Vào mùa hè, nhiệt độ thường tăng cao trong thời gian dài. Nghiên cứu y học cho thấy, nhiệt độ cao trong thời gian dài sẽ tích lũy áp lực nhiệt lên cơ thể khiến con người tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Sự nóng bức ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người? Một thầy thuốc Trung y đã đưa ra phân tích độc quyền và giải thích tại sao một số cách giải nhiệt phổ biến có thể gây hại cho sức khỏe. 

Nhiệt độ cao không chỉ gây đau đầu, buồn nôn, say nắng mà còn gây ra các rối loạn tâm lý cho một số người.

Mùa hè năm ngoái cũng rất nóng. Theo một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố, tỷ lệ phải bệnh nhân đến phòng cấp cứu vì nắng nóng cực đoan vào năm 2023 đã tăng đáng kể so với 5 năm trước đó. Năm đó có gần 120.000 người đã đến bệnh viện khám bệnh vì các vấn đề liên quan đến nhiệt độ cao, 92% trong số đó đến khám từ tháng 5 đến tháng 9. Vào tháng 7 và tháng 8, số lượt đến khám tăng gấp đôi so với 3 tháng còn lại. 

Nhiệt độ cao và bệnh tiểu đường, bệnh thận

Áp lực nhiệt đối với người do nhiệt độ cao cực đoan gây ra sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Vào tháng 3 năm nay, tại hội nghị “Dịch tễ học và phòng ngừa/ Khoa học lối sống và thay thế tim” của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một nghiên cứu đã công bố rằng, Nhiệt độ cao có thể làm suy giảm phản ứng miễn dịch thích ứng của cơ thể và thúc đẩy phản ứng viêm toàn thân, có thể gây tổn hại đối với hệ tim mạch của con người.

Đối với bệnh nhân tiểu đường, khả năng tản nhiệt bị suy giảm, cho nên, trong những đợt nắng nóng tăng cao và hoạt động thể chất quá mức, họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nghiên cứu chỉ ra, phản ứng tuần hoàn máu và tiết mồ hôi của bệnh nhân tiểu đường trong môi trường nhiệt độ cao yếu hơn, điều này gây ảnh hưởng lớn đến tim mạch và đường huyết. Đặc biệt, những người kiểm soát đường huyết kém và mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường sẽ nhạy cảm hơn dưới áp lực của nhiệt độ tăng cao.

“Nhiệt độ quá cao” cũng là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với bệnh thận. Khi cơ thể phản ứng với nhiệt độ tăng cao, thân thể sẽ tự động điều tiết nhiệt độ và sự tuần hoàn máu, điều này sẽ mang đến áp lực cho thận và làm suy giảm chức năng hệ thống thận. Ngoài ra, áp lực nhiệt cao kéo dài còn có khả năng dẫn đến bệnh thận mãn tính.

Nguyên tắc chăm sóc sức khỏe vào mùa hè của Đông y 

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, lương y Ngô Quốc Bân, giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Tâm Y Đường của Đài Loan, đã nhắc nhở mọi người: Khi cảm thấy nóng bức vào mùa hè thì chớ uống nước lạnh hay ngồi điều hòa ngay lập tức. Bởi vì hành động này sẽ khiến cơ thể không đào thải được độc tố và cảm lạnh, tạo điều kiện khí lạnh điều hòa xâm nhập cơ thể và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. 

Ông cho biết, Đông y cho rằng “gió” là nguồn gốc của nhiều bệnh tật, tức là: Gió là nhân tố môi trường dễ gây bệnh nhất. Lỗ chân lông của cơ thể sẽ mở ra hoặc co lại theo nhiệt độ môi trường để điều tiết nhiệt độ cơ thể thích hợp. Nếu nhiệt độ đang ở mức cao mà để gió thổi trực tiếp vào thân thể, gió sẽ đi qua các lỗ chân lông mở rộng xâm nhập vào cơ thể, sau đó từ từ lan rộng đến các kinh mạch và ảnh hưởng tới toàn bộ thân thể. 

Lương y Ngô Quốc Bân giải thích: Đông y cho rằng con người và thiên nhiên bên ngoài có sự đối ứng – gọi là “thiên nhân hợp nhất”. Mùa hè nóng bức là do dương khí (năng lượng) nằm trên bề mặt trái đất, còn dưới lòng đất thì mát mẻ, vì vậy ở trong hang động vào mùa hè sẽ cảm thấy mát mẻ hơn. Còn vào mùa đông tiết trời lạnh lẽo, dương khí chìm vào lòng đất khiến cho nhiệt độ trong các hang động trở nên ấm áp hơn. Đây là quy luật tự nhiên.

Cơ thể con người cũng vậy, vào mùa hè, lỗ chân lông sẽ mở ra, dương khí cơ thể nổi lên bề mặt da khiến con người dễ đổ mồ hôi nhưng lại làm cho nội tạng mát mẻ hơn. Vì vậy, thuận theo quy luật tự nhiên, vào mùa hè cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn giúp cho khí lạnh và độc tố trong thân sẽ được thải ra ngoài, cơ thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Nếu cả năm không đổ mồ hôi nhiều, độc tố trong cơ thể sẽ không dễ dàng đào thải, con người sẽ dần dần xuất hiện các triệu chứng bệnh tật.

Vì vậy, vào mùa hè nóng nực, bất kỳ phương pháp làm mát nào khiến cho lỗ chân lông se khít lại, ngừng đổ mồ hôi hoặc để không khí lạnh tràn vào tức thời đều không có lợi cho cơ thể.

7 phương pháp giải nhiệt sai lầm

Giải nhiệt mùa hè, nếu cố gắng giải nhiệt nhanh chóng hoặc sử dụng phương pháp không đúng sẽ gây hại cho sức khỏe! Vì vậy, các bác sĩ khuyên nên chú ý 7 điểm sau

Thứ nhất, không để điều hòa thổi trực tiếp vào cơ thể. Lương y Ngô Quốc Bân giải thích: Khi cơ thể đổ mồ hôi, lỗ chân lông mở ra, nếu dùng điều hòa để hạ nhiệt độ, lỗ chân lông sẽ co lại khi gặp lạnh, khí nóng trong cơ thể không thể thoát ra ngoài, điều này khiến cho người bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc đau bụng.

Ông chia sẻ hai trường hợp lâm sàng: Một bệnh nhân khi ngủ để quạt thổi từ chân vào cơ thể, đến sáng ngày thứ tư tỉnh dậy thì mặt anh ta bị lệch (tức là liệt dây thần kinh mặt); một bệnh nhân khác ngủ trên xe buýt, điều hòa trên xe rất mạnh, mặt bệnh nhân đối diện với điều hòa suốt một hai giờ đồng hồ. Khi xuống xe, dây thần kinh trên khuôn mặt của anh ấy liền bị tê liệt. Trung Y tin rằng đây là vấn đề do kinh mạch bị tắc nghẽn và lưu thông máu kém.

Ngoài ra, có người làm việc dưới điều hòa trong thời gian dài, dễ mắc “bệnh điều hòa”. Lương y Ngô Quốc Bân khuyên, vào mùa hè khi đi từ bên ngoài thời tiết nóng vào trong phòng có điều hòa, chúng ta nên khoác thêm chiếc áo mỏng để tránh khí lạnh xâm nhập vào cơ thể.

Thứ hai, bảo vệ phần sau đầu. Phía sau đầu có huyệt Phong Phủ, khi gió lạnh hoặc không khí thổi từ huyệt đạo này vào cơ thể sẽ rất dễ gây đau đầu, cho nên cần đặc biệt chú ý bảo vệ phần sau đầu.

Thứ ba , khi thân thể ra nhiều mồ hôi thì không nên tắm nước lạnh. Bởi vì lúc này lỗ chân lông toàn thân mở ra, tắm nước lạnh sẽ khiến hàn khí xâm nhập trực tiếp vào cơ thể, dễ gây đau khớp phong thấp sau này. Vì vậy, vào mùa hè cũng nên tắm nước ấm hoặc nước nóng.

Thứ tư, không để tóc ướt tự khô. Vào tiết trời nóng bức, sau khi gội đầu, nhiều người thường để tóc tự khô. Tuy nhiên cách làm này sẽ khiến cho cơ thể phải dùng thân nhiệt để khiến nước trên đầu bốc hơi và làm cho thân nhiệt giảm, ảnh hưởng đến da đầu. Về lâu dài có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Tốt hơn là bạn nên làm khô tóc bằng máy sấy tóc. 

Thứ năm, không nên đắp khăn ướt hoặc lạnh lên sau gáy. Mặc dù làm vậy bạn sẽ cảm thấy mát mẻ dễ chịu, nhưng cũng dễ để khí lạnh hoặc khí ẩm xâm nhập vào cơ thể. Dùng khăn lau khô mồ hôi là tốt nhất.

Thứ sáu, sau khi vận động hoặc đổ mồ hôi nhiều từ bên ngoài về nhà, bạn không nên uống đồ lạnh ngay lập tức. Điều này sẽ gây hại lớn cho cơ thể. Bởi vì lúc nhiệt độ cơ thể tăng cao, uống đồ lạnh để hạ nhiệt sẽ khiến cho hàn khí theo cổ họng vào khí quản, sau đó vào dạ dày. Uống hết đồ lạnh sẽ không chỉ làm tổn thương khí quản mà còn khiến cho phổi tổn thương, tim cạnh phổi cũng sẽ bị ảnh hưởng – môi trường lạnh cục bộ cũng sẽ khiến cho tim bị tổn thương.

Thứ bảy, không uống đồ uống lạnh sau bữa ăn. Điều này sẽ khiến chất béo trong dạ dày bị đông cứng ngay lập tức, không thể tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Sự thay đổi nhanh chóng giữa lạnh và nóng cũng làm cơ thể không chịu được, lâu dài sẽ dẫn đến rối loạn chức năng tỳ vị, giảm khả năng tiêu hóa, gây chán ăn, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng rối loạn chức năng dạ dày.

Mùa hè nên uống nhiều nước, vận động vừa phải

Lương y Đặng Chính Lương, Giám đốc Phòng khám Đông y Tế Đức Đài Loan, khi được phỏng vấn bởi Epoch Times đã cho biết, trong thời tiết nóng bức, nên uống nhiều nước để duy trì cân bằng nước trong cơ thể, phòng ngừa mất nước.

Lương y Ngô Quốc Bân cũng khuyên, mặc dù mùa hè rất nóng, nhưng tốt nhất vẫn nên uống nước nóng để giúp cơ thể đổ mồ hôi. Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Những người dễ đổ mồ hôi thì uống nước nóng sẽ không giúp đổ mồ hôi nhiều hơn, những người này nên uống nước ở nhiệt độ phòng, nhưng tuyệt đối không uống nước lạnh.

Nếu có người quen uống nước lạnh, Lương y Ngô Quốc Bân khuyên: Đồ uống lấy từ tủ lạnh ra, nên để ở nhiệt độ phòng để hàn khí bốc hơi rồi mới uống, như vậy sẽ không gây hại cho cơ thể.

Ngoài ra, Lương y Đặng Chính Lương cũng khuyên, vào mùa hè nên vận động vừa phải, bởi vì làm vậy có thể tăng cường tuần hoàn máu, thúc đẩy trao đổi chất và loại bỏ độc tố. Nhưng trong thời tiết nóng bức, nên chọn địa điểm và khung thời gian mát mẻ để vận động nhẹ nhàng, tránh tiêu hao thể lực quá mức mà dẫn đến bị say nóng.

Dưỡng sinh mùa hè, ăn trái cây thế nào?

Lương y Ngô Quốc Bân nhắc nhở, hầu hết các loại trái cây đều có tính hàn, đặc biệt là buổi sáng khi dạ dày trống rỗng, ăn trái cây trước bữa sáng sẽ khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, gây hại cho cơ thể. Sau bữa sáng, miễn cưỡng thì có thể uống nước trái cây. 

Ông khuyên thời điểm tốt nhất để ăn trái cây là sau bữa trưa. Vì buổi trưa nhiệt độ cơ thể cao, có thể ăn một số thực phẩm mát, bao gồm cả trái cây.

Ăn trái cây sau bữa trưa có lợi là không làm tăng đường huyết đột ngột, đồng thời giảm thiểu mức độ ảnh hưởng tính hàn của trái cây lên thân thể. 

Những ai dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao?

Nhóm đầu tiên: Trẻ em và người cao tuổi. Vì hệ thống điều tiết nhiệt độ cơ thể của họ hoặc là chưa hoàn thiện hoặc đã suy giảm nên dễ bị tổn thương dưới áp lực của nhiệt cao.

Nhóm thứ hai: Người mắc bệnh mãn tính. Một số loại thuốc có thể cản trở khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hiện có.

Nhóm thứ ba: Do tính chất công việc mà thường xuyên tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao trong thời gian dài. Nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao cùng với việc gắng sức khiến cho người làm việc trong môi trường này dễ bị chuột rút, ngất xỉu hoặc sốc nhiệt do hấp thụ nhiệt quá mức.

Người làm việc ngoài trời dưới nhiệt độ cao nên bổ sung đủ nước, thực hiện tốt biện pháp chống nắng và cố gắng tìm bóng râm để hạ nhiệt trong thời gian nghỉ giải lao.

Theo Epoch Times
San San biên dịch