Trong lịch sử, có một nàng công chúa Đại Đường được người dân Tây Tạng tôn kính coi là hóa thân của Lục Độ Mẫu, tức Bồ Tát Đa-la trong Phật giáo Tây Tạng. Nàng cũng là một trong Mật Tông Tam Thánh, người đã góp phần chấn hưng Phật giáo tại Tây Tạng.

Vậy nàng là ai, và câu chuyện bén duyên với Tây Tạng của nàng có gì đặc biệt?

Hơn 1400 năm trước, dưới sự trị vì của Hoàng đế Đường Thái Tông, Đại Đường bước vào một thời kỳ thịnh trị. Cùng lúc ấy trên cao nguyên Tây Tạng, vương quốc Thổ Phồn cũng phát triển hưng thịnh chưa từng có. Quốc vương Thổ Phồn là Tùng Tán Cán Bố muốn cùng Đường triều kiến lập quan hệ hữu hảo, nên đã nhiều lần cử sứ thần tới thăm Trường An.

Không chỉ dừng lại ở quan hệ bang giao, Tùng Tán Cán Bố còn cử đại tướng Lục Đông Tán mang theo 5.000 lượng vàng cùng hàng trăm hòm châu ngọc, vượt qua hàng ngàn dặm thảo nguyên tới Trường An để cầu hôn công chúa Đại Đường.

Câu chuyện cầu hôn kỳ lạ của quốc vương Thổ Phồn

“Tân Đường Thư” ghi chép, năm Trinh Quán thứ tám (năm 634), Tùng Tán Cán Bố cử sứ thần đến nhà Đường yết kiến.

Trước đó, vì nghe nói Đột Quyết và Thổ Cốc Hồn đều thành thân với Đại Đường, nên Tùng Tán Cán Bố cũng cầu hôn một nàng công chúa, tiếc là đã bị Đường Thái Tông cự tuyệt. Sứ giả trở về Thổ Phồn thưa rằng: “Quốc vương Thổ Cốc Hồn vào triều ly gián, vì vậy thảo luận thông hôn bất thành”.

Tùng Tán Cán Bố nổi trận lôi đình đã đem quân tấn công Thổ Cốc Hồn, khiến Thổ Cốc Hồn không trụ nổi buộc phải rút về Thanh Hải. Đường đường là người đứng đầu vương triều, chỉ vì muốn thành thân với công chúa Đại Đường mà đã cử hai mươi vạn đại quân, truân binh tiến về Tùng Châu, chỉ vây thành nhưng không công đánh. Đồng thời, ông lại sai sứ giả vận chuyển kim ngân châu báu, lụa là gấm vóc đến Trường An, gọi đó là sính lễ cầu hôn, kèm theo lời nhắn: “Nếu như đại quốc không gả công chúa, thì ta chỉ còn cách tấn công vào thành”.

Đường đường là người đứng đầu vương triều, chỉ vì muốn thành thân với công chúa Đại Đường mà đã cử hai mươi vạn đại quân, truân binh tiến về Tùng Châu, chỉ vây thành nhưng không công đánh. (Ảnh: wikipedia.org)

Đường Thái Tông vì chấn nhiếp di bang mà phái quân binh đánh bại Thổ Phồn, khiến Tùng Tán Cán Bố càng thêm ngưỡng mộ thiên uy, ra lệnh dẫn binh thoái lui, đồng thời sai sứ giả đến tạ tội, một lần nữa lại xin cầu hôn ước. Vì muốn ổn định biên cương, khai hóa man di, Đường Thái Tông đã đồng ý với điều kiện rằng…

Vượt qua thử thách

Tương truyền, khi ấy ở Trường An có tới 5 vị sứ giả cùng mang theo ngọc ngà châu báu và lễ vật quý hiếm để xin được làm rể Đại Đường. Ai trong số họ xứng đáng kết duyên cùng công chúa? Đường Thái Tông quyết định đưa ra thử thách giữa các vị sứ thần.

Thử thách đầu tiên, Đường Thái Tông cho người mang ra viên ngọc “Cửu khúc minh châu” và một sợi tơ, rồi nói: “Ai trong các vị có thể luồn sợi tơ này qua viên ngọc, sẽ được diện kiến công chúa Đại Đường”.

Trong viên ngọc “Cửu khúc minh châu” có hai lỗ thông nhau, giữa chúng là một đường cong khúc khuỷu, khó có thể luồn sợi tơ vào được. Trong khi các vị sứ giả bối rối không biết phải làm gì, thì sứ giả Thổ Phồn là Lộc Đông Tán đã nhanh chóng tìm được đáp án. Ông buộc sợi tơ vào con kiến để nó chui qua các lỗ trên viên ngọc, trong phút chốc đã giải được câu đố của vua Đường.

Trong thử thách thứ hai, Thái Tông lại mời các sứ thần tới bãi ngựa, gồm 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con, và yêu cầu họ phải ghép ngựa mẹ đúng với ngựa con tương ứng. Lần này, cũng duy nhất chỉ có Lộc Đông Tán tìm được. Ông nhốt riêng ngựa con vào một nơi và không cho ăn uống. Sau đó, ông lại thả ngựa con trở về. Ngựa con vì quá đói khát đã nhanh chóng chạy đi tìm mẹ, việc nhận ra từng cặp mẹ con thật là đơn giản.

Cứ như vậy, Lộc Đông Tán đã vượt qua các thử thách còn lại một cách dễ dàng. Trong số các sứ thần yết kiết, riêng sứ thần Thổ Phồn nổi bật là người thông minh cơ trí, ắt hẳn quốc vương của họ cũng không phải là bậc quân vương bình thường. Vì thế Hoàng đế Đường Thái Tông đã quyết định gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Cán Bố.

Lộc Đông Tán đã vượt qua các thử thách còn lại một cách dễ dàng Lộc Đông Tán khiến Hoàng đế Đường Thái Tông đã quyết định gả công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Cán Bố. (Ảnh: wikipedia.org)

Của hồi môn độc nhất vô nhị của Văn Thành công chúa

Văn Thành công chúa gả cho Tùng Tán Cán Bố có thể nói là một sự kiện trọng đại của cả Đại Đường và Tây Tạng. Hoàng đế Đường Thái Tông vì tình giao hảo giữa hai nước mà đã ban cho công chúa của hồi môn đặc biệt tôn quý, khiến 100 người nhìn thấy thì 99 người phải tôn kính bái lạy.

Vậy của hồi môn ấy có gì đặc biệt?

Nàng là đương kim công chúa hoàng triều, là cháu gái của Hoàng đế Đường Thái Tông. Mỗi một công chúa xuất giá đều được gửi gắm vào những nơi tôn quý, vinh hoa phú quý cả một đời. Nhưng lần này, hôn nhân đại sự của Văn Thành công chúa là chuyện giữa hai quốc gia, phải dấn thân đến vùng đất hoang vu xa xôi vạn dặm, thực là chặng đường vô cùng khắc nghiệt. Với công chúa, tình thế lúc ấy thật ngặt nghèo:

– Nàng phải xuất giá đến một nơi xa xôi vạn dặm, rời xa cố hương, cả đời cũng không mong có ngày gặp lại cha mẹ.

– Tùng Tán Cán Bố là người Thổ Phồn, ngôn ngữ bất đồng, văn hoá bất hợp, thói quen sinh hoạt cũng hoàn toàn khác với Đường triều.

– Gả đến Thổ Phồn sẽ đơn thân vò võ, nếu may mắn nhận được sự sủng ái của Tùng Tán Cán Bố thì một đời hạnh phúc, ngược lại thì sẽ thê lương chết nơi đất khách quê người.

Văn Thành công chúa không phải là một nữ nhân tầm thường, nếu như số mệnh phải gả đến Thổ Phồn không thể thay đổi, thì chỉ còn duy nhất một con đường, đó là làm tốt vai trò vương hậu, nhận được sự kính trọng từ Tùng Tán Cán Bố. Vậy làm thế nào một nàng công chúa 17 tuổi có thể thực hiện điều này? Đó chính là hai yếu tố:

Yếu tố thứ nhất, đó là thân phận Công Chúa Đường Triều.

Và yếu tố còn lại là gì? Chính là, của hồi môn vừa phải thể hiện vương vị cao quý của Văn Thành, vừa đủ uy lực khiến Thổ Phồn phải nể trọng.

Nói về món hồi môn mà Đường Thái Tông chuẩn bị cho Văn Thành công chúa, không thể không nhắc đến một bảo vật vô giá, đó là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mười hai tuổi. Đó là bức tượng vô cùng trân quý, được tạo tác bằng cách dùng Thiên Giới Ngũ Bảo luyện đúc thành khuôn, sau đó chế thành tượng Phật màu hoàng kim. Tượng Phật một tay làm động tác định ấn, một tay ấn hướng xuống đất, biểu thị sự trang nghiêm của nhà Phật.

Để rước pho tượng đặc biệt này về Thổ Phồn, Đường triều đã đặc biệt phái hai vị lực sĩ Võ Cát và Lạp Cát đẩy xe. Tượng Phật được đặt trên xe, băng rừng lội suối vượt qua hành trình dài hàng ngàn dặm, từ Trường An đi thẳng đến Thổ Phồn.

Ngoài tượng Phật còn có:

– Một số lượng lớn người biết kỹ thuật làm nông, thợ mộc, lang trung, dược sư… Họ mang theo hạt giống lương thực đến các khu vực đất đai màu mỡ của cao nguyên, đem nền văn minh tiên tiến của Đại Đường truyền bá đến Thổ Phồn.

– 360 quyển kinh thư – kinh điển, 100 loại phương thuốc trị bệnh, 4 loại y học luận giả, 5 loại phương pháp chẩn đoán, 6 loại dụng cụ y tế…

– Một số lượng lớn vàng, ngọc, trân bảo.

Đường Thái Tông ban tặng tượng Phật là có thâm ý, có lẽ ngài muốn giúp Thổ Phồn mở mang Phật Pháp chính thống, truyền đạt và lưu lại ở Thổ Phồn. (Ảnh: todayonhistory.com)

Văn Thành công chúa cùng tượng Phật đi vào Tây Tạng, hoàng đế nhà Đường mệnh lệnh cho quan phủ men theo dọc đường đi mà sửa đường, bắc cầu, tạo thuyền, chế bè, xây dựng Phật đường, khai khẩn thông đạo. Văn Thành công chúa đã không phụ sứ mệnh, tích cực truyền bá rộng rãi nền văn minh Trung thổ. Toàn bộ cuộc hành trình nàng đã đem văn hoá Hán Đường truyền bá, lưu lại rất nhiều thắng tích và truyền thuyết về sau này. Quả thật, Đường Thái Tông ban tặng tượng Phật là có thâm ý, có lẽ ngài muốn giúp Thổ Phồn mở mang Phật Pháp chính thống, truyền đạt và lưu lại ở Thổ Phồn.

Văn Thành công chúa tiến vào Tây Tạng, mang theo đội ngũ hùng hậu. Các nhạc sư Hán tộc diễn tấu những bản nhạc lưu hành nhất trong cung đình nhà Đường. Tùng Tán Cán Bố trời sinh rất có cảm hứng âm nhạc, vì vậy lựa chọn những thiếu niên, thiếu nữ có tư chất thông tuệ, học hỏi âm nhạc nhà Hán, dần dần dẫn nhập vào Thổ Phồn.

Tùng Tán Cán Bố còn vì Văn Thành công chúa hiền thục đa tài mà ban thưởng Bố Đạt Lạp Cung. Trải qua hai lần mở rộng kiến trúc vào thế kỷ 17, đã lưu lại một lượng lớn bích họa, gồm có “Đường Thái Tông ngũ nạn Thổ Phồn hôn sử” của Lộc Đông Tán, những gian nan hiểm trở mà Văn Thành công chúa gặp phải khi vào Tây Tạng, và sau khi nàng đến đây đã được sự chào đón hoan nghênh như thế nào. Còn có Tùng Tán Cán Bố tu thân ngồi thiền trong phòng. Văn Thành công chúa cũng từng thiết kế và hỗ trợ xây dựng Đại Chiêu Tự và Tiểu Chiêu Tự, vì người dân Tây Tạng mà phát dương Phật Pháp cho đến ngày nay.

Theo Soundofhope
Thanh Bình biên dịch