Đã vài tháng kể từ khi tàu thám hiểm New Horizons có chuyến bay lịch sử tiếp cận sao Diêm Vương, nhưng con tàu thăm dò này mới chỉ truyền được một nửa lượng dữ liệu thu thập được tại thời điểm đó về trụ sở của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong số những phát hiện mới nhất được NASA công bố trong tuần này, có bằng chứng cho thấy lượng ni-tơ lỏng đóng băng bao phủ phần lớn bề mặt hành tinh lùn này có thể không phải lúc nào cũng trong tình trạng đóng băng. NASA cho rằng sự thay đổi áp suất khí quyển của sao Diêm Vương qua thời gian có thể đã làm tan khối ni-tơ đóng băng khổng lồ này trong quá khứ – một giả thuyết được hỗ trợ bởi nhiều đặc điểm chi tiết bề mặt hành tinh đã được tàu New Horizons ghi nhận được, ví như “một địa hình giống hồ nước bị đóng băng ở phía bắc cánh đồng băng Sputnik Planum”.
“Các chất lỏng có thể đã tồn tại trên bề mặt sao Diêm Vương trong quá khứ”, chuyên gia nghiên cứu chính của dự án New Horizons, ông Alan Stern đã trao đổi với báo chí vào hôm Thứ Hai vừa qua (21/3) tại Hội nghị Khoa học Mặt trăng và Hành tinh (Lunar and Planetary Science Conference) được tổ chức tại Texas, Mỹ. “Phần lớn nhóm nghiên cứu chúng tôi cho rằng đây là một cái hồ trong quá khứ”.
Theo các nhà khoa học, địa hình bằng phẳng, trống trơn của vật thể trong bức hình bên dưới, vốn trái ngược với địa hình gồ ghề xung quanh, rất có khả năng là một cái hồ ni-tơ lỏng, đóng băng sau khi từ biệt một thời kỳ ấm áp hơn trong lịch sử hành tinh này.
Ông Stern trao đổi với trang New Scientist rằng, “Nó rất mịn, như thể chất lỏng đã đóng băng tạo thành một độ dày nhất định. Thật khó để đưa ra một giả thuyết thay thế có khả năng giải thích cho dạng địa hình như vậy”.
Nhưng như đã biết, quỹ đạo sao Diêm Vương nằm cách Mặt trời vài tỷ km, khiến nhiệt độ trung bình bề mặt hiện nay của hành tinh này là vào khoảng – 299 độ C, vậy thì chính xác khi nào nó mới trở nên đủ ấm để có thể làm tan chảy ni-tơ lỏng đang đóng băng? Theo NASA, câu trả lời phụ thuộc vào góc nghiêng hơi dao động mà tại đó sao Diêm Vương quay quanh Mặt Trời, cùng thời gian hoàn tất một chu kỳ quay lên đến 248 năm của nó.
Với quỹ đạo rộng như vậy, và tùy thuộc vào độ nghiêng trục quay, NASA cho biết sao Diêm Vương sẽ phải chịu sự thay đổi áp suất khí quyển cực đại, với kết quả từ các mô hình cho thấy nó có thể đạt tới mức áp suất gấp 20.000 lần hiện nay. Điều này rốt cục sẽ ảnh hưởng đến mức nhiệt bề mặt, và – nếu NASA đúng – sẽ đồng thời làm tan các khối ni-tơ lỏng đóng băng khổng lồ thành sông và hồ.
Việc này không xảy ra thường xuyên. Theo tính toán của các nhà khoa học, lần cuối cùng hiện tượng này có thể đã xuất hiện là cách đây khoảng 800.000 năm, khi độ nghiêng trục quay của hành tinh lùn đạt khoảng 103 độ C. Còn hiện giờ, sao Diêm Vương đang ở trong giai đoạn trung gian giữa hai đợt khí hậu khắc nghiệt, nghĩa là sẽ cần một khoảng thời gian rất lâu nữa trước khi hiện tượng này lại xảy ra.
Nhóm nghiên cứu của New Horizons đã chuyển gần 40 bài báo khoa học cho hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng trong tuần này, dựa trên các dữ liệu từ tàu thăm dò, và thật tuyệt khi chúng ta đã có những phát hiện rất mới mẻ dù mới chỉ phân tích được một nửa số dữ liệu được ghi nhận. Hy vọng số dữ liệu còn lại sẽ đem đến nhiều thông tin thú vị khác.
Theo Sciencealert
Thu Hiền
Xem thêm: