Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, từng là ẩn sĩ trên Thái Bạch Sơn, là một người tu hành hữu Đạo, thông thạo về lịch pháp và thuật dưỡng sinh.
Vào năm Hiển Khánh thứ ba, khi được Đường Cao Tông triệu kiến, Tôn Tư Mạc đã hơn 90 tuổi, nhưng thị lực và thính giác của ông không hề giảm sút. Lúc đó thi nhân Lô Chiếu Lân và danh sĩ Tống Lệnh Văn đều dùng lễ tiết đối với bậc phu tử mà tiếp đãi ông.
Con người là hình ảnh thu nhỏ của tự nhiên
Tôn Tư Mạc được hỏi rằng: “Danh y có thể trị khỏi bệnh, không biết là dựa vào đạo lý gì?”.
Tôn Tư Mạc đáp: “Ta nghe nói, những người thông hiểu trời nhất định có thể tìm thấy bản thể trên thân thể của con người. Những người biết rõ con người, nhất định sẽ lấy trời để làm bản thể. Vì vậy trời có xuân, hạ, thu, đông, đêm tối và ban ngày luân phiên thay đổi. Đông đến hạ đi, đây là sự vận động của thiên nhiên. Thân thể con người có tứ chi và ngũ tạng, cho dù là giấc ngủ, hô hấp hay kinh mạch và khí huyết đều có sự tuần hoàn. Lưu thông chính là sự tuần hoàn của khí huyết, biểu hiện rõ nhất chính là khí sắc của con người. Đây là sự vận động bình thường của cơ thể người”.
“Dương dùng tinh hoa của nó, âm dùng hình thể của nó, nếu vi phạm quy tắc của tự nhiên sẽ sinh ra bệnh. Bốc hơi có thể phát nhiệt, hoặc sinh hàn. Ứ đọng tạo thành khối u bướu (mụn thịt), chướng ngại trở thành u nhọt. Dựa vào những chẩn đoán biểu hiện phía trên có thể kiểm tra sự thay đổi nội bộ của cơ thể. Từ cơ thể con người, có thể suy ra được thế giới tự nhiên cũng giống như vậy. Tinh Tượng vận hành xảy ra sai sót, nhật thực, nguyệt thực, hay sao rơi đều là những điềm xấu tượng trưng cho nguy hiểm trong thế giới tự nhiên. Lương y dùng thuốc và châm cứu để trị bệnh cho người, Thánh nhân dùng đạo lý cao thượng và tài năng đức hạnh để trị lý thiên hạ. Cơ thể con người có nhiều căn bệnh có thể trị khỏi, tai hại trong trời đất này cũng có thể loại bỏ, tất cả những điều này đều là khí số”.
Làm người gan phải lớn, tim phải nhỏ
Lô Chiếu Lân hỏi: “Con người phải làm như thế nào trong thế gian này?”.
Tôn Tư Mạc đáp: “Gan phải lớn, tim phải nhỏ, trí tuệ phải linh hoạt, đa biến, không cố chấp ý kiến của riêng mình, hành vi phải chính trực”.
Lô Chiếu Lân: “Giải thích như thế nào?”.
Tôn Tư Mạc: “Tim là bộ phận đứng đầu trong ngũ tạng, tuân theo quy luật mà làm việc, vì vậy phải thận trọng. Gan là tướng lĩnh trong ngũ tạng, cần phải kiên quyết quả đoán, vì vậy gan cần phải lớn. Người có trí tuệ hành động như trời, vì vậy cần linh hoạt đa biến. Người nhân nghĩa trầm tĩnh như đất, vì vậy hành vi cần phải chính trực. Không vì lợi ích tham vọng mà làm điều trái với luân thường đạo lý, không vì làm điều nhân nghĩa mà tạo ra sự ân hận ngày sau. Như vậy mới có thể gọi là hành vi chính trực của người nhân nghĩa. Kinh Dịch thuyết rằng: ‘Gặp được cơ hội nhất định phải lập tức đi làm, không thể chỉ biết chờ đợi cả ngày, như vậy mới gọi là sự linh hoạt đa biến của người trí tuệ’. Con người có ‘năm điều úy’, tâm tư mới có thể rõ ràng”.
Trước tiên phải biết úy sợ Đạo, sau đó úy sợ Trời, kế tiếp úy sợ vật, úy sợ người, cuối cùng là úy sợ chính bản thân mình
Lô Chiếu Lân hỏi: “Trong đạo lý dưỡng sinh, điều quan trọng nhất là gì?”.
Tôn Tư Mạc đáp: “Trời có đầy có thiếu, trong thế giới của con người cũng có vô số điều nan giải. Không bao giờ có ai có thể tự giải thoát bản thân khỏi nguy hiểm mà không biết hành sự thận trọng. Vì vậy, những người dưỡng sinh trước tiên phải biết cẩn trọng”.
Kinh Thi giảng: “Nhân bất úy cụ tai họa, thiên tựu yếu hàng tai nan cấp nhĩ”. Nghĩa là: Con người không biết kinh sợ, kỵ úy tai họa thì trời sẽ giáng tai nạn xuống cho con người.
“Kỵ úy, trước tiên phải biết úy Đạo, sau đó úy Trời, kế tiếp úy vật, úy người, cuối cùng là úy chính bản thân mình”.
“Nếu như con người mất đi sự sợ hãi, tâm tư dễ bị rối loạn, khó điều chỉnh, hành vi nôn nóng khó lòng tự kiềm chế. Trạng thái tinh thần luôn không ổn định, dễ thay đổi, thường mất phương hướng, không có định lực”.
“Người có thể hiểu được những đạo lý này, khi chèo thuyền trong dòng nước thì Giao Long cũng không thể hại đến; đi trên đường cũng không bị mãnh thú gây thương tổn; các loại bệnh tật, ôn dịch cũng không thể gây truyền nhiễm; kẻ thích nói xấu người khác cũng không thể nói xấu. Người hiểu được đạo lý này thì cũng sẽ hiểu được nhân tình thế thái trên đời”.
Không lâu sau, Tôn Tư Mạc nhậm chức Thừa Vụ Lang, phụ trách các vấn đề dược phẩm. Vào đầu năm Vĩnh Thuần của Đường Cao Tông, Tôn Tư Mạc qua đời. Ông để lại di chúc rằng: Cần chôn cất sơ sài, không cần đốt giấy tiền vàng bạc, khi bái tế cũng không nên sát sinh.
Hơn một tháng sau khi ông qua đời, khí sắc vẫn giống hệt như người còn sống. Lúc đưa thi thể của ông vào quan tài giống như khiêng một bộ y phục trống không. Cả đời Tôn Tư Mạc đã viết ra ba mươi quyển “Thiên Kim Phương” truyền cho hậu thế.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Khải Phong biên dịch