Còn nhớ khi còn nhỏ tôi từng được nghe câu chuyện: Ngày xưa có một chú lùn vốn là một thương nhân rất nhỏ nhen, anh lấy người vợ cao hơn anh rất nhiều. Chú lùn thường bị mọi người khinh bỉ và nhạo báng, anh ta vô cùng bực bội nên thường xuyên đánh chửi vợ mình.
Vì người thấp nên mỗi khi đánh mắng vợ chú đều phải đứng lên ghế và bắt vợ đứng ở trước mặt, người vợ nghiến răng chịu đựng. Lâu dần, hàng xóm không thể chịu nổi, họ thấy chú lùn này thật quá quắt nên đã nói riêng với người vợ: Cô cao lớn và khỏe mạnh như này, tại sao lại để anh ta đánh mắng thế? Cô đánh cho anh ta một trận cho anh ta biết mặt, để xem anh ta còn dám ăn hiếp cô thế nữa không.
Nhưng người vợ nói: “Đúng thế, tôi có thể làm được việc này, nhưng thực ra, bình thường anh ấy đã hay bị mọi người xem thường rồi, nếu tôi cũng làm như vậy thì thử hỏi anh ấy còn muốn sống nữa không?” “Anh ấy bị người ngoài khinh bỉ nhưng anh ấy là chồng tôi, anh ấy phải có được cảm giác làm một người đàn ông trước mặt vợ mình chứ?”.
Người chồng sau khi nghe được câu nói của vợ đã thay đổi hoàn toàn, anh không còn đánh cô nữa mà tập trung vào làm ăn, xây dựng cơ đồ thay đổi cuộc sống của mình.
Một người vợ yêu thương chồng, bảo vệ lòng tự trọng của chồng, vì thế đã cứu được một chú lùn, giúp anh thay đổi bản thân, nỗ lực phấn đấu, thoát khỏi vỏ bọc tự kỷ, luôn bị chê cười của mình. Một người vợ hiền lành, tốt bụng, độ lượng cuối cùng đã thoát được khổ đau tìm lại hạnh phúc của mình.
Người xưa có câu: Khổ tận cam lai. Vì sao lại nói như vậy? Cái khổ từ đâu đến? Phúc từ đâu mà có? Giới tu luyện cho rằng, khổ nạn của con người đến từ nghiệp lực của bản thân, nghiệp lực còn gọi là ác nghiệp, là do làm việc xấu, hại người khác mà thành. Còn hạnh phúc của con người đến từ phúc đức, làm việc tốt mà tu thành vì thế nên tích đức hành thiện. Nợ thì phải trả, nghiệp sẽ gây ra hoạn nạn, nghèo túng, phiền toái và bệnh tật, chỉ khi con người tiêu nghiệp mới có thể có hạnh phúc. Cho dù là việc lớn hay việc nhỏ đều xuất hiện đạo lý khổ tận cam lai.
Câu chuyện trên còn cho thấy thiện và nhẫn có thể hóa giải được oán hận, thay đổi được lòng người.
Quỳnh Chi
Xem thêm: