“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi mang đậm tính huyền sử của Trung Quốc, thường được giới học giả so sánh với trường ca Iliad của Hy Lạp. Bộ truyện lấy bối cảnh chiến tranh Thương – Chu, lồng vào rất nhiều yếu tố của Phật, Đạo, Thần, người, ma, chuyện quái dị, thơ, từ, ca, phú… được người đời tán thưởng không thôi. 

Từ khi “Phong Thần diễn nghĩa” ra đời vào triều Minh đến nay, nhà nhà đều biết, người người đều hay. Loạt bài “Giải mã Phong Thần” này muốn thêm một lần nữa phân tích, giải mã bộ tiểu thuyết đồ sộ này, hy vọng độc giả sẽ có được một sự tiếp nhận thẩm mỹ mới mẻ hơn, đồng thời nhận rõ được yếu tố văn hoá Thần truyền vĩ đại ẩn chứa bên trong đó. 

Xem thêm: Phần 1,  Phần 2,  Phần 3 

1. Tình anh em Vân Tiêu Tiên Tử

Ba vị tiên Vân Tiêu, Bích Tiêu, Quỳnh Tiêu tu thành khác nhau. Vân Tiêu Tiên Tử tu được cao nhất, Triệu Công Minh bị thu mất Định hải châu, đã đến chỗ 3 vị tiên mượn kéo Kim Giao Tiễn. Ba vị tiên chỉ có Vân Tiêu không muốn cho mượn, còn khuyên Triệu Công Minh không nên quản việc Tây Kỳ. Cuối cùng, dưới sự thỉnh cầu của các tiên, Vân Tiêu đã cho Triệu Công Minh mượn kéo Kim Giao Tiễn, dẫn đến cái họa sát thân của Triệu Công Minh.

Triệu Công Minh chết, Vân Tiêu vẫn không để Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu đi, sợ gây họa, nên mới cùng đi Tây Kỳ. Ba vị tiên nhìn vật nhớ tình, lại thấy Triệu Công Minh chết thảm, mới động lòng, đi tìm Lục Áp Đạo Nhân báo thù.

Lục Áp Đạo Nhân nói rõ đạo lý với Vân Tiêu, Vân Tiêu vẫn trầm ngâm không nói. Hai bên giao chiến, không thể kiềm chế được, cuối cùng bày ra trận Cửu khúc Hoàng hà, đã gây ra cái họa sát thân, có tên trên bảng phong thần.

Vân Tiêu Tiên Tử tu hành ngàn năm bị hủy trong sớm tối, đều khởi nguồn từ chút tình anh em. Một niệm không thanh tịnh, kiếp nạn đến khó thoát!

Anh em nhà Vân Tiêu tiên tử. (Ảnh minh họa dẫn theo VIP phim.net)

2. Hoàng Thiên Hóa bất kính sư môn nên gặp họa

Bốn anh em nhà Ma gia là 4 viên đại tướng của Trụ vương đánh quân nhà Chu, họ có phép thuật và khả năng đặc dị, đã vây chặt quân Chu. Hoàng Thiên Hóa là đệ tử của Đạo Đức Chân Quân phụng mệnh hạ sơn, ban đầu đánh nhau bất lợi. Đạo Đức Chân Nhân phái Bạch Vân Đồng Tử cứu nạn Hoàng Thiên Hóa, đồng thời cảnh cáo Hoàng Thiên Hóa về nhân quả trong cái nạn đó.

Hoàng Thiên Hóa mới hạ sơn, thay đổi đạo phục, ăn đồ tanh, tuy là do sơ ý, nhưng đã là phạm tội. Do đó gặp tai ương ách nạn, suýt thì mất mạng. Người tu hành bất kính sư môn, không giữ giới, nhất định bị trừng phạt, đây cũng là biểu hiện của nhân quả. Những thử thách và dạy bảo của sư phụ với đệ tử cũng như vậy.

Bảng phong thần có câu chuyện nhỏ, đã nói lên tính nghiêm túc của người xưa đối với tu hành.

3. Anh em họ Phương không đội trời chung với cái ác

Phương Bật, Phương Tướng là Trấn Điện Đài tướng quân của triều đình Thương Trụ. Khi Trụ vương giết vợ chém con, hai ông đã vùng đứng lên, bảo vệ hai vị vương tử, dẫn đầu chống lại triều đình. Hai ông dũng cảm, kiên nghị, quyết đoán đến mức Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ phải khen: “Đáng tiếc trong các quan văn võ, chẳng một ai được như Phương Bật

Phương Bật, Phương Tướng vốn là hai hai người vũ phu, thấy Trụ Vương tàn bạo liền rút dao nghĩa hiệp. Điều này nói rõ là đứng trước thử thách giữa cái sống và cái chết, thì không có liên quan đến chức vị, không có liên quan đến tiền tài, chỉ xem ai có thể đứng về chính nghĩa mà tru diệt cái ác, không đội trời chung. Phương Tướng, Phương Bật chẳng nghĩ đến sống chết, kẻ lỗ mãng vũ phu nhưng lại có bản tính thiện ác rõ ràng. Tâm tính và cảnh giới như vậy mới có thể có tên trên bảng phong thần.

Người của Triệt giáo bày ra Thập tuyệt trận, vốn là những người tu hành của 2 giáo phái đấu nhau về pháp thuật. Một kẻ phàm phu như Phương Bật rơi vào Phong hống trận (gió thét gào), bị vạn đao kiếm đâm giết. Chính là đứng trước các ác thần mà không sợ sống chết, lập tức thành thần.

4. Khương Tử Nha vạch 10 tội lớn của Trụ Vương

Khương Tử Nha đánh vào Triều Ca, trước mặt Trụ Vương vạch ra 10 tội lớn của y. 

  • Tội thứ nhất: Bất kính thượng thiên, đắm chìm tửu sắc.
  • Tội thứ 2: Phóng túng dâm loạn, bại hoại nhân luân.
  • Tội thứ 3: Khinh thường dòng dõi, quên tổ diệt tông.
  • Tội thứ 4: Nướng chết trung lương, diệt nghĩa quân thần.
  • Tội thứ 5: Giết các chư hầu, thất tín thiên hạ.
  • Tội thứ 6: Lạm dụng cực hình, oan hồn khắp chốn.
  • Tội thứ 7: Xa hoa hoang phí, vắt kiệt của dân.
  • Tội thứ 8: Không biết liêm sỉ, làm nhục vợ kẻ bề tôi, làm tiết phụ phải chết.
  • Tội thứ 9: Tàn sát sinh linh, làm hại bách tính.
  • Tội thứ 10: Mổ cắt thận người, tuyệt dòng dõi muôn họ, tàn nhẫn ác độc.

Hịch văn kể tội 10 thiên của Khương Tử Nha đã liệt kê những kiếp nạn diệt vong của vương triều, những tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể của thời cái ác tày trời, để cho người đời sau sử sách làm gương, cảnh giác với hiện thực.

Khương Tử Nha tiêu diệt hồ ly Đát Kỷ. Ảnh dẫn theo dienanh.net

5. Bảy tướng sỹ nhục thân thành thánh

Trong quá trình diệt Thương hưng Chu, có 7 dũng sỹ của Huyền môn lập công lớn nhất. Họ đều là đệ tử đời thứ 3 của Nguyên Thủy Thiên Tôn Xiển giáo, tức Lý Tĩnh, Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, Dương Tiễn, Vi Hộ, Lôi Chấn Tử. Họ xông pha sa trường giết giặc, lập chiến công lẫy lừng, rồi lựa chọn cuối cùng là về quy ẩn.

Bảy người này đã có những trải nghiệm phi thường, tài năng phi phàm, cảnh giới siêu phàm. Phú quý, công danh, tước lộc đều không phải là truy cầu của người tu hành, điềm đạm thành tính, được ban thiên mệnh đến với thế gian, hồng nguyện thực hiện xong về với núi rừng, nhục thân thành thánh.

Các câu chuyện của Na Tra đại náo biển, thân hoa sen, ba đầu sáu tay, Dương Tiễn 8, 9 huyền công, 72 phép biến hóa, Lý Tĩnh là Thác Tháp Thiên Vương ở thiên giới,  Kim Tra, Mộc Tra, Lôi Chấn Tử được truyền tụng ngàn thu muôn đời, để lại truyền kỳ kinh điển về thiên giới, hạ giới.

Người tu hành đến với nhân gian chính là có sứ mệnh thiên phú, có Thần Phật an bài, chốn nhân gian chịu muôn vàn nỗi khổ đau. Bảy tướng sỹ không hổ thẹn với sứ mệnh, nhục thân thành thần, làm tấm gương cho hậu thế.

6. Bá Di, Thúc Tề chết đói núi Thú Dương

Thương Trụ diệt, khí số hết, Chu Võ Vương trên đường trở về Tây Kỳ gặp hai đạo sỹ (Bá Di, Thúc Tề), nghe nói triều Thương đã mất, liền phất tay áo mà đi, không ăn thóc nhà Chu, chết đói trên núi Thú Sơn.

Hai đạo sỹ Bá Di, Thúc Tề, ghi nhớ đạo đức Thành Thang, đã không trợ giúp Trụ Vương làm ác. Là thảo dân, nhưng ghi nhớ tinh thần đạo đức vương đạo, lấy thân mình tuẫn tiết với triều cũ. Hai ông không giống Cơ Tử, Vi Tử, Tỷ Can và Thương Dung và cũng khác với các cựu thần theo Cơ Tử bỏ đi, cũng khác với võ tướng chết trên sa trường. Họ chỉ lấy thân phận là con dân của triều Thương lựa chọn cái chết, đi theo vương triều và tinh thần đã qua. Trung với cái cũ mới có thể lập cái mới, thời đại thay đổi lớn, họ có lý do tồn tại.

Một triều hết, một triều mới, quan quân dân mỗi người có mối nhân duyên của mình, sống sống chết chết, mỗi người có mệnh riêng, chẳng phải việc mà con người có thể biết hết được, ý trời thực đã có an bài riêng.

7. Khí tượng vương giả của nhà Đại Chu

Triều Chu thịnh thế 800 năm, là vương triều huy hoàng thực sự đúng nghĩa đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, kế thừa các đời trước, mở ra cho các đời sau, ảnh hưởng sâu xa, là thời đại quan trọng nhất đặt ra nền móng cho văn hóa, thể hiện ra khí tượng vương giả to lớn của văn hóa Trung Hoa, trở thành hình mẫu cho các vương triều hậu thế học tập và noi theo.

Bậc thành tựu nghiệp đế vương, tất phải kế thừa cơ nghiệp tổ tiên, kính Trời, kính Thần, thuận theo lẽ trời, yêu thương con người, giữ lễ, tiết kiệm của cải, tích lũy đạo đức. Văn Vương đạo đức đã cảm ứng phượng hoàng Kỳ Sơn, khổ cực can gián vua giữ trọn bổn phận kẻ bề tôi, bị giam cầm trong ngục Dữu Lý mà vẫn nhẫn nại tâm tính, cầu hiền sông Vị Thủy.

Tranh cổ vẽ chân dung Chu Văn Vương. Ảnh dẫn theo vi.wikipedia.org

Con ông Bá Ấp Khảo biết chết vẫn cứu cha, Văn Vương có 3 phần thiên hạ nhưng vẫn không đánh Trụ. Cho đến tận khi Võ Vương  thấy thời vận thiên địa nhân lục hợp, Trụ Vương tội ác tày trời, chư hầu quy theo ông, người hiền tìm đến, binh mã đầy đủ, hào kiệt quy tụ, thần tiên giúp đỡ, thiên hạ quy tâm, mới có thể hoàn thành đại nghiệp diệt Thương trụ, thuận ứng theo số trời.

