Quan sát tinh tế những thay đổi của giá rượu Mao Đài, chuyên gia cho rằng, một chai Mao Đài nhỏ có thể phản ánh hai điều rất quan trọng, đó là mức độ sôi động của nền kinh tế và sự tăng giảm của giá trị tài sản.

Bước sang năm 2024, giá rượu Mao Đài (Moutai) ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Trong số đó, giá lẻ loại Phi Thiên Mao Đài (飞天茅台) giảm từ khoảng 2.710 nhân dân tệ xuống còn khoảng 2.080 nhân dân tệ.

Theo từ điển bách khoa của Baidu Trung Quốc, Mao Đài là loại rượu đặc sản truyền thống của Trung Quốc. Nó là một trong ba loại rượu chưng cất nổi tiếng nhất thế giới, cùng với rượu whisky của Scotland và Cognac của Pháp. Năm 1996, nghề thủ công làm rượu Mao Đài được xác định là bí mật quốc gia và được bảo vệ. Năm 2001, nghề thủ công truyền thống làm rượu Mao Đài đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa vật thể quốc gia của Trung Quốc. Người Trung Quốc rất tự hào và thường xuyên sử dụng loại rượu này trong những dịp đặc biệt.

Tại sao rượu Mao Đài lại giảm giá và mức giảm giá cũng rất lớn như vậy?

Một số người tin rằng Quán Đản (掼蛋) – trò chơi bài truyền thống hay còn gọi là “ném trứng” của Trung Quốc – là một phần nguyên nhân dẫn đến việc này.

Một giám đốc kinh doanh rượu Mao Đài đã nói rằng: “Trước đây, dù là tiệc công ty hay họp mặt gia đình, mọi người đều uống trong khi giao tiếp. Trung bình mỗi bàn uống gần ba hoặc bốn chai rượu trong bữa ăn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trò chơi Quán Đản (một trò chơi bài có nguồn gốc từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã trở nên phổ biến hơn. Nhiều khách hàng làm việc này trước khi ăn và ăn thật nhanh, sau đó họ dành thời gian cho trò chơi sau bữa ăn. Để giữ tinh thần minh mẫn và giành chiến thắng trong ván đầu tiên, người ta thường không thể uống hết một chai rượu trong bữa ăn.

Vậy nhưng, Tôn Lập Bình (孙立平/Sun Liping), giáo sư xã hội học và kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, tin rằng lý do thực sự khiến rượu Mao Đài khó bán và giá cả giảm là do có ít hoạt động kinh doanh hơn, và nền kinh tế không thể được phục hồi. Đổ lỗi cho trò chơi Quán Đản thì có chút không công bằng.

Gần đây, giáo sư Tôn đã đăng bài viết “Một chai Mao Đài phản ánh hai điều” trên WeChat, giải thích rõ hơn quan điểm này.

Ở đầu bài viết, giáo sư có đề cập đến điều mà ông mới đây ông đã nhìn thấy.

Có một quán trà cao cấp ở Nam Kinh, trong vòng khoảng một năm nay, khách hàng đột nhiên giảm mạnh. Ông chủ miêu tả việc kinh doanh giậm chân tại chỗ từ tháng 3/2023, không có khách hàng, và tình hình có nhiều biến động. 

Ông chủ giải thích, vấn đề đằng sau là không ai có chuyện gì để nói, để bàn luận. Chỉ còn lại những người đàn ông trung niên và lớn tuổi còn dư tiền, muốn tìm một nơi thoải mái để chơi bài nên người bán rượu buộc phải kinh doanh bằng việc tổ chức trò chơi Quán Đản. Theo lời ông chủ, trước đây mọi người không được chào đón chơi bài trong quán của ông.

Bài viết của giáo sư Tôn cũng đề cập đến lời nói của một đối tác của một hãng đầu tư mạo hiểm lớn. Ông cho biết, trước đây mỗi năm họ đầu tư hàng trăm dự án nhưng nửa đầu năm nay số dự án đầu tư của họ chỉ dừng ở mức một con số.

Ngành đầu tư mạo hiểm đã bị thu hẹp đáng kể và gần như bị đình trệ. Điều này cũng có thể phần nào phản ánh tình hình kinh tế hiện tại.

Giáo sư Tôn chỉ ra: “Vì vậy, tôi nói rằng lý do thực sự khiến doanh số bán hàng của rượu Mao Đài sụt giảm là do hoạt động kinh doanh ít đi. Điều gì đằng sau việc kinh doanh ít đi? Chính là những gì tôi liên tục nói về trong 2 năm gần đây, đó là giai đoạn co hẹp của nền kinh tế. Trên thực tế, sự phổ biến của trò Quán Đản cũng có thể là do sự co hẹp của nền kinh tế”.

Vậy chính xác thì thời kỳ co hẹp có nghĩa là gì?

Giáo sư Tôn giải thích rằng, thời kỳ co hẹp của nền kinh tế có nghĩa là động lực kinh tế đang suy yếu. Theo cách nói thông thường, điều đó có nghĩa là nền kinh tế đang gặp chút khó khăn. 

Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Nguồn vốn bị mắc kẹt trong ngân hàng, khi các công ty không mấy nhiệt tình với việc đi vay; Các công ty hoạt động kém hiệu quả, ít đơn hàng hơn và không muốn mở rộng quy mô, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng; Từ đó cũng khiến thời gian làm thêm giảm và mức tiêu thụ chậm lại. Đây là một trong những vấn đề được phản ánh trực tiếp qua sự sụt giảm giá của rượu Mao Đài.

Giáo sư Tôn tin rằng, giá rượu Mao Đài giảm cũng phản ánh một vấn đề khác, đó là việc tiêu thụ và sự suy giảm của cải trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Ông cho rằng, nói một cách thẳng thắn, ngoài nhu cầu uống trực tiếp, một nguyên nhân quan trọng khác khiến Mao Đài có doanh số bán hàng nóng trong thời kỳ kinh tế mở rộng trước đây chính là sở thích sưu tầm. Giáo sư Tôn cho biết, ông đã tìm hiểu xem tỷ lệ sưu tầm là bao nhiêu, các quan điểm không thống nhất, và cũng không cần phải xác minh chi tiết, nhưng theo lý thông thường, đó phải là một tỷ lệ đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Tôn, trong những năm gần đây, hầu hết các món đồ sưu tầm đều mất giá trị. Bảo tàng Quan Phục (观复/Guanfu) ở Mã Vị Đô (马未都/Ma Weidu) gần đây đang gặp khó khăn, đây là một ví dụ điển hình.

Trong trường hợp này, chức năng duy trì và nâng cao giá trị của rượu Mao Đài đương nhiên bị mất đi. Kết quả là Mao Đài đã mất đi một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Giáo sư Tôn kết luận: “Vì vậy, tôi nói rằng một chai Mao Đài nhỏ có thể phản ánh hai điều rất quan trọng, đó là mức độ sôi động của nền kinh tế và sự tăng giảm của giá trị tài sản”.

Số liệu thực tế cũng cho thấy GDP Trung Quốc quý II tăng chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Sáng 15/7, Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP nước này tăng 4,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này thấp hơn quý I/2023 (5,3%) và cũng không đạt dự báo của giới phân tích trong khảo sát của Reuters (5,1%). Còn so với quý đầu năm nay, GDP Trung Quốc quý II tăng 0,7% và thấp hơn dự báo (1,1%).

Thông cáo của NBS viết: “Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để vực dậy thị trường và kích thích động lực nội tại”, đồng thời kêu gọi “củng cố và tăng cường đà phục hồi kinh tế, nhằm đảm bảo phát triển bền vững”.

Các số liệu này cho thấy thách thức với giới chức Trung Quốc vẫn rất lớn. Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng 3 năm qua, nợ chính quyền địa phương tăng và chi tiêu của doanh nghiệp yếu.

Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%. Giới phân tích đánh giá đây là mục tiêu tham vọng và có thể cần tăng kích thích mới đạt được.

Cũng theo Reuters, Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 6 tăng cao hơn dự báo, 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu lại giảm 2,3%. Nhiều số liệu khác cũng cho thấy nhu cầu nội địa của nền kinh tế thứ hai thế giới đang chậm lại. Trong tháng 6, doanh số bán lẻ không đạt dự báo, khi chỉ tăng 2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2%. Trong khi nếu không tính giá năng lượng, thực phẩm, CPI lõi tăng thêm 0,6%, thấp hơn trung bình nửa đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị là 5%, không đổi so với tháng trước đó.

Dòng vốn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất trong tháng 6 cũng tăng chậm hơn tháng 5. Đầu tư vào bất động sản thậm chí giảm 10,1%. Tuy vậy, lũy kế nửa đầu năm, vốn vào tài sản cố định vẫn tăng 3,9%.