Hiểu được bổn nguyện này của Khương Tử Nha, ta mới có thể lý giải xác đáng những hành động, suy tính của ông trong quá trình phò Chu diệt Trụ. 

Khương Tử Nha (1156 TCN – 1017 TCN) là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đã trở nên quen thuộc với đông đảo nhân dân Á Đông qua tiểu thuyết Phong Thần diễn nghĩa. Ông là khai quốc công thần của nhà Chu, phò tá Chu Võ Vương phạt Trụ, sau này trở thành chúa nước Tề, thọ tới 139 tuổi.

Như vậy, ở cõi người thì có thể nói vinh hoa phú quý của ông đã là tột đỉnh rồi, là điều mà nhiều người mơ cũng không được. Thế nhưng truyền thuyết kể lại rằng Khương Tử Nha miễn cưỡng mới phải làm công hầu khanh tướng, bản thân ông chỉ muốn rũ sạch bụi trần, được đăng sơn tu luyện.

Phong Thần diễn nghĩa, hồi 15 viết:

“Nói về tại núi Côn Lôn, cung Ngọc Hư, có ông Nguyên Thuỷ làm Giáo chủ Xiển Giáo (…) Nhân khi Trụ Vương mất nước vua Võ ra đời, ông Nguyên Thuỷ được Thượng đế ủy nhiệm phong Thần, xét ông hiền, ông dữ, ngôi cao, ngôi thấp mà định đoạt.

Nguyên Thuỷ định cho học trò mình là Tử Nha xuống làm tướng, vì vậy ông sai Bạch Hạc đồng tử đi đòi Tử Nha (Khương Thượng) đến dạy việc.

Bạch Hạc đồng tử tuân lệnh đến đòi. Tử Nha ứng hầu lập tức.

Ðợi Tử Nha làm lễ xong xuôi. Nguyên Thuỷ truyền:

– Ngươi lên núi này được mấy năm?

Tử Nha thưa:

– Ðệ tử tu hồi hai mươi ba tuổi đến năm này đã được bảy mươi hai rồi.

Nguyên Thuỷ nói:

– Số ngươi thành Tiên chưa được, còn vương vấn công danh. Nay Thành Thang hết vận Tây Chu ra đời, vậy ngươi phải thay mặt ta xuống trần ra công giúp nước. Sống làm tướng, chết làm Thần, như vậy công tu luyện của ngươi mấy mươi năm trời không uổng. Còn chỗ này không phải là chỗ ngươi ở được lâu.

Tử Nha năn nỉ:

– Ðệ tử cố bỏ nhà lên núi, dốc lòng lánh tục tìm Tiên, bốn chục năm dư nguyện bỏ đời theo Đạo. Vẫn biết tu hành là khổ, muốn thành chính quả không phải một sớm một chiều, nhưng đệ tử đã theo thầy học lâu nay, xin thầy làm ơn cứu rỗi, nỡ nào đuổi đệ tử trở lại phàm trần.

Nguyên Thuỷ nói:

– Vẫn biết ý muốn ngươi như vậy, song số phần ngươi không được toại nguyện, ta biết làm sao? Thần Tiên đều một cõi như nhau, ngươi chớ tị hiềm việc ấy.

Tử Nha năn nỉ:

– Xin sư phụ thương con, tìm cách cho con được lánh cõi trần này.

Nam Cực tiên ông khuyên:

– Số ngươi đã không thành Tiên đạo mà lại từ bỏ công danh thì hai đàng đều hỏng. Chi bằng xuống giúp thế gian, sau được phong Thần rồi sẽ lên non giữ đạo mới yên.

Tử Nha không còn biết nói sao hơn, đành sửa soạn ra đi…”

Qua cuộc gặp gỡ với Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, chúng ta thấy rõ Khương Tử Nha chỉ một lòng lánh đục tìm trong, muốn vượt thoát chốn hồng trần. Ông nguyện chịu khổ tu luyện, chứ không muốn phải trở về trần gian lập công danh hiển hách. “Sinh vi tướng, tử vi Thần” là vinh hạnh cao tột của người đời, nhưng so với việc được tu luyện đắc Đạo thành Tiên, vượt ra ngoài tam giới thì không thể nào sánh được.

Hiểu được bổn nguyện này của Khương Tử Nha, ta mới có thể lý giải xác đáng những hành động, suy tính của ông trong hành trình phò Chu diệt Trụ. Một vị tướng bình thường có thể tận trung vì chủ, đó là đáng khen, bằng chứng là không ít quan tướng trung liệt của Trụ vương chết đi hồn bay lên đài Phong Thần. Tuy nhiên, Khương Tử Nha là người tu Đạo, ý chí của ông không phải để làm một trung thần nghĩa sĩ trong người thường: ông xuống núi giúp Võ vương là vì có lệnh của sư phụ, là tuân theo mệnh Trời. Vì thế, cơ bản là trong tâm ông không truy cầu chức tước quyền lực, công danh đời này của ông thì từ trước khi xuống núi sư phụ đã tiên liệu sẵn cả rồi.

Tuy vậy, không phải người tu Đạo nào cũng có thể hiểu và thuận theo ý Trời như Khương Tử Nha. Thân Công Báo chính là ví dụ điển hình của đệ tử Tiên gia ỷ vào quyền phép của mình mà dám nghịch mệnh Trời. Thân Công Báo cho rằng mình có công lực cao siêu, dày công tu luyện, thế mà Nguyên Thuỷ Thiên Tôn lại để cho Khương Thượng, một lão già tu chưa được bao lâu được đi phong Thần, vì thế nên không phục, xúi giục các đệ tử Triệt giáo phò Trụ diệt Chu. Cuối cùng, số Trời khó cưỡng, Thân Công Báo mắc lời thề bị dìm chết ở biển Bắc Hải.

Quay trở lại câu chuyện về Khương Tử Nha, ta thấy rằng ở thời đại của ông, con người cổ đại đều tín ngưỡng Thần Tiên, những đại tướng cầm quân uy quyền hiển hách nhưng khi gặp các đạo nhân đều nhún mình cung kính. Ngay đến hôn quân Trụ vương cũng biết kính trọng đạo sĩ Vân Trung Tử. Đó là vì người xưa đều hiểu người tu luyện là có thể đắc Đạo thành Tiên, siêu phàm thoát tục, đến cảnh giới cao thượng hơn cảnh giới người thường. Thời cổ đại, nếu một người nói rằng anh ta muốn tu Đạo, người khác sẽ khen ngợi anh ta là có thiện căn.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử đằng đẵng, dấu tích của Thần Phật đã dần dần phai nhạt trong tâm linh, văn hoá của loài người. Thuyết vô Thần, thuyết tiến hoá, chủ nghĩa vật chất thực dụng… khiến con người ngày nay ngày càng rời xa Thần, bài xích Thần, tôn sùng hưởng thụ vật chất. Thời nay, nếu một người nói anh ta đang tu luyện, rất có thể người khác sẽ ôm bụng cười, cho rằng thần kinh anh ta có vấn đề. 

Nhiều người hiện đại lấy công danh lợi lộc làm thước đo chất lượng cuộc sống, mà không nghĩ rằng có thể đề cao tiêu chuẩn đạo đức, thăng hoa cảnh giới tinh thần mới là vinh diệu vĩnh hằng của sinh mệnh. Nếu Khương Tử Nha có tái sinh vào thời đại hôm nay, hy vọng rằng ông vẫn nhớ tâm nguyện ban sơ của mình, đắc chính Pháp, phản bổn quy chân.

Video: Câu chuyện nhà tâm linh phương Đông và cuộc hành trình tìm kiếm kì lạ

videoinfo__video3.dkn.tv||2fc53753a__