Võ Vương đánh trụ, kế thừa đạo đức cha ông, anh em cùng xông pha ra trận, chẳng sợ sống chết, quân thần đồng lòng, đau lòng trước vận mệnh anh em Ân Thị, khổ tâm trước tai ương binh đao của muôn dân ở Tây Kỳ. Thương Trụ vô đạo nên ông đã vì dân hỏi tội, dám dấn thân vào Hồng sa trận, không phải bậc quân vương đại đức, quyết chẳng làm nổi.

Võ Vương diệt trụ, thương xót trước dấu tích nơi nướng chết người, bồn bọ cạp ăn thịt người, ông không giết con của Trụ vương, phân phát hết của cải ở Lộ Đài và thóc ở Cự Kiều, thả Cơ Tử ra khỏi tù, thụy phong mộ Tỷ Can, tôn kính Thương Dung, thả người nội cung, làm lễ kính báo với trời đất, bãi bỏ võ trang chăm lo văn hóa, thả ngựa về núi Hoa Sơn, thả trâu về rừng Đào Lâm.

Thiên hạ không ai không kính phục, muôn dân lạc nghiệp, thụy thảo mọc (cỏ may mắn báo điềm lành), phượng hoàng xuất hiện, suối ngọt Lễ tuyền dâng nước, trời giáng nước cam lồ, hớn hở hòa vui, đúng là khí tượng thái bình vậy. Khương Tử Nha phụng thiên mệnh phong thần, 7 tướng sỹ nhục thân thành thánh, Võ Vương phong khắp các nước chư hầu, khai sáng kỷ nguyên mới cho Hoa Hạ. Khí tượng vương giả của Đại Chu vạn cổ hiếm thấy, ứng với đạo tam tài thiên địa nhân, khai sáng ra vương đạo huy hoàng cho hậu thế.

Lời kết

Bộ “Phong thần diễn nghĩa” với hình thức thông tục, đã để lại cho mọi người những truyền kỳ kinh điển, câu chuyện thần tiên, tội ác hành vi yêu ma, đối lập chính tà… Nhưng đằng sau những ví dụ chứng minh sinh động, điển hình, còn có nội hàm thâm sâu hơn: Chính nghĩa và đức hạnh của cuộc cách mạng Thang Võ, quá trình và khải thị của Thương Trụ phạm tội, trật tự và kiến thức phổ thông về Thần, Phật, người, yêu quái, sự lựa chọn và động cơ của cái mới thay cái cũ, khởi nguồn và truyền thừa của địa lý nhân văn, đều có diễn giải ở trong đó.

Điều quan trọng nhất hơn hết là đã nói rõ cái lý thiện ác mà mọi người lựa chọn trong cuộc cách mạng và thay đổi to lớn, đường đi của nhân quả, mối liên hệ giữa người với trời, các nhân tố thần truyền, đều là để cho tương lai, tức là thời đại chúng ta tham chiếu. Đó cũng là để người đời hôm nay, có thể từ trong điển tích lịch sử này rút ra bài học, tổng kết kinh nghiệm, thể nghiệm đạo lý, hiểu rõ thiện ác, suy nghĩ phản tỉnh, đối chiếu noi theo, trong thời đại mê loạn, biến động nhất có được sự lựa chọn quan trọng nhất, từ đó xông pha vượt qua kiếp nạn.

Muôn sự dằng dặc mê đôi mắt, luân hồi nghìn năm nhớ Thịnh Đường

Văn hóa nhà Hán Võ Mục Hồn, con cháu Viêm Hoàng lòng cảm kích

Tam giáo suy bại Mã giáo hưng, loạn tượng rối rắm người mù mịt

Đại kiếp sẽ đến người thiện tỉnh, Thần Phật vẫy gọi hồi cố hương.

(Hết)

Nam Phương biên dịch

Xem thêm: