Có vũ khí hạt nhân từ lâu, nhưng Bắc Kinh không tham gia Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân mà 191 nước trên thế giới là thành viên. Đồng thời vẫn một mình đề xuất chính sách nghe rất đạo đức trong việc sử dụng vũ khí huỷ diệt này. Chuyên gia cho rằng, đó là một cách “câu giờ” hay “tung hoả mù” của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế nên cẩn trọng và có sức ép mạnh mẽ hơn.
Vào ngày 22/7, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ công bố “Tài liệu làm việc của Trung Quốc về Sáng kiến chung không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” (ý nghĩa là Trung Quốc cam kết không tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên trong bất kỳ xung đột vũ trang nào).
Theo chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hách (王赫): “Động thái này nhằm phát động một cuộc tranh luận mới trên toàn thế giới về vấn đề vũ khí hạt nhân, với ý đồ chiếm lĩnh lập trường đạo đức cao, phản pháo lại Mỹ, và làm sạch vị thế của mình về việc mở rộng quy mô vũ khí hạt nhân, thiếu minh bạch quân sự, cũng như từ chối tham gia đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, nhằm lừa dối nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế”.
Tại sao Bắc Kinh lại phát hành tài liệu này? Đó có thể là do từ ngày 22/7 đến ngày 2/8, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp chuẩn bị lần thứ hai của Hội nghị Xét duyệt Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Như mọi người đều biết, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân đã tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với sự tồn vong của nhân loại. Vào năm 1957, Liên Hợp Quốc bắt đầu đàm phán về nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân được thông qua và ký vào năm 1968 (Mỹ, Anh, Liên Xô và 59 quốc gia khác đã ký), và có hiệu lực vào năm 1970. Với nỗ lực của chính phủ Mỹ, hiệp ước được gia hạn vô thời hạn vào năm 1995 và hiện có 191 quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên tổ chức Hội nghị Xét duyệt 5 năm một lần để đánh giá việc thực thi hiệp ước, trong đó có 3 cuộc họp chuẩn bị. Hội nghị Xét duyệt lần thứ 11 sẽ diễn ra vào năm 2026.
Trung Quốc đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình vào năm 1964, nhưng đã lờ đi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân trong suốt một thời gian dài (mặc dù hiệp ước công nhận Trung Quốc là một trong năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân), cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và họ gia nhập vào năm 1992.
Với một chế độ có những tham vọng toàn cầu mạnh mẽ, Bắc Kinh luôn say mê với vũ khí hạt nhân, thậm chí ngay cả trong thời kỳ “Nạn đói lớn 3 năm” khiến hàng triệu người chết, họ vẫn tiến hành “Lưỡng đạn, nhất tinh” (tức chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình phát triển vệ tinh nhân tạo).
Tuy nhiên, do sức mạnh quốc gia còn yếu, và sức mạnh hạt nhân của Mỹ và Liên Xô chiếm ưu thế tuyệt đối, ĐCSTQ đã kiểm soát rất chặt chẽ quy mô phát triển vũ khí hạt nhân trong một khoảng thời gian dài, với quan điểm “có một tí, ít một tí, tốt một tí” (nghĩa là chỉ phát triển một lượng vũ khí hạt nhân nhất định, không quá nhiều, nhưng cũng không quá ít, nhằm đạt được điểm cân bằng tối ưu).
Nhưng sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế của Trung Quốc bùng nổ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2010, họ trở nên giàu mạnh, tham vọng toàn cầu cũng tăng lên, cũng tự tuyên bố là đã “trỗi dậy” và nhấn mạnh vào “ngoại giao cường quốc”, “cộng đồng vận mệnh chung của nhân loại”. Từ đó Bắc Kinh bắt đầu mở rộng quy mô vũ khí hạt nhân một cách đáng kể, tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Về việc tăng cường vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh không nói gì, nhưng Mỹ lại có đánh giá tương đối chính thức. Vào năm 2020, báo cáo thường niên về “Diễn biến quân sự và an ninh Trung Quốc” của Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên công khai ước tính về số lượng năng lực hạt nhân của Bắc Kinh. Báo cáo cho rằng Trung Quốc có hơn 200 đầu đạn hạt nhân. Cùng với việc trang bị máy bay ném bom chiến lược có khả năng tiếp nhiên liệu trên không H-6N, Trung Quốc lần đầu tiên có được một lực lượng hạt nhân ba trong một, bao gồm lục quân, hải quân và không quân. Dự kiến, Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân của họ trong vòng 10 năm tới, lên khoảng 400.
Trong các báo cáo về lực lượng quân sự của ĐCSTQ những năm sau đó, Mỹ đã nâng mạnh ước tính về quy mô lực lượng hạt nhân của Bắc Kinh. Báo cáo năm 2021 cho rằng, Bắc Kinh sẽ tăng số đầu đạn hạt nhân từ 350 hiện nay lên 700 vào năm 2027, và lên hơn 1000 vào năm 2030. Báo cáo năm 2022 cảnh báo, Bắc Kinh hiện có hơn 400 đầu đạn hạt nhân, và đã gần như tăng gấp đôi số lượng này trong vòng hai năm. Nhịp độ mở rộng kho vũ khí hạt nhân có thể khiến Bắc Kinh sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân trước năm 2035. Báo cáo năm 2023 chỉ ra rằng, tính đến tháng 5/2023, Bắc Kinh đã sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân hoạt động, và có thể triển khai hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030, và có thể đạt 1.500 đầu đạn trước năm 2035.
Tác giả Vương Hách nhận định: ĐCSTQ đang tăng kho vũ khí hạt nhân với tốc độ nhanh nhất trên thế giới, điều này trái với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh muốn lật ngược dư luận quốc tế, một mặt không thừa nhận việc mở rộng vũ khí hạt nhân, mặt khác vẫn tiếp tục đòi hỏi “không sử dụng trước vũ khí hạt nhân”.
Như đã nói ở trên, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp với Mỹ và Liên Xô (Nga), Bắc Kinh cũng không có khả năng tiến hành cuộc đua vũ trang hạt nhân trong một thời gian dài. Để giảm tối đa ưu thế hạt nhân của Mỹ và Liên Xô (Nga), và biện minh cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân, ĐCSTQ đã đưa ra một chiêu: Ngày 16/10/1964 khi thành công trong việc thử nghiệm bom nguyên tử lần đầu, họ đã tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Sau đó, họ cam kết không có điều kiện sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân và khu vực không vũ khí hạt nhân.
Vào tháng 1/1994, ĐCSTQ chính thức đề xuất với Mỹ, Nga, Anh và Pháp dự thảo “Hiệp ước không sử dụng trước vũ khí hạt nhân”, đề nghị 5 nước sớm thảo luận về vấn đề này. Vào tháng 9/1994, lãnh đạo Trung Quốc và Nga cam kết trong tuyên bố chung rằng hai nước sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và không nhắm vào nhau bằng vũ khí hạt nhân. Vào tháng 6/1998, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố không nhắm vào nhau bằng vũ khí hạt nhân. Kể từ năm 2000, Bắc Kinh liên tục đòi hỏi các nước có vũ khí hạt nhân cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, do sự thiếu minh bạch về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và việc không tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân thực chất, cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều hoài nghi về sáng kiến này của Trung Quốc.
Ví dụ, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai của Ủy ban Chuẩn bị Đại hội xem xét Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngày 20 tháng 7, Cơ quan Quản lý An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ công bố: tính đến tháng 9 năm 2023, Mỹ có tổng cộng 3.748 đầu đạn hạt nhân. Từ năm tài khoá 1994 đến 2023, Mỹ đã tiêu hủy hơn 12.000 đầu đạn hạt nhân và còn 2.000 đầu đạn hạt nhân đang chờ xử lý. Ngoài ra, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ, Ông Frank Rose, kêu gọi các cường quốc hạt nhân tiếp xúc và đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí, nhằm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
So sánh hai bên, Trung Quốc chỉ đang “kêu gọi bằng lời”. Nếu Bắc Kinh thực sự chủ trương “không sử dụng trước vũ khí hạt nhân”, thì họ phải xây dựng lòng tin chiến lược với Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin và kiểm tra.
Một cách châm biếm, chỉ 7 ngày sau đó, ngày 17/7, ĐCSTQ lấy cớ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tuyên bố tạm ngừng các cuộc đàm phán song phương với Mỹ về kiểm soát vũ khí và ngăn chặn sự lây lan. Đối với điều này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Matthew Miller, phản hồi rằng “Trung Quốc lựa chọn bước theo Nga, tuyên bố không thể tiến hành các cuộc tiếp xúc về kiểm soát vũ khí khi đối mặt với những thách thức khác trong quan hệ song phương. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận này làm suy yếu sự ổn định chiến lược và làm tăng nguy cơ đua tranh vũ trang”.
Thực tế, trong những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc chỉ tổ chức “cuộc họp hiếm hoi” về hạt nhân vào tháng 11 năm ngoái, nhưng không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào. Thậm chí, Mỹ muốn thông báo với Trung Quốc về việc phóng tên lửa đạn đạo, giống như Trung Quốc và Nga cũng không thể đạt được. (Trung Quốc và Nga đã ký Hiệp định về thông báo lẫn nhau khi phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa mang vệ tinh vào ngày 13/10/2009, và được gia hạn thêm 10 năm sau khi hết hạn vào ngày 16/12/2020).
Về “một số ý tưởng thực chất hơn nhằm giảm rủi ro” mà Mỹ đưa ra, Trung Quốc cũng không có phản hồi.
Thiếu lòng tin, thiếu minh bạch quân sự, thiếu trao đổi thông tin qua lại, thiếu cơ chế kiểm tra, v.v. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh lại đưa ra “sáng kiến không sử dụng trước vũ khí hạt nhân”, ẩn chứa ý đồ gì?
Theo tác giả Vương Hách, “sáng kiến không sử dụng trước vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc thực chất chỉ là kế sách kéo dài thời gian, hoặc tung hoả mù. Một khi Trung Quốc có số lượng đầu đạn hạt nhân vượt quá đối thủ, Bắc Kinh có thể sẽ lại đưa ra lập luận khác. Cộng đồng quốc tế đã không còn tin tưởng Bắc Kinh từ lâu, nhưng Bắc Kinh lại nghĩ rằng các nước khác là những kẻ ngốc, họ có thể lừa bịp như thế nào thì lừa.
Không ai có thể phủ nhận rằng vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa đối với nhân loại, và tìm kiếm một thế giới không có vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung của toàn nhân loại.
Ông Vương Hách nhấn mạnh: “Tuy nhiên, với một chế độ như Bắc Kinh, kẻ có thể gây ra tội ác như cắt trộm cơ quan nội tạng của người sống, thì bất cứ sáng kiến nào của họ cũng đều mang tính chất dối trá. Nếu cộng đồng quốc tế thực sự thực hiện ‘sáng kiến không sử dụng trước vũ khí hạt nhân’, thì phải yêu cầu ĐCSTQ dừng việc mở rộng vũ khí hạt nhân, thực hiện các biện pháp minh bạch hạt nhân và tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân một cách thực chất”.