—— Cảm nhận sau khi xem chương trình lịch sử “Tiếu đàm phong vân”
Tác giả: Chân Vũ
Không ít người yêu thích lịch sử, thích nghe và xem các câu chuyện lịch sử. Đầu những năm 80, tivi chưa phổ biến ở Trung Quốc đại lục, giờ nghỉ trưa, hầu như nhà nào trong khu tập thể cũng nghe chương trình kể chuyện trên đài phát thanh, thậm chí đứng ngoài hành lang cũng có thể nghe thấy, âm thanh nổi còn hơn cả Dolby Atmos. Nhưng tôi lại là một người khác biệt, hoàn toàn không hứng thú với chương trình kể chuyện đó. Lên trung học có môn lịch sử, nhưng tiếc là thời đó giáo dục nặng về thi cử, bài giảng chỉ toàn những con số khô khan về thời gian, địa điểm, nhân vật và sự kiện, cảm giác nghe giảng lịch sử như đi tham quan một nghĩa trang lạnh lẽo vô sinh cơ.
Những năm gần đây, loạt chương trình giảng sử “Tiếu đàm phong vân” của tiến sĩ Chương Thiên Lượng đã thay đổi hoàn toàn sự lãnh cảm của tôi đối với lịch sử. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng nói về lịch sử Trung Quốc vô cùng phong phú: có sử thi anh hùng của nhà Hán, có cảnh vạn quốc lai triều của nhà Đường, có nền kinh tế và văn hóa phát đạt của nhà Tống, cũng có văn trị võ công của thời Khang Càn thịnh thế; có đỉnh cao nghệ thuật của thơ Đường từ Tống, cũng có tiểu thuyết Minh Thanh vừa tao nhã vừa bình dân; có hùng tài đại lược của Tần Hoàng, Hán Vũ, có lòng tinh trung báo quốc của Nhạc Vũ Mục, có nghĩa bạc thanh thiên của Quan Vân Trường; có những danh tướng thiên cổ như Nhạc Phi, Hàn Tín; có những thích khách như Chuyên Chư, Dự Nhượng; có những bậc thánh nhân như Khổng Tử, có những tông sư Phật gia như Đạt Ma, Huyền Trang; còn có những chân nhân Đạo gia như Trương Tam Phong; có trí tuệ của Đạo gia, có từ bi của Phật gia, có nhân nghĩa của Nho gia, kỳ kế của Binh gia, quỷ mưu của Pháp gia. Một chuỗi tổng kết của tiến sĩ Chương Thiên Lượng khí thế hùng vĩ, văn chương tráng lệ, tựa như giữa trời đất xuất hiện một sân khấu khổng lồ, các triều đại khác nhau nối tiếp nhau diễn cảnh hưng suy thành bại, thiện-ác trung-gian, ân oán tình thù và bi hoan ly hợp…

Kể sử bằng những câu chuyện nhân vật sinh động
“Tiếu đàm phong vân” lấy chính sử Trung Quốc làm cơ sở, kể về sự biến hoán phong vân của lịch sử. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng không chỉ là một vị học giả có tư duy logic chặt chẽ, mà còn rất có thiên phú kể chuyện, rất nhiều nhân vật lịch sử được ông kể một cách sinh động và rõ nét, như Ngũ Tử Tư khổ tâm thâm mưu, Hàn Tín bữa cơm ngàn vàng, chân tướng quân Chu Á Phu ở trại Tế Liễu, v.v., trong đó ấn tượng sâu sắc nhất phải kể đến Tây Sở Bá Vương – Hạng Vũ.
Trong phần 2 “Tần Hoàng Hán Vũ” nói về Hạng Vũ, tiến sĩ Chương Thiên Lượng đã trích dẫn “Sử ký” “Ám ác sất trá, thiên nhân giai phế”, ý là Hạng Vũ quát thét một tiếng, ngàn người đều run sợ. Ví dụ như ở Quảng Vũ Giản, Hạng Vũ hét một tiếng, dọa Lâu Phiền sợ đến nỗi tay phát run, cung tên rơi xuống đất, tự mình chạy về đại doanh; lại như bên bờ sông Ô Giang, Hạng Vũ hét một tiếng, Xích Tuyền Hầu Dương Hỉ không chỉ người hãi, mà ngay cả ngựa cũng kinh, chạy như điên mấy dặm cũng không dám dừng lại. Đúng như Hạng Vũ viết trong “Bài ca dưới thành Cai Hạ”: “Lực bạt sơn hề khí cái thế”, nếu nói về dũng mãnh trên chiến trường, Hạng Vũ có thể nói là anh hào cái thế, từ chiến tranh chống Tần đến chiến tranh Sở Hán, cho đến trước khi tự vẫn ở Ô Giang, ông chưa từng thua trận nào.
Khi Hạng Vũ xung trận khí thế long trời lở đất, tiến sĩ Chương Thiên Lượng đã dùng một phép so sánh đầy họa diện để hình dung – Hạng Vũ cầm kích, cưỡi ngựa Ô Truy, khi xông trận giống như Moses rẽ biển Đỏ, binh lính nước Tần lũ lượt đổ rạp sang hai bên. Tiến sĩ Chương Thiên Lượng vừa giảng, vừa duỗi thẳng hai cánh tay, mu bàn tay đối nhau, lòng bàn tay hướng ra ngoài, sau đó hai cánh tay từ giữa nhanh chóng tách sang hai bên. Ông giảng một cách say sưa, đầy hứng thú, tôi xem một cách say mê.
Trong khi giảng sử, ngoài khí phách của Hạng Vũ, còn có sự xót xa khi bá vương Biệt Cơ anh hùng mạt lộ, còn có sự thấu triệt trong lời bình phẩm của Hàn Tín về Hạng Vũ “thất phu chi dũng” (hữu dũng vô mưu), “phụ nhân chi nhân” (nhân từ kiểu đàn bà), khắc họa một hình tượng bá vương vô cùng sống động.
Tiến sĩ Chương Thiên Lượng thường trích dẫn nguyên văn, nhưng sẽ dùng tiếng Hán hiện đại để giải thích ý nghĩa, tương đương với việc vừa xem được nguyên văn sử sách, lại có bản dịch đối chiếu bằng tiếng Hán hiện đại, rất chu đáo.

Dung hội quán thông xuyên việt các triều đại và cương vực
Chương trình giảng sử “Tiếu đàm phong vân” còn có một đặc điểm là sự dung hội quán thông, tiến sĩ Chương Thiên Lượng không chỉ khái quát tổng kết lịch sử Trung Quốc hàng trăm, hàng ngàn năm, mà còn thỉnh thoảng khái quát tổng kết một loạt sự kiện lịch sử có tính phổ quát siêu việt thời đại. Ví dụ như khi nói đến phong vân lịch sử khó lường, tiến sĩ Chương Thiên Lượng đưa ra ví dụ về “bốn trận gió lớn” thay đổi cục diện lịch sử. Trận gió lớn ở Xích Bích đã định hình cục diện Tam Quốc đỉnh lập; trong chiến tranh Sở Hán, trận gió lớn ở Bành Thành đã cứu mạng Lưu Bang; trận gió lớn trong trận chiến hồ Bà Dương đã giúp Chu Nguyên Chương tiêu diệt Trần Hữu Lượng, trở thành hoàng đế khai quốc nhà Minh; càng ly kỳ hơn là ba trận gió lớn đã thổi tứ tử Chu Đệ Chu Nguyên Chương từ Nam Kinh đến Bắc Kinh, thổi thẳng lên ngôi vị hoàng đế.
Sự dung hội quán thông này không giới hạn trong cương vực địa lý của Trung Quốc, đôi khi còn mở rộng ra phạm vi thế giới, giúp khán giả có tư duy và tầm nhìn rộng mở hơn. Trong tập cuối cùng của phần 1 “Đông Chu liệt quốc”, tiến sĩ Chương Thiên Lượng đã nói về “Thời đại nguyên điển”, tức là trong cùng một thời đại, kinh điển của mỗi dân tộc đồng loạt được lưu lại. Khi đó, ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, như Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử, v.v.; cũng đồng thời kỳ đó, ở những nơi khác trên thế giới cũng diễn sinh ra những nhà tư tưởng vĩ đại như vậy, như Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ, Socrates ở Hy Lạp cổ đại.
Trong “Tần Hoàng Hán Vũ”, tiến sĩ Chương Thiên Lượng còn nói rằng, cùng thời kỳ với Tần Hán, những khu vực khác trên thế giới cũng lần lượt xảy ra một số sự kiện đại thống nhất tương tự. Ví dụ như ở Ấn Độ cổ đại, A Dục Vương thống nhất tiểu lục địa Ấn Độ; thời kỳ cực thịnh của Đế quốc La Mã, chiếm lĩnh một vùng lãnh thổ rộng lớn ở châu Á, châu Âu và châu Phi, diện tích cương vực xấp xỉ nhà Hán, biến Địa Trung Hải thành nội hải của Đế quốc La Mã, v.v.
Những địa phương mà dường như không có bất kỳ giao thông và giao lưu văn hóa nào, nhưng lại đều xuất hiện những nhân vật và sự kiện tương tự, không khỏi cảm thán, lịch sử luôn tương tự một cách đáng kinh ngạc. Vậy thì trong cõi u minh, là ai đã an bài?

Kết luận
Tôi từng nghĩ, rõ ràng là giảng sử, tại sao lại gọi là “Tiếu đàm phong vân”? Có phải là vì câu thơ “Cổ kim đa thiểu sự, đô phó tiếu đàm trung” trong “Lâm Giang Tiên” của Dương Thận? Hay là nói sự kiện lịch sử lớn đến đâu, nhân vật phong vân quan trọng đến đâu, cũng đều sẽ trở thành phù vân thoáng qua?
Ngoài thủ từ của Dương Thận, tiến sĩ Chương Thiên Lượng còn nói: “Trong ‘Kinh Dịch’ có một câu nói như thế này, gọi là ‘Vân tòng long, phong tòng hổ’. Trong loạt chương trình này, sẽ kể rất nhiều câu chuyện long tranh hổ đấu.” Ồ, dùng ‘phong vân’ để chỉ long tranh hổ đấu trong lịch sử, thật tuyệt! Tiến sĩ Chương Thiên Lượng không chỉ am hiểu mạch lạc lịch sử, mà còn có tâm thái siêu thoát khi nhìn nhận lịch sử.
Ngoài những câu chuyện cảm động, tiến sĩ Chương Thiên Lượng còn nói về rất nhiều chân tướng lịch sử, ví dụ như, bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật và đốt sách chôn nho, tính hợp pháp chấp chính và thiên nhân cảm ứng, trường đại học sớm nhất thế giới và chính phủ quan văn, v.v., sau này có cơ hội sẽ chia sẻ với mọi người.
Để cảm ơn những bạn đã xem đến đây, xin tặng một đoạn ngoại truyện nhỏ nhé. Vì có rất nhiều bạn mới biết đến Tiến sĩ Chương Thiên Lượng qua kênh “Thiên Lượng thời phân” trong vài năm gần đây, những bạn này nếu xem 《Đông Chu liệt quốc》, có thể thấy được dáng vẻ của Tiến sĩ Chương Thiên Lượng mười mấy năm trước, vì phần 1 《Tiếu đàm phong vân》 được sản xuất hoàn thành vào năm 2012.
Link 《Tiếu đàm phong vân》 trên Ganjing World: https://www.ganjingworld.com/s/eqqMEzNYRe
Phần 1 《Đông Chu liệt quốc》: https://www.ganjingworld.com/s/o87bOAr3v8
Phần 2 《Tần Hoàng Hán Vũ》: https://www.ganjingworld.com/s/DQMz6D8WOZ
Phần 3 《Đại Đường thịnh thế》: https://www.ganjingworld.com/s/Rop2YVK0V0
Phần 4 《Lưỡng Tống phồn hoa》: https://www.ganjingworld.com/s/Rop2Y4b8WO
Phần 5 《Đại Minh vương triều》: https://www.ganjingworld.com/s/p861e3p8QX
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch