hiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), DKN hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
Con không học, chặt khung cửi.
Đậu Yên Sơn, có cách hay,
Dạy năm con, đều lừng lẫy.
Diễn giải:
Vào thời xưa, mẹ của Mạnh Tử vì để tìm một môi trường có thể khích lệ Mạnh Tử học tập nên đã không quản vất vả, ba lần chuyển nhà. Một lần, Mạnh Tử bỏ học trở về nhà, mẹ Mạnh Tử đã tức giận cắt miếng vải đang dệt dở và khung cửi ngay trước mặt con. Bà răn dạy con rằng: “Đi học cũng giống như dệt vải vậy. Một miếng vải tốt được dệt bắt đầu từ từng sợi một, dệt thành một tấc rồi sau đó dần dần được một thước, cuối cùng mới được một súc vải hoàn chỉnh hữu dụng. Nếu việc học cũng như mảnh vải dệt dở chừng bị cắt như thế này thì bao công sức trước đây đều uổng phí, sẽ thành vô dụng”.
Vào thời Ngũ Đại, có một người cha rất coi trọng giáo dục con cái, đó là Đậu Vũ Quân (cũng gọi là Đậu Yên Sơn). Ông chiểu theo lời giáo huấn của Thánh hiền mà dạy dỗ con cái. Năm người con dưới sự giáo dưỡng của ông cuối cùng đều thành tựu, tiếng tăm truyền khắp tứ phương.
Câu chuyện tham khảo:
Đậu Yên Sơn dạy con
Một đêm, ông nằm mộng thấy người cha đã qua đời của ông nói với ông rằng: “Con tâm địa bất chính, đức hạnh không đoan chính, cứ tiếp tục làm việc ác như thế này thì không những không có con mà còn đoản mệnh nữa. Con phải mau sửa chữa lỗi lầm hướng thiện, tích nhiều âm đức, giúp đỡ nhiều người thì có lẽ vẫn còn vãn hồi được”.
Đậu Vũ Quân tỉnh dậy, ghi nhớ khắc sâu trong lòng những gì cha mình nói trong mộng, không dám làm điều xấu nữa.
Sau đó, ông không những không làm việc xấu nữa mà còn thường xuyên giúp đỡ rất nhiều người nghèo ở địa phương, thậm chí lập ra một “nghĩa quán” tại nhà, mời thầy giỏi đến dạy học, để tất cả những đứa trẻ nhà nghèo không có điều kiện đi học đến học. Một hôm, ông tình cờ nhặt được một túi bạc ở quán trọ, và đã đợi ở đó cả ngày, tìm người bị mất tiền để trả lại. Khi người chủ túi bạc tới, ông đã trả lại nguyên vẹn số bạc.
Một đêm nọ, Đậu Yên Sơn lại nằm mộng thấy cha. Lần này cha ông nói: “Hiện giờ con đã tích được rất nhiều đức, ông Trời sẽ ban cho con năm đứa con trai, và thọ mệnh của con cũng được kéo dài”.
Sau khi tỉnh dậy, Đậu Vũ Quân biết rằng đây chỉ là một giấc mơ, nhưng ông càng nghiêm túc tu dưỡng bản thân hơn nữa, làm nhiều việc thiện. Sau đó, vợ ông quả nhiên lần lượt sinh hạ được năm người con trai.
Đậu Vũ Quân rất coi trọng giáo dục con, thường dạy chúng thái độ đối nhân xử thế và đạo lý Thánh hiền. Năm người con dưới sự dạy dỗ của ông đều đỗ Tiến sĩ, người quê ông không ai không ca tụng, thanh danh Đậu Vũ Quân và năm người con lan truyền khắp toàn quốc.
Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 2: Đậu yên sơn dạy con
Phụ chú:
1. Nguyên văn chữ Hán:
子不學,斷機杼
竇燕山,有義方
教五子,名俱揚
2. Âm Hán Việt:
Tử bất học, đoạn cơ trữ.
Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, danh câu dương.
3. Pinyin Hán ngữ::
zǐ bù xué,duàn jī zhù
dòu yān shān,yǒu yì fāng
jiào wǔ zǐ,míng jù yáng
4. Chú giải:
(2)Mạnh mẫu (孟母): mẹ của Mạnh Tử. Bà là người thấy rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đối với một cá nhân, từ đó khích lệ Mạnh Tử phải phấn đấu chuyên cần học tập, và vì điều này mà từng chuyển nhà ba lần. Người đời sau thường dùng điển tích “Mạnh mẫu ba lần chuyển nhà” để hình dung sự giáo dục của gia trưởng đối với con trẻ, cũng như sự khổ tâm để lựa chọn cho con cái một môi trường học tập tốt.
(3)Trạch (擇): tuyển trạch, tuyển chọn, lựa chọn.
(4)Lân (鄰): láng giềng, hàng xóm.
(5)Xử (處): sinh sống, cư trú, cư ngụ.
(6)Tử (子): cách người xưa gọi con cái; ở đây là chỉ con trai Mạnh mẫu.
(7)Bất học (不學): trốn học, không chuyên tâm vào học tập.
(8)Đoạn (斷): cắt, cắt đứt.
(9)Cơ trữ (機杼): khung cửi. Cơ: khung cửi bằng gỗ. Trữ: con thoi dệt vải.
(10)Đậu Yên Sơn (竇燕山): Đậu Vũ Quân, một người sống vào thời Hậu Tấn, vì sống tại Yên Sơn nên cũng gọi là Đậu Yên Sơn. Ông cực kỳ coi trọng việc giáo dục con trẻ, và cả năm người con của ông đều đỗ đạt, đương thời gọi là “ngũ long họ Đậu”.
(11)Nghĩa phương (義方): phương pháp tốt, thường là chỉ đạo lý giáo hóa của bậc Thánh hiền.
(12)Ngũ tử (五子): năm người con.
(13)Danh (名): thanh danh, danh tiếng.
(14)Câu (俱): đều, cả.
(15)Dương (揚): được ngợi ca.
5. Câu hỏi thảo luận:
a. Việc học tập quan trọng nhất là kiên trì bền bỉ, tích lũy từng chút một qua thời gian dài thì mới có thể thành tựu. Hãy trao đổi xem bạn phân chia thời gian dành cho học tập hàng ngày như thế nào?
b. Hãy miêu tả một thành công mà bạn có được trong học tập hay cuộc sống nhờ kiên trì bền bỉ và chuyên tâm mà thành.
6. Viết đoạn văn về những điều tâm đắc:
a. Sau khi đọc xong câu chuyện này, bạn cảm thấy đâu là nguyên nhân căn bản dẫn tới sự cải biến vận mệnh của Đậu Yên Sơn?
b. Bạn biết thanh danh của Đậu Vũ Quân và năm người con lan truyền khắp toàn quốc, nguyên nhân chính là gì?
7. Đọc sách bút đàm:
Chữ Nho (儒) của Nho gia gồm chữ Nhân (人) nghĩa là người, và chữ Nhu (需) nghĩa là cần tổ hợp thành. Nội hàm của nó rất sâu sắc, có ý nghĩa là đạo lý căn bản mà con người cần, và là tài trí dùng để giúp đời. Bắt đầu từ Khổng Tử đã đặt ra tiêu chuẩn và quy phạm đạo đức mà con người sống trên đời phải thực hiện, đó là những đạo lý đối xử thiện lương với người khác như thế nào, từ gia đình cho đến ngoài xã hội.
Vì vậy, tu dưỡng cá nhân – tu thân – chính là căn bản để sau này lập thân tạo chỗ đứng trong xã hội. Nho gia giảng nhân nghĩa là quan trọng hàng đầu, là trên hết. Bất kể là ở nhà đối xử với cha mẹ, anh chị em hay là ra ngoài cư xử với người bề trên, bạn bè, cấp trên và cấp dưới, thì đều lấy tu dưỡng cá nhân làm gốc. Đó chính là cái gọi là “tu thân, tề gia”, sau đó mới đến “trị quốc, bình thiên hạ”. Xử lý các mối quan hệ gia đình và xã hội, những người và sự việc có liên quan thì mặc dù nội dung khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, thân phận và quan hệ khác nhau, lễ nghi cũng khác nhau, nhưng mục đích căn bản là hiểu được đối xử thiện lương với người khác thì đều như nhau.
Tiên sinh Vương Ứng Lân đã vén màn sương mù của các kinh điển Nho gia mênh mông như biển khiến người ta hoa mắt rối loạn, trực tiếp đưa thẳng vào trong nội dung bài đầu tiên, nói rõ ràng rành mạch rằng giữ được bản tính thiện lương khi mới sinh ra mới chính là mục đích căn bản, hạt nhân căn bản của giáo dục Nho gia. Đây cũng là mạch trung tâm của “Tam tự kinh”. Bất kể là nội dung liên quan có rộng lớn như thế nào, cũng đều triển khai xung quanh việc dạy dỗ nhân tính thiện lương.
Vì vậy, bài thứ 2 đề cập đến một ví dụ cụ thể về giáo dục gia đình: điển cố Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà. Điển cố này trong giới giáo dục đương đại Nhật Bản thì ai ai cũng biết, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Người Nhật vì để con em nhận được ảnh hưởng tốt của môi trường nên đều học theo Mạnh Mẫu, cố ý lựa chọn hoàn cảnh giáo dục tốt để mua nhà. Ví dụ ở Tokyo, khu vực Bunkyo có các cơ sở giáo dục nổi tiếng như Đại học Tokyo… đã trở thành lựa chọn hàng đầu khi mua nhà của các bậc cha mẹ trẻ.
Tương truyền, Mạnh Mẫu đã từng ở gần khu giết mổ, khu chợ và khu mộ, bà phát hiện ra Mạnh Tử trông thấy cái gì liền học cái đó, chơi với trẻ hàng xóm các trò chơi đều là giết lợn, mua bán và mô phỏng nghi thức tang lễ. Mạnh Mẫu thấy vậy liền chuyển nhà liên tiếp 3 lần, cuối cùng chuyển đến nơi dạy học. Bà phát hiện ra Mạnh Tử bắt chước học sinh học tập, thế là bà đã định cư lại ở đó.
Câu chuyện này chứng thực ảnh hưởng vô cùng lớn của môi trường đối với trẻ em. Ảnh hưởng hậu thiên sẽ khiến bản tính thiện lương thiên bẩm xảy ra biến đổi, do đó phải chú trọng giáo dục trẻ em, để bản tính ấy không bị ô nhiễm, còn phải kiên trì thường hằng. Ngoài ra, còn cần dạy bảo trẻ phải chuyên tâm kiên trì, chớ bỏ dở giữa chừng.
Chú ý: Giáo dục ở đây không phải là giáo dục theo ý nghĩa hiện đại, mà là giáo dục đạo đức của Nho học. Các trường tư thục cổ đại dạy đọc sách, dạy học vấn thì mục đích căn bản chính là giáo dục đạo đức; học sinh khi trưởng thành có thể dùng đức thiện hóa thiên hạ, cứu giúp thiên hạ. Giáo dục quốc ngữ hiện đại của Nhật về cơ bản là kế thừa truyền thống này.