lại xâm phạm nước Triệu. Chính vì điều đó mà ta phải nhún nhường”.

Có người kể lại cho Liêm Pha. Liêm Pha rất hổ thẹn, liền để mình trần, mang roi gai trên lưng, tới nhà Lạn Tương Như nhận tội. Ông nói với Lạn Tương Như: “Tôi là một kẻ lỗ mãng thiển cận, bụng dạ hẹp hòi, lại được ngài rộng lượng như vậy, tôi rất lấy làm hổ thẹn, xin tình nguyện chịu sự trách phạt của ngài”.

Lạn Tương Như vội đỡ Liêm Pha dậy, nói: “Hai chúng ta đều là đại thần của nước Triệu. Tướng quân đã hiểu ra, tôi vô cùng cảm kích, đâu dám nhận lễ của tướng quân nữa”.

Hai người đều cảm động rơi nước mắt. Từ đó, họ trở thành bạn bè thân thiết.

***

Sống trên đời, hài hoà với bản thân, coi nhẹ lợi danh thì tâm an thân lạc. Hài hoà với người khác thì mọi việc xuôi gió thuận buồm, giao tình ấm áp. Có điều, lẽ thường muốn có hòa thì trước tiên phải nhẫn, phải buông. Nhẫn cái nóng giận nhất thời vì lợi ích, thể diện bị tổn thương, buông bỏ tự ngã tự tôn và thật lòng nghĩ cho đại cuộc.

Lão Tử nói: “Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa”, nghĩa là: Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa. Hoà là trạng thái nguyên sơ tốt đẹp của vạn sự vạn vật, nên người xưa vẫn luôn theo đuổi cảnh giới hài hoà. Những câu nói lưu truyền tự ngàn xưa như: “hoà khí sinh tài”, “hoà khí trí tường” (hoà khí đem đến phúc lành), “gia hoà vạn sự hưng”, đều lấy hoà làm quý vậy.

Làm một người vui vẻ an hoà, hoà ái bao dung, tâm bình khí hoà, hoà hợp với mọi người, giữ gìn hoà khí, từ trong tâm tới ngôn hành cử chỉ, đều toát lên sự thân thiện, thiện ý, thiện lương, ấm áp giàu nhân ái, đó chính là cội nguồn của hạnh phúc.

Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?

videoinfo__video3.dkn.tv||386848dcc__