Phong cách sống của người Nhật đang là chủ đề khá phổ biến được nhiều người chia sẻ và học hỏi trên thế giới. Sức ảnh hưởng đáng ngưỡng mộ đó được bắt nguồn từ đâu? Chính là từ nền văn hóa đã được hình thành lâu đời và ăn sâu vào hệ tư tưởng cũng như hành động của người Nhật trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Những năm gần đây, phong trào “Mindfulness” – “Nhận thức hiện tại” hay “Thiền Chánh niệm” đã trở thành xu thế rộng khắp trên toàn thế giới. Nhưng ở Nhật Bản, nó đã ăn sâu vào văn hóa lâu đời hàng thế kỷ nay.
Thực hành Thiền Chánh niệm trong đời sống hàng ngày
Tôi đã được trải nghiệm lối sống “Mindfulness” của họ khi chứng kiến con tàu Shikansen nhẹ nhàng lướt vào nhà ga, cùng lúc đó một nghi thức kì lạ bắt đầu. Trong một khoảng thời gian ngắn, người điều khiển con tàu thực hiện các thao tác cuối cùng, anh ấy độc thoại với bản thân, đọc to rõ ràng rành mạch về từng quy trình nhiệm vụ, về các thao tác làm việc của mình, và hành động mạnh mẽ theo từng bước trong quy trình đó.
Anh ấy đã làm gì vậy? Bạn có thể nói rằng anh ấy đang thực hành “Mindfulness”, người Nhật gọi là Shisa kanko (hay còn gọi kiểm tra và điểm danh). Hình thức này đã được các nhân viên đường sắt sử dụng trong suốt 100 năm qua. Người lái tàu sẽ điểm danh tất cả những bộ phận cần phải kiểm tra và đọc to tất cả những thông số kĩ thuật tương ứng, để đảm bảo rằng mọi thứ đã được kiểm tra kĩ lưỡng và không bỏ sót bất kì chi tiết nào.
Phương pháp này mang lại hiệu quả rất tốt. Theo một nghiên cứu vào năm 1994 của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật đường sắt Nhật bản (được đăng tin trong Nhật bản Thời báo), khi được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ đơn giản thì tỷ lệ công nhân mắc lỗi là 2,38/100 (tức trong 100 hành động thì có 2,38 hành động có xảy ra sai sót nào đó). Tuy nhiên sau khi áp dụng phương pháp Shisa kanko thì con số này giảm xuống còn 0,38/100, giảm được 85% nguy cơ mắc lỗi.
Theo định nghĩa của Wikipedia: “Mindfulness hay Thiền Chánh niệm là khi một người tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ của mình vào một sự vật, sự việc và không có bất cứ phán xét gì tại một thời điểm nhất định trong hiện tại”.
Trong phần trình bày của mình tại Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Đánh giá và Phát triển nhân tài, Deiric McCann – Phó Chủ tịch của Profiles International đã chia sẻ định nghĩa về Mindfulness:
“Mindfulness là một hệ thống về sự nhận thức tại thời điểm hiện tại, bao gồm cả sự tự nhận thức về bản thân, một cách chú tâm, khách quan và không phán xét”.
Việc thực hành Thiền trong từng ý niệm nhỏ giúp kiểm soát tư tưởng bản thân một cách đúng đắn, bởi nếu bạn có tư tưởng, suy nghĩ đúng thì hành động tiếp theo sẽ đúng. Việc nhấn mạnh vào hoạt động tư tưởng của con người, tự hỏi bản thân các câu hỏi như có hay không? đúng hay sai? cần thiết hay không cần thiết? nên hay không nên?… sẽ giúp con người có những quyết định chỉ đạo hành vi một cách đúng đắn nhất.
Tập trung, không phán xét, hay thiền định không chỉ là ngồi song bàn kết ấn
Tuy vậy Thiền không phải chỉ là ngồi bắt chéo hai chân trong thế song bàn trên nệm ngồi (mà người Nhật gọi là Zazen). Theo ông Jon Kabat Zinn, giáo sư y khoa danh dự thuộc Trường Đại học y khoa Massachusetts, nơi ông thành lập phòng nghiên cứu nổi tiếng về đề tài “Thiền Chánh niệm giúp giảm các yếu tố căng thẳng” vào năm 1979, thì Thiền không chỉ là ngồi đả tọa giống những bức tượng, mà nó có thể đơn giản chỉ là sự nhận thức thực tại ở mọi thời điểm.
Cái mà thế giới gọi là Mindfulness thật ra là điều đã ăn sâu vào tâm trí người Nhật trong nhiều thế kỷ mà không cần phải mở lớp học tập như tại nhiều quốc gia hiện nay. Bạn sẽ không nghe thấy người Nhật nói về điều này, nhưng nó được thể hiện qua rất nhiều phương diện.
Nghệ thuật thưởng thức trà, làm thơ kiểu Bài cú (haiku) hay đơn giản như việc ngắm hoa anh đào là những minh chứng cho cách người Nhật coi trọng và đề cao thời khắc hiện tại.
Ví dụ như trong nghi lễ thưởng trà, người dùng trà cần phải có thời gian để chiêm ngưỡng thiết kế của chiếc cốc trước khi uống và hiểu rõ giá trị của việc bài trí tại phòng trà, được thể hiện qua các hình hoạ trang trí, có thể là những loại hoa và cây theo mùa chỉ có vào thời điểm này trong năm. Từ đó họ hiểu sâu xa rằng buổi trà này được tổ chức tại địa điểm hiện tại, với ai đó, trong một khoảng thời gian như vậy, tất cả điều này trên thực tế sẽ không tái hiện lần nữa vì thế họ rất trân trọng khoảnh khắc đó.
Thể thơ Haiku (Bài cú) được ra đời ở thế kỉ 17 và phát triển mạnh ở thời kỳ Edo (1603-1867) khi nhà thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho (cũng là một Thiền sư theo trường phái Thiền Tông) đã nâng cấp thể thơ dân gian trào phúng lên thành nghệ thuật sâu sắc mang âm hưởng Thiền định. Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất trên thế giới. Tuy rất cô đọng nhưng nó đã nâng cao giá trị từng giây phút của hiện tại lên thành nghệ thuật. Mỗi bài thơ chỉ có 17 âm tiết, sử dụng những hình ảnh rất chắt lọc để mô tả một cảm nhận đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị… để truyền đạt sự thức tỉnh bất chợt hay như khái niệm “Đốn ngộ” trong Phật giáo.
Đôi khi những bài thơ Haiku mang theo những tâm sự về buồn vui của cuộc đời, về sự vĩnh hằng, to lớn của vũ trụ và về sự nhỏ bé của con người. Cũng có lúc bài thơ Haiku lại mang sắc thái tưởng tượng phong phú để người đọc tự suy diễn và cảm nhận, ví dụ như một bài thơ Haiku “Con ếch” nổi tiếng của nhà thi sĩ Matsuo Basho:
“Ao xưa
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao”
Bài thơ có vẻ đẹp đơn sơ của “ao cũ”, lấy động tả tĩnh qua hành động nhảy của con ếch, qua âm thanh của tiếng nước để thấy được sự tĩnh lặng của không gian. Kigo ở đây là con ếch, tức mùa xuân. Cảnh vật rất cô tịch, chính là cái tĩnh lặng mang tính Thiền tông. Âm thanh tiếng nước mà con ếch của Basho khuấy động còn mãi âm vang vọng trong hồn người bao thế hệ. Những bài thơ haiku của Basho được xem là khúc giao hưởng của một tâm hồn đang hoà nhập với vũ trụ, là cuộc hành trình về với thiên nhiên và vũ trụ tinh khiết.
Và không ở đâu trên thế giới này, sự thưởng thức và tưởng niệm từng thời khắc lại rõ ràng như hoạt động ngắm hoa anh đào ở đất nước Mặt trời mọc vào mùa xuân hàng năm. Bởi vì hoa anh đào nở rất nhanh, chỉ kéo dài trong một tuần hoặc dài hơn một chút. Thiền sư đồng thời cũng là nhà thiết kế sân vườn Shunmyo Masuno chia sẻ rằng:
Sự ngắn ngủi phù du định hình nên nghệ thuật thưởng thức cái đẹp của người Nhật
Họ còn có nhiều những buổi lễ để thưởng thức và trân trọng vẻ đẹp chóng tàn, ngắn ngủi, vô thường của sự sống như lễ ngắm trăng rằm tháng Tám chẳng hạn. Và trong khi chúng ta dường như chẳng bao giờ để mắt tới rêu phong hay coi nó như là một thứ vô nghĩa, thì đó là thứ không thể thiếu trong tất cả các khu vườn Thiền định kiểu Nhật Bản. Đó là hiện thân sống động của quan niệm thẩm mỹ Wabi-sabi nổi tiếng, trong đó đề cao tinh thần khiêm nhường, mộc mạc, phù du và tính không hoàn hảo. Điều này được bắt nguồn từ giáo lí của nhà Phật về Tam Pháp ấn. Và quan điểm này có tác động rất tích cực trong lối sống và tư tưởng của người Nhật, họ chấp nhận sự không hoàn hảo, bởi họ cho đó là tự nhiên, và đồng nghĩa với việc họ chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách, hay đôi khi cả là sự thất bại.
Chánh niệm Nhật Bản mang nhiều ý nghĩa hơn là việc chỉ ngắm côn trùng, hoa lá
Trong thời đại hiện nay, rất nhiều những ứng dụng thực tiễn gần như chi phối tới mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày, giúp bạn ý thức được sâu sắc hơn về những gì đang hiện hữu. Tại trường học ở Nhật, một ngày đều bắt đầu và kết thúc bằng một nghi lễ ngắn gọn, mọi người chào nhau và trao đổi những sự kiện trong ngày. Trước và sau mỗi giờ học, cô giáo và học trò đều đứng lên chào hỏi và cảm ơn nhau, học sinh được yêu cầu nhắm mắt lại để tâm lắng xuống, cảm nhận thời gian trôi đi và suy nghĩ về những gì đã làm, đang làm và sẽ làm, để từ đó mà tập trung tư tưởng hoàn thành tốt công việc.
Tương tự như vậy, các công nhân xây dựng tham gia khởi động cơ thể tập thể trước khi lao động. Các nhân viên văn phòng sẽ nói “Otsukaresama” – “bạn đã vất vả rồi” như một cách thay lời cảm ơn vì những gì bạn đã làm. Trong các lần gặp gỡ giao tiếp, họ sẽ trân trọng đưa cho bạn danh thiếp, người nhận tấm danh thiếp đó sẽ kiểm tra một cách cẩn thận thông tin trên tấm thiếp và đưa ra một vài lời bình cho tấm thiếp, chứ không đơn thuần chỉ là bỏ tấm danh thiếp đó vào trong túi áo.
Những thông lệ này là cách mà ông Kabat – Zinn gọi là: “Quan tâm đến những điều bình thường mà chúng ta thường không bao giờ nghĩ đến”. Chúng giúp ta nhận thức được mình đang ở đâu? đang làm gì trong suốt cả ngày, điều này khiến chúng ta không trở thành một cái máy hành động không chủ đích và chỉ nghĩ đến khi nào hết giờ làm.
Như đa phần văn hóa Nhật bản, gốc rễ tất cả các phong tục này nằm trong Thiền, Takafumi Kawakami, vị thầy tu của ngôi đền Shunkoin ở Kyoto nói: “Chánh niệm là một phần của truyền thống Phật giáo trong nhiều thế kỉ”. Trong thời đại Kamakura (1185-1333), Thiền đã trở nên phổ biến trong tầng lớp Samura và có ảnh hưởng tới khá nhiều loại hình nghệ thuật, bao gồm: nghi thức uống trà, cắm hoa, nghệ thuật bài trí cảnh quan sân vườn. Vào thời đại Edo (1603-1868), Thiền đã đi vào trong giáo dục đối với những tầng lớp bình dân hơn.
Đối với những người thực hành Thiền định, Thiền thấm sâu trong mọi hành động trong sinh hoạt hàng ngày như: tắm rửa, nấu ăn, dọn dẹp, làm việc. Eriko Gugoagaki ở đền Shinshoji ở Fukiyama tỉnh Hiroshima chia sẻ rằng: “Tất cả những hành vi và thói quen trong cuộc sống hằng ngày là một sự rèn luyện về Thiền”.
Trong bộ sưu tập 101 câu chuyện cổ thú vị về Thiền định của Paul Reps vào năm 1957 đã lột tả được những tinh hoa, tinh túy trong Thiền định. Sau nhiều năm học để trở thành Thiền sư, Teno đã đến thăm Nan-in, một Thiền sư lâu năm. Lúc đó trời mưa rất lớn, như thường lệ Teno để chiếc guốc gỗ và ô ở lối vào trước khi vào nhà Nan-in.
Sau khi cung kính hành lễ, Nan-in hỏi Teno: “Ngài đã bỏ chiếc ô của mình bên trái hay bên phải đôi guốc?”, không thể trả lời câu hỏi đó, Teno nhận ra rằng mình còn một chặng đường dài để đạt tới cảnh giới chân chính trong Thiền, và ông quyết định dùng hơn sáu năm để học chuyên sâu về Thiền.
Chắc hầu hết chúng ta đều không có nhu cầu đạt đến mức độ Thiền định cao như vậy. Tuy nhiên câu hỏi của Nan-in vẫn là rất thích đáng vì càng ngày càng có nhiều các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nhận thức hiện tại không chỉ làm tăng khả năng phục hồi sức khỏe mà còn làm giảm đi căng thẳng và trầm cảm.
Leah Weiss, một giảng viên cao cấp của chương trình bồi dưỡng lòng từ bi thuộc trường đại học Stanford, là một trong số những chuyên gia đang được kì vọng từ những người tán thành quan điểm “Chánh niệm từ hành động” cho biết, đây là điều cần được áp dụng thực hành trong suốt cả ngày chứ không phải chỉ trong mười phút Thiền định. Weiss mô tả việc này như là “nhận thức của ý thức về những suy nghĩ, cảm xúc và môi trường xung quanh ngay cả khi bạn đang tham gia vào một số hoạt động khác”.
Vậy làm thế nào để chúng ta tập trung được nhiều sự chú ý cho những chi tiết và thời khắc hiện tại hơn trong cuộc sống của mình? Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản, như hãy quan sát và tự hỏi mình trước khi dời khỏi nhà vào buổi sáng như: Tắt đèn chưa? Rồi! Đóng cửa chưa? Rồi! Mang tiền chưa? Rồi! Mang điện thoại chưa? Rồi!. Đảm bảo bạn sẽ không bao giờ quên chìa khóa hay bất kì vật gì nữa. Sau đó, có thể bạn sẽ có thời gian để dừng lại và để ý đến cây cỏ hoa lá quanh mình.
Khi tại nhiều nơi trên thế giới, Mindfulness hay cái tên nghe có vẻ cao siêu như “Thiền Chánh niệm” đang trở nên ngày càng được quan tâm thì người ta lại ít biết rằng người Nhật đã thực hành điều này từ rất lâu rồi. Họ không có những lớp học với những giải thích cầu kỳ về thế nào là Thiền Chánh niệm, nhưng họ rất hiểu về thiền định và ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Thiền nếu chỉ gói gọn trong việc ngồi đả tọa nhập định thì quả là một thiếu sót lớn cho những ai muốn đạt được trạng thái an nhiên tự tại hơn. Thiền chánh niệm trong mọi việc chúng ta làm là để đem đến cho con người sự tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm, kiểm soát vọng tưởng và làm tâm mình dịu lại. Thật ra đó cũng chỉ là cách thức đối phó để loại bỏ tạp niệm và những ham muốn của con người. Một khi bạn còn rất nhiều dục vọng, ham muốn, sở thích, đòi hỏi và nhu cầu thì tâm bạn sẽ không bao giờ tĩnh lại được. Nhưng người Nhật kiểm soát và khắc chế sự lan tỏa của những suy nghĩ không đầu không cuối xuất phát từ chấp trước của mình bằng cách thực hành Thiền chánh niệm trong mọi việc họ làm. Nó đem lại một tác dụng trực tiếp là nâng cao hiệu quả lao động nhưng đằng sau đó là một hình thức giới cấm để hạn chế những ham muốn, mộng tưởng lan man của bản thân mà thôi. Khi đã hình thành một thói quen chặn đứng những suy nghĩ và cảm xúc không cần thiết, họ sẽ đạt được sự tự do trong nội tâm và hạnh phúc đích thực của đời mình.
Theo Steve John Powell
Tịnh Tâm – Thu Hiền
Xem thêm:
- Quốc gia nhỏ và nghèo nhất châu Âu đã dạy cả thế giới về lòng tin trong thời kỳ khủng hoảng như thế nào?
- Sự thật nghiệt ngã về nước Mỹ qua lời kể của du học sinh Trung Quốc
- Vì sao Chúa Jesus, Phật Thích Ca đến độ nhân nhưng lại bị chính con người hãm hại?