Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Có thể bạn đã từng nghe nói rằng trên Trái Đất có một đường vĩ độ thần bí, 31 độ vĩ Bắc. Gần đường này, những hiện tượng bí ẩn, kỳ lạ luôn xuất hiện thường xuyên.

Các kim tự tháp Ai Cập, Tam giác quỷ Bermuda, Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên và Thần Nông Gia ở Hồ Bắc, nơi những dã nhân xuất hiện đều nằm gần đường vĩ độ này. “Biển Chết” ở Jordan, nơi có mực nước biển thấp nhất trên lục địa, và đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất, cũng ở 31 độ vĩ Bắc. Một số con sông nổi tiếng nhất thế giới như sông Nile, cái nôi của nền văn minh Ai Cập, một trong bốn con sông chảy ra từ Vườn Địa Đàng trong Kinh Thánh, sông Euphrates ở hai lưu vực sông Trung Đông, sông Trường Giang, sông mẹ của Trung Quốc, và con sông Mississippi dài nhất nước Mỹ cũng đổ ra biển gần vĩ độ này.

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta hôm nay cũng là thành viên của câu lạc bộ “31 Độ Vĩ Bắc” thần bí. Đỉnh núi độc đáo nhất trên Cao nguyên Tây Tạng, núi Kailash, 31 Độ Vĩ Bắc chạy xuyên qua giữa núi.

“Vua của núi thiêng”

Núi Kailash là đỉnh chính của dãy núi Gangdis ở vùng Ali của Tây Tạng, chỉ cao hơn 6.000 mét so với mực nước biển, có thể nói, nó không dễ thấy giữa những đỉnh núi cao khoảng bảy tám ngàn mét. Tuy nhiên, trong số những danh sơn của cao nguyên Tây Tạng, nó lại được tôn kính nhất, có địa vị cao nhất. Ngày nay, với công nghệ phát triển cao, ngay cả đỉnh Everest cao 8.848 mét cũng trở thành địa điểm du lịch của những người giàu có, chỉ cần họ sẵn sàng chi tiền là có thể lên tới đỉnh. Tuy nhiên, riêng núi Kailash thì cho đến nay vẫn chưa có ai leo lên đỉnh thành công.

Bởi vì người Tây Tạng địa phương tương truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác rằng núi Kailash là “Thần sơn chi vương”, tức là vua của những ngọn núi linh thiêng, không thể bị quấy rầy. Đó là “ngọn Núi Thánh” được sùng bái bởi bốn tôn giáo lớn trên cao nguyên Tây Tạng, bao gồm Bổn giáo, tôn giáo bản địa của người Tây Tạng, Ấn Độ giáo và Jain giáo lưu truyền ở phía nam, và Phật giáo. Trong “Tam giới vũ trụ quan” của Bổn giáo, trung tâm của vũ trụ chính là Kailash. Ấn Độ giáo tin rằng Kailash là nơi ở của chủ Thần Shiva, Jain giáo tin rằng Kailash là nơi mà nhà sáng khởi Rishabhadeva của họ đã tu luyện đắc đạo, và Phật giáo tin rằng Kailash là biểu tượng của “Núi Tu Di” ở trung tâm vũ trụ, là sự liên kết thần thánh giữa thiên-địa-nhân, là cầu thang thông lên thiên đường.

Điều đáng ngạc nhiên là nhìn từ phía nam, có một cầu thang thẳng đứng ở giữa bức tường núi Kailash, cùng với khối đá nằm ngang tạo thành một hình chữ Vạn 卐 rất rõ ràng và to lớn.

Theo kinh Phật “Kim Cương Kinh”, chữ Vạn 卐 là một trong 32 biểu tượng của vị Chuyển Luân Thánh Vương thống trị thế giới. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có chữ Vạn 卐 trang trọng trên ngực. Ở Nhật Bản, ký tự chữ Vạn “卍” đại biểu cho Phật pháp, biểu tượng bên trái tượng trưng cho tình yêu và nhân từ, còn biểu tượng bên phải tượng trưng cho trí huệ và sức mạnh. Vì vậy ký tự chữ Vạn “卍” này về cơ bản là biểu tượng của Đức Phật, tượng trưng cho trí huệ và lòng từ bi của Đức Phật. Vậy thì, một hình chữ vạn khổng lồ được nhìn thấy trên núi Kailash có thể được coi là biểu tượng cho địa vị “ngọn núi thánh” của nó không?

Không chỉ được tôn kính trong tín ngưỡng của người Tây Tạng, núi Kailash còn có địa vị đặc biệt trong tín ngưỡng của người Hán. Đây được coi là ngọn núi thần thánh nhất, và cũng thần bí nhất của dân tộc Trung Hoa, núi Côn Luân, cũng đã được cơ quan thẩm quyền chính thức chứng nhận.

Kể từ khi xuất hiện hoa lệ cùng với hồ Dao Trì của Tây Vương Mẫu trong “Sơn Hải Kinh”, núi Côn Luân đã được coi là ngọn núi thánh của dân tộc Trung Hoa, là nơi sở tại của long mạch Trung Hoa, nơi khởi nguyên của nền văn minh, là cầu nối liên thông giữa trời và đất. Sau này, Phật giáo truyền bá về phương Đông, người ta căn cứ theo thuyết pháp trong Kinh Phật, đã gọi núi Côn Luân là núi A Nậu Đạt. Trong hàng ngàn năm, mọi người đều muốn biết ngọn thần sơn này rốt cuộc là ở đâu, nhưng chưa bao giờ có đáp án chắc chắn. Họ chỉ có thể mơ hồ đoán rằng đó hẳn là một trong những ngọn núi cao ở Tây Tạng. Tuy nhiên, sơn cao thủy viễn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên việc khảo sát thực địa rất khó làm.

Phải đến năm Khang Hy thứ 56 (1717), chính quyền nhà Thanh mới tổ chức cuộc khảo sát trắc địa đầu tiên ở vùng Ali của Tây Tạng, và lập bản đồ chính xác các ngọn núi, hồ và sông ở đó trên các bản đồ được đánh dấu bằng kinh độ và vĩ độ. Năm 1721, phiên bản tiêu chuẩn của bản đồ quốc gia “Bản đồ đế quốc Khang Hy” được xuất bản. Trên đó, núi Kailash được đánh dấu rõ ràng và được đặt tên là “Gangdis Alin”. Vào năm thứ 59 dưới thời trị vì của Khang Hy, hoàng đế Khang Hy trong một lần triệu tập cửu khanh đại thần đến đàm đạo, mới chính thức đặt tên núi Kailash là Núi A Nậu Đạt, còn được gọi là núi Côn Luân.

Vì địa vị thần thánh phi thường của mình, nên qua hàng ngàn năm, không ai dám quấy rầy núi Kailash. Người ta nói rằng chỉ có một người có thể lên tới đỉnh núi thành công. Ông là một trong những nhân vật huyền thoại vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng, sống vào thế kỷ 11, tôn giả Milarepa.

Ai có thể lên tới đỉnh núi?

Có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi ở Tây Tạng, rằng Milarepa và Naruo Benqiong, một sư phụ của Bổn giáo đã có một cuộc thi giao hữu dưới chân núi Kailash, ước định rằng ai leo lên đỉnh núi Kailash trước, đó chính là người thắng lợi. Khi Naruo Benqiong ngồi trên trống bay lên đỉnh núi, Milarepa đã ngồi xuống, bắt đầu đả tọa thiền định. Tuy nhiên, ông đã rất nhanh bay lên không trung, cưỡi những tia nắng Mặt Trời để lên đỉnh núi và giành chiến thắng trong cuộc đua. Ông rắc một nắm tuyết lên đỉnh một ngọn núi gần đó, nói rằng ông sẽ tặng ngọn núi này cho dân chúng của Bổn giáo, đó chính là ngọn núi thánh “Bönri” trong Bổn giáo.

Trong hơn chín trăm năm, không ai dám leo lên ngọn núi thiêng này. Mãi đến năm 1926, vận động viên leo núi người Anh Hugh Ruttledge mới quyết định thách thức nó. Nhưng ngay khi mọi thứ đã sẵn sàng, thì tuyết rơi dày đặc che phủ các ngọn núi khiến ông phải trở về nhà. Năm 1936, vận động viên leo núi người Áo Herbert Tichy cũng muốn thử sức mình. Nhưng một lãnh đạo địa phương đã nói với ông điều này: “Chỉ có người hoàn toàn không có tội nghiệt mới có thể leo lên núi Kailash, và thực sự không cần phải trèo lên những tảng băng dốc để làm điều đó – anh ta chỉ cần biến mình thành một con chim và bay lên đỉnh núi.” Nghe xong, Tichy đã im lặng thu dọn đồ đạc và quay về nhà.

Năm 1985, vận động viên leo núi người Ý Reinhold Messner, được mệnh danh là “Hoàng đế leo núi”, đã đến chân núi. Messner thật đáng khâm phục, ông ấy là người leo núi đầu tiên trên thế giới leo thành công đỉnh Everest mà không cần mang theo bình dưỡng khí. Hơn nữa, ông còn chinh phục tất cả 14 đỉnh núi cao trên 8.000 mét trên Trái Đất mà không cần dùng bình dưỡng khí. Ông được mệnh danh là nhà leo núi vĩ đại nhất trong lịch sử.

Sau khi điều tra tại chỗ, Messner cho biết việc leo núi Kailash không khó, và những người leo núi giỏi có thể dễ dàng xử lý được. Tuy nhiên, thật bất ngờ, cuối cùng ông đã bỏ cuộc mà không rõ lý do. Người ta chỉ biết rằng, cuối cùng ông đã đi theo những người Tây Tạng địa phương đi vòng quanh núi Kailash hai lần rồi lặng lẽ rời đi, để lại lời nhắn rằng lý do ông bỏ cuộc là vì việc sử dụng các thiết bị leo núi như đế đinh, rìu băng để “chinh phục” ngọn núi Thánh huyền bí có một không hai này là một điều báng bổ.

Đi vòng quanh ngọn núi thánh này là một cách hành hương của những tín đồ Phật giáo Tây Tạng, là để tiêu trừ tội nghiệp, tích lũy phúc đức. Những tín đồ sùng đạo hơn cũng sẽ đi một bước lạy một bước, toàn thân bò quỳ xuống, để thể hiện tấm lòng kiền thành đối với Phật pháp.

Ngọn núi thần này phải chăng là kim tự tháp?!

Năm 1999, bác sĩ người Nga Ernst Muldashev cũng đến chân núi cùng đoàn khảo sát của mình. Đội của ông đã đạt được những thành quả ngoài mong đợi. Tuy nhiên, do không để ý đến lời khuyến giới của người dân địa phương, nên một số thành viên trong đội đã gặp phải sự cố bất ngờ.

Năm 1998, Muldashev tình cờ nhìn thấy bức ảnh chụp núi Kailash. Chỉ sau một cái nhìn, ông đã thốt lên: “Đây không phải là một ngọn núi, mà là một kim tự tháp!”

Một năm sau, ông đến cùng một đội thám hiểm khoa học bao gồm các nhà địa chất và sử học. Họ cắm trại dưới chân núi trong vài tháng, tiến hành nhiều cuộc điều tra khác nhau, và cuối cùng xác định rằng núi Kailash là một kim tự tháp nhân tạo, cũng có thể nói là kim tự tháp lớn nhất thế giới.

Không chỉ vậy, họ còn phát hiện hơn một trăm kim tự tháp nhỏ hơn và nhiều di tích khác nhau xung quanh núi Kailash, trong đó có những bức tượng người khổng lồ. Những kim tự tháp này được cho là nhỏ khi so với núi Kailash, kỳ thực, chiều cao của chúng nằm trong khoảng từ 100 mét đến 180 mét, tương đương với kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập, Kim tự tháp Khufu cao 149 mét. Sự khác biệt là ở Ai Cập chỉ có hai kim tự tháp có cùng kích thước với Kim tự tháp Khufu, nhưng ở đây có hơn một trăm kim tự tháp, quy mô thật đáng kinh ngạc.

Gương thời không?

Mặc dù toàn bộ quần thể kim tự tháp vô cùng cổ lão, nhưng bị tổn hại cũng rất nặng nề. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, vẫn có thể nhận ra được đường nét của chúng. Đội khảo sát có thể thấy rõ rằng chúng được xây bằng đá, một số tảng đá có kết cấu mặt lồi và mặt lõm, chúng được gọi là gương đá. Sườn phía tây và phía bắc của núi Kailash là cái gương lớn nhất, có hình dạng lõm rõ rệt, và cao khoảng 1.800 mét.

Chiếc gương lõm này rất giống với chiếc gương thời gian không gian được nhà khoa học người Nga Zerkalo Kozyreva phát hiện. Những chiếc “gương” này được gọi là Gương Kozyrev, có tác dụng nén lại hoặc kéo dài thời gian. Kozyrev đã sử dụng loại gương này để tiến hành một loạt thí nghiệm “tri giác siêu cảm quan”, có thể đạt được sự truyền tải ý thức, du hành xuyên thời gian và không gian, v.v. Trong một trong những thực nghiệm với chiếc gương cao 23 mét của mình, những người thực nghiệm bước vào gương rõ ràng đều biểu hiện mệt mỏi. Một số nhìn thấy đĩa bay, hình ảnh thời thơ ấu, và những hình ảnh kỳ lạ khác.

Vậy nó sẽ có tác động gì đến con người khi gương đạt tới độ cao 1.800 mét? Ông Murdashev cho biết, thể nghiệm của họ là thời gian bị nén lại. Trải qua thời gian 12 giờ ở đây có cảm giác như trải qua hai tuần, tóc và móng tay chân rõ ràng phát triển với tốc độ chóng mặt. Không chỉ vậy, ở trong quần thể kim tự tháp, họ không hề thèm ăn, chỉ cần ăn một chút đường để tồn tại, sự thèm ăn của họ chỉ phục hồi trở lại sau khi thoát ra khỏi đó. Trong sâu thẳm, dường như có một năng lượng vô hình nào đó đang chảy ở đó.

Vậy tại sao họ lại chắc chắn đây không phải là những đỉnh núi tự nhiên? Bởi vì những kim tự tháp này về cơ bản là kết cấu dạng bậc thang tương tự như kim tự tháp ở Mexico, và những ngọn núi tự nhiên xung quanh chúng không có kết cấu này, nên rất dễ phân biệt chúng. Và để nghiêm ngặt hơn, họ còn sử dụng máy tính để hỗ trợ phân tích hình ảnh, nên kết quả có độ tin cậy cao hơn.

Muldashev cuối cùng kết luận rằng những kim tự tháp này được xây dựng bởi các nền văn minh cổ đại tiên tiến, thời điểm có thể là từ 1 triệu năm trước. Nó là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống kiến trúc tượng đài cổ đại, được kết nối với các kim tự tháp lớn trên Trái Đất như kim tự tháp Ai Cập và kim tự tháp Mexico, đồng thời cũng có liên hệ ngàn tơ vạn mối với một số di tích thời tiền sử khác.

Ví dụ, khoảng cách từ bãi đá Stonehenge ở Anh đến núi Kailash là khoảng 6.666 km, tương tự độ cao tính theo mét của núi Kailash, và đây cũng chính xác là khoảng cách từ núi Kailash đến Bắc Cực. Khoảng cách từ núi Kailash đến Nam Cực lại vừa vặn gấp đôi con số này. Và khoảng cách giữa các kim tự tháp Ai Cập và núi Kailash cũng gần bằng khoảng cách giữa các kim tự tháp Mexico và Đảo Phục Sinh. Thật là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc.

Sự trừng phạt của Thần Núi

Không chỉ vậy, Muldashev còn nhận định rằng vẫn có người sống trên ngọn núi này. Ông kể: “Vào những đêm yên tĩnh, những tiếng thở kỳ lạ thường phát ra từ lòng núi”. “Một đêm nọ, tôi và đồng nghiệp nghe rõ ràng tiếng đá rơi, mà đây chắc chắn là âm thanh phát ra từ bên trong (núi).”

Nhiều người cho rằng ông có chút dị tưởng. Nhưng có người lại ủng hộ, cho rằng trên núi Kailash có một cảnh quan thiên nhiên không thể giải thích được, chính là phía núi có ánh nắng thì quanh năm phủ đầy tuyết, còn phía có bóng râm thì quanh năm không tích tuyết. Ngay cả khi nó bị tuyết bao phủ, nó sẽ tan nhanh chóng ngay khi Mặt Trời ló dạng. Nói cách khác, nhiệt độ ở phía núi có bóng râm luôn cao hơn nhiệt độ ở phía có nắng, điều này hoàn toàn trái ngược với quy luật tự nhiên.

Tại sao chuyện này xảy ra? Phải chăng có sự phân bổ nhiệt độ bất thường bên trong ngọn núi này là do có người cư ngụ, và một số hoạt động của họ khiến nhiệt độ ở phía bóng râm của ngọn núi tăng lên?

Không những vậy, Muldashev còn tin rằng không chỉ bên trong núi, mà còn có người ở bên dưới ngọn núi. Bởi vì họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ một số Lạt Ma địa phương trong quá trình khảo sát. Các vị Lạt Ma cho biết, theo các tài liệu cổ, núi Kailash cũng là lối vào Shambhala thông với thế giới dưới lòng đất. Có hai thành phố dưới lòng đất ở khu vực gần núi Kailash, được gọi là Shambhala và Agartha, là những nhánh của nền văn minh nhân loại. Toàn bộ thế giới dưới lòng đất có hơn 120 thành phố, giữa chúng đều có địa đạo liên kết với nhau. Những người trên mặt đất có thể thông qua một số hang động thâm sơn ẩn mật để đến thế giới địa hạ bí ẩn này. Trong đó có tính biểu tượng nhất là Kim tự tháp Giza ở Ai Cập, núi Shasta ở Bắc California và dãy núi Gangdese nơi có núi Kailash.

Nói xong, các vị Lạt Ma cũng cảnh báo không nên ở trên núi quá lâu, đặc biệt không được tùy tiện trèo lên, nếu không sẽ bị Thần Núi trừng phạt. Bốn thành viên đoàn khảo sát khoa học không quá coi trọng lời nói của Lạt Ma, và bắt đầu leo ​​lên. Kết quả là sau khi trở về nhà, họ bắt đầu sốt nhẹ, tứ chi vô lực. Sau đó, chỉ trong thời gian một năm rưỡi, họ lần lượt qua đời.

Sau khi Murdashev tiết lộ sự việc này, toàn giới leo núi đều bàng hoàng. Sau này không còn ai dám quấy rầy núi Kailash nữa.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